Chiều lại, ông chủ hãng ở lại làm việc rất trễ, theo thói của những ông bự ở bất kỳ công hay tư sở nào. Họ đến trễ, và ở lại trễ cái mới chết các viên thơ ký riêng, vì các tay nầy không đến trễ được mà vẫn cứ phải ở lại đến tối mò.

Cửa ngoài đã khép, nhân viên đã về hết, chỉ còn người tùy phái ở lại để tắt đèn, tắt quạt và khóa cửa.

Ông chủ hãng nhận chuông điện gọi anh tùy phái bảo đi mua bia rồi mời Trọng đến ngồi trước bàn viết của ông, xem Trọng như là khách.

Ông móc gói thuốc Lucky ra, rút lên nửa chừng một điếu rồi chìa ra trước mặt thơ ký riêng:

-Mời thầy.

-Thưa cảm ơn ông, tôi không biết hút thuốc.

-Thì cứ hút đi rồi sẽ biết. Có ai sanh ra mà biết hút thuốc ngay đâu.

Người tùy phái đã mang bia về. Hắn đặt hai các cốc to tướng trước mặt ông chủ hãng và trước mặt Trọng.

Ông chủ cười hề hề mà rằng:

-Đừng có nói là không biết uống bia nữa nhé. Cứ uống đi rồi sẽ biết.

Trọng cười rồi rút điếu thuốc mà ông chủ hãng chìa ra cho chàng. Ông ấy lẹ tay bật cái quẹt máy rồi với đưa ngọn lửa trước đầu điếu thuốc của Trọng.

Trọng rất ngạc nhiên sao ông chủ hãng lại tử tế với chàng đến thế. Chàng rút một hơi khói rồi sặc mấy cái, nước mắt chảy ròng ròng. Ông chủ hãng cười và nói:

-Thầy còn con trai nheo nhẻo. Nào ta giải khát cái đã.

Nói đoạn ông bưng cốc lên, đưa ly ra cụng một cách tượng trưng rồi ngâm môi trong bọt trắng uống ừng ực trông coi ngon cha chả là ngon khiến Trọng thấy mà thèm. Chàng cũng nâng ly lên cùng một lúc với ông chủ hãng, nhưng chỉ hớp một hớp thôi rồi nghe đắng lưỡi quá, chàng hạ ly xuống, trố mắt nhìn ông chủ uống mà mê.

Ông ấy uống một hơi hết hai phần bốc (Bock), đặt mạnh ly xuống bàn kêu một cái cộp, khà một tiếng nghe rất phỉ chí bình sanh đoạn chậm rãi đốt một điếu thuốc:

-Thầy năm nay đã mấy mươi?

-Dạ hăm ba.

-Còn trẻ lắm. Đường đi còn dài lắm!

Ông ta thở khói thuốc ra thật nhiều và làm thinh rất lâu, đoạn bắt đầu bài diễn thuyết, sau khi nghiệm sắc mặt lại:

-Thầy Trọng, thầy làm việc siêng năng, giỏi giắn và trung thành nên tôi thương thầy như con cháu trong nhà, không có gì trong vòng quyền lực của tôi mà tôi không làm để giúp thầy… như cái vụ nầy đây…

Trọng hy vọng tràn trề và sự vui mừng lộ ra trên mặt chàng.

-Nhưng tôi phải hỏi thầy vài điều trước khi quyết định, và thầy phải nói cho thật nghe không?

-Dạ tôi xin thành thật với ông.

-Tốt lắm. Điều thứ nhứt, tôi muốn biết cô ấy là gì của thầy?

Trọng bối rối trước câu hỏi bất ngờ ấy, ấp úng mãi không biết trả lời làm sao, khiến ông chủ hãng phải dẫn đường cho chàng:

-Không có bà con với thầy hả? Trọng mừng rỡ đáp ngay:

-Dạ không có bà con.

-Thế thì là gì ?

-Dạ ơ… hơ… cô ấy là bạn của tôi.

-Vậy à. Nhưng bạn làm sao?

-Dạ bạn học.

-Trường nào?

-Dạ lớp đánh máy chữ.

-Té ra chỉ mới quen nhau đây thôi. Nhưng phải thành thật đấy nhé. Chỉ là bạn học thôi hay… tình bạn đã đi đến chỗ thân mật?

-Dạ chỉ là bạn nhau thôi.

-Thành thật chớ? Tôi không phải là nhà đạo đức, thầy cũng biết. Cho dẫu thầy yêu ai cũng không can hệ gì đến tôi, đừng có ngại mà nói không thật rồi tôi quyết định sai.

-Dạ, quả cô ấy chỉ là một người bạn gái thôi.

-Và thầy rất mến cô ấy?

-Dạ đúng thế.

-Và thầy thầm yêu cô ấy nữa, muốn tính việc trăm năm với cô ta? Trọng bối rối nhưng mỉm cười và đáp:

-Ông đoán thật tài.

-Không có gì bí hiểm đâu. Thấy là biết ngay. Nhưng nầy… Ông chủ hãng lại im lặng độ một phút đồng hồ nữa rồi nói:

-Nầy. Thầy dư biết nguyên tắc của tôi là không dùng đàn bà trong sở. Thầy cũng thường nghe tôi đọc một câu ngụ ngôn của La Fontaine để cắt nghĩa thái độ của tôi về điểm đó:

“Hai con gà trống đang sống yên ổn, bỗng một con gà mái hiện đến”…

Sở dĩ năm ngoái tôi cực lòng phải nhận cô Mỹ là vì có một ân nhân của tôi gởi gắm, tôi khó lòng mà từ chối. Nhưng cũng nhờ cô Mỹ xấu xí quá, chớ không…

Thầy biết chớ, phụ nữ đẹp thường gây rắc rối trong các nơi như vầy, người nầy yêu, người nọ ghen, nội bộ nát bét hết, anh em cùng sở đâm ra thù nhau, toan hại nhau, công việc bỏ bê vì bận yêu, bận ghen, bận ghét. Chính các cô gái đẹp cũng chẳng làm được gì cho nhiều, bởi họ không thể nào không lo ra vì những cuộc tán tỉnh ngày một của bạn đồng sở với họ, của những người con trai các nơi khác.

Đó là chỉ mới nói đến những cô gái đẹp mà thôi đa. Những cô gái “quá đẹp” lại càng nguy hiểm cho hãng hơn nữa. Cô gái mà thầy gởi gắm thuộc vào hạng tối nguy hiểm vì cô ấy đẹp ghê hồn, đẹp đến đỗi tôi từng tuổi nầy, nghiêm trang đứng đắn thế nầy mà khi thấy mặt cô, tôi không khỏi bị xúc động.

Nếu cô ta bà con với thầy, thật tôi không biết tính sao. Nhưng may chỉ là một cô bạn gái của thầy thôi, mà cũng chưa dính líu gì tình cảm với thầy hết thì thôi vậy. Thầy nên thông cảm tư tưởng của tôi, có lẽ thầy sẽ cho tôi quá dè dặt, nhưng kinh nghiệm đã dạy tôi dè dặt như vậy, và tôi tin rằng tôi đã quyết định đúng.

Trọng bỗng rụng rời. Ông chủ hãng mến chàng và thật tình muốn giúp chàng, chàng biết chắc hai điều đó nên chi đã hy vọng nhiều ngay từ lúc ông ấy mới hứa và đã đinh ninh là sự gởi gắm của chàng đã được chấp nhận chắc từ ngày ông ấy cho gọi Hiếu đến.

Những lời ông nói như xô ngã cả một cái giàn trò mà chàng dựng lên để xây cất lâu đài hạnh phúc của chàng, mà xô ngã một cách đột ngột, bất ngờ quá khiến chàng kinh ngạc đến khủng khiếp.

Ông chủ hãng rình phản ứng của Trọng giây lâu rồi nói thêm:

-Nãy giờ tôi chỉ đứng về phương diện tôi mà nói chuyện. Tôi lại muốn ở vào địa vị thầy mà lập thái độ thử xem. Nếu tôi là thầy, tôi không buồn gì cả vì cô ấy không được nhận. Thầy chưa chinh phục được cô ta mà thầy lại không đẹp trai nhứt ở đây, không lương cao nhứt ở đây, thì thầy sẽ lép vế trong cuộc chinh phục tương lai ấy. Nếu cô ta làm nơi khác, sự lép vế của thầy sẽ không lộ ra vì cuộc so sánh dễ dàng trước mắt. Thôi, chắc thầy hiểu tôi và nhứt là hiểu rõ mọi lẽ thiệt hơn. Chào thầy nhé!

Ông chủ đứng lên, đưa tay ra và Trọng cũng đứng dậy bắt lấy tay ông chủ, nhưng lại ngồi trở xuống liền, khi ông chủ trở gót, hay nói cho đúng, chàng rơi xuống ghế một cách mệt nhọc chán nản.

Người tùy phái lấp ló nơi cửa khi nghe chủ hãng ra về, bắt gặp Trọng hai tay chống má, nâng đỡ một cái đầu quá nặng muốn gục sát mặt bàn. Hắn hỏi:

-Về chưa thầy ba?

Trọng giựt mình, đứng trở lên, nhưng không đáp. Chàng lững thững bước đi, dưới mắt ngạc nhiên của hắn. Hắn tắt quạt, tắt đèn, đi ra để khóa cửa ngoài và thấy Trọng vẫn còn đứng trên vỉa hè cạnh chiếc xì-cút-tơ của chàng.

“Quá đẹp!” Trọng lặp lại mãi hai tiếng ấy trong bụng chàng. Thì ra Hiếu quá đẹp, và mình đã yêu một cô gái quá đẹp mà không hay, và hãnh diện ơi, đã được cô gái quá đẹp ấy yêu lại phần nào.

Con trai mới lớn lên, chưa biết thưởng thức sắc đẹp đúng với giá của nó. Đành rằng Trọng thấy Hiếu đẹp, nhưng quả chàng không biết bạn đẹp đến mức nào vì kém kinh nghiệm nhận xét, so sánh, mà cũng vì mắt chàng mờ trong tình yêu.

“Thì ra Hiếu quá đẹp, nhưng tại sao ông chủ ổng lại sợ phụ nữ đẹp đến như thế? Bao nhiêu là sở, là hãng buôn đã dùng nữ nhân viên đẹp thì đã sao đâu?

“Còn cái điểm quá đẹp ấy nữa! Nếu thế thì những người đàn bà quá đẹp có cái số phận bị xua đi như xua tà, xua dịch hạch vậy à?”.

Nếu ông ấy bảo Hiếu xấu xí, để ngồi trong văn phòng xem không được rạng rỡ thì chàng tức. Hoặc nếu ông thử tài nàng, rồi chê nàng dở thì cũng đành đi.

Đằng nầy ông từ chối không nhận một người, chỉ vì người ấy QUÁ ĐẸP thì thật không sao chàng tiêu hóa cái lý lẽ kỳ dị ấy. Làm như QUÁ ĐẸP là một cái tội không bằng, làm như QUÁ ĐẸP đã bị cái số trời định sẵn là phải gieo họa cho người ta!

***

Hiếu đi được nửa đường mới bình tỉnh hẳn như thường. Bây giờ hết sợ nữa, nàng ôn lại những gì đã xảy ra trong phút chia tay với Trọng. Thế là đã rõ. Trọng yêu nàng và nói lớn lên tình yêu ấy chớ không phải là nàng đoán biết như hổm nay nữa. Và nàng đã không phản đối khi chàng nắm lấy tay nàng. Thế nghĩa là đôi bên đã ký kết với nhau một hợp đồng tình cảm rồi vậy.

Như buổi chiều té xe đạp, Hiếu nghe cả một giàn nhạc đại tấu trong lòng nàng. Nàng cho xe xuống dốc ngõ hẻm Cù Lao với một tốc độ làm hết hồn hết vía mấy người đi đường và hát thầm lên trong bụng:

“Đời ta bao vui tươi như hoa hồng thắm. Bao chim đua hát trên mây. Xuân về trong khóm cây.”

Thì ra yêu là thế a? Nàng Đã bước thêm một bước nữa trong cuộc phiêu lưu để khám phá tình yêu. Thì ra yêu không phải chỉ là e thẹn, hồi hộp, mong chờ, nhớ nhung như nàng đã ngỡ. Yêu còn là sự đê mê tê tái khi mà đôi bạn xích lại gần nhau.

Cả vùng Tân-Định đều nhuộm màu hồng chiều hôm nay thật đó, nhưng tất cả đều mờ đi, chỉ có một hình ảnh là nổi bật lên thôi, hình ảnh của người con trai vừa nắm tay từ giã nàng khiến cho cả người nàng bị lung lay, khiến cho những tế bào của toàn thân nàng như bị rung chuyển một cách sâu xa và tâm thần nàng dường như cũng biến chuyển khác hẳn đi sau sự va chạm ấy.

Bất giác nàng nhớ đến người bạn da nâu, người bạn gái đã sống đời sống người lớn. Người ấy đã trao gởi nàng rất nhiều kinh nghiệm về việc đời, về tình yêu, nhưng không sao nói được cái tế nhị về tình yêu. Không, chỉ có yêu mới biết ái tình là gì, ngoài ra không làm sao mà học được cả.

Giờ thì nàng không thấy việc tìm Trọng mỗi ngày là kỳ cục nữa. Nàng phải thấy mặt bạn mỗi ngày nếu không, cuộc đời thật là không có vị. Giờ thì nàng mới chợt thấy là Trọng thành thật khi chàng bảo rằng nhớ lắm, khi chàng băn khoăn không tìm được mẹo gì để đôi bạn gặp nhau.

Sáng lại Hiếu ra đó và đã dám hỏi thăm người tùy phái. Người nầy báo tin cho Trọng hay, và chàng sợ hãi ngồi thừ ra rất lâu thay vì chạy bay đi đón người đẹp. May là đêm rồi, chàng cố bịa ra lý lẽ của ông chủ, khác hẳn với lý lẽ thật mà ông chủ đã trình bày. Nói láo như vậy, chắc Hiếu không thất vọng, không buồn, không giận chàng.

Lâu lắm chàng mới uể oải đứng lên, khổ sở bước ra ngoài như đi chịu tội với ai. Hiếu đã dạn hơn hôm qua, dám cười nói với chàng khi thấy mặt bạn từ đằng xa, và nàng ngạc nhiên lắm mà thấy vẻ u sầu nơi bạn.

Trọng ra tới ngoài nói:

-Em bước ra vỉa hè, anh nói cái nầy chút.

Cả hai đều vịn chiếc xe của Trọng, người con trai hỏi:

-Hôm qua em có giận anh không ?

-Giận gì mà giận.

-Anh lo sợ cả đêm. Nhưng em tha thứ được, anh cảm ơn em lắm. Em nè, ông chủ ổng đã thấy em rồi, ổng hứa để tính lại vì dự chi năm nay không tiên liệu sự thu nạp thêm một nữ thư ký. Ổng đang tìm một khoản tiền khác.

Trọng nói láo một cách tự nhiên được vì những điều chàng nói quả đúng với tình hình trong hãng buôn nầy. Sở dĩ chủ hãng bắt buộc phải nhận lời là vì chàng nài nỉ mãi làm ổng khó chịu phải nhượng bộ. Và chàng thấy bạn hụt một chỗ làm cũng không đến nỗi nguy khốn như người đang có việc mà bị mất việc.

-Té ra còn lâu à, mà em cứ ngỡ…

-Thì cũng phải đợi một thời gian. Ai cũng vậy không riêng gì em đâu. Mà anh nghĩ em cũng không cần đi làm lắm.

-Anh đừng tưởng, ba má em rất nghèo, em của em lại đông.

-Cái đó anh không biết. Nhưng anh có ý nghĩ khác kia. Nếu nhơn duyên ta mà thành thì anh đủ sức lo cho gia đình. Anh chỉ sợ… À, em, trong hãng của ba, ba thân nhứt với ai?

-Ba em hay lui tới với thầy bảy Nam, thu ngân viên.

-Thế nghĩa là anh chỉ còn tìm người vừa quen với anh, vừa quen với thầy bảy Nam là xong. Nhưng không rõ sẽ xong hay không, bởi vì vai chánh là em kia mà. Em nghĩ thế nào?

Hiếu thẹn lắm, gặm đầu ngón tay mà đáp trong cổ họng:

-Em hổng biết. Nhưng dầu sao em cũng muốn đi làm.

Trọng không làm sao hiểu được lý do thật của ý muốn đi làm của Hiếu, của một số phụ nữ ngày nay. Chàng cứ ngỡ Hiếu muốn phụ giúp chồng, hoặc không thích sống nhờ chồng.

Chỉ khi nào đã là chồng rồi chàng mới thấy vợ đi làm lắm khi lại lỗ tiền nhà, nhứt là lúc đã có con vì trong khi cô vợ lãnh được mỗi tháng một ngàn rưỡi thì việc nhà nát bét hết bởi không ai điều khiển kẻ ăn người ở đó, một chị bếp, một chị vú, một thằng nhỏ thì cả ba người giúp việc ấy mỗi tháng vừa cơm vừa lãnh tiền không khỏi tốn dưới ba ngàn bạc.

Các cô vợ cũng biết rõ điều ấy nhưng họ cứ thích đi làm hơn là lo nội trợ vì ý thức về nữ quyền, họ muốn thủ một vai trò trong xã hội.

Vai trò nội trợ tuy quan trọng vào bực nhứt nhưng lại quá tối tăm. Trong rạp hát, người ta chỉ xem và thán phục đào kép, chớ nào ai nhớ đến soạn giả đâu mặc dầu nếu không có soạn giả thì đào kép chỉ múa rối là cùng. Vì thế mà đôi khi vợ của ông chủ hãng lại thích ngồi “kết” hơn là làm bà chủ ở nhà.

-Ừ, thì đi làm. Nhưng em phải bền chí chờ ít lâu. Em cũng nên tìm thử các nơi khác, biết đâu sẽ có chỗ lương cao hơn.

-Ba em cũng thử xin ông chủ đằng hãng của ba em.

-Chắc mỗi ngày em có đi tìm chỗ chớ ?

-Hụt ở đây, chắc mai em theo ba em đi dượt đánh máy đằng hãng của ba em.

-Em ghé lại đây chút có được không? Hiếu suy nghĩ giây lâu rồi đáp.

-Để em về sớm, rồi nếu được, em ghé, chớ không thể trong giờ tập dượt mà bỏ đi, sợ ba em rầy.

-Ừ, em thử về sớm rồi ghé qua đây chút. Một ngày không gặp em là một ngày buồn hiu.

-Em muốn làm ở đây với anh lắm.

-Anh còn muốn hơn em nữa. Nhưng nên bền chí.

Truyện dài “Hoa hậu Bồ Đào”, mời đón đọc Thứ Ba, Thứ Năm, Thứ Bảy hàng tuần trên Saigon Nhỏ Online. 

_____________

CÒN TIẾP

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: