Hiếu nói đúng. Khi người ta sợ ma, người ta nghe yên lòng hơn, khi nhìn thấy sự sống chung quanh người ta. Trong nhà, bất kỳ nhà nào, sự sợ hãi cũng gia tăng lên cả. Hiếu sợ điều gì không rõ và tánh cách không rõ rệt ấy giống như sợ ma.
Đôi bạn lại không biết nói gì với nhau nữa. Nhưng họ có cần nói gì cho nhiều đâu, còn trái lại nữa là khác. Cuộc đối diện đàm tâm có lẽ hùng biện hơn bất kỳ kim ngôn mỹ ngữ nào. Khi mà người ta đứng gần nhau để không nói gì mà vẫn không chán nhau, không muốn rứt ra mà đi, tức là người ta mến nhau lắm, và bên nầy như nghe được nỗi lòng thầm lặng của bên kia và ngược lại.
Trọng đã dám gọi Hiếu bằng em, và Hiếu nhận tiếng em đó, nội chi tiết ấy cũng đủ nói nhiều về sự tiến triển của tình cảm nơi họ rồi.
Chắc một đôi trai gái yêu nhau, không cần có một cuộc tỏ tình nào, dầu khéo hay vụng. Người ta ngầm hiểu lời nói của đôi mắt, lời của sự ấp úng, lời của sự im lặng nữa và người ta cứ bước tới, bắt đầu từ sự hiểu ngầm nhau ấy.
Vì thế mà Trọng thốt ra một câu mới nghe thật quá đường đột vì không có cuộc tỏ tình nói trên nó bắc cầu giữa tình quen biết thường với tình yêu.
-Em Hiếu ơi nhớ lắm, nhớ quá, một ngày không thấy mặt em, anh ăn ngủ không ngon.
-Thì anh đã dặn em hai ngày đến sở anh một lần.
-Anh muốn sửa đổi lại, em nên đến mỗi ngày.
-Kỳ quá, người ta cười chết. À anh, em đến đó, em mắc cỡ lắm, lại không biết làm sao hỏi thăm anh.
-Anh có dặn chú tùy phái.
-Tùy phái là ai, em nhận sao ra chú ấy?
-Chú ấy có bàn viết ngoài trước hết, bước vào cửa là gặp bàn chú ấy ngay. Em hỏi thăm tên anh là chú ấy biết. Anh không có khách nào khác hết.
-Đồng hồ anh đã mấy giờ rồi đó?
-Bốn giờ rưỡi.
-Trời, như là mới gặp nhau năm phút. Em phải về giúp má lo cơm nước. Thôi, mốt anh nhé.
-Buồn quá. Nhưng anh cũng phải đến sở. Ông chủ anh cần anh luôn, anh vắng mặt lâu, ổng khó chịu lắm.
Như lần trước, Hiếu khuất dạng sau khúc quanh Trọng mới chịu lên xe. Lần nầy anh đi xì-cút-tơ và vội vàng phóng xe về sở kẻo chủ anh sốt ruột.
Quả thật thế, Trọng vừa bước vào phòng giấy của ông chủ hãng – chàng luôn luôn ngồi chung buồng với ông ấy – thì ông ta đã nói:
-Tôi đợi thầy từ ba giờ đến giờ. Tập hồ sơ xanh đâu? Trong khi Trọng lấy tập hồ sơ ấy ông ta hỏi:
-Hôm qua thầy đi gởi tiền dưới ngân hàng chưa đưa biên nhận cho tôi chớ?
-Dạ đúng như vậy, vì ông bận khách luôn. Tôi sẽ đưa ông ngay bây giờ đây.
-Còn bức thơ cho hãng lông vịt, đã gởi đi chưa?
-Dạ đã gởi hồi sớm mai nầy.
-Với lại vụ thương lượng với ông chủ đất ở Gò Vấp đang hăm kiện ta?
-Dạ, đã có kết quả khả quan. Ông ấy nhận một số tiền bồi thường phải chăng.
-Còn vụ con Hélène của tôi xin vô trường Marie Curie?
-Dạ, bà Proviseur hứa cứu xét đơn xin.
-Còn cau luộc Đồng-Môn cho vợ tôi?
-Dạ, mốt nầy sẽ có.
-Tốt lắm. À, thầy đã tìm được những ngôi nhà, ngôi chùa nho nhỏ bằng sứ để tôi gắn non bộ chưa?
-Thưa, tôi lục lạo khắp Sài Gòn mà không tìm thấy. Tôi sẽ tìm kiếm trong Chợ-Lớn. Hình như từ sáu năm nay, món hàng ấy không được nhập cảng từ Ma-Cao qua đây nữa.
-Thầy phải tìm cho ra. Tôi nóng lòng thấy hòn non bộ thành hình trong vườn nhà tôi. Thầy Trọng…
Ông chủ nhìn Trọng khi chàng mang hồ sơ đến, và gọi ngay tên chàng, mặc dầu chàng đang đứng trước mặt ông.
-Dạ.
-Nghề thơ ký riêng cũng khá nhọc, và tôi biết sự cố gắng của thầy để làm vừa lòng tôi. Vì thế, mà tôi nghĩ nhiều về cái chỗ làm mà thầy nài nỉ xin giùm người quen của thầy.
-Dạ cám ơn ông chủ.
-Và tôi quyết định thỏa mãn thầy. Người ấy thế nào?
-Dạ… ơ… hơ…
-Tôi muốn biết xem người ấy có siêng năng, đứng đắn và hạnh kiểm tốt hay không.
-Dạ, tôi xin bảo đảm.
-Mặc dầu hãng không cần thêm người mà trái lại còn muốn bớt tổn phí, vì cuộc làm ăn không ra làm sao cả. tôi cũng đành nhận thêm một chơn thơ ký đánh máy để làm vui lòng thầy. Vậy thầy bảo người ấy mai nầy đến đây xem thử.
Trọng thừ người ra, vì mừng, vì bối rối, giây lâu chàng hỏi:
-Thưa ông, ngày mốt có được hay không?
-Sao không mai, mà lại mốt?
Vì tôi đã dặn cô ấy mốt đến đây. Tôi không biết nhà cô ấy nên dặn lại không được.
-Hừ… ừm…! Không biết nhà! Thôi, mốt cũng được.
Trọng vẫn còn bối rối. Khi nãy chàng quýnh quáng vì tin mừng, vì không biết làm thế nào nhắn tin cho bạn đến sớm hơn, giờ chàng bấn loạn trí óc vì sự may mắn đến thình lình ấy đặt trước một tình thế khó khăn: chàng chưa là người yêu của Hiếu, và Hiếu đến đây làm việc, không giúp điều kiện cho chàng chinh phục nàng, còn trái lại nữa.
Tuy nhiên dầu sao chàng cũng được gần Hiếu mỗi ngày như ước muốn, và điều ấy làm chàng vui rộn lên.
Nhưng đồng hồ treo trên tường sao mà như là ngừng chạy, trong khi còn đến năm mươi tiếng nữa nàng mới đến đây. Nàng đến đây, nàng được nhận và sau vài tháng là một đôi vợ chồng trẻ sẽ mỗi ngày đi chung xe nhau đến sở và từ sở ra về cùng chung trên chiếc xe xì-cút-tơ ấy. Hạnh phúc sao mà đến dễ dàng quá, lại đúng y như trong mộng tưởng của chàng.
Ngày long trọng ấy đến, sự việc sẽ như thế nào không rõ chớ hiện giờ thì Trọng không làm việc được và chàng quên tất cả các bức thư của chủ hãng giao cho chàng.
Chồng làm thơ ký riêng, vợ làm nữ thơ ký đánh máy. Lương tháng của hai người cũng được sáu ngàn. Họ sống no ấm lại tiết kiệm được chút ít phòng ngày sau có con… À, họ sẽ đi du lịch độ mười lăm hôm sau ngày cưới. À, Trọng sẽ không ở trọ nhà bà con ở Bàu-Sen nữa mà dọn một căn nhà đâu đó ở các xóm có nhà rẻ tiền như trên Bàn-Cờ chẳng hạn. Họ sẽ ăn cơm tháng xách tới nhà, họ sẽ…
Mặc dầu hôm sau đó không có hẹn, Trọng cứ dặn người tùy phái gọi chàng ngay khi có một cô gái như thế… như thế… đến hỏi chàng. Nhưng dặn xong, chàng không an lòng, thỉnh thoảng chạy ra ngoài dòm chừng một cái. Anh tùy phái ngỡ đó là nhơn tình của chàng và ngỡ hiểu gì gì, nhìn chàng, nháy mắt rồi cười hóm hỉnh mỗi bận chàng dòm ra.
Cái hôm sau đó, tuy thế mà Trọng ít bồn chồn bằng cái ngày hôm sau nữa là ngày ước hẹn. Chàng nhớ ra là không có định giờ cho Hiếu và Hiếu có thể đến vào buổi chiều. “Thật là mình ngốc quá, chàng nghĩ. Sao lại không hẹn giờ? Lần sau phải khôn ra mới được”.
Hôm ấy ông chủ vui tánh lắm, và mới bước vào văn phòng, hồi chín giờ ông đã hỏi:
-À, chào Trọng. Thế nào, người ấy đã đến chưa?
-Thưa ông chưa. Tôi không dè mà ông cho gọi sớm thế nên không giao hẹn giờ, mà chỉ bảo đến hôm nay thôi.
-Bậy lắm. Mười giờ rưỡi tôi đã phải đi Chợ-Lớn có việc. Nếu người ấy đến đúng hoặc sau giờ ấy thì lại phải đến nữa.
Trọng cũng rất sợ sự rủi ro ấy, nên lòng chàng nóng như lò lửa, chàng ngồi đứng gì cũng không yên cả. Chín giờ rưỡi! Mười giờ! Mười giờ mười phút!
Chịu không thấu nữa, Trọng ra hành lang. Văn phòng của hãng là hai căn phố thường phá vách ngăn. Nhân viên ngồi trong một vòng tường thấp, trên đầu tường gắn bệ gỗ đánh bóng thành ra như cái quầy. Vòng rào ấy chừa một hành lang hẹp lối một thước hai để khách đi vào buồng giấy của chủ hãng bên trong. Người tùy phái ngồi ở đầu ngoài hành lang, xếp bao thơ và vào sổ các văn kiện nhận được và gởi đi.
-Có gì không chú Tám?
-Chưa thấy bóng ai lai vãng đây cả.
Trọng trờ tới ngoài thêm rồi kêu lên: “Trời ! vậy mà…” rồi ba chơn bốn cẳng chàng chạy dông đi một nước.
Hiếu đang đứng gần một cây me mà nhìn vào sở, xe đạp dựng dựa gốc cây me ấy.
-Em! Sao em không vào, làm anh đợi muốn chết.
-Em không dám vô.
-Phải vô mau, kẻo ông chủ đi mất, ổng hỏi em từ hổm nay đó.
Khi bước đến hành lang, Hiếu bỗng nghe chơn cẳng mình như bị vướng dây thả trên mặt đất… Mấy mươi cái đầu đang chăm chú làm việc bỗng ngẩng lên một lượt khiến nàng sượng sùng và nghe thân thể như tê liệt phần nào.
Trọng hãnh diện với bạn đồng sở ghê lắm, nhưng cũng không khỏi khó chịu làm cái đích cho mấy mươi con mắt dòm trừng trừng vào.
Đôi bạn nghe có tiếng chắc lưỡi hít hà trong vòng rào nên lại càng ngượng hơn.
Cái hành lang chỉ dài có bảy thước thôi, thế mà họ nghe như là nó vô cùng bất tận, đi hoài không đến đích. Nhưng rốt cuộc họ cũng đến nơi, đến trước hai cánh cửa bật của văn phòng chủ nhơn.
-Em đứng đây đợi anh một chút!
Trọng nói rồi đẩy cửa bước vào trong, Hiếu thoáng thấy ông chủ chễm chệ ngồi trước một chiếc bàn thật to, rồi cánh cửa bật khép lại, nàng chỉ còn ngắm được qua khoảng trống trên đầu cửa, chiếc quạt trần chạy vù vù trên đầu ông.
Nàng hồi hộp đứng đợi, không biết họ nói gì với nhau trong ấy mà lâu quá sức. Hình như ông chủ đang dặn dò công việc hay sao, chớ báo tin một người khách và cho người khách ấy vào, làm gì mà kéo dài những hơn mười phút.
Qua khoảng trống dưới chân cửa, Hiếu lại thấy hai đầu ống quần và hai chiếc giày của bạn nàng đi ra. Trống ngực nàng bắt đầu đánh dữ.
-Em vào đây! Trọng kéo cửa nhưng không bước ra, mà chỉ ngoắc Hiếu vào thôi.
Đây là lần đầu tiên trong đời nàng mà Hiếu vào một nơi trang trọng như thế, nên chi cảm xúc của nàng mạnh lắm. Vào đến phòng giấy rồi mà nàng không thấy mặt ông chủ ra sao vì nàng bị chóa mắt trước cảnh ở đây.
Ông chủ vừa thấy Hiếu thì giựt mình, lặng người đi rất lâu mà không nói gì cả. Ông châu mày, cắn ống điếu đến muốn bể ra, rồi thở dài rất to.
Cả hai, Trọng và Hiếu đều không hiểu được phản ứng kỳ lạ của ông khi thấy mặt người nữ thơ ký sắp được nhận.
Gần ba phút đồng hồ qua, mà ông chẳng nói chẳng rằng gì cả, và rốt cuộc ông xô ghế kêu một cái rột, đứng lên, thở dài nữa rồi nói:
-Để tôi nói chuyện lại với thầy Trọng. Cám ơn cô đã đến và xin cô đợi trả lời. Do thầy Trọng trao lại cho cô.
Bấy giờ, nghe ông chủ nói ngay với mình, Hiếu nhìn ông ta và mới thấy ông ta. Đó là người đàn ông trạc tuổi cha cô, nhưng đầu chưa bạc, người lại phốp pháp, hồng hào, chứng tỏ ông ta đã ăn no, ngủ kỹ. Dầu sao gương mặt hiền từ tuy nghiêm khắc của ông ta cũng dễ gây thiện cảm.
-Dạ, thưa ông, con rất hy vọng.
Hiếu nói được câu đó rồi ngạc nhiên lắm mà thấy hôm nay sao mình lại dạn dĩ đến thế. Người chủ hãng nghe câu nầy lại thở dài rồi nói với Trọng:
-Tôi đi Chợ-lớn kẻo trễ việc. Tôi sẽ cho thầy biết quyết định về vụ nầy.
Ông chủ hãng đi ra bằng cửa khác và Hiếu nhìn Trọng để thầm hỏi bây giờ có phải là nàng nên rút lui chăng. Trọng như tránh không nhìn bạn, nhưng kéo ghế mời Hiếu ngồi trước bàn viết của chàng. Hình như là chàng rất khổ tâm và không muốn nói gì với bạn về chỗ làm, nên chi khi Hiếu ngồi xuống xong, chàng nghe chuông điện thoại reo, chàng mừng rỡ hết sức.
-Alo ! Dạ phải… dạ không… dạ tôi là thư ký riêng đây ạ… dạ ông chủ tôi vừa bước ra… dạ không thể chạy theo gọi kịp… dạ nếu không phải là chuyện riêng tư, xin ông cứ nói… dạ, thế thì thôi vậy… dạ xin chào ông…
Trọng bỏ máy nói xuống, đi về bàn mà ngồi. Hiếu không thạo các truyền thống, các thói tục ở những công tư sở, nhưng Trọng thì đã đoán được phần nào.
Chàng làm thinh nhìn bạn mà xót thương, như là vị lương y biết con bịnh của ông ta lâm nguy, nhưng con bịnh ấy mù tịt và cứ ngỡ mình sẽ lành bịnh được như thường.
“Được, cô cứ về rồi sẽ có thơ sau. Được, thầy cứ về rồi tôi sẽ nhắn tin…” đó là những câu cổ điển mà sự từ chối kín đáo và lịch sự trong đó rõ nghĩa quá, ai có từng đi tìm việc, nghe là biết ngay.
-Ở đây mát quá. Hiếu vui vẻ khen. Trọng cười, cái cười héo hon và giải thích.
-Lầu bốn từng. Nhờ vậy mà sức nung đốt của mặt trời không xuống tới đây được. Thế nên khỏi phải gắn máy lạnh.
-À, gắn máy lạnh thì lại còn mát hơn phải không anh?
-Ừ, mát lắm.
-Đi làm việc cũng sung sướng chớ, phải không anh, ở nhà ta, làm gì được mát mẻ như vầy.
-Ừ.
Hiếu không biết nói gì nữa, còn Trọng thì âu sầu và đang lo ra. Hôm nay là ngày ông chủ biết mặt cô thư ký, và có thể biết tài cô, qua một trang đánh máy thử cho ông xem. Rồi thì thỏa thuận với nhau về lương bổng. Đáng lý thì như vậy. Nhưng cớ sao ông lại do dự thình lình? Nghĩ mãi mà không tìm ra nguyên nhân của sự hoang mang của người chủ hãng, Trọng chịu, và không thèm bận trí đến điều ấy nữa. Chàng hỏi bạn:
-Ba làm đằng hãng Sudiwimport từ bao lâu rồi?
-Lâu lắm. Em lớn lên, hiểu biết là nghe nói ba đã làm ở đó từ thuở nào rồi.
-Ba, má, tánh tình khó lắm không em?
-Dạ, cũng tùy theo việc.
-Thí dụ việc nào khó, việc nào dễ…
-Con cái làm hỏng thì ba má tha thứ, nhưng biếng nhác, ngồi lê đôi mách, ba má không ưa.
-Như vậy thì quí lắm.
-Ba, má thường thân với ai em? Hiếu cười mà rằng:
-Anh hỏi kỳ cục, những người thân với ba, má anh đâu biết mà hỏi. Trọng cũng cười vì chợt thấy mình vô lý.
-Em ở chơi đến tan sở được hay không?
-Em hổng dám, sợ má rầy.
-Anh xót xa quá em ơi, không biết làm sao mà gần em được thường thường. À, nầy em, anh muốn tặng em một món quà, em vui lòng nhận hay không?
-Cũng tùy. Nếu quà sang trọng, làm anh tốn tiền thì em xin tha.
-Không, quà nhỏ thôi. Và em tặng anh một bức ảnh được hay không? Những đêm nằm buồn, anh muốn được nhìn lại em, cho đỡ… đỡ… nhớ.
Trọng phải gom tất cả can đảm của chàng lại mới dám thốt ra rất khẽ cái tiếng “nhớ” ấy, và thấy Hiếu không phản đối, chàng tin chắc rằng sự mặc nhận của nàng là bước đầu của tình yêu rồi vậy.
-Em vui lòng em nhé!
Hiếu lại mắc cỡ ửng hồng đôi má. Nàng cúi xuống mâm mê trôn áo, và lâu lắm mới đáp khẽ:
-Nhưng sẽ không có lời đề tặng ngoài sau, và anh cũng phải tặng em lại một bức.
Trọng suýt nhảy dựng lên vì mừng “Tặng em một bức”. Thế nghĩa là nàng cũng nhớ mình à, và cũng cần xem lại mặt mình những ngày buồn dài dằng dặc à!
-Cám ơn, cám ơn em ngàn ngày. Anh sẽ giữ bức ảnh của em cho đến ngày anh xuống mồ, nếu vì rủi ro nào mà anh không… không… kết bạn được với em.
Sự thân mật đã rõ lần và đã đi đến một mức mà họ có thể xem nhau như là đôi nhơn tình còn trong sạch. Nên chi Hiếu mạnh dạn nói đùa:
-Còn như kết bạn được, thì anh không cần ảnh ấy nữa phải không?
-Cần chớ, nhưng nó không có nghĩa là một di vật nữa. Chừng đó ta sẽ chụp ảnh chung, chụp lu bù, chụp mỗi tháng, chụp mỗi tuần.
-Ba, má anh cũng còn mạnh khỏe đủ chớ?
Con gái có khác con trai ở chỗ họ dè dặt rất lâu. Trong khi Trọng hỏi “Ba, má”. Làm như là họ đã chung ba má rồi thì Hiếu vẫn thêm đại danh từ “anh” sau đó, “ba, má anh”, tức là chưa phải ba, má của em.
Trọng tế nhận được ngay điểm dè dặt ấy của bạn và hơi hơi buồn, chàng đáp:
-Anh chỉ còn má thôi.
-Má anh ở đâu anh?
-Má anh ở Vĩnh-Long. Vì còn ruộng vườn nên anh không thể rước má anh lên đây ở chung với anh được.
-Anh có anh em, chị em đông hay không?
-Anh thứ ba mà như là trưởng nam vì người anh thứ hai đã chết hồi còn bé. Anh có hai đứa em gái mà một đã lấy chồng.
-Má anh có khó tánh lắm không anh?
-Các cụ ở tỉnh thì như nhau cả. Các cụ rất sợ gái văn minh.
-Chắc má anh ghét uốn tóc như em lắm?
-Không ghét, nhưng má anh ưa búi tóc xưa hơn.
-Và chắc má anh ghét phụ nữ đi làm lắm?
-Không ghét, nhưng má anh ưa phụ nữ nội trợ hơn. Nhưng anh là con cưng, má chiều ý anh lắm. Con trai một mà em!
Hiếu cười nói:
-Vì là con trai một, nên dâu cũng một. Mà các cụ rất cần một cô dâu trong nhà.
-Em nói đúng, nhưng em chưa biết đức tánh hy sinh của các cụ lên đến mức nào. Các cụ dám xem như các cụ không có, để chồng con của các cụ được sung sướng.
-Nhưng anh cũng phải làm tròn bổn phận làm con, tức là làm sao cho cha mẹ được sung sướng, tức là kết hôn với một cô giỏi nấu nướng, vá may chớ?
-Mấy cô làm việc cũng có thể giỏi nội trợ, như em chẳng hạn.
-Em thì dở khẹt.
-Anh tin là em giỏi.
-Cái gì làm cho anh tin như vậy?
-Tình yêu.
Đây là lần bạo lời cuối cùng của Trọng và lần mặc nhận, lần hổ ngươi cuối cùng của Hiếu. Từ đây, họ sẽ ra mặt với nhau để tỏ nỗi lòng cho nhau nghe.
Hiếu nhìn lên đồng hồ treo trên vách rồi hốt hoảng đứng dậy nói:
-Ý chết! Đã trễ quá rồi. Thôi em về nha anh.
Trọng bước vội ra trước bàn rồi cầm lấy tay bạn, chàng trịnh trọng nói:
-Em, anh xin thề với trời đất là anh sẽ cưới em làm vợ.
Hiếu rùng mình, nghe mê man cả người và Trọng nói gì, nàng không nhớ cho rõ nữa.
-Thôi em xin về, nàng thở hổn hển mà nói rất khẽ sau mấy mươi giây đứng lặng cả người ra.
-Ừ, em về rồi sáng mai lại ra em nhé.
Hiếu ra khỏi buồng giấy vội vàng như chạy trốn và Trọng, sau khi làm cái cử chỉ điên dại ấy, đâm ngượng nên không dám tiễn bạn ra ngoài. Hiếu bước mau trong hành lang, nghe tim mình đập thình thình và như là nghe những lời chế giễu mỉa mai của bạn đồng sở của Trọng.
Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online.
_____________
CÒN TIẾP