Hoa hậu Bồ Đào (41)

C… ngày…

Thưa cô Nghĩa,

Bức quân thư vừa đến, phong bì không tem và đề tên họ chức nghiệp nàng khiến Hiếu ngạc nhiên. Lên dạy ở đây, nàng không cho ai biết cả, trừ Hoàng. Nàng quyết trốn luôn cái thế giới người không thừa nhận nàng nữa. Phải, họ chưa ra mặt hất hủi nàng vì nàng chưa hề đi thăm ai từ ngày xuống bước, nhưng mà họ sẽ hành động như vậy, không sao khác được.

Thế mà sao lại có người gởi thơ đến thăm, mà lại là con nhà lính nữa.

“Tôi biết chắc cô không mong đợi thơ nầy, và rất ngạc nhiên khi nhận thơ. Tôi tưởng tượng cô đang cố nhìn tuồng chữ xem có phải là người quen cũ nào không. Xin thưa cô biết ngay, kẻo cô sốt ruột: tôi là Tài con trai ông hương sư mà cô ở trọ.

À, thì ra đây là anh chàng hạ sĩ nhứt. Nàng đã quên mất con người bặt thiệp đó, mặc dầu đã có cuộc quảng cáo rầm rộ của chị Tâm.

“Cô Nghĩa ơi, tôi chưa được dịp quen nhiều với cô mà tôi rất muốn quen nhiều. Vì thế mà ở nơi xa xôi nầy, tôi mới đánh bạo, đường đột quấy rầy cô.

“Mặc dầu chỉ được hầu chuyện với cô có năm bảy phút thôi, tôi cũng đã thấy được rằng cô là một người đáng kính mến, nên ao ước được một người bạn gái như cô nhứt là người bạn gái ấy lại luôn luôn ở bên cạnh mẹ cha tôi, những người thân yêu nhứt của tôi mà tôi nghĩ tới từng giây, từng phút và cố nhiên hễ nghĩ tới chị, tới mẹ thì không thể không nghĩ tới cô.

“Đời quân nhân vui lắm mà cũng buồn lắm cô Nghĩa à.

“Vui là vui tình đồng đội, vui công việc hằng ngày, với cỏ cây, non nước mà mình sống trong đó, nhưng những thứ ấy không sao bằng được một người bạn gái mà sự dịu hiền dễ an ủi sự sống khô cằn tình cảm của chúng tôi.

“Rất mong cô không quá thờ ơ với kẻ đã ngưỡng mộ cô và bức thơ trả lời của cô, sẽ là ánh sáng rọi vào cuộc đời của tôi vậy.

Đã kinh nghiệm về việc đời, Hiếu hiểu ngay Tài muốn gì. Mặc dầu không bị xúc động vì cuộc mở đầu tán tỉnh nầy, Hiếu vẫn nghe như là vừa được hồi sinh. Từ ngày ra khỏi nhà Long đến nay, Hiếu ngỡ mình là con người không còn được thanh niên nào chú ý đến nữa và tình yêu là món mà nàng phải vĩnh biệt thiên thu.

Thì ra, đóa hoa tàn vẫn chưa phai thắm. Trong giây phút, nàng nghe như sinh lực bỗng bừng dậy, sống mãnh liệt trong các tế bào ủ rũ của người nàng. Và cùng với sự phục sinh của thể chất, tâm hồn nàng ngỡ đã chết lịm đi rồi cũng thình lình sống lại. Nắng ngoài kia trông như gay gắt hơn, đổ xuống tràn ngập cây cối xanh tươi hơn.

Cuộc đời bỗng dưng đáng yêu và dễ yêu y như những ngày đi học mà lòng nàng thiết tha ham sống, muốn ôm cả thế gian vào người vì thấy nó đẹp, nó lành không biết bao nhiêu. Hiếu không nghe có cảm tình đặc biệt với người con trai của ông chủ nhà trọ. Hắn dễ mến bề ngoài, nàng chỉ mới biết có bấy nhiêu đó thôi về hắn. Bên trong hắn là người tốt hay là một anh chàng đểu giả thì thật đó là một phương trình còn chứa nhiều ẩn số.

Tuy nhiên nàng vẫn quyết định trả lời bức thơ đầu của anh chàng nầy. Từ lâu rồi, nàng không có dịp viết thơ cho ai, trừ Nghi. Nhưng hắn đã nói ngay với nàng những gì hắn muốn nói nên cái người mà nàng ham viết ấy cũng không có tạo dịp cho nàng viết.

Sự ngứa viết, sở thích của đời nữ sinh ham bôi đen hết tờ lưu bút nầy, qua tờ lưu bút khác vẫn chưa thỏa nơi nàng, và lẽ nào có dịp múa bút nàng lại chẳng trổ tài.

Vả lại tuy vừa tìm thấy lại lẽ sống nhờ công việc, vừa tìm thấy lại phấn khởi của tuổi thanh xuân thèm thuồng lý tưởng với ý chí quyết giúp đám học trò quê của nàng, vừa tìm thấy lại mùi vị của cuộc đời nhờ bức thơ ướm lòng của Tài, nàng vẫn còn nghe buồn quá nơi cái làng xa xôi nầy.

Người thanh niên ở Bình-Dương kia đã và sẽ gởi đến nàng niềm vui giao cảm giữa người với người, có thể thay đổi được cuộc sống quay cuồng không sao tìm thấy nơi đây. Những cánh thơ mà hắn đã vụng về ướp bằng nước hoa, thay vì bằng phấn riêng ướp thơ, sẽ giúp nàng tự tin lần lần vào quyền đứng của nàng giữa người của thế hệ nàng, xóa được mặc cảm bị đẩy ra lề cuộc sống.

Trà-Võ, ngày…

“Anh Tài mến,

“Cám ơn anh đã nghĩ đến tôi. Tôi không thấy gì trở ngại cho sự quen biết nhiều hơn giữa anh và tôi.

“Nếu như tôi mang đến cho anh được chút nào hương vị của gia đình anh mà anh phải xa, thì trái lại tôi mong thơ anh cũng giúp tôi qua được những ngày cô quạnh sống tại chợ nhỏ nầy.

“Chúc anh vui vẻ phục vụ dưới bóng cờ, và mong được gặp anh thường trong những kỳ nghỉ phép.

Nghĩa

Hiếu không dám có tham vọng nhiều quá như ngày nào nữa. Chương trình của nàng mà nàng lớn lối với nàng, gọi thầm nó là “kế hoạch lục nguyệt”, đối với kế hoạch ngũ niên của nhiều chánh phủ trên thế giới, là như thế nầy:

Dạy cho các em nhỏ, cả gái lẫn trai, chút ít ký âm pháp và nhứt là phát âm những chữ nhạc. Kế đó dạy chúng hát những bài hát-tập ứng dụng. Dạy riêng các trò gái thêu may, đan len. Đi thăm viếng những gia đình phụ huynh học sinh nghèo trong vùng. Nhờ thế mà nàng thực hiện được trọn vẹn chương trình khiêm tốn ấy và rất được kính mến trong các giới có con đi học, tức là toàn thể người vùng nầy.

Thầy giáo Châu bỗng dưng nỗ lực hơn lên trong những giờ dạy học, mà cũng có sáng kiến trong công việc ngoài học đường. Những ngày nghỉ, thầy dạy học trò thầy tháp cây, theo kỹ thuật mới mà thầy học được trong sách.

Có một cuộc chạy đua âm thầm giữa cô giáo mới và thầy giáo cao lỏng khỏng nầy, để tới đích nào không ai rõ, các đồng nghiệp của họ và cả ông hiệu trưởng nữa đều rình cuộc chạy đua ấy bằng con mắt cảm động đôi khi hóm hỉnh cười đùa. Gặp nhau, họ vẫn không nói gì với nhau vì thầy Châu câm lặng như hến, còn Hiếu thì đùa thầy ta mãi cũng đâm chán, và đâm thương, nên bỏ tánh chơi ác của nàng.

Mặc dầu thế, thầy giáo Châu vẫn lẩn tránh cô giáo Nghĩa, những buổi học trò ra chơi, thầy không họp bạn với đồng nghiệp tại văn phòng ông hiệu trưởng như trước mà tìm đủ thứ công việc để mà bận với nó!

Hiếu quan sát Châu thì nàng thấy thầy ta hơi hao hao giống Trọng, người con trai đã cùng nàng vỡ lòng yêu trên đầu đường đời. Từ lâu rồi nàng không có nghĩ tới Trọng. Trọng mà hình ảnh không hề dám léo hánh lại gần trí tưởng của nàng chỉ vì nó sợ hãi những hình ảnh khác mà dầu nó không sợ cũng bị chúng xua đi.

Từ ngày xuống chơn, nàng nhớ lại cái dĩ vãng gần của nàng nhiều lắm, nhưng vẫn không dám để cho người thanh niên mà nàng đã làm đau khổ hiện ra lần nào cả. Mặc cảm phạm tội đã làm nàng mắc cỡ với cả đến kỷ niệm về chàng.

Châu giống Trọng về diện mạo, và về tánh nhút nhát nữa. Nàng hối hận đã tàn nhẫn với Châu những ngày đầu nàng mới lên đây, vì cái tánh nghịch ngợm quái ác của nàng thôi. Không biết hắn nghĩ gì về nàng, có oán hận lắm hay không, và nếu có thì được dung tha hổm nay, hắn đã nguôi hờn chưa.

Để xóa ác cảm còn lưu trong lòng nhà mô phạm hiền lương ấy, sáng chúa nhựt hôm đó Hiếu quyết định đi thăm Châu. Châu tánh không thích giao thiệp nhiều, cũng không ưa náo nhiệt, vì thế mà hắn chịu không nổi cảnh sống ngoài xóm chợ mà hắn cho là “quá huyên náo”.

Hiếu chỉ biết lỏm bỏm rằng hắn cất một nếp tha la lợp tranh trên ấp Bông Trang, cách đó hơn ba cây số, nàng định lên đó rồi hỏi thăm chắc ai cũng chỉ được cả. Nàng quá giang xe Lambretta ba bánh và bảo ngừng ở đầu xóm dưới. Nhưng khi xe chạy rồi người trong xóm cho nàng biết rằng “thầy giáo cao” ở đầu xóm trên, báo hại nàng phải đi bộ một đỗi khá xa vì xóm lớn nầy dài lắm.

Theo lời chỉ dẫn của người đầu xóm trên, Hiếu tiến sâu vào trong cuối xóm, theo một con đường mòn đầy cát trắng và hai bên tre mọc giao lá với nhau. Ngõ trúc quanh co ấy, khách vắng teo như là ngõ trúc của Nguyễn-Khuyến và càng tiến xa, Hiếu càng gặp hoang vu với những gò mối lớn giữa các bụi tre.

Ở đây đất địa khô cằn, nhưng chủ nhà tìm cách trồng được nhiều cây mà bóng râm mát và khối lá xanh giúp mắt người nghỉ ngơi được khi nhìn vào trong đó. Châu rào đất bằng hàng rào bông bụp chớ không phải bằng tre chết như nhiều nhà khác, nên trông nhà cửa chàng sung túc và tràn ứa sinh khí.

Nghe đâu Châu gởi tiền cho người lân cận mua thức ăn ở chợ, rồi tự thổi nấu lấy, và giờ nầy, vào khoảng tám giờ rưỡi sáng, chắc thầy ta chưa bận làm bếp.

Hiếu toan đẩy cổng thì chó sủa vang rân, và đến bốn con chó đâm sầm chạy ra, hầm hừ tìm lối chui ra ngoài để tấn công kẻ toan xâm nhập vào cái trại biệt tịch nầy. Nhưng không nghe lấy một tiếng người nạt chó. Nếu Châu không đi vắng, mà đang làm gì, cũng không khỏi sốt ruột với cuộc đại tấu của bầy chó dữ nầy.

“Chắc thầy ta đi đâu, và có thể đi xa nữa. Rủi ro quá! Phải chi mình báo trước! Nhưng nếu mình báo trước, thầy ta sẽ tìm cớ từ chối, để khỏi phải tiếp mình. A, hay là thầy ta trốn? Phải, có thể như vậy lắm”.

Nghĩ xong điều ấy, Hiếu cất tiếng gọi to, cố át tiếng của cả bốn con chó lớn họng.

-Thầy tư ơi, ông hiệu trưởng cho gọi thầy đến họp chuyện gấp!

Ở thôn quê thầy dạy lớp nhứt được gọi là thầy nhứt, thầy lớp nhì, được gọi là thầy nhì, cứ như thế mà đi xuống chớ Hiếu không biết thầy Châu thứ mấy trong gia đình của thầy; nàng chỉ thích gọi tên như trong giới bạn trẻ ở Sài-gòn, nhưng không dám.

Quả nhiên Châu mắc bẫy. Núp đâu trong buồng, thầy ta ló cổ ra dòm xuống và thấy Hiếu còn đứng đó, thầy thụt vào để mặc áo. Châu xuống thang gác thật, nhưng tới đất, thầy lại đi ra ngõ chậm quá như để thụt lùi cái phút phải chạm mặt với cô giáo tinh nghịch nầy.

Vừa đi, thầy vừa gài nút áo và vừa la chó. Bốn con vật bớt hung hăng lần và khi thầy đến nơi, chúng nín hẳn nhưng vẫn đứng đó mà thủ thế. Thầy phải nạt thêm vài tiếng chúng nó mới chịu chạy đi.

-Chào thầy Châu!

Chủ nhà đáng lý chào khách trước lại chỉ cười thôi rồi mở cổng.

-Gớm, nuôi chó để bán hay sao mà nhiều dữ vậy thầy?

-Tôi ở hẻo lánh một mình nên phải…

-Cô Châu có nhà không?

-Cô đã biết còn cà-rỡn làm chi.

Châu không mời khách vào và Hiếu biết hắn hoảng quá mà quên mất điều đó, nên cô tự tiện bước vào sân. Châu đi trước, đi mau lắm khiến Hiếu bước theo đến hụt hơi. Tới cầu thang, hắn dừng bước lại và cũng không nói gì hết.

-Sao thầy không hỏi tôi gì cả vậy.

-À, ơ… hơ… cô mạnh giỏi?

-Cám ơn thầy, vẫn mạnh. Còn thầy?

-Tôi cũng mạnh.

Hiếu bật cười. Thì mới gặp nhau chiều hôm qua đây, còn hỏi nhau mạnh giỏi làm gì. Rõ là anh chàng lẩn thẩn.

-Sao thầy không hỏi ông hiệu trưởng gọi làm gì và không lo thay y phục để đi xuống dưới.

-À, tôi quên, để tôi đi sửa soạn.

Thầy ta vừa leo được nửa thang thì Hiếu gọi giựt ngược lại:

-Bộ thầy quyết bắt tôi đứng dang nắng như vầy hả?

-Xin lỗi cô.

-Không cần xin lỗi. Thầy phải mời tôi vào nhà chớ.

-Xin mời cô.

Hiếu lại leo theo Châu và cả hai đều đứng nơi buồng khách không cửa, không vách, kê hai chiếc bàn và vài cái ghế: Sách vở thì sấp trên một cái kệ bằng tre.

Hiếu tự nhiên kéo ghế rồi ra lịnh:

-Bây giờ thầy phải tiếp khách cái đã rồi hẵng hay.

-Tôi sợ trễ.

-Không lo. Đã có tôi bào chữa thầy.

Cả hai ngồi đối diện nhau mà làm thinh. Gió đồn mát thổi tứ phía vào đây và chung quanh nhà như ngập dưới một trận lụt nắng.

Liệu Châu không thể nói được gì, Hiếu đứng dậy, lại tủ sách. Nàng cầm lên vài quyển và lẩm nhẩm đọc Lý hóa (đệ nhứt) – Vạn-vật (đệ nhứt) – Triết (đệ nhứt).

-Sao thầy đọc toàn là sách đệ nhứt không vậy?

Châu đã được đặt vào địa hạt của thầy. Mắt sáng lên, thầy nói, rành mạch và dạn dĩ:

-Tôi học để thi tú tài II.

-Vậy ra thầy đã đỗ tú tài I?

-Dạ.

-Sao lại làm giảng tập viên?

-Dạ nghề nầy ít tốn thì giờ, như vậy tôi vừa có cơm ăn, vừa rảnh được để mà học.

Thì ra đây là con nhà trí thức chớ không phải xoàng như Trọng, như Tài, như Long. Nàng những ngỡ Châu cũng chỉ là một anh học trò dở dang như nàng.

Cảm tình đối với người thanh niên nầy bỗng dưng tăng lên, và nàng nghe hối hận quá mà đã xem thường hắn và làm khổ hắn. Nàng nhìn lại anh con trai, cao lỏng khỏng đó và thấy chàng ta không phải là xấu trai, và có thể ăn nói giỏi khi chàng ta không bị đưa sang những địa hạt lạ.

Hiếu để sách xuống, thẫn thờ một vài giây, rồi bước chậm lại buồng ngủ của chủ nhà. Cửa không đóng. Nàng dòm vào: một chiếc chõng tre, chỉ có thế thôi, với áo quần móc trên vách.

-Thầy giáo ơi!

-Dạ.

-Cho tôi hỏi thăm cái nầy.

Châu rụt rè sợ hãi, bước lại phía cửa buồng.

-Ảnh của ai treo trên vách ở đầu giường thầy vậy?

-Dạ của má tôi.

-Còn ảnh của ba?

-Dạ, ba tôi qua đời từ lâu.

Đó là một người đàn bà nhà quê gương mặt hiền hậu, chất phác hết sức. Y như mẹ nàng. Hiếu nghĩ ngay đến mẹ và nghe thương mẹ quá. Nàng cũng nghe thương người đàn bà trong ảnh, vì đó là những người thủ phận thuần lương, không tham vọng nhiều, người của hàng ngũ của nàng. Và cảm tình của nàng đối với con người đã thương người trong ảnh tức là Châu, cũng nồng đậm hơn lên.

-Anh Châu.

-Dạ.

-Anh ở đây một mình có buồn lắm không?

-Dạ buồn.

-Thỉnh thoảng em lại đến thăm anh nhé!

Châu không đáp. Chàng mấp máy đôi môi, nuốt bọt mà không thốt ra lời nào. Hai tai chàng ửng đỏ lên và tay chàng run rẩy, chàng ú ớ nói: “Tôi… tôi… không…”

Hiếu bỗng sực nhớ lại lời nhận xét của một danh nhân Âu-Châu mà Nghi đã nói cho nàng nghe: “Khi người đờn ông mà có vẻ lố bịch trước mặt phụ nữ thì tức là hắn đã yêu.”

Hiếu đã thấy Châu lố bịch rất buồn cười ngay ngày đầu nàng đến đây, nhưng nàng quên phức nhận xét trên. Không, Châu không nhát gái, bằng cớ là nàng đã thấy hắn trò chuyện với gái khác một cách trôi chảy. Hắn chỉ nhát nàng mà thôi. Mà nhát nàng có phải chăng là vì…

Đứng làm thinh suy nghĩ giây lâu, nàng nhìn đồng nghiệp và cười nói:

-Em phá anh chơi, chớ ông hiệu trưởng không có gọi anh.

Lối xưng hô của Hiếu làm cho Châu sung sướng và giúp hắn dạn lần ra:

-Cô làm tôi hết hồn.

-Anh hay sợ lắm, sao dám ở một mình chỗ hẻo lánh nầy?

-Tôi không sợ ma.

-Chỉ sợ người ta không mà thôi à? Anh sợ em hay không?

-Sợ.

Giọng Châu thành thật lạ kỳ khiến Hiếu cảm động lắm. Nàng bỗng nhớ lại một thanh niên chơn thật khác là Trọng, Trọng đã bối rối như thế nầy và đã yêu sâu đậm vô cùng.

Bức thơ đầu của Tài chỉ hà sinh khí lên nàng cho nàng sống lại thôi, nhưng nàng vẫn chưa rung cảm được những rung cảm của buổi đầu; chính mối tình thầm lặng, chính thái độ vụng về của người con trai nầy mới là cải tử huờn sanh cho nàng một cách hoàn toàn và trọn vẹn.

-Anh sửa soạn nấu cơm chưa?

-Bữa nay tôi ăn giỗ đằng kia, nên khỏi nấu nướng.

-Tiếc quá, em định ở lại giúp anh. Em nấu canh chua ngon lắm, anh ăn một lần thì biết.

Nàng xin phép ra về, từ chơn thang ra tới cổng, nàng cố ý đi gần Châu và Châu không dang ra xa nữa.

-Bữa nay trong người anh, anh có nghe bần thần hay không?

-Không, tôi vui vẻ lạ thường.

Sao họ lại hát:

Hôm nay có đám giỗ gần,

Trong dạ bần thần không muốn ăn cơm.

Cả hai đều cười xòa và đây là lần đầu tiên mà Châu dám cười với Hiếu.

Trên con đường cát, nàng lưu luyến ngoái cổ lại nhìn không biết mấy lần người con trai đang chống tay lên đầu cổng trông theo nàng mà ngơ ngẩn như kẻ mất hồn.

Ở nhà, phu trạm của hội đồng xã đã mang đến cho Hiếu hai bức thơ. Bức thơ không tem, nàng không biết nó từ đâu đến, do ai viết và nói những gì trong đó, nên không nôn nao đọc.

Bức thơ thứ nhì, đóng dấu bưu điện Sài-gòn, chữ trên phong bì có móc có gai như chữ Ấn-độ, gieo vui mừng vào lòng Hiếu như là một bức thơ tình trông đợi.

Nàng mong ngóng tin bạn, mà cũng mong ngóng tin tức thủ đô, thèm mùi vị của cái thành phố lớn ấy mà cánh thơ nầy mang đến.

Hiếu lẩm bẩm: “Nó lai một đời rồi mà viết chữ la-tinh vẫn có móc, có đá, có gai như chữ của đồng bào nó ở Chợ Cũ”. Rồi cười khan một mình, Hiếu xé thơ ra đọc:

Em Hiếu cưng của chị,

Thế nào? Có bị học trò ăn hiếp đến khóc không? Và có nhớ má, có khát sữa đến khóc hay không?

Về má thì cưng đừng lo, chị xẹt lại nhà mỗi ngày cho má đỡ nhớ cưng. Ba thì cứ như thường, mấy em vẫn học siêng năng.

Ngoài Sài-gòn, mất cưng tụi nó cũng vui vẻ được như thường, chị nói thế không phải để báo hại cho em tủi thân, mà để em sáng mắt ra rằng tụi nó không cần mình và mình cũng không cần đứa nào hết và cứ nên vui với địa vị hiện hữu của mình.

Trà-Võ buồn lắm phải không em? Nhưng nếu em có bạn trai thì hết buồn ngay và chị tin rằng em đã hoặc sẽ có bạn trai trên ấy. Hoa hậu Bồ-Đào cho dẫu héo rồi vẫn được hoan nghinh ở tỉnh xa, ở các làng hẻo lánh.

Cái đẹp chỉ tương đối thôi em à, và có thể hiện nay cưng của chị là hoa hậu Trà-Võ cũng nên, và có khối công tử nhà quê mê cưng của chị.

Nếu có chỗ nào xứng lứa vừa đôi, em không nên làm cao mà hất hủi người ta. Chị tin rằng hạnh phúc của em bắt đầu từ đây, và em sẽ là một cô giáo nhà quê, rồi sanh con đẻ cháu, sống một đời yên ổn đến bạc đầu.

Lý tưởng khiêm tốn và cổ điển lắm đấy, nhưng gần với ta, thực hiện được dễ dàng, chớ không phải những giấc mơ vĩ đại của ta mấy năm trước nó vẫn chỉ là mơ thôi.

Hiếu ngừng đọc mỉm cười lẩm bẩm: “Bà Hoàng mắc dịch ấy sao bả lại sáng suốt quá như thế, biết mình có bồ, lại là bồ đồng nghiệp nữa. Không biết bả sẽ nghĩ thế nào khi hay tin một quân nhân ngấp nghé len vào cuộc đời của mình.”

Cưng ơi, có nên nhắc chuyện cũ hay không? Chị đắn đo rất lâu, và rốt cuộc nghĩ rằng sự nhắc nhở nầy sẽ giải thoát lương tâm em, xua đi những gì nó đè nặng lên đó, thì sao chị lại không nhắc.

Chuyện Trọng đó mà! Trọng đã cưới vợ rồi em à, cưới một cô gái dưới làng do mẹ anh ấy chọn, và anh ấy cũng rất thích. Họ hạnh phúc lắm.

Gặp Trọng, chị hỏi thăm niềm đau của anh ấy và anh ấy bảo rằng đã quên được. Em thấy không? Đứa nào cũng đòi tự tử, cả trai lẫn gái, nhưng rốt cuộc, đứa nào cũng quên được tuốt hết.

Hỏi thăm ý nghĩ của anh ấy về em, anh ấy bảo rất hối hận đã giận hờn oán trách em, vì lúc đó còn khờ dại, không biết lẽ phải. Anh ấy nói rằng em đẹp quá để anh ấy xứng đôi được với em, và anh ấy đã tham vọng quá sức mình.

Anh ấy cho rằng người con gái quá đẹp thì một là phải để dành cho kẻ cao sang quyền quí, hai là phải để chung cho mọi người, chớ không có lý nào một người địa vị khiêm tốn như anh ấy lại đèo bồng chiếm độc quyền.

Kể ra thì đoạn sau của câu trên đây là ý kiến kém lịch sự của một kẻ mặt dạn mày dày, nhưng mà rất đúng đó em à.

Em, vì rủi ro mà hết đẹp, em khỏi lo chịu cảnh thứ nhì ghê tởm mà anh ấy ám chỉ đến, và chị mong em tái khởi hành trên đường đời với những bước may mắn.

Trọng không biết gì về em, nhưng có nhắn lời thăm em.

Thôi nhé, khi nào về Sài-gòn thăm nhà thì nhớ ghé chị ăn một bữa cà-ry Chà cho cay chảy nước mắt đầm đề một bữa chơi.

Hôn cưng nát má,

HOÀNG

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: