Năm nào vào những ngày này, làng báo cũng rộn rịp báo Xuân – những giai phẩm đặc biệt được thực hiện đặc biệt, từ trình bày đến nội dung. Báo chí dù đã qua thời hoàng kim bởi ảnh hưởng của mạng xã hội và các hình thức truyền thông trực tuyến hiện đại nhưng không vì thế mà báo Xuân ngừng xuất hiện. Trong hai thập niên, cá nhân tôi cũng tham gia nhiều vào giai đoạn làm báo thú vị này.
Làm báo Xuân là hình thức báo chí mà chắc thế giới chỉ có Việt Nam. Làng báo nước ngoài, cụ thể báo chí Anh và Mỹ, chẳng bao giờ có cái gọi là “Giai phẩm Xuân”. Họ chỉ có hình thức tổng kết cuối năm. Báo dày hơn số bình thường, hình ảnh nhiều hơn, kèm những nhận định mang tính tổng kết năm rồi dự báo xu hướng hoặc tiên đoán vận mệnh thế giới. Vài tờ, chẳng hạn tuần báo The Economist của Anh, thì ra số đặc biệt dày cộm như quyển sách gọi là “The Year in 19xx hoặc 20xx”, được thiết kế với nội dung chủ yếu là dự báo. Tờ Newsweek thì tạo sự đặc sắc riêng bằng loạt biếm họa với những chủ đề đáng chú ý trong năm vừa qua. Đây là một kiểu tổng kết sự kiện bằng biếm họa rất độc đáo. Trong khi đó, Time luôn làm số đúp với việc chọn nhân vật đáng chú ý nhất trong năm. Trước đây, họ gọi là “Man of the Year” nhưng sau này đổi thành “Person of the Year”. Bài vở các số báo đặc biệt cuối năm nói chung thường quy tụ những cây bút tên tuổi. Dù làm kiểu gì thì báo chí phương Tây cũng không có cái gọi là “giai phẩm Xuân” – một nét độc đáo có lẽ có một không hai của báo chí Việt Nam.
Một số ấn bản giai phẩm Xuân tại miền Nam trước 1975
Khởi đi từ tờ báo Xuân đầu tiên – Nam Phong Tết Mậu Ngọ 1918, đến nay, báo Xuân Việt Nam đã có một lịch sử hơn 100 năm. Dù thay đổi theo năm tháng như thế nào qua những thăng trầm biến động lịch sử, báo Xuân cũng luôn được dựng theo một tôn chỉ: ngày Tết chỉ kể chuyện vui, tránh nói chuyện buồn.
Điều đó ít nhiều liên quan tập quán truyền thống và tâm lý dị đoan. Báo Xuân thường có những tản văn “dốc một chén sầu, ta uống cạn ly” để độc giả chiêm nghiệm và ngẫm nghĩ về thế sự, về tình người, tình quê hương các kiểu. Rồi truyện ngắn, thơ phú, với những minh họa thơ mộng lãng mạn. Một trong những nét đặc biệt của báo Xuân là làm chủ đề. Có năm thì chủ đề về chợ. Chợ đủ kiểu chợ. Chợ quê, chợ xóm, chợ làng, chợ chồm hổm, chợ trời, chợ tỉnh, chợ thành, chợ chim, chợ cá cảnh… Có năm thì làm chủ đề ẩm thực truyền thống. Nghệ thuật làm bánh tét, nghệ thuật gói bánh chưng, nghệ thuật làm mứt bí, nghệ thuật nấu thịt đông, nghệ thuật làm giò chả… Cứ thế mà tràn lên “mâm chữ” ngày Tết. Cách thức mỗi tờ báo làm chủ đề là tuyệt chiêu riêng của từng tờ.
Về trình bày, các báo thường thích hình “gái” ở trang bìa, với các cô căng tràn nhựa xuân làm dáng dưới ánh nắng chào ngày mới chói rực. Có cô e ấp. Có cô cười tươi, môi đỏ rực hơn tulip. Có cô cúi cúi làm bộ thẹn thùng. Có cô nhảy cẩng làm tà áo tung bay lả lơi theo gió.
Và cũng đủ kiểu áo dài. Giới nghiên cứu thời trang có thể theo dõi sự biến động của lịch sử áo dài qua các tờ bìa báo Xuân. Trang bên trong cũng được trình bày sáng sủa, đẹp mắt, in trên giấy bóng mượt. Để tạo dấu ấn riêng, một số tòa soạn thậm chí mời họa sĩ thiết kế tên tuổi dựng riêng số báo Xuân cho mình. Đây cũng dịp các nhiếp ảnh gia đi “chào hàng” bìa Xuân. Ảnh được chọn đăng thường có nhuận bút rất cao. Mà cũng hãnh diện nữa. Bìa của tớ chụp đấy!
Để dựng một số báo Xuân, tòa soạn phải chuẩn bị nhiều tháng trước cuối năm. Có tòa soạn lập ra nguyên một ban chỉ chúi mũi lo báo Xuân. Họ thiết kế nội dung rồi tổ chức bài vở bằng cách “đặt hàng” cộng tác viên. Thập niên 1990, làng báo trong nước thường khoái đặt hàng “học giả” Trần Bạch Đằng. Lật sấp báo Xuân vào ngày phát hành, từ Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, đến Phụ Nữ Tp.HCM..., gần như tờ nào cũng có bài ông này.
Mà anh em trong làng đều biết rõ: ông ấy có viết đâu hoặc gần như viết rất ít! Trần Bạch Đằng có một nhóm “ghostwriter” nhà nghề (nôm na là viết mướn) phụ trách việc viết bài theo chủ đề mà ông ấy đặt, sao cho thích hợp với từng tờ báo. Ông ấy sửa sang lại, điều chỉnh cho đúng văn phong mình, rồi sai “lính” đi “bỏ mối”. Các báo đặt hàng ông ấy thường đến tận nhà, đưa trước phong bì, để ổng yên tâm mà phụng sự báo Xuân. Tại sao người ta thích đặt hàng ông này? Vì ông ấy được đánh giá là “dám” nói những điều được đánh giá là “vượt rào” Tuyên giáo. Do đó, vài tờ báo thường “xúi” “đồng chí Tư Ánh” nói hộ “lòng mình”.
Có bài đăng trên báo Xuân là một niềm vui. Niềm vui này được “cụ thể hóa” bằng khoản nhuận bút rất đặc biệt. Giữa thập niên 1990, có không ít tờ trả nhuận bút báo Xuân đến 2-3 triệu đồng/bài – một số tiền khổng lồ thời đó. Do vậy, có vài người, đặc biệt một thi sĩ nọ, quanh năm chẳng thấy bài thơ nào, nhưng báo Xuân thì tràn ngập. Tờ nào cũng có. Ngôn tình ủy mị sướt mướt đủ cả. Hóa ra thi sĩ ấy dành nguyên cả năm để hì hục sáng tác thơ, đợi đến mùa báo Xuân thì đi “rải” khắp các tòa soạn. Sau này, khi có Facebook, vài người thường chụp lại bài mình đăng báo Xuân, dè dặt… “chú thích”: bài của mình đây, mời cả nhà đọc nhé, rồi chờ… đếm like và khiêm tốn nhận những lời “còm” của bạn bè, ôi, bài hay quá; chúc mừng nhé…
Nội dung báo Xuân thường gặp nhất là tổng kết, dự báo; và đặc biệt, kiểu bài “năm nào kể chuyện con ấy”. Chẳng hạn, năm Tý nói chuyện chuột, năm Mão nói chuyện mèo, năm Sửu nói chuyện trâu… Cứ vòng đi vòng lại như thế. 12 con giáp. Bính Đinh Mậu Kỷ… Cho nên, đã xảy ra chuyện có ông nọ “tánh kỳ” cứ “luộc” lại bài đã đăng 12 năm trước. Luộc còn đỡ. Có ông còn “chế” luôn cả một “bút ký” không có thật, làm tòa soạn đó ăn một cái Tết mất hết ý nghĩa ngày xuân.
Liên quan nội dung, báo Xuân trong nước luôn phải đăng trang trọng trang nhất bài “Chúc Tết của chủ tịch nước”. “Phong cách” này là “đặc sản” của “báo chí cách mạng”. Lật lại bài “chúc Tết của chủ tịch nước” những năm gần đây, thấy có một sự thật chua như bánh chưng thiu: hầu hết các bài “chúc Tết” đều giống nhau. “Năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt lên khó khăn, đạt được những thành tựu nổi bật…”. Năm nào cũng thế. Đón Xuân này ta nhớ Xuân xưa. Năm nào các “bác chủ tịch” cũng “nhớ” bấy nhiêu. Hóa ra cũng “tánh kỳ”…
Vài năm gần đây, báo Xuân trong nước ngày càng kém, ngày càng mất đi hình ảnh cái gọi là “giai phẩm Xuân”. 1/4 hoặc thậm chí 1/3 trang nội dung phải nhường chỗ cho nội dung tuyên truyền. Báo Xuân trở thành phiên bản nối dài của báo chí tuyên truyền chứ không phải một ấn bản độc lập đặc biệt dành cho ngày Tết. Chẳng có tờ báo Xuân nào không có bài “cúng cụ”. Đó là bài ca ngợi “Đảng quang vinh dẫn dắt đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”, tôn vinh “đồng chí” tiêu biểu nào đó, tâng bốc cuộc đời và sự nghiệp của “bác” nào đó… Tóm lại là kiểu bài nịnh vuốt. Anh em tòa soạn thật ra chẳng hứng thú gì với kiểu bài này. Họ làm cho xong, “cúng” cho có, để “các cụ” vui.
Bởi vậy, ngày càng ít người hứng thú mua đọc báo Xuân, dù năm nào làng báo cũng “tưng bừng khai mạc Hội báo Xuân” rồi “tổng kết, trao giải…”, với sự tham dự của những gương mặt quan chức suốt đời không viết nổi một bài báo ra hồn nhưng luôn có những “diễn ngôn” đầy “văn phong báo chí chuyên nghiệp”. Làm báo Xuân trong nước bây giờ cũng bớt không khí háo hức. Có bài đăng báo Xuân cũng chẳng buồn khoe.
Một “giai phẩm Xuân” đúng nghĩa là kết tinh của một nền báo chí. Hãy đọc lại các giai phẩm Xuân của báo chí miền Nam trước 1975 để thấy rõ điều này. Không chỉ vậy. Nó là kết tinh của một nền văn hóa. Giai phẩm Xuân quy tụ những trí tuệ của văn chương, của tinh hoa chữ nghĩa lẫn những tư tưởng và suy tư trong thời đại mình sống. Nhìn lại giai phẩm Xuân của từng năm, người ta có thể phác họa và kết nối để dệt lại bức tranh dân tộc qua biến đổi dòng chảy thời gian và qua đó có thể thấy thời nào thì văn hóa dân tộc bừng nở và giai đoạn nào thì văn hóa quê hương suy tàn.
Dù thế nào đi nữa, như trong mỗi thời khắc Giao thừa hàng năm, có lẽ cũng nên nhìn về tương lai với ước vọng tươi mới, cùng tâm trạng nhẹ nhàng. Ngoài kia, mai đào đã nở. Xuân ơi, Xuân lại về…