Hoa hậu Bồ Đào (18)

Không khí vui vẻ ở nhà nàng, thổi tan lần vầng mây u ám giăng ra trước chơn trời của Hiếu. Nhà bấy giờ có vẻ sung túc, khá giả lắm và tự nhiên lòng người trong nhà thơ thới ra. Nội cái việc cãi nhau về các mục phát thanh cũng đã nhộn lắm rồi. Ông Trung thích nghe bình luận thời sự, bà Trung ưa Vọng cổ do Út-Trà-Ôn, Thanh-Nga, Văn-Hường ca, còn Hiếu lại chỉ chịu nghe nhạc mới, nhạc yêu cầu, và nhạc ngoại quốc thôi. Chiếc máy transistor cũng tội, nó bé thế mà phải phục vụ nhiều sở thích khác nhau quá, cũng khổ cho nó lắm.

Nhà có con đông, chiếc máy may giúp cho quỹ gia đình đỡ tốn, và biết đâu hai mẹ con bà Trung lại không khéo tay lãnh thêm những chiếc áo bà ba may của người hàng xóm để kiếm thêm chút ít. Cái buồn, cái khổ của người khác dừng chơn lại nơi ngưỡng cửa nhà nầy mà hạnh phúc đến dễ dàng quá, chỉ với mười ngàn bạc thôi. Ai bảo tiền không gây hạnh phúc? Có lẽ đó là ý kiến của những kẻ dư ăn dư để quá rồi không còn ham muốn gì nữa cả, chớ một gia đình thiếu ăn, được một món tiền mọn đối với người khác, đã sung sướng trông thấy rồi.

-À, má quên cho con hay, bà Trung vụt nói thình lình như vậy. Khi trưa, ba con đi làm, và con lên thăm con Hoàng, bà Bồ-Đào có đến. Bả xin phép với má cho bả đưa con đi quay phim để quảng cáo cho hãng rượu. Bả nói trước khi quay phim, bả còn phải sắm ăn, sắm mặc cho con, nên bả cho hay mai sáng, bả sẽ đến rước đi may áo, mua giày, mua xắc đó nghe.

-Nhưng thưa má, bả có nói ai chịu tiền mua sắm hay không?

-Má quên hỏi điều đó rồi. Má nào biết ất giáp gì.

-Nếu như con phải tốn tiền thì con chịu thôi.

Hiếu nói như vậy, nhưng trong bụng nàng quyết hy sinh. Nàng muốn làm dáng lắm, nhưng không tiền, nay có tiền tội gì lại nhịn.

Đây là một chuyện làm cho đêm nay nàng không sao ngủ được như bao đêm rồi. Cuộc đời thật đậm vị chớ không buồn tẻ như khi trước mà sáng như chiều, chiều như tối, không tin tức lành, dữ, vui, buồn gì đến cả.

Quay phim! Nàng biết điều đó. Chỉ là phim quảng cáo thôi và nàng chỉ có tự rót cho mình một ly rượu Bồ Đào trong khi tiếng vang của đoàn người vô hình nào, ca lên bản “Bồ Đào mỹ tửu”. Nhưng biết đâu một hãng phim nào đó lại không rình rập những tài năng mới rồi đưa hợp đồng cho nàng ký.

Thế là giàu sang! Khỏi phải cày cục xin một chơn thơ ký đánh máy nữa rồi. Cái mộng làm đào hát bóng là cái mộng chung của không biết bao nhiêu người đồng lứa với mình, nhưng chỉ có một mình mình là có hy vọng mãn nguyện thôi! Làm giàu! Ừ, nghe họ nói mà phát ngộp. Như là các cô đào bên Huê-Kỳ mỗi lần ký hợp đồng, lãnh được đến mấy mươi triệu đô-la Huê-kỳ, tính ra hằng trăm triệu của mình. Xứ mình nghèo thì ít lắm cũng được vài trăm ngàn chớ.

“A, bối rối quá, được tiền nhiều như vậy biết cất đâu cho chắc, biết làm gì bây giờ! Ừ, mình sẽ mua cho ba má một căn nhà dựa đường phố lớn, sẽ sắm xe cho em, không chừng xin ba đừng đi làm nữa cho mệt, và chắc chắn là sẽ thuê người gánh nước đêm thay cho mình”.

Nghĩ tới đây Hiếu bật cười. Đã sắm nhà lớn tức là có nước vào nhà, còn phải thuê ai gánh nước làm chi nữa!

Nếu Hiếu đang đội sữa trên đầu như cô Bê-Rết của La-phong-Tên, chắc nàng đã, như cô Bê-Rết, đánh đổ cả bình sữa vì nàng đang nhảy như cô Bê-Rết đây: bán bình sữa, mua con gà mái, gà mái đẻ nở ra hằng chục con, bán gà mua heo, mua trừu, v.v…

Hiếu vừa nhảy vừa đi lần xuống nhà dưới rồi quảy đôi thùng thiếc lên vai, và nghe sao mà nó nặng hơn ngày nào cả.

Ba giờ trưa hôm sau, bà Bồ-Đào lại đến thăm, có mang quà cho vợ chồng ông Trung, nào là sầu riêng, nho tươi, xá-lị, ôi thôi lu bù.

-Thế nào cô hoa hậu, đi với dì được chớ? Má đã cho phép rồi đó. Hiếu do dự rất lâu mới dám nói:

-Cháu muốn lắm, ngặt sợ tốn tiền. Bà Bồ-Đào cười ngất rồi hỏi:

-Chớ mười ngàn mới lãnh đây, cô đã đậu chến hết rồi sao?

-Dạ, cháu sắm máy may, sắm ra-dô…

-Hay. Nhưng nói chơi vậy chớ dì phải tốn cho con chớ, ai lại để con xuất tiền túi, nhưng mà có điều nầy, dì cũng đã xin phép má rồi, là con phải đi đứng cho nhiều, giao thiệp với các cô gái nhà lành khác, cho sành điệu bộ và sành ăn mặc cái đã, rồi mới quay phim được.

Cái nầy kỳ dị lắm con à, là chiếc áo, chiếc áo nào cũng thế, vậy mà có người mặc xem đẹp, có người không, mà toàn là người đẹp cả chớ. Phải có tướng ăn mặc nữa kia, mà tướng ăn mặc thì trời cho không đủ, phải học, nhưng lại không học như bài học được. Phải sống chung với những người ăn mặc sành một lúc thì tự nhiên được cái sành của họ lây qua mình.

Con còn hơi hám học trò nhiều lắm, và vẻ ngây thơ của con rất quý, nhưng lại không hạp với các cuộc giao thiệp các cuộc đứng đợt với người ta.

-Con không biết, tùy dì dìu dắt con.

-Bây giờ con đi dạo phố với dì vài hôm cho quen, và để chọn hàng lụa, chọn các thứ cần dùng khác. Thôi xin phép chị Tư cho cháu nó đi với em.

-Ừ, tôi gởi nó cho dì đó.

Hiếu chỉ tốn có năm phút là sửa soạn xong cả. Nàng không son phấn, không o bế mái tóc, chỉ tròng chiếc áo dài vào thân là rồi, hai dì cháu đi ra ngoài, và đây là lần dạo phố đầu tiên trong đời Hiếu. Từ trước tới giờ, nàng chỉ đi vì mục đích nào đó thôi, chớ không biết dạo phố là sao cả.

Dì Sáu – nàng đã gọi bà Bồ Đào bằng dì Sáu – dì Sáu nói, khi xe ngừng lại bên vỉa hè đường Tự Do:

-Con đường đông đảo người qua lại là đường Lê Lợi và Lê-Thánh-Tôn. Nhưng dì cháu mình phải đi ở đây mới có hàng tốt mà xem, mà chọn.

Bỗng dì Sáu vịn vai Hiếu thì thầm:

-Con xem cặp ba cô đi ngoài đường. Con thấy họ làm sao?

-Một cô đẹp, hai cô xấu.

-Cô đẹp mặc áo màu gì?

-Màu vàng.

-Con thấy sai, chính hai cô kia mới đẹp, nhưng chắc là bà con quê mới lên, dáng điệu thô quá, và y phục đẹp của họ không ăn khớp với dáng điệu của họ. Cô áo vàng chỉ sành ăn mặc và khéo đi đứng thôi. Con thấy không, đẹp trời cho chưa đủ. Con tuy không quê như hai cô ấy, nhưng vẫn không bảnh như cô áo vàng. Nhưng mà rồi con sẽ bảnh. Cái bảnh sẽ lần lần thấm vào người con, muốn bảnh ngay không được đâu.

Hai dì cháu lại đi và dì Sáu lại hỏi:

-Khi nào con mặc một chiếc áo mới, nhứt là một chiếc áo rất đẹp, con nghe thế nào?

-Con nghe khó chịu, nhột nhạt lắm.

-Ấy, người ngoài cũng thấy là con khó chịu y như con cảm nghe. Chừng nào mà mặc áo đẹp con hết nghe khó chịu là chừng ấy con đã bảnh rồi.

Dì Sáu dừng bước lại trước một hiệu buôn của người Ấn-độ, bán toàn nước hoa và son phấn mà thôi. Dì Sáu chỉ chiếc tủ kính mà kệ nào cũng bày đầy dẫy những lọ nước hoa đủ màu, đủ cỡ, đủ hình thù rồi hỏi:

-Con phân biệt được thứ nào chế tạo tại Chợ-lớn và thứ nào là thứ nước hoa ngoại quốc hay không?

Hiếu làm thinh, đứng nhìn thật lâu những cái ve vuông, ve tròn, ve tam giác, ve eo, ve ốm, ve mập, ve cao, ve lùn, ve tím,ve xanh và mỉm cười:

-Con thấy ve nào trình bày cũng đẹp hết, không biết thứ nào tốt, thứ nào xấu.

-Dượng con trông là biết ngay và nói ra được những dấu hiệu “lô-canh”, những dấu hiệu nhập cảng. Dì cũng biết ngay, nhưng nói ra không được.

-Chắc dì căn cứ vào hiệu quen.

-Không, nếu căn cứ như thế, thì bên Tây chắc không ai dám lăng xê hiệu mới cả. Dì xem bằng trực giác. Có khi dì căn cứ vào giá tiền, hễ giá cao, nước hoa ắt tốt.

Hiếu cười dòn lên và nói:

-Như vậy cháu cứ chế tạo nước hoa xấu rồi bán giá cao, chắc sẽ được hoan nghinh lắm.

Dì Sáu cười ngất, quẹt má Bích-Lệ một cái rồi cười nữa. Dì không chịu kêu tên Hiếu không đẹp của nàng mà chỉ gọi cái biệt hiệu mỹ miều ấy thôi.

-Cháu thật thà quá. Khách hàng không dại, nhà sản xuất biết thế và cũng không dại. Thí dụ ve Chanel số 5 nầy giá 385đ, ve kia 395đ, chưa chắc ve kia đã hơn. Nhưng lọ Eschouka cũng bấy lớn đó mà tới 950đ thì chắc chắn là tốt hơn, vì nhà sản xuất không dám bán hàng xấu với giá cao như vậy.

Để dì chọn phấn cho con, nhưng con đánh phấn thì phải học với mấy đứa nhỏ khác. Dì xưa rồi, làm không bằng chúng nó đâu.

-Mấy đứa nào thưa dì?

-Mấy đứa bạn của cháu ấy, nè, cái tụi hoa hậu hụt hôm nọ cũng sành lắm, nhứt là con Suzie. Dì biết tụi nó hết, cháu nên tìm tụi nó mà chơi.

__________

Vườn Bà Lớn là nghĩa địa tư của họ Đỗ Hữu, một họ rân rát ở Sài Gòn ngày xưa. Nay nghĩa địa cho người ta vào cất nhà ở một bên mép nên khu nghĩa địa rất đông đúc, và nhứt là nhà cửa ở khu đó rất khó tìm.

Bích-Lệ nhớ rõ con số 6, nhưng đi quanh quẩn trót giờ mới tìm ra nhà Suzie. Nhà Suzie cất bằng gạch, giữa một xóm nhà lá, và chỉ có một căn phố thôi, nhưng làm đỏm làm dáng muốn trở thành vi-la với mặt tiền huê dạng. Bích-Lệ nghe tiếng dương cầm trong ấy và hơi ngạc nhiên mà thấy người theo lối sống quý phái như Suzie lại đi ở trong một xóm bình dân.

Tiếng dương cầm đàn thật khẽ, gần như cố ẩn đi như sợ hàng xóm phiền trách, và ồ… có tiếng con gái ca. Không phải là tiếng đàn đệm làm nền cho bài hát mà đờn và ca đều theo cả hai phần nhứt. Bích-Lệ đoán rằng ai đó đang học hát. Cửa ngoài đang đóng, chỉ có cửa sổ là mở thôi. Bích-Lệ không dám làm rộn buổi học của người ta nên đứng trước cửa mà đợi cho dứt bài hát mới dám gõ cửa.

-Ai đó?

Mặc dầu chỉ mới quen với nhau thôi, Bích-Lệ cũng nhận ra giọng nói nhão nhẹt của Suzie. Nàng đáp:

-Bích-Lệ đây!

-A, Bích-Lệ, may mắn quá!

Tiếng guốc chạy trên gạch rồi cửa mở ra:

-Hoa hậu! Gió nào đưa đến?

Suzie mặc bi-da-ma kiểu tân thời, bó sát mình, ống quần thật cao để lộ ra ống chân trắng của nàng và hoa hậu thấy rằng chức Hoa hậu phải nhường co cô gái mặc hở cổ, khoe cái ngực trắng nõn ra ấy.

Bích-Lệ cũng sắp reo lên mừng bạn, nhưng chợt thấy một thanh niên ngồi trước dương cầm nên e lệ làm thinh chỉ cười thôi.

-Vào, vào đây!

Suzie nắm tay bạn mà kéo vào nhà, cử chỉ ấy tố giác rõ rệt cá tính mạnh của nàng và bản ngã yếu đuối của Bích Lệ.

-Xin giới thiệu anh Hùng, nhạc sĩ, chị Bích Lệ, bạn của em, Hoa hậu Bồ Đào.

Thanh niên bị lò xo đầy bật lên như trái banh vồng mạnh từ một nền đất cứng, cười nói:

-Kính chào hoa hậu. May mắn cho tôi quá, nghe danh, ngưỡng mộ, không dám mong thấy hình, nhưng rốt cuộc lại được quen.

Bích Lệ chỉ cúi đầu chào rồi không nói gì nữa.

-Tụi nầy sai hẹn với bạn để bạn đến trước, thật lỗi quá. Nhưng Suzie có phải là người đầu tiên được hân hạnh đến thăm không cái đã.

-Đầu tiên đối với những ai?

-Đối với đám hoa hậu hụt.

-Ừ, em đến thăm chị trước nhứt.

-Bỏ tiếng em đi nha bồ. Nếu không mầy tao ngay thì xưng tôi là quá lắm rồi.

Nhạc sĩ Hùng cũng mặc áo ca rô như họa sĩ tặng hoa nhưng tóc hắn thật bóng láng và hắn ẻo lả chớ không hách như họa sĩ kia. Hắn chạy tuốt vào phòng Suzie rồi lát sau mang ra một ly đá và một chai Bireley khui rồi. Hắn rót nước ngọt đon đả mời:

-Hoa hậu giải khát.

-Cám ơn anh.

-Hoa hậu quay phim chưa?

-Chưa anh à.

-Nhưng đã ký hợp đồng rồi với hãng nào đó chớ?

-Dạ không, chỉ sắp quay phim quảng cáo cho hãng rượu Bồ Đào thôi.

Suzie bật cười trước lời lẽ thật thà của người bạn mới. Người khác, sẽ le với thanh niên rằng có khối hãng đề nghị hợp đồng nhưng đều bị từ chối vì ca-xê không đúng mức, chỉ có ba bốn trăm ngàn một phim thì ký làm gì cho mệt.

-Xin lỗi hoa hậu, hoa hậu cho phép tôi gọi hoa hậu bằng Bích Lệ như đã gọi bạn tôi đây là Suzie được chớ?

-Anh cứ tự tiện.

Chỉ có một lần nầy thôi là Bích Lệ thấy mình hoạt bát hay nói cho đúng, thấy mình nói một câu không quê, không thật thà.

-Bích Lệ ca có tốt giọng không? Chắc ít ra cũng oanh vàng chớ?

Bích Lệ cười và pha trò:

-Chỉ oanh đất thôi, và thuộc bài nào em hát bài nấy chớ không biết ca theo đờn hoặc theo ký âm đọc lớn ra.

Đâu Bích Lệ ca một bài, tôi đệm cho.

-Ý, không được đâu. Em mắc cỡ, chỉ ca trong nhà em thôi.

-Thì ở đây cũng bạn nhau cả mà.

-Thôi mà Hùng, đừng có nài nỉ, bả còn nhát đèn để thủng thỉnh hãy hay. Bích Lệ hỏi bạn:

-Chị ca có hay không ?

-Kêu mỗ bằng Suzie. Không hay mới học đây chớ. Hùng xen vào:

-Suzie chỉ dượt thôi, để làm ca sĩ đó, tức là đã hay rồi chớ còn gì mà khiêm nhượng. Tôi hân hạnh quá, đã là bạn của một nữ ca sĩ trứ danh…

-Danh mốc xì!

-Nhưng Suzie sẽ trứ danh, tôi tin chắc như vậy. Đã thế lại quen với hoa hậu. Tối nay tôi xin mời Bích Lệ đi ăn cơm với chúng tôi nhé.

-Em đi không được đâu.

-Bích Lệ không thích đi với tụi tôi à?

-Thích lắm nhưng má không cho.

-À, còn má nữa. Sao mà lắm cô có má thế, mà má nào cũng cấm hết, chỉ có Suzie là tự do.

Hùng nên về là tốt hơn.

-Đuổi hả?

-Đuổi, nhưng không phải vô cớ. Một người bạn mới của Suzie mới đến chơi lần đầu thì phải để chị ấy thân mật với Suzie.

-Đuổi thì Hùng đi.

-Đừng có nói lẫy, nên tự nhiên, vui vẻ mà đi cho nó đẹp. Bích Lệ phản đối:

-Không, anh Hùng ở chơi không sao, tôi không có gì giấu ai hết.

-Ấy, thấy không, chỉ tại Suzie nhiều chuyện và hay rắc rối lôi thôi, chớ Bích Lệ vẫn cho phép…

-Đừng có cố lì, nên biết điều một chút.

-Thì thôi vậy!

Hùng nhẫn nại rút lui, nhưng trước khi ra cửa, nghiêng mình chào Bích Lệ và nói:

-Rất mong gặp lại Bích Lệ và nhứt là mong được quen biết nhiều với Hoa hậu. Ta sẽ kéo cánh nhau tẩy chai cái cô chủ nhà khó chịu nầy.

Cả ba cười xòa và Hùng hỏi với từ ngoài sân:

-Chiều nay đi ăn cơm chứ Suzie?

-Xin hẹn khi khác.

-Coi kìa, mới hồi nãy đây, Suzie nhận lời.

-Nhưng ai cấm Suzie đổi ý.

-Vậy mà không chịu nói. Nếu người ta không hỏi lại cặn kẽ thì sao?

-Thì không sao cả. Hùng tới đây Suzie đóng cửa, thế là Hùng đi rủ cô bạn khác.

Họ lại cười xòa với nhau lần nữa. Khi người nhạc sĩ bị hất hủi đã khuất dạng, Bích Lệ nói:

-Thân lắm sao Suzie làm thế, không sợ mất bạn à?

-Thằng cố lì ấy, chửi nó nó cũng cứ nhào vô, để Bích Lệ biết.

Hiếu làm thinh để ý thức cho rõ lại về nếp sống của cô bạn mới nầy. Không biết những cô gái khác có như vậy hay không chớ cô nầy thì hay quá. Có bạn trai là nhạc sĩ lại bảnh đứa, thế mà cô ta xem không ra gì, thì chắc cô ả còn nhiều bạn trai khác nữa, hay hơn nhiều.

Tự nhiên nàng nhớ đến Trọng, Trọng không xấu xí hơn Hùng, nhưng đứng trước Hùng, chắc chàng rất có vẻ khật khù. Chàng chỉ biết cộng với trừ và đánh máy lạch xạch chớ ngón tay của chàng không biết giỡn với những phím dương cầm để chọc cho nó reo vui, cho nó thổn thức, cho nó nổi giận, cho nó thở dài, cho nó thì thầm như ai nỉ non bên tai mình.

-Bích Lệ nghĩ gì vậy? Hiếu cười:

-Tôi nghĩ nhiều về một câu của Suzie. Tối anh ấy đến đây. Suzie đóng cửa, thế là anh ấy đi rủ cô bạn khác. Thế anh ấy không buồn sao?

Suzie lại cười ngất:

-Bọn tôi là người của thế hệ Sagan mà, còn biết buồn là sao nữa. Cũng chẳng biết vui là gì. Cứ cố mà vui cho quên sự trống rỗng trong lòng vậy thôi. Bích Lệ tình cảm giống y như Suzie mấy năm trước.

-Thế hệ Sagan là gì Suzie?

-Suzie cũng chẳng biết Sagan là cái quái gì. Cứ nghe tụi nó nói như vậy, nghe hay thì Suzie cũng nói như tụi nó.

-Tụi nào?

-Thì tụi thằng Hùng, con Lilie, con Hồng, con Tuyết chớ còn tụi nào nữa.

-À Lilie, Hồng, Tuyết có đến chơi thường hay không?

-Không, nhưng tụi nầy gặp nhau mỗi ngày.

-Ở đâu?

-Ở nơi khác.

Hiếu thấy đời thật lạ lùng. Sao lại có những con người không biết buồn, không biết vui? À, mà có cả những con người hết biết yêu như Hoàng đã thú bữa trước, chắc bọn nầy cũng thế và Hoàng cũng như bọn nầy.

“Lạy trời cho con cứ còn mãi là con người, tức là còn biết buồn vì buồn được thì thú biết bao; và còn biết vui nếu không, con sẽ tự tử mất, và nhứt là còn biết yêu…” Nghĩ đến đây, Hiếu sực nhớ rằng nàng đã có rất nhiều lúc nín thinh từ khi bước vào nhà nầy. Nàng pha trò:

-Vậy hôm nay Bích Lệ đến chơi, thế hệ Sagan có vui, có buồn gì hay không, hay chỉ dửng dưng?

-Có, vui lắm, mà vui thật chớ không phải nói đẩy đưa cho vừa lòng bạn đâu, Bích Lệ đến chơi như thổi vào nhà Suzie một luồng gió… cũ, luồng gió của năm xưa nó đi theo sự thật thà của Bích Lệ mà vào đây gợi nhớ cho Suzie những năm thuở ấy, những năm mà Suzie còn thấy nhiều thứ trên đời nầy là cao quý và thiêng liêng.

Vì thế mà Suzie đã đuổi thằng Hùng đi vì nó là hiện thân của thế hệ buồn nôn. Hết thế hệ Sagan, đến thế hệ buồn nôn. Sao lại buồn nôn? Cũng là tiếng mà tụi nó thường dùng. Bích Lệ nghe tụi nó nói tiếng ấy Bích Lệ cũng đâm ra buồn nôn. Tụi nó lên giọng nói tiếng buồn rồi kéo dài ra. Buồn nôn là gì à? Tụi nầy thấy đời vô vị quá nên bắt buồn và… tới đây Suzie cười ngặt nghẽo lâu lắm mới tiếp được… và đời thấy tụi nầy vô dụng quá cũng bắt buồn nôn.

Hiếu cũng cười. Nàng đâm ra sợ, nhưng lại ưa, thấy bọn nầy hay hay. Nàng giống như trẻ, sợ ma mà rất thích nghe chuyện ma.

-Có thật Suzie dượt ca để làm ca sĩ hay không?

-Đúng y như vậy.

-Suzie có dự thi chọn lựa tài tử lần nào chưa?

Chưa. Nhưng không cần. Những người được tuyển chọn ở các đám ấy lắm khi không ai dùng, mặc dầu họ không dở hơn Suzie và có thể còn giỏi hơn.

-Nhưng sao…

-Phải đẹp, phải ơ… khó nói lắm… và nhứt là phải giao thiệp rộng, có người nâng đỡ mới vào làng được.

-Nhưng cũng phải có tài chớ?

Không cần, miễn đừng dở lắm. Bích Lệ tối nay đi trà thất với Suzie. Bích Lệ sẽ thấy nhiều ca sĩ ca rất dở.

-Coi bộ Suzie không tin yêu nghề lắm.

-Cố nhiên. Thế hệ buồn nôn mà! Bích Lệ xem, ba Suzie chạy áp-phe mà lắm khi hai ba tháng không có áp-phe nào cả, thì Suzie phải tìm phương sống vậy thôi. Mà làm nghề gì bây giờ? Làm nghề gì vừa sạch, vừa kiếm tiền dễ dàng, mỗi tháng mạt tệ lắm cũng được sáu ghim, cho bằng cái nghề ấy mà Suzie rất đủ điều kiện.

-Tối nay đi ăn cơm với Suzie nha. Rồi ta đi trà thất để coi tụi nó ca mà cười chơi.

-Không được, má không cho.

-Hề gì, Suzie sẽ theo Bích Lệ về nhà, rồi xin phép giùm Bích Lệ.

-Còn má Suzie đâu?

-Má mất từ bảy năm nay.

-Có má ghẻ hôn?

-Không. Ông bố ổng có mèo ở đâu ấy, nhưng không hề đưa về đây. Vả lại ổng đi cả tuần mới về.

-Bây giờ là năm giờ rồi, tụi mình lên má Bích Lệ rồi tụi mình đi ăn cơm nha!

Bích Lệ ngại lắm, không phải sợ má rầy, nhưng lo đi đến những nơi lạ và sang trọng mà nàng nhát vào, mặc dầu rất khát khao muốn đến những nơi đó.

Suzie vừa bước vào trong vừa nói:

-Bồ vào đây chơi!

Buồng trong có gác nhỏ bằng gỗ. Dưới nhà kê giường đẹp lắm và hai chiếc tủ, một tủ móc áo, và một tủ mặt gỗ nhỏ hơn nhiều.

-Chà, áo của ai mà nhiều như vậy? Suzie chỉ tủ áo và nói với bạn:

-Bích Lệ thấy không, mỗi tháng Suzie may bốn chiếc áo mới, không làm ca sĩ thì ông bố nuôi sao cho nổi, mà cũng không người con trai nào dám nhảy vào mà gánh cái gánh nầy cả.

Bích Lệ hoa mắt lên trước non trăm chiếc áo đủ màu, đủ loại bông, đủ loại rằn ri trong tủ. Nàng, nàng chỉ có ba chiếc thôi, một trắng, một đen, một hồng, may từ hai năm rồi.

Suzie chạy tuốt ra sau rửa mặt tốc hành, rồi vừa lau mặt, vừa trở lên nói:

-Ông bố ngủ trên gác, nhưng lắm khi cả tháng ổng không về. Bích Lệ có xin phép được thì ở chơi với Suzie một lúc.

-Suzie tự do quá!

-Đâu có bằng con Lilie, vì ông bố thỉnh thoảng lại về. Con Lilie nó ở buyn-đin một mình mới khỏe chớ.

-Sao lại ở một mình ?

-Ba nó giàu, nhưng nó không thuận với mẹ ghẻ. Ba nó gả chồng cho nó mãi mà không được nên mướn buyn-đin cho nó ở riêng cho khỏi sanh giặc hàng ngày trong nhà.

Suzie chỉ chiếc ghế nhỏ cho bạn ngồi, còn nàng thì ngồi lại trước bàn phấn kê sát tường.

Hiếu càng ngạc nhiên trước mỗi khám phá mới về cuộc đời. Thì ra có những thiếu nữ cùng lứa tuổi với nàng mà nếp sống lại như thế, mà không sao nàng tưởng tượng nổi.

-Sao không thấy Bích Lệ son phấn gì cả vậy?

Bích Lệ giựt mình khi nghe câu hỏi thình lình ấy giữa lúc nàng đang nghĩ vơ nghĩ vẩn. Đây là câu hỏi mà nàng trông đợi, và tới đây thăm bạn, chỉ vì bà Bồ Đào đã xui nàng học làm đỏm với tụi nầy thôi. Nhưng nàng mắc cở không dám hỏi, đợi có dịp may đưa nàng tới đó.

Hoa hậu Bồ Đào ấp úng giây lát rồi thú thật:

-Bích Lệ không biết.

-Không biết thì banh con mắt ra mà xem, rồi Suzie sẽ dạy thêm tiêu-ri cho. Bích Lệ mà ăn diện đúng mức thì tụi nó sẽ theo mà lạy dưới gót Bích Lệ cho coi.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: