Hoa hậu Bồ Đào (37)

Bác sĩ Được đặt phòng khám bịnh trong một xóm bình dân, đại lộ Minh-Mạng, nhưng lại tiếp toàn khách sang trọng không mà thôi. Ấy, vì ông đã nổi tiếng từ hồi tiền chiến về loại bịnh mà Đông-y gọi là “bịnh nhà giàu” tức là những căn bịnh không rõ hẳn là đau gan, đau ruột, hay đau xương, đau da gì, nhưng con bịnh cứ nghe không an, cảm giác như là có gì trục trặc trong bộ máy cơ thể của họ. Loại bịnh ấy giới Tây-y gọi bằng rất nhiều tên mà một tên thường dùng là “maladies humorales”. Bịnh ấy nhà nghèo cũng mắc phải, nhưng họ bận chạy gạo nên không chú tâm đến nó, chỉ có nhà giàu là có thì giờ rỗi rải để ở không lắng nghe cái khó chịu của họ.

Hiếu đợi hơn nột tiếng đồng hồ và nghe đến năm bà mệnh phụ phu nhân kể lể bịnh trạng của họ, mới vào được trong phòng khám bịnh.

Vị bác sĩ hỏi:

-Cô đã đi nhiều đồng nghiệp của tôi rồi hả?

-Thật ra thì chưa, thưa bác sĩ, nhưng tôi đã uống và tiêm đủ thứ thuốc của một bác sĩ khác mà không khỏi. Tôi vừa hư thai, sút kém về sức khỏe, đã tẩm bổ, nhưng chẳng ăn thua gì.

Bác sĩ Được cười hề hề:

-Tôi biết lắm mà! Khách hàng của tôi toàn thất bại nơi khác rồi mới đến đây. Trường hợp của cô cần phải sử dụng những phương tiện lớn, những phương tiện đặc biệt mới mong cải thiện được. Cô đã đi đổi gió chưa cái đã?

-Thưa bác sĩ, chưa. Nhưng tôi cần phải ở Sài-gòn.

-Như vậy thì… hừ… ừ… m… phải dùng phương tiện “sẵn có trên tàu”. Vậy cấy nhau cô nhé!

-Tôi không biết, nhưng sao bác sĩ lại hỏi tôi? Tùy bác sĩ chớ.

-Ấy, khách hàng của tôi toàn khó tánh. Tôi đề nghị vài trị liệu, tùy họ chọn.

-Vâng, thì cấy nhau. Thuở tôi còn bé, nghĩa là cách đây mười năm, tôi đã nghe họ nói rất nhiều về cấy nhau. Nhưng rồi không nghe ai nói đến nữa, không hiểu cách ấy có còn công hiệu hay không.

-Còn công hiệu hay không là do nguyên nhân khác chớ không do họ nói đến nó hay không.

-Vậy xin cấy nhau thử xem.

-Tốt nhưng không làm được hôm nay vì tôi không có sẵn nhau. Hẹn cô ngày mốt giờ, giờ nầy.

-Bác sĩ còn cách nào khác nữa hay không?

-Còn chớ.

-Tôi muốn được trị một lượt bằng nhiều cách, cho mau có kết quả.

-Vội vàng dữ vậy à? Được, tôi sẽ gởi ngay cô đến một đồng nghiệp của tôi để châm cứu.

-Châm cứu? Nhưng tôi chỉ kém sút thôi, chớ có bịnh gì đâu?

-Ấy, chính vì thế mà cô phải châm cứu. Phương pháp châm cứu thường công hiệu ở những chứng rối loạn trong cơ thể, bởi nó lập lại thăng bằng đã mất.

Mặc dầu không tin tưởng lắm, Hiếu rốt cuộc cũng rất hoan nghinh đề nghị thứ nhì đó, vì nó giúp nàng có công việc trong ngày.

Thế là buổi sáng hôm nay đã hủy diệt trong sự chờ đợi tới phiên mình, trong cuộc khai bịnh và nói chuyện con cà con kê với ông bác sĩ. Chiều nay nàng sẽ đi châm cứu và buổi tối sẽ đến mà nàng khỏi ngóng mong. Tối đến, nàng sẽ phải chịu khổ hình nhìn Long ra đi, tuy nhiên vì không mắc chứng mất ngủ, nên nàng không sợ đêm, chỉ sợ ngày dài phải ngồi không với cái trống rỗng của mình.

Thật Hiếu không ngờ đi thầy thuốc lại hay như thế, khi xế lại, nàng đến địa chỉ của vị bác sĩ chuyên môn châm cứu mà ông bác sĩ cấy nhau đã mách cho.

Đó là một thế giới mới lạ mà từ thuở giờ nàng không nghĩ đến lần nào, bởi người trong gia quyến nàng chưa ai đau ốm gì khó khăn đến phải cần bác sĩ cả. Thế giới ấy không lạ lắm ở bề ngoài với những phòng chờ gần y hệt như nhau, với những phòng khám bịnh bên trong cũng tương tợ như nhau nhưng lạ về cá nhơn của các vị bác sĩ.

Nếu bác sĩ Được chiều ý khách bao nhiêu thì bác sĩ Môn nầy lại độc tài bấy nhiêu. Theo ông thì phi châm cứu bất thành mạnh khỏe và người khách hàng phải châm cứu chớ đừng mong đến rồi về không.

-Thưa bác sĩ, Hiếu băn khoăn hỏi, chưa biết châm cứu ra sao, liệu cách trị của bác sĩ sẽ giúp tôi lấy lại sức khỏe được chăng?

-Chắc một trăm phần trăm là được như chơi.

-Thưa bác sĩ, trong bao nhiêu ngày tôi sẽ bình phục?

-Châm cứu độ mười lần, cứ nghỉ hai hôm, lại châm một bận, và uống thuốc bổ phụ thêm vào, rồi sau đó thì cơ thể, được kích thích, sẽ tự làm việc lấy và Madame bình phục lần lần.

Bác sĩ gọi nàng bằng Madame, và ông thích nói tiếng Pháp, dùng toàn thứ ngoại ngữ ấy để dặn dò nầy kia cô nữ y tá giúp việc cho ông.

Theo lịnh bác sĩ, Hiếu bỏ cả y phục, nằm dài trên bàn để đợi sự can thiệp của khoa học. Bác sĩ mở hộc tủ bàn viết của ông lấy ra một quyển sách Tàu, rồi hãnh diện nói, tự nói với mình, vừa nói vừa bắt mạch tay cho nàng: “Đâu nào, mạch tay theo Tàu là thế nào?”

Ông trầm ngâm một hơi để lắng nghe cái “mạch Tàu” ấy, đoạn hô lên: “Kim!”

Tức thì cô nữ y tá mang đến một chiếc mâm nhôm mà Hiếu rờn rợn người, tưởng tượng trên đó đầy kim tiêm thuốc.

Bác sĩ lại mò kiếm trên da nàng, vừa xem lại quyển sách Tàu, vừa tự nói với mình: “Đâu rồi, tam tiêu đâu rồi? 0ù sont les trois foyers?”

Giây lát, có lẽ đã tìm được cái tam tiêu bí mật đó, bác sĩ lấy kim và đâm vào thịt Hiếu. Hiếu nhảy nhỏm lên không phải vì đau đớn mà vì sợ hãi. Nhưng lần thứ nhì, thứ ba, thứ tư bị đâm như vậy, nàng không còn bị xúc động nữa. Trái lại nàng còn dám nhìn xuống để xem kim ra sao.

Kim dài bằng hai kim tiêm thuốc nhỏ, và yếu như sợi cước, nó rung rinh theo hơi thở của nàng.

Bấy giờ bác đã xong công việc và Hiếu nhìn lại người nàng thì thấy mình giống như một tay phù thủy pha kia Ấn-độ mà nàng đã có dịp xem trong các phim thời sự, với những mũi dùi cắm vào thịt để thử thách sự không biết đau của họ.

Bác sĩ đứng lên đi về phòng giấy và cô nữ y tá tiến đến với một chiếc hộp đen thật to và có vẻ nặng nề. Từ hộp ấy, lòng thòng xuống một sợi dây, và cô nữ y tá nắm dây kê sát đầu dây vào một cây kim đang trồng nơi bụng của Hiếu.

Nàng bỗng nhiên, không sợ hãi mà phải nhảy nhỏm và kêu rú lên: một luồng điện chạy vào thịt nàng thình lình khiến nàng hốt hoảng. Được cái là cô ấy rút dây ra ngay. Nhưng cô ta lại châm điện vào ngòi kim khác và Hiếu lại nhảy nhỏm và kêu rú lên.

Khi các cây kim đều nếm qua mùi điện, con bịnh như bị bỏ quên. Nàng nằm đó mà nhìn bác sĩ đang đọc sách và cô y tá đang không làm gì cả. Hay lắm, thế là thì giờ bữa chiều lại trôi qua dễ dàng và cứ hai hôm một bận, nàng sẽ đỡ buồn một lần.

Không rõ nàng sẽ tươi tốt lại được hay không, nhưng chắc chắn là có công việc để lấp những khoảng trống dài trong ngày.

Bấy giờ cô nữ y tá đã tiến đến để thâu kim lại. Hiếu ngỡ khổ hình đã hết, nào ngờ cô ta bắt nàng ngồi dậy mà chờ cái gì nữa đó không rõ. Cái ấy là một cảm giác nóng bỏng sau lưng, khiến nàng một phen nhảy nhỏm nữa. Nóng quá, nàng nẩy ngược ra phía trước như người bị bịnh uốn ván hành, và hít hà cắn răng mà chịu.

Cô nữ y tá an ủi:

-Đốt cho nó tốt cho cô, không sao đâu mà sợ.

Khổ hình thứ nhì nầy kéo dài độ năm phút mới chấm dứt và con bịnh mặc y phục vào xong thì trả công bị đốt bị đâm, hai trăm bạc.

Dầu sao, Hiếu cũng nghe nhẹ trong người, không còn bị buổi chiều chán nản ám ảnh nữa bởi vì bấy giờ đã hơn năm giờ rồi. Buổi chiều sao mà gợi nhớ thế, gợi nhớ những cuộc đi chơi mát ra những vùng đồng quê trên chiếc xe hơi đẹp, bên cạnh một người bạn vui, dọc đường gặp không biết bao nhiên là cặp uyên ương khác cũng đang hóng mát trên cỏ, trên vệ đường, tất cả đều yêu đời như nhau.

***

Nghe tiếng bánh xe nghiến sạn trắng trên sân, Hiếu mới hay là Long về. Đồng hồ dưới nhà gõ một tiếng không rõ là một giờ đêm hay là nó gõ nửa giờ của giờ nào đó.

Trên xe, bên cạnh chàng, giờ nầy chắc chắn là không có ai cả. Hiếu nhớ lại những bận về khuya lúc trước, đôi bạn ngồi cạnh nhau và Long ngừng xe trước cửa cho bạn xuống trước, rồi mới cho xe chạy vào nhà xe.

Giờ hắn chạy luôn vào trong đó, Hiếu kéo mền lên tới ngực, tự bảo là để giả đò ngủ, nhưng thật ra tiềm thức nàng đã khiến nàng tự vệ bằng cử chỉ bất giác đó. Nàng che giấu sự suy đồi của thân thể nàng, bây giờ đã xếp ve trên nệm.

Nàng nghe tiếng khóa đút vào lỗ khóa dưới nhà, tiếng mở cửa, khóa cửa, rồi tiếng giày của Long leo thang lầu. Tới trên nầy Long đi nhón gót. Hắn lịch sự lắm chớ không phải làm thế vì thương yêu nàng đâu.

Cửa phòng ngủ không khóa. Hắn vặn tay nắm thật nhẹ và đẩy cửa cũng thật nhẹ. Hiếu nín thở vì hồi hộp. Lạ quá không hiểu sao, nàng lại bị xúc động đến như thế. Long rón rén vào phòng và thay y phục dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn chong. Nàng thoáng nghe mùi nước hoa lạ thoang thoáng đâu đây, mùi nước hoa của phụ nữ chớ không phải nước hoa riêng của Long đâu.

Mặc dầu không yêu bạn, Hiếu vẫn nghe đau nhói nơi tim. Khi hắn giở mùng và nhẹ như con mèo, nằm lên nệm, bên cạnh nàng thì mùi nước hoa ấy rõ rệt hơn, không còn nghi ngờ gì được nữa. Mùi nước hoa của đờn bà thường thấm nhuần vào người vào y phục tóc tai của kẻ nằm bên cạnh họ, có tắm một bận cũng không bay hết được. Thế là đã rõ. Hôm nay Long đã gần một người đờn bà một cách thân mật và đã lâu cho đến đỗi mùi thơm của kẻ ấy len lỏi rồi ăn sâu vào người chàng.

Hiếu cứ tưởng tượng dung mạo của người đờn bà ẩn danh kia qua cái mùi nước hoa đó. Chắc chắn là nàng đẹp lắm, vì Long đã nhiều kinh nghiệm trong việc chọn đờn bà. Cũng chắc chắn là nàng sang bởi chỉ có nước hoa xuất phẩm mới mang mùi thứ kia.

Tuy nhiên chịu là không sao hình dung nổi con người của nàng. Bỗng Hiếu giựt mình, bất chợt chính mình đang nuốt nước miếng. Nàng biết rằng người ngủ không nuốt nước miếng bao giờ cả, và điều đó, ai cũng rõ, Long có thể tinh ý và hay rằng nàng chỉ giả đò ngủ thôi như vậy có hại cho uy tín của nàng vì hắn có thể đoán rằng nàng sợ không dám hạch sách hắn nên giả vờ ngủ cho tự ái khỏi bị tổn thương.

Làm thế nào để đường hoàng thú nhận rằng mình quả chỉ giả đò thôi, vì lịch sự, rồi cũng làm cho hắn một mách cho hắn khỏi khinh rẻ? Hiếu đang tự đặt câu hỏi ấy và chưa đáp được thì bỗng nghe Long hôn nhè nhẹ lên trán nàng.

Lần nầy hắn đã để lửa thiêng trong cái hôn tuy ngắn và như vụng trộm của hắn khiến Hiếu ngẩn ngơ giây lát, không biết hắn có thật còn yêu hay không. Trong giây phút, hy vọng nơi nàng sống dậy, tràn đầy lòng. Nhưng Long đã day qua bên kia rồi.

Không, hắn chỉ làm bộ thôi, nhưng khéo lắm. Hắn giả vờ như không hay nàng thức, tuy vẫn biết rằng nàng thức, để tỏ tình yêu cho nàng tin và không buồn nhưng chỉ phải tỏ sơ sơ thôi vì sợ bạn giựt mình.

Nếu chánh thức mà nàng thức và chính chàng biết vậy, chàng phải sẽ tỏ tình nồng nàn hơn, và hành động miễn cưỡng đó sẽ làm mất công toi chàng lắm. Thật là buồn cười, cả hai đều giả dối và bên nầy ý thức rõ là bên kia giả dối, cả hai lại đều thầm mong bạn tin rằng mình thật.

Hiếu suy luận: “Hắn biết mình giả đò. Vậy hắn sợ hay khinh mình? Chắc là hắn sợ. Nếu khinh, hắn chẳng làm bộ hôn mình làm gì. Hắn sợ mình, tức là hắn còn yêu mình, còn mong mình lấy lại phong độ cũ. Nhưng cũng không chắc như vậy lắm, mình đã ở đây lâu ngày quá như là vợ chánh thức của hắn, nên sự quen xem mình có quyền, làm cho hắn sợ vậy thôi.

Như thế, nên làm êm thì hơn, vì già néo thì đứt dây. Bị đẩy lùi vào nước bí, hắn sẽ liều thì nguy. Tuy nhiên, Hiếu không sao làm bộ được. Từ ngày vào nhà thương đến nay đã hơn một tháng rồi, mà nàng chưa hề được Long vuốt ve âu yếm lần nào cả. Dầu sao sinh lực nơi nàng vẫn còn và nàng cần được ấp yêu như bất kỳ thiếu phụ nào.

Hiếu làm bộ trở mình rồi lăn qua, gác tay gác chơn lên người của Long. Bị đè, Long khó chịu nên cầm tay bạn để đưa đi nơi khác. Hắn biết Hiếu giả đò, nhưng chính hắn đã trót giả đò ngờ bạn ngủ thì phải lịch sự luôn mà nhẹ tay vậy.

Không dè Hiếu cố hết sức đè tay xuống, không sao dỡ nhẹ lên được. Bỗng chàng thấy tình thế kỳ cục nầy buồn cười quá, và bật cười lên.

Để xí xóa, chàng lẹ làng day lại và ôm bạn mà hôn. Hiếu cũng cười rồi hỏi:

-Đi chơi có vui hay không?

-Cũng vậy vậy thôi.

-Nàng có đẹp lắm không ? Long làm bộ chưng hửng hỏi:

-Nàng nào?

-Cái nàng mà mùi nước hoa còn theo đuổi anh mãi đến bây giờ.

-Bậy nào!

-Không bậy. Cái người bị mùi ấy rượt theo, không nghe gì cả nhưng, người khác nghe tức khắc cái mùi lạ đó.

Liệu chối không được, Long thú nhận:

-Nàng đẹp nhưng thua em.

-Em ngày trước hay bây giờ?

-Ngày trước hay bây giờ cũng thế thôi.

-Nếu cũng thế, anh đã chẳng đi với nàng.

-Lôi thôi lắm. Vậy nàng cũng khá đẹp. Và anh quen được với nàng do một sự tình cờ.

-Cố nhiên. Không ai hỏi anh về trường hợp vì sao mà hai người quen nhau. Anh đã đưa nàng về nhà nàng hay về đâu? Hãy nói cho thật, quan hệ lắm đấy nhé và không giấu được em gì đâu.

Long sợ hãi, không rõ Hiếu còn nắm được dấu hiệu tố cáo nào khác mà nàng đã khám phá một cách trinh thám như vậy, nên đành phải thú thật:

-Về nhà nó.

Hiếu mừng rỡ vô cùng. Về nhà nó, tức là nó không phải con nhà lành. “Nó” sống tự do một mình như thế thì nó thuộc giới nào trong xã hội, nàng đã đoán biết.

Có thể nó đẹp ghê hồn, và rất trải đời để sành các khóe mê hoặc trai tơ, và có thể Long mê nó đến ngu muội mà không kể tới ai hết. Nhưng mà rồi không bền đâu. Hoặc nó trắc nết, cặm sừng Long và ngày nào đó Long sẽ vỡ mộng, hoặc nó đập dữ quá khiến Long phải cháy túi mà tự động rút lui. Nhưng thời gian mà họ dan díu nhau, khó lòng mà đoán được. Nhưng cốt là phải lấy lại sức khỏe. Khi nàng đã bớt già thì tái chiếm Long không khó khăn bao nhiêu.

***

Ra khỏi phòng mạch của bác sĩ Được với miếng nhau dưới da bụng, Hiếu buồn cười hết sức. Cũng vì những mảnh nhau sót trong bụng mà nàng phải băng huyết liên miên và mới ra đến đỗi nầy nhưng nay lại chôn nhau vào bụng để lấy lại sức khỏe, có oái oăm hay không chớ?

Bịnh già háp của nàng, bị tấn công hai mặt: cấy nhau và châm cứu, sau một trận quyết chiến bằng thuốc huyết bò và các thứ thuốc bổ khác. Nếu nó không xếp giáp qui hàng thì chính nàng phải khuất phục số phận, không sao cưỡng lại được.

Nghĩ lại, Hiếu cũng thương Long lắm. Hắn tốt bụng quá, tiếp tục cho tiền nàng, không để cho nàng phải hỏi. Nhưng mà cũng tủi thay, hắn cho ít hơn mọi khi. Sự sai biệt rõ rệt quá, và chi phí về trị bịnh nếu như lúc trước, không thấm vào đâu cả, thế mà bây giờ chi phí ấy bắt nàng tính tới tính lui.

Cấy nhau chỉ tốn tiền có một bận thôi, nhưng châm cứu đã cao giá, mỗi bận tốn hai tờ lại cứ làm đi làm lại mãi. Chỉ có bấy giờ Hiếu mới bắt đâu hơi nghĩ đến giá của đồng tiền. Sự tiêu pha buông tay từ thuở giờ khiến nàng có cảm giác gạt gẫm mà tiền dễ tìm cho tất cả mọi người và trên đời nầy không ai thắc mắc về thứ ấy cả.

Giờ nầy nàng chỉ phải bận tâm về những khoản tiêu pha hàng ngàn bạc, nhưng rồi sẽ phải bận tâm về những chi phí hàng trăm bạc, hàng chục bạc một ngày nào đây.

Cỡ nàng yêu Long, muốn bắt ghen, cũng chẳng đủ phương tiện tài chánh để thực hiện công việc tự vệ chánh đáng ấy.

Bắt ghen các ông chồng giàu sang thì phải vận dụng nhiều phương tiện lớn, bởi họ đi mau nhờ xe hơi thì mình cũng phải đi mau như họ, bởi họ đến những nơi không phải bất cứ ai xâm nhập lúc nào cũng được.

Hiếu nhớ là những năm trước, tháng nào ba nàng được hưởng một món tiền thưởng đặc biệt là năm ba trăm gì đó, thì tháng ấy hạnh phúc đầy nhà. Hạnh phúc sao mà rẻ tiền quá trong giới thật của nàng: một bữa ăn ngon, một ít quà bánh, một chiếc áo mới, những thứ lặt vặt nhỏ mọn ấy lại như những tia nắng lớn rọi vào đời sống khiêm tốn của những gia đình phải cần cù lao lực lắm mới khỏi chết đói.

Những hạnh phúc nho nhỏ ấy, sau nầy nàng thấy là buồn cười vì nàng mơ và tin sẽ sắm được những hạnh phúc to hơn.

Quả nàng đã sắm được, nhưng bằng một bàn tay không rắn chắc nên nó sắp vuột khỏi tay nàng nay mai gì đây không rõ.

“Có lý nào, trời ơi, mà một ngày kia, mình lại ăn nghe ngon hết sức ngon một chiếc bánh ít bột báng của ngày thơ ấu? Trời ơi, thật như là một giấc chiêm bao, cuộc đời tưng bừng của mình! Không, quyết rằng không khi nào ta chịu thua số kiếp để lùi trở về đời sống nhỏ nhoi cả. Ta phải thắng, bất kỳ bằng giá nào!”

Vết mổ da bụng để cấy nhau đã lành và Hiếu được châm cứu sáu bận rồi mà không nghe sức khỏe được cải thiện tí nào. Mỗi ngày, nàng đi cân hai lần, thấy cân nào cũng hỏng cả vì sức nặng của nàng sao lại không tăng mà còn giảm nữa là khác.

Cái đêm mà Long đi luôn không về nhà ấy, Hiếu quyết định tìm một bác sĩ khác, chớ không còn đủ kiên tâm để bền chí đợi kết quả của hai cuộc điều trị vừa qua, kết quả ấy “nó ăn về lâu” theo lời hai ông bác sĩ trước.

Cứ theo lời bà Đặng, vợ ông kỹ sư bạn của Long, thì ông bác sĩ Giỏi nầy… rất giỏi. Ông có sang Pháp, sang Mỹ, sang Đức để tu nghiệp trong các nhà thương lớn bên ấy nên được đông thân chủ nhờ cho thuốc “bá phát bá trúng”.

Nơi phòng khám bịnh nầy, Hiếu phải lấy thẻ, chớ không sao chờ tới phiên mình được và nàng đến đây hồi tám giờ rưỡi mà số thẻ của nàng là 98.

Chín mươi tám con bịnh trong một buổi sáng! Không biết sau đó còn ai nữa hay không, và cứ tính số ấy là số chót đi, thì làm thế nào mà cái vị bác sĩ Giỏi nầy đủ tài giỏi để khám cho hết được kia?

Chắc ông ấy khám mỗi người trong hai phút đồng hồ. Với tánh khai bịnh dài dòng, vòng vo tam quốc của người mình, mà làm việc tốc hành như vậy được thì quả ông bác sĩ ấy… giỏi ghê hồn.

Không đủ nhẫn nại ngồi đợi để thở bầu không khí bị đầu độc của cái phòng chờ hẹp té của ông bác sĩ ấy, Hiểu đi ra phố mà không mục phiêu để mà tới.

Đây là lần đầu tiên, sau ngày sảo thai mà nàng ra ngoài. Trời đất, người vật của Sài-gòn, sao mà rất khác trước đối với người nhìn nó với một tâm trạng khác. Tuy nhiên Hiếu thèm cái Sài-gòn nầy hơn trước nhiều lần, cái Sài-gòn mà nàng có thể bị ra rìa ngày nào đây, cái Sài gòn mà nàng cứ lo không vói tới nữa.

… Ta sẽ tìm chúa tể ngoài kia!

Câu nói phách lối của người bạn Việt – Ấn ngày xưa sao mà nghe như là một câu chuyện cổ tích: “Làm chúa ngoài kia”, nàng không dám có cái mộng vĩ đại ấy, nhưng đã trót làm bà hoàng nho nhỏ rồi, giờ vừa mất ngôi, bà hoàng tí hon nầy nghe rằng thắng trận đời thật khó khăn lắm thay!

Trong hằng triệu người, chỉ có hai hoặc ba người đại thắng, vài mươi người thắng những trận khiêm tốn hơn, còn thì bao nhiêu người khác đều không thắng lần nào hay hoàn toàn đại bại. Phải biết sự thật ấy và có tranh đua thì tranh nhưng đừng đau xót lắm cho phận mình, vô ích, một khi mình thua. Trong một đạo binh, chỉ có một vài ông tướng, tất cả là quân lính, không sao khác được.

Hiếu trở về phòng mạch của bác sĩ Giỏi hồi mười giờ bốn mươi lăm, đợi độ mười lăm phút nữa là tới phiên nàng. Bác sĩ có vẻ vội vàng hối hả lắm, nóng nảy nghe nàng kể bịnh, đoạn kết luận ngay.

Các nội hạch nơi cô làm việc không đều, nhứt là hạch cổ thì siêng quá, trong khi hạch sinh dục thì lười quá. Giờ tiêm vài thứ thuốc kích thích tố thì thăng bằng được lập lại bình thường.

Ồ, sao mà dễ dàng thế nầy! Ông bác sĩ nói nghe rất hữu lý, chắc ông ta nói đúng. Hiếu nhớ ra đã nghe nhiều người nói đến sự lên cân sau khi tiêm ọt-moon. Sao mà nàng dại quá, không mua thuốc ấy mà tiêm để hốt hoảng chạy thầy, chạy thuốc, tốn kém không biết bao nhiêu tiền rồi.

Sau cuộc khám bịnh tốc hành nầy, Hiếu hy vọng hơn bao giờ cả, và khi ra khỏi phòng mạch ấy với toa thuốc trên tay, nàng bỗng thấy trời Sài-gòn đẹp rực rỡ y như ngày mà nàng còn đứng ngoài ngưỡng cửa cuộc đời mà nhìn cảnh thần tiên bên trong đó.

Long bỗng thừ người ra rồi nhìn sửng sốt bạn rất lâu. Từ mười ngày nay, chàng về nhà chỉ có bốn lần mà lần nào cũng vào khoảng nửa đêm, không buồn nhìn Hiếu mà chàng biết chưa ngủ. Có một lần vô tình, chàng thấy mặt Hiếu, Hiếu đi ngủ mà không rửa lớp son hóa trang. Có lẽ nàng đã để như vậy từ lâu rồi để che giấu sự tiều tụy của nàng. Nhưng phấn son, chẳng những không giúp nàng trẻ ra, lại còn làm cho gương mặt nàng già háp thêm, trông xấu xí quá chừng.

Long nín lặng trố mắt nhìn hạn, trong khi Hiếu mỉm cười đắc thắng, Hiếu đang mặc bi-da-ma, nằm trên ghế phô-tơi ở phòng tiếp khách mà nghe nhạc. Thấy bạn về, nàng nhổm dậy mà rằng:

-Anh mới về!

Rồi cả hai đều làm thinh mà nhìn nhau. Thật ra, Hiếu chưa lấy lại đủ phong độ lúc trước, má nàng chỉ vừa đầy lên thôi, còn những chỗ khác trong thân thể nàng vẫn còn khá lép. Nhưng Long vẫn chú ý đến cái mặt và chàng nghe, không phải tìm lại được Bích-Lệ của những ngày đầu, mà gặp gỡ một thiếu phụ mới, không tròn trịa bằng hoa hậu Bồ-Đào, mà sắc sảo hơn, chính nhờ má và quầng mắt không đầy đặn quá.

Nhìn bạn một hơi, Long đâm ngượng vì chàng thấy chàng trẻ con quá, người ta gầy là đi ngay, giờ người ta vừa lại sức thì nhìn muốn rớt mắt.

Chàng mỉm cười gượng và hỏi:

-Em đang làm gì đó?

-Nghe nhạc, như anh thấy.

Long bước lại ngồi trên tay chiếc ghế bành, hôn lên tóc bạn và hỏi.

-Em khỏi rồi chắc đi ra ngoài với anh, không mệt chớ?

-Không, chỉ sợ anh mệt thôi.

-Sao anh lại mệt?

-Vì làm thế nào anh chịu nổi với bồ anh khi phải bỏ rơi nàng một tối.

-Bậy nào, anh đâu có bồ. Hổm nay anh đi chơi với bạn trai ấy chớ.

-Vậy à, em cứ ngỡ…

Đôi bạn dắt nhau lên lầu. Vừa leo thang, Long vừa nhìn Hiếu, vừa cười nói:

-Trông em khác hẳn ra.

-Cố nhiên, em vừa hết kém sút.

-Không phải vậy. Trông em già dặn chớ không ngây thơ như trước.

-Hết là gái xuân rồi à? Nguy quá.

-Không nguy. Em hấp dẫn hơn, “văm” lắm. Trước em tròn quá, tươi quá, không hay bao nhiêu.

Họ đã lên đến đầu thang và Long hôn bạn thật mạnh, thật dài và thật sâu. Hiếu ngây ngất vì cái hôn nầy thực hơn cả cái hôn của ngày họ mới gặp nhau.

-Em biết bưởi đường, và bưởi lông khác nhau sao không?

-Không.

-Bưởi đường, ngọt ngay, ngọt như… đường, ăn rất trơ. Còn bưởi lông thì vừa ngọt vừa chua, vừa có thêm cái vị đặc biệt của bưởi mà không có thứ trái cây nào khác có được cả. Trước, em chỉ là bưởi đường thôi, giờ em là bưởi lông.

-Anh không ưa bưởi đường chắc?

-Ưa chớ. Mỗi thứ có một cái hay riêng, nhưng bưởi lông dễ thèm hơn.

-Bưởi đường suýt héo ruột, và anh đi tìm bưởi lông hổm nay phải không?

-Cứ nói bậy. Em trang điểm rồi đi với anh. Ta dạo mát ở ngoại ô xa và ăn ngoài ấy luôn.

Hiếu nhảy vào buồng và bắt chợt mình hát trở lại bài hát yêu đời của ngày còn gạo để đi thi:

Trời hồng hồng sáng trong trong

Ngàn phượng say nắng ngoài song

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: