‘June as Pride Month’ – Khu mộ LGBT độc nhất thế giới trong Nghĩa trang Quốc hội Mỹ

Từ Nghĩa trang Quốc hội…

Phía Đông của Capitol Hill, vùng Washington, D.C., có một nghĩa trang hơn 200 năm tuổi, tên gọi Historic Congressional Cemetery – Nghĩa trang Quốc hội Hoa Kỳ. Tại đây, bạn sẽ tìm thấy ngôi mộ của những nhân vật lịch sử, đáng chú ý như nhiếp ảnh gia nội chiến Mathew Brady; Giám đốc FBI đầu tiên của Hoa Kỳ – J. Edgar Hoover, cựu Tổng thống Mỹ William Henry Harrison – người hiện diện trong Bạch Cung “ít hơn thời gian lưu lại nghĩa trang”; nhạc trưởng/nhà soạn nhạc huyền thoại của ban nhạc Marine Corps – ông John Philip Sousa. Nơi này, bạn còn có thể tìm thấy những ngôi mộ của nạn nhân đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1819…

Historic Congressional Cemetery nhìn từ bên ngoài.

Thành viên đầu tiên của Quốc hội Hoa Kỳ được chôn cất ở đây là Thượng nghị sĩ Uriah Tracy (Connecticut), năm 1807. Đến năm 1812, chủ khu đất nghĩa trang chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho Christ Church, một Giáo hội Tân Giáo trên đường G Street, và đổi tên nghĩa trang thành Washington Parish Burial Ground. Sau đó, giáo hội bắt đầu thiết lập các phần đất dành cho thành viên Quốc hội. Cho đến năm 1820, nơi này trở thành nơi chôn cất các nhà lập pháp và quan chức liên bang cao cấp ở Washington, và được đổi sang tên gọi “Congressional burying ground” rồi American Westminster Abbey”. Đến lúc này, Quốc hội Hoa Kỳ nhận ra được ý nghĩa ngày càng lớn của nghĩa trang, đã tài trợ ngân sách để bảo trì và thiết kế cảnh quan. Tên gọi Historic Congressional Cemetery ra đời từ đó và được dùng đến tận bây giờ.

Những ngôi mộ của các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ.

… Cho đến khu mộ LGBT độc nhất trên thế giới

  • Sứ mệnh lịch sử của một tấm ảnh bìa tạp chí

Tất cả những điều đó, dù là lịch sử, nhưng chưa phải là điểm độc đáo nhất của Historic Congressional Cemetery. Nghĩa trang này có một đặc điểm được chính quyền Mỹ công nhận là độc nhất trong các nghĩa trang trên toàn thế giới, đó là: “A Gay Corner” – Khu mộ của cộng đồng LGBT (*), nằm ở hướng Tây Bắc của Congressional Cemetery.

Ngôi mộ đầu tiên của khu vực LGBT thuộc về Trung sĩ Leonard Matlovich, cựu chiến binh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, phục vụ trong lực lượng Không Quân suốt 12 năm. Matlovich là người hướng dẫn xây dựng, điều hành các khoá huấn luyện cho quân lính đa sắc tộc hội nhập cuộc sống chung trong lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.

Ngôi mộ của Trung sĩ Leonard Matlovich, cựu chiến binh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.

Vào tháng 3-1974, rất tình cờ, Matlovich đọc được một bài báo của Air Force Times, viết về một người của cộng đồng LGBT phục vụ trong quân đội Mỹ. Matlovich không ngờ rằng, chính bài báo đó đã thay đổi cuộc đời của ông. Ông bắt đầu tự hỏi: “Tại sao những bài giảng, những khoá huấn luyện về sắc tộc mình đang truyền đạt cho các phi công khác lại không được áp dụng cho những người đồng giới (gay)?”

Mỗi ngày, tất cả các người lính được rèn luyện rằng, tất cả màu da, sắc tộc đều có thể phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ với quyền lợi và bình đẳng như nhau. Vậy thì tại sao những người lính LGBT không thể hoà nhập cuộc đời quân ngũ cùng với những người lính “straight” khác?

Từ đó, Matlovich đưa ra một quyết định lớn: Công khai xu hướng tính dục, bản dạng giới của mình (Come out.)

Matlovich không chút ảo tưởng, không do dự cũng không ngờ vực về quyết định của mình. Ông đã ba lần làm tình nguyện viên chiến đấu ở chiến trường Việt Nam. Ông được trao tặng huân chương Bronze StarPurple Heart vinh danh cuộc đời binh nghiệp của mình. Nhưng, việc tuyên bố mình là một người lính “gay” cũng đồng nghĩa với việc, có thể ông phải “xuất ngũ trong khổ nhục”?

Bằng mọi cách, Matlovich liên lạc với Frank Kameny – nhân vật được phỏng vấn trong bài báo “định mệnh” đó. Kameny vốn cũng là một cựu chiến binh Thế chiến thứ II. Ông là người đấu tranh không mệt mỏi cho quyền của cộng đồng LGBT. Sau khi rời nhiệm vụ trong quân đội, Kameny – một nhà thiên văn học, đã làm việc tại Cục Bản đồ Quân đội. Nhưng, sau khi phát hiện Kameny là một người đồng tính, cơ quan này đã sa thải ông.

Khi Matlovich gọi cho Kameny, cũng chính là thời gian người cựu chiến binh này đang thực hiện một “cuộc cách mạng” luật pháp – thay đổi lệnh cấm những người đồng tính phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ.

Vài ngày sau khi diễn ra cuộc nói chuyện, Matlovich gọi là cho Kameny và nói: “Có lẽ tôi chính là người mà ông đang tìm kiếm.” Quyết định cuối cùng được đưa ra sau vài tháng chuẩn bị (bắt đầu từ tháng 6-1974.) Matlovich đích thân viết và gửi thư cho các cấp chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Không quân, nơi ông đang phục vụ.

Những gì diễn ra sau đó đúng như Matlovich đã dự đoán – ông bị sa thải khỏi lực lượng vũ trang Hoa Kỳ. Thời đại Matlovich “come out” là thời đại khắc nghiệt của cộng đồng LGBT. Quy định của quân đội lúc bấy giờ ghi rất rõ: “Đồng tính luyến ái (homosexuality) không được chấp nhận trong Không Quân.” Lá thư của Matlovich được mang ra bàn luận trong một phiên điều trần. Cố vấn chính phủ lúc ấy đặt câu hỏi với một… bác sĩ tâm thần, là ông Money, rằng nếu Trung sĩ Matlovich tiếp tục hiện diện trong quân đội thì có làm “lệch lạc xu hướng tình dục của các quân nhân bình thường khác không?” Câu trả lời của Bác sĩ Money là “KHÔNG!”

Nhưng, cuối cùng, Matlovich vẫn bị sa thải khỏi lực lượng Không Quân. Tháng 9-1975, Matlovich xuất hiện trên trang bìa của tạp chí TIME – trong bộ quân phục, cùng với câu tiêu đề: “TÔI LÀ NGƯỜI ĐỒNG TÍNH (I AM HOMOSEXUAL)

Sứ mệnh lịch sử của tấm ảnh này chính là thay đổi cái nhìn phiến diện đối với cộng đồng LGBT trong quân đội. Không chỉ vậy, 1981, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố cộng đồng LGBT phải được đối xử công bằng, không thể sa thải họ chỉ vì họ là người đồng tính.

  • Khu mộ LGBT duy nhất trên thế giới

Lịch sử sang trang! Matlovich trở thành người đấu tranh không mệt mỏi cho quyền lợi của cộng đồng LGBT trong lực lượng vũ trang. Ông qua đời tháng 6-1988 và được chôn cất tại Congressional Cemetory. Một trong những di sản của cuộc chiến mà ông đã đánh đổi bằng sự nghiệp quân ngũ của mình chính là “Gay Corner.”

Năm 1984, Matlovich chuẩn bị cho chuyến đi “về nơi sẽ đến” của mình bằng việc mua hai mảnh đất liền kề trong Congressional Cemetery, một cho ông và một cho bạn đời tương lai. Matlovich chọn vị trí này vì nó gần với hai ngôi mộ của hai người nổi tiếng, đó là J. Edgar Hoover – Giám đốc đầu tiên của FBI, và Clyde Tolson, Phó Giám đốc FBI (1930-1972.)

Phần mộ của J. Edgar Hoover – Giám đốc đầu tiên của FBI, người luôn “phủ nhận” xu hướng tính dục thật sự của mình.

Edgar Hoover nổi tiếng với cuộc chiến chống lại những người đồng tính vào những năm 50, 60. Ông ra lệnh theo dõi bất cứ nhân viên nào của chính phủ bị nghi là đồng tính và Hoover xem họ là “những kẻ lệch lạc tình dục.” Tuy là thế, Hoover không thể che dấu lịch sử. Người nằm trong ngôi mộ cạnh ông, Clyde Tolson lại được lịch sử biết đến và ghi nhận như là “người tình” của Hoover. Trang web tài liệu Crime Libary – thư viện lưu trữ những vụ án hình sự lớn, các tội phạm quốc gia, những phiên toà đặc biệt… viết về mối quan hệ giữa Hoover và Tolson: “Mối quan hệ gần gũi, bền chặt và tình cảm đến mức đã thay thế cho cuộc hôn nhân của hai người trưởng thành. Họ lái xe đi làm cùng nhau; dùng bữa trưa với nhau; đi công tác cùng nhau; và thậm chí đi nghỉ dưỡng cùng nhau.”

Clyde Tolson lại được lịch sử biết đến và ghi nhận như là “người tình” của Hoover.

Trở lại câu chuyện của Matlovich. Ông thiết kế tấm bia bằng đá đen tuyền trên phần mộ của mình như một thông điệp vinh danh và tưởng nhớ những cựu chiến binh LGBT. Mũi tên màu hồng hướng xuống với dòng chữ “Never Again” và ngày tháng năm sinh của ông (6-7-1943. “Bất tái sinh” – có lẽ Matlovich nghĩ rằng ông chỉ hiện diện trên cõi đời này một lần và duy nhất. Mũi tên màu hồng thứ hai hướng lên với lời “Never Forget” – ngày ông từ giã cõi tạm (22-6-1988.)

Giữa tấm bia là hàng chữ hoa in lớn, trang trọng, tự hào: A GAY VIETNAM VETERAN. Phía dưới là câu di chúc nổi tiếng in hoa: “WHEN I WAS IN THE MILITARY THEY GAVE ME A MEDAL FOR KILLING TWO MEN AND A DISCHARGE FOR LOVING ONE.” (Khi tôi trong quân đội, họ trao cho tôi huân chương vì đã bắn chết hai người lính khác và sa thải tôi vì đã yêu một người.)

Leonard Matlovich qua đời năm 1988 vì bệnh AIDS, 44 tuổi. Mộ của ông có ảnh hưởng rất lớn đến những cựu chiến binh LGBT và cộng đồng LGBT. Năm 2016, Paul Williams, Giám đốc Congressional Cemetory cho biết, khoảng 35 người đã chọn chôn cất trong khu vực LGBT để bày tỏ lòng tưởng nhớ người lính Không Quân Matlovich. Cựu chiến binh Frank Kameny – người đã “mở đường” cho cuộc đấu tranh của Matlovich, cũng chọn khu đất gần đó. Ngôi mộ của ông có dòng chữ “GAY IS GOOD.”

Cựu chiến binh Frank Kameny – người đã “mở đường” cho cuộc đấu tranh của Leonard Matlovich.

Nơi góc đường dẫn vào khu mộ dành cho LGBT, bên tay phải, đối diện với chỗ an nghỉ của Matlovich là câu chuyện dài “đến tận đời sau” của hai nhà nữ hoạt động, tranh đấu cho quyền lợi của LGBT, bà Barbara Gittings và bà Kay Lahusen. Họ là bạn đời của nhau cả trong công việc và cuộc sống. Những năm 1970s, Gittings là người đấu tranh không mệt mỏi để loại bỏ homosexuality ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Lahusen là một phóng viên ảnh. Từ 1963 đến 1966, bà cùng với Gittings thành lập tạp chí The Ladder – ấn phẩm đầu tiên trên toàn quốc chuyên viết về lesbian – đồng giới nữ.

Bà Gittings chính là người đã cùng với cựu chiến binh Frank Kameny đấu tranh mạnh mẽ trong giai đoạn đầu những năm 1960 để buộc Hoa Kỳ phải bãi bỏ lệnh cấm tuyển dụng LGBT vào cơ quan chính phủ. Bà được Hiệp hội Thư viện Mỹ (American Library Association – ALA) vinh danh là thành viên trọn đời, đồng thời lấy tên của bà đặt cho giải thưởng thường niên dành cho tiểu thuyết hay nhất về gay hoặc lesbianBarbara Gettings Award.

Trên ngôi mộ của Barbara Gittings, tên của Kay Lahusen – người bạn đời của bà, được khắc bên cạnh, với năm mất còn để ngỏ.

Ngày 18-2-2007, bà tạm biệt người bạn đời Lahusen. Có lẽ đây là chuyến rong chơi xa và dài nhất mà bà không có Lahusen bên cạnh. Hiện tại, bà Lahusen 91 tuổi, đang sinh sống ở New York. Nhưng, bà sẽ về “ngôi nhà thứ hai” của hai người ở Congressional Cemetery, khi thời điểm đến.

Trên ngôi mộ của Gittings, tên của Kay Lahusen được khắc bên cạnh, với năm mất còn để ngỏ.

Khu phần mộ dành cho LGBT ở Congressional Cemetery có rất nhiều những ngôi mộ đã và chưa có (đôi) chủ . Cũng có rất nhiều tiệc cưới của cộng đồng LGBT được tổ chức trước mộ của cựu chiến binh Việt Nam – Leonard Matlovich, người để lại di sản tinh thần to lớn cho một “thế giới” vẫn còn đang đối diện với nhiều thử thách.

***

Cho đến khi Nghĩa trang Quốc gia Arlington (Arlington National Cemetery) ra đời trong cuộc nội chiến đẫm máu của nước Mỹ, Congressional Cemetery đã không còn là nơi lựa chọn duy nhất để an táng những quan chức chính phủ. Nghĩa trang này cũng không còn dành riêng cho thành viên Quốc hội. Đặc biệt, đầu năm 2019, nghĩa trang này đã dành một phần đất để làm nơi an nghỉ cho… thú cưng.

(*) LGBT là cụm từ viết tắt chỉ những người có xu hướng phi nhị nguyên giới (non-binary.) LGBT viết tắt từ Lesbian, Gay, Bisexual và Transgender. 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: