Nội nhà chỉ có hai người khóc, mà họ khóc thầm nên mỗi người rơi lệ ngỡ chỉ mình họ là sầu đến thế thôi. Bà Trung thấy hy sinh của bà từ mấy năm nay uổng quá. Chưa bao giờ bà dám nhờ con phụ giúp công việc nhà lâu hơn mười lăm phút, trừ việc gánh nước mà bà không làm nổi.
Mặc dù gần hụt hơi với công việc, bà vẫn can đảm quán xuyến một mình, để con đủ thì giờ học hành. Hiếu là hãnh diện của bà trong xóm, hãnh diện với quê mẹ của bà. Bà có con gái làm việc trong ngạch Nhà nước, bà sẽ khoe như vậy, và họ sẽ thán phục, hạnh phúc của bà sẽ tăng thêm trước những lời khen đượm hơi hướng ganh tị của họ.
Giờ thì bà không còn mong được nghe nói: “Cô ấy làm chánh ngạch à? Bảnh ghê!” là vì nếu Hiếu không tìm được một chân thơ ký, một chân bán hàng thì ít ra nàng cũng phải ở nhà đỡ đần tay chơn cho bà, bà đã yếu lắm rồi, chớ không còn đeo theo món xa xí phẩm là học thi được nữa.
Thầy Trung chỉ thở dài khi nghe Hiếu đi xem kết quả về. Thầy đã an phận từ lâu với địa vị thấp kém của thầy, không còn tham vọng gì nữa cả, và cho con đi học chỉ vì thầy thấy trẻ con phải đi học, không làm sao khác được.
Nỗi lo âu của thầy gần gũi hơn: Làm sao cho có một số tiền để đóng tiền trường cho Hiếu học một khóa đánh máy. Biết đánh máy, Hiếu như thêm một sợi dây nơi cây cung của nó, tương đối nó sẽ dễ kiếm sở làm hơn.
Hiếu đã khóc. Những giọt nước mắt của nàng không có gì sầu thảm cho lắm. Nàng khóc như một đứa trẻ đánh vỡ cái ly, làm gãy món đồ chơi, khóc vì bất kỳ mọi hư hại nào, dầu lớn dầu nhỏ. Nhưng khóc được một hơi, nàng bỗng so sánh phận nàng với phận bạn hữu nàng. Tại sao cùng một mức thông minh, cùng một mức cố gắng, lắm khi nàng còn cố gắng hơn chúng nó nữa là khác, mà chúng lại thành công ngay từ lần thi đầu, còn nàng thì mãi đến năm nay vẫn còn lót tót theo sau?
Bạn đồng lớp với nàng, năm nay phần lớn thi tú tài I và đều đậu cả. Vài đứa bỏ đệ tam nên lại thi tú tài II và cũng đậu, sắp vào đại học. Trong khi đó nàng chỉ sẽ là một cô thơ ký đánh máy tối tăm, mà chưa chắc đã kiếm được cái chân thơ ký đánh máy đó.
Càng nghĩ càng căm tức số phận, nàng càng khóc nhiều và đây là những giọt lệ uất hận đầu tiên của một người con gái.
Tuy nhiên khi đặt đôi thùng trong đêm đó, gần lu nước, Hiếu bỗng nhiên nghe vui sướng lạ kỳ. Nàng vừa trút một gánh nặng, nói theo nghĩa đen, và vì thế mà nhớ lại rằng mình cũng vừa trút được một gánh nặng nói theo nghĩa bóng. Thôi, vĩnh biệt Đường tiệm cận, vĩnh biệt Cạnh huyền, vĩnh biệt Lỗ Mông Rô nhé! Đêm nay, bắt đầu một giai đoạn mới trong đời nàng. Nàng sẽ sống đời người lớn.
Nữ sinh thích viết lưu bút mà trang lưu bút nào cũng than khóc, tiếc thương đời học sinh với mái trường xưa thân mến. Nhưng khi rời bỏ đời học trò, họ vẫn nghe thích như thường. Hiếu có phải là cô học trò lười, sợ học đâu, thế mà nàng vẫn sung sướng nhìn về đời sống người lớn tương lai, nó có những gì chưa biết và rất ham biết. Người lớn tiếc thương tuổi học trò là thành thật, nhưng học trò sắp làm người lớn mà nói chuyện luyến tiếc là giả dối, nói nghe cho nên thơ chơi vậy thôi.
Đêm nay bắt đầu một giai đoạn mới trong đời nàng.
Nhưng sao không thấy đường biên giới nào cả giữa hai giai đoạn ấy? Hiếu ngạc nhiên hết sức. Lẽ nào mà một cái bước quan trọng đến như thế lại không có dấu hiệu nào cả trong không gian, thời gian, trên người nàng. Nàng chỉ nghe hơi băn khoăn đôi chút trong người thôi, băn khoăn vì những lạ lùng của cuộc đời mà nàng sẽ gặp nay mai đây, nhưng không băn khoăn quá, không cố tâm tìm biết quá như đã tìm biết những ẩn số trong đại số học.
Nàng còn nhớ năm ấy được mẹ may cho cái áo dài đầu tiên trong đời nàng. Mẹ đã nói: “Con đã qua khỏi thời trẻ con rồi, và bước vào thời thiếu nữ đây.”
Chiếc áo dài thiếu nữ ấy đã đánh dấu một thời. Lần nầy thì không có gì cả. Đáng buồn chưa?
Hiếu nằm nhà được mười hai ngày, thay má đi chợ mỗi sáng và phụ mẹ nấu nướng chút ít (bà Trung rất cẩn thận về miếng ăn của chồng con nên không dám giao phó tất cả cho cô đầu bếp tập sự ấy, cô ta chỉ được làm phụ bếp, nấu những món độn thôi, mà không được rớ đến các món chánh).
Đêm thứ mười hai ấy, giữa bữa ăn, thầy Trung báo tin mừng:
-Đã xoay xong đủ số tiền cho khóa học đánh máy của con Hiếu.
-Sướng a! lũ trẻ reo lên. Chị hai đánh máy thời dụng biểu cho tụi em!
-Im! Bà Trung hét. Chớ nó học trong sở ông không được sao?
-Đâu có được! Ai ở không đâu mà dạy nó, và ai có máy ở không đâu mà cho nó học. Cái thứ mới học, chúng phá máy dữ lắm, chủ hãng họ cũng không ưa để con mình học trong hãng.
-Nhớ có lần ông nói mướn máy về nhà dạy nó kia mà.
-Phải, tôi có tính chuyện ấy, nhưng nghĩ lại thì không được. Hồi đó tôi đánh máy rừng, không có học với ai, theo phương pháp nào cả. Thuở ấy dễ tìm sở làm lắm, họ nhận mình mà không cần mình thạo việc, rồi thì đánh lốc cốc như gà mổ gạo với hai ngón trỏ thôi, hằng giờ mới xong một bức thơ thật ngắn, cũng chẳng ai rầy la gì. Đời bây giờ khác, đánh máy như phi cơ phản lực mà chủ họ còn chê chậm, nên phải học cho có phương pháp mới mong làm việc cho kịp lúc với người ta. Hiếu a, mai con đi chọn trường rồi ba cho tiền con đóng để học.
Cái tiếng “học” ấy, không làm cho Hiếu có cảm giác rằng nàng sống trở lại đời học trò. Học đây là học làm việc, học những bài cho người lớn, và nàng phấn khởi nôn nao lắm khi hay tin mừng nầy.
-Thưa ba, nàng hỏi, họ nói xong một khóa cũng chưa gọi là thạo được, phải không ba?
-Ừ, nhưng rồi ba sẽ đưa con vô sở của ba để tập việc cho nhuần tay. Con học thì ông chủ hổng ưa nhưng con tập thì được, vì người tập ít phá máy hơn, với lại người tập đôi khi cũng đỡ tay cho nhân viên trong hãng. Và biết đâu rồi ông chủ ổng cho con làm luôn trong ấy.
Hiếu ngạc nhiên hết sức khi để chơn đến trường. Học viên chỉ toàn phái đẹp. Hai tiếng phái đẹp ở đây thật đúng nghĩa vì trong ba mươi cô học viên, không cô nào xấu xí cả nếu họ không đẹp ghê hồn.
Cả ba mươi chiếc máy đều im tiếng một lượt và sáu mươi con mắt đều nhìn lên. Một địch thủ đáng sợ của họ vừa bước vào! Cả ba mươi cô học viên đều đâm ra lo lắng, thoáng nghĩ đến cuộc chen lấn về sau để giành một chơn thơ ký. Kẻ nào ngồi được trong văn phòng để lãnh lương hằng tháng không phải là kẻ thúc cùi chỏ mạnh bạo, không phải là kẻ đánh máy dòn như pháo nổ, mà là kẻ có nhan sắc diễm lệ nầy đây; kẻ nầy nổi bật lên ngay mà không một chủ nhơn, không một trưởng phòng thơ ký, trưởng phòng bút toán nào phải do dự lâu cả.
Rồi ba mươi cái đầu lại cúi xuống nỗ lực ghê hồn với hy vọng mong manh luyện một ngón đánh thần tình thế nào mà đương đầu được với giai nữ kia.
Hiếu đóng học phí xong thì được chỉ bảo ngay, sau khi nhận lãnh một chiếc máy mà về sau nầy nàng mới biết nó nặng như xe bò.
… Xạch… xạch… xạch…
“Thối chí ôi! Sao mà các chị kia đánh nghe hay như cắc-chú bỏ bàn toán, còn mình lâu lắm mới hạ được một chữ như thế nầy!
… Xạch… xạch… xạch…
Hiếu vừa chọt vừa lắng nghe những điệu nhạc mê ly quanh nàng. Nói nhạc không phải là nói quá. Những người đánh giỏi họ đánh nghe có nhịp có nhàng và mỗi cá tính tạo nên một nhịp điệu riêng biệt có thể nhắm mắt mà truy nguyên căn cước của người đánh máy bằng hai tai thôi.
… Xạch… xạch… xạch…
Hiếu ngượng nghịu liếc nhìn bạn đồng học hai bên nàng và bắt gặp họ cũng đang nhìn nàng mà mỉm cười, cái cười hiền lành đượm nhiều thương mến của những người chị ngậm ngùi nhìn cái vụng về của đứa em dại rồi nhớ lại những bước chập chững của chính mình.
Hiếu cũng cười, thông cảm với cảm tình mà họ dành cho nàng.
Chị bạn bên tay trái là một cô gái nước da đen thui, nhưng mũi cao, mắt có vẻ Âu châu lắm, chừng như là người Việt-Ấn. Miệng nàng rất có duyên vì đôi môi mỏng cứ như liến thoắng muốn nói cái gì.
Nàng nghiêng mình qua bảo bạn:
-Nghề chơi cũng lắm công phu, phải không bồ?
Hiếu rất khó chịu vì đó là một câu Kiều nói đến một cuộc tập sự không hay, đem vào đây, hóa ra bôi lọ nghề đánh máy.
Tuy nhiên nàng vẫn lịch sự cười và pha trò lại, giọng điệu móc lò:
-Chắc chị đã dày công phu nên mới sành đời đến thế?
Cô láng giềng tím mặt, nhưng chỉ có mấy mươi giây qua là cô ta bình thản và tươi tỉnh trở lại được như thường. Cô lại mỉm cười và nghiêng qua để nói nữa.
-Tôi không giận bồ đâu. Mấy năm trước tôi cũng như bồ vậy, và mong bồ có được cái thuần túy trong trắng như vậy mãi.
Cô láng giềng bên phải lại nghiêng qua nói:
-Bà đừng có nghe con dịch tễ đó. Nó nói gì với bà?
-Không, chỉ nói chuyện nghề nghiệp thôi.
-Bà có làm qua chỗ nào chưa?
-Chưa!
-Cảm thương chú lính mới điền, đánh như rùa chạy, lương tiền, kiếm sao ra!
Cả hai cười xòa vì câu ca dao biến tứ ấy.
-Bà ở gần đây hay xa?
-Xa lắm, trên Tân-Định lận.
-Đi xe đạp hay xe buýt?
-Xe đạp.
-Cũng khá mỏi chưn, nhứt là khá bực mình trong các chuyến đi về, trùng vào giờ tan sở.
-Ừ, giờ ấy xe nhiều lắm!
-Không phải chỉ có thế. Bực mình là những lần bị đèn đỏ chận ngõ đón truông rồi bị mấy thằng trừu nó tán.
Quả Hiếu đã ra khỏi đời học trò. Học viên ở đây không nói chuyện học mà toàn nói chuyện đời không mà thôi. Và thích quá, họ có thể thả cửa nói chuyện mà không sợ thầy la rầy quở mắng. Tuy thế, họ vẫn cặm cụi học tập, ít ai nói với ai cái gì! Họ là người lớn chính ở chi tiết ấy.
Hiếu cũng đã thành người lớn trong chốc lát. Cái ý nghĩ rằng mỗi phút bỏ học, là một số tiền khó kiếm bị lãng phí, cái ý nghĩ ấy bỗng cầm tay nàng lên và những ngón thon thon của nàng nện lên phím tròn của chiếc máy.
… Xạch… xạch… xạch…
Mặc dầu được chỉ dẫn rành mạch về phương pháp mười ngón, Hiếu vẫn quên và chọt bằng hai ngón trỏ như gà mổ gạo, y theo bản năng của những người đánh máy thuở đánh chữ mới được sáng chế!
… Xạch… xạch… xạch…
Áo trắng, áo xanh, áo đỏ, áo vàng, áo bông to, áo bông nhỏ, áo hồng, tóc thề, tóc gióc bín, tóc lọn to, tóc lọn nhuyễn, tóc gạc-xon, mặt lo âu, mặt thanh thản, mặt nhí nhảnh, mặt nghiêm trang, bao nhiêu con người ấy đều gằm đầu trên bàn phím, mong sẽ kiếm được bát cơm mà khỏi phải dầm mưa gánh bột khoai hay dang nắng đẩy những xe nước mía.
Hằng ngàn phụ nữ sẽ bị cột suốt đời vào chiếc máy như ngày xưa họ bị cột vào lưng ông Táo, không kém cũng chẳng hơn, và may ra một vị hoàng tử đẹp trai nào đó sẽ nâng một cô đánh máy trong hằng vạn cô, lên địa vị bà hoàng.
… Xạch… xạch… xạch…
-Phím ngà, dìu dặt tay tiên!
Hiếu giật mình ngẩng lên thì mới hay người vừa đọc câu Kiều nhại ấy là cô bạn láng giềng đen khi nãy. Cô ta thêm:
-Không biết tay cô Kiều ra sao, chớ tay bồ quả thật là tay tiên. Nãy giờ tôi cứ rình xem lén mười ngón tay của bồ lướt qua trên phím. Bồ đánh dương cầm thì thôi… tuyệt diệu, bởi vì ở đó mới thật là phím.
Cô bạn xách giỏ trên tay, làm Hiếu chợt nhận ra rằng đã mãn giờ học và tất cả học viên đều chộn rộn sửa soạn ra về.
Lời khen vừa rồi vuốt ve tự ái của Hiếu, nên xóa được ác cảm khi nãy đối với cô Việt-Ấn.
-Về hả chị?
-Ừ, hết giờ rồi. Bà ở đâu?
-Tân-Định.
-Đường nào?
-Yên-Đổ.
-Hay lắm. Tôi ở Hòa-Hưng. Ta cùng đi với nhau cho vui chơn rồi chia tay nhau tại Công-Trường Dân-Chủ.
Thật là may mắn cho Hiếu. Tuy họ không ở cùng khu với nhau, nhưng như vậy cũng đỡ buồn được một thôi đường rất lớn.
Hiếu rút giấy ra và cô láng giềng nói:
-Bồ đánh mạnh tay lắm đấy nhé. Còn mới ai cũng thế, nhưng mà phải biết sửa tánh. Đánh mạnh chỉ làm cho ta mau ho lao và làm cho ống cao-su mau nát.
Hiếu đã đứng lên và đôi bạn ra ngoài cùng một lúc với toàn thể lớp học.
Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online.
_____________
CÒN TIẾP