Đi kháng chiến
Cha tôi sinh trưởng tại một làng, mà cũng là Phố Huyện Tiên Lãng, thuộc Tỉnh Kiến An, sau này sát nhập vào Hải Phòng thành liên tỉnh Hải Phòng – Kiến An. Thế hệ của Cha tôi cũng nhiều gian truân, điêu đứng không khác nhiều so với thế hệ của chính tôi. Cụ cho tôi ra thành phố Hải Phòng theo học bậc Trung Học dù rằng điều đó rất tốn kém đối với gia đình, nhưng với sự góp ý của anh tôi, hơn tôi chừng 6, 7 tuổi, cũng đã từng ra Hải Phòng theo học nhiều năm, Cụ cho rằng: thời nào cũng vậy, có học một chút, cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn…
Cuộc chiến Pháp – Việt nổ ra bắt đầu từ Hải Phòng, vào Tháng Mười Một, 1946, trong khi chúng tôi đang ngồi trong lớp.
Học sinh được lệnh ra về, tránh những đường lớn, có thể là nơi quân đội hai bên giao tranh dữ dội… Bà con quen thân ở Hải Phòng chạy loạn, kéo về nhà Cha Mẹ tôi đông quá…. Với tuổi thiếu niên, nhưng đã ý thức được bổn phận của một công dân đối với Tổ Quốc lúc lâm nguy, tôi xin phép Cha Mẹ lên đường, theo các bậc đàn anh, trong đó có anh tôi, kháng chiến chống Pháp xâm lược, tùy theo khả năng và sức lực của mình. Cha mẹ, chị và các em tôi gạt nước mắt để tôi ra đi.
Hai lần bị Pháp bắt
Lần đầu năm 1949: lúc 18 tuổi, tôi đang công tác tại văn phòng Huyện Ủy Tiên Lãng, đóng trên lãnh thổ.
Tỉnh Thái Bình, do bị càn quét liên tục, phải di chuyển khắp nơi tìm sự an toàn, thì bị quân đội Pháp bắt trong một cuộc hành quân tảo thanh, càn quét một vùng của Huyện Thụy Anh. Với cái đầu óc của… nhà quân sự “dỏm,” tôi nghĩ trong bụng: mình cứ băng qua cái cầu tre lắt lẻo trên con sông nhỏ kia thì sĩ quan Pháp nào nó ngu cho quân… lò dò trên cái cầu tre kiểu đó để cho bộ đội cộng sản… xơi tái dễ dàng quá hay sao. Đâu có ngờ, sau này khi bị bắt rồi, tôi mới thấy và hiếu: viên trung úy Pháp chỉ huy trung đội (section) hành quân theo mặt này cùng với hai trung đội nữa tiến vào khu vực theo ba ngả khác nhau. Viên sĩ quan Pháp đeo lủng lẳng nơi cổ một cặp ống nhòm (binoculars) thì ông ta thấy rõ tụi tôi băng qua cầu, sang cánh đồng lúa chín vàng, rồi chui vào núp trong đó.
Trước khi hành quân, ông ta đã được tin tình báo cho biết khu vực này chẳng có bộ đội, dân quân, du kích chi cả cho nên quân lính của ông ta muốn đi đâu cũng chẳng sợ chi ai. Tôi bị bắt từ trong ruộng lúa vàng, hồi đó cao ngang thắt lưng, khi một người lính Việt Nam chĩa khẩu súng MAS – 36 hô to: giơ tay, đi lên! Cậu lính này dẫn tôi tới chỗ viên Trung úy Pháp. Ông ta bảo tôi mở cái túi vải đeo trên lưng. Khi thấy chỉ có vài cái quần áo với mấy cuốn sách, xấp vở, ông ta cầm lấy coi… Thấy chỉ là mấy cuốn sách dùng cho việc học hành Pháp ngữ, còn mấy xấp vở là của học trò học Anh ngữ… ông ta hỏi tôi sao lại có những sách vở này? Tôi nói năng thoải mái, tất nhiên bằng tiếng Pháp, làm cho ông ta ngạc nhiên khi thấy tôi nói năng theo kiểu học hành trường lớp đàng hoàng chớ không như cái kiểu tiếng Pháp của lính tráng, thầy Cai, ngài Đội trong đồn Hệ của ông.
Ông càng hỏi chuyện, tôi càng có dịp trổ nghề để nói chuyện, làm cho ông trung úy khoái chí, quên cả là đang thẩm vấn một “tù nhân” vừa bắt được, mà xoay ra “tâm tình lẩm cẩm” với tôi đủ thứ chuyện trên đời.
Bọn thanh niên chúng tôi chừng hơn chục người bị bắt, đi theo đám quân, tới trưa thì vào một ngôi làng khá lớn, nhưng chẳng thấy dân chúng chi cả, chắc là đã trốn chạy hay ẩn trốn, chui rúc xuống hầm hố chi đó như cái kiểu chúng tôi đã từng trải qua trong nhiều trường hợp… Cả lính lẫn tù nhân tập họp ở đây nghỉ trưa. Tôi ngó quanh thì thấy có hai viên sĩ quan Pháp: một trung úy có hai vạch vàng gắn trước ngực, người đã hỏi chuyện tôi khi vừa bị bắt, và một thiếu úy với một vạch vàng cũng gắn như thế, chắc là sĩ quan chỉ huy nhóm quân từ phía khác, mới tập họp về đây. Viên trung úy bảo một thượng sĩ (adjudant) người Việt: cho anh em canh gác, giữ an ninh khu vực dừng quân ở đây.
Khoảng quá buổi trưa, đám tù nhân chúng tôi được lệnh tập họp ở một nơi liền đó để ăn trưa… Thì ra quân lính người Pháp dùng thực phẩm hành quân là chính, đóng hộp, trong lon, còn lính Việt Nam và tù nhân thì ăn bằng gạo, rau cỏ, mắm muối kiếm ngay trong làng, của dân, có nồi niêu để nấu nướng ở đó. Vì là hành quân ở địa phương, cấp nhỏ, trong không khí an toàn, cho nên bọn chúng tôi ăn trưa xong, cũng nằm lăn ra quanh quanh nơi đó nghỉ ngơi đàng hoàng theo lệnh của viên thượng sĩ người Việt. Đến lúc xế chiều, cả lính lẫn tù kéo nhau về đồn đóng quân, theo lệnh của viên trung úy Pháp, băng qua mấy xóm nhỏ, lơ thơ ít nóc nhà. Mọi sự bình yên, không có đụng chạm, bắn nhau chi cả.
Ngôi Đình làng Hệ được một đại đội, chừng hơn 100 quân Pháp và Việt biến thành đồn đóng quân. Bọn tù nhân chúng tôi hơn chục người, toàn là thanh thiếu niên, trai tráng bị bắt, phải nằm ngoài trời vì không có nhà giam, hai chân bị giữ trong hai cái cùm bằng gỗ. Cứ ba người được phát hai cái chiếu, một để trải trên mặt đất, một để đắp lên người, ngủ qua đêm. Nếu đêm đó mà mưa thì chúng tôi lãnh đủ, nước mưa sẽ từ mái đình đổ xuống đúng mặt, đúng mũi. Lúc mặt trời lặn, nhá nhem tối, tôi trông rõ một trung sĩ (Sergent) và một anh lính Pháp vác khẩu trung liên, tức súng liên thanh cỡ trung và mấy thùng sắt đựng đạn ra đặt ở góc tường đã đục thành lỗ hổng, nòng súng chĩa ra ngoài. Phía dưới chân tường là hố sâu, đủ cho hai người đứng, vưà tầm sử dụng khẩu trung liên khi bị địch tấn công. Dọc chân tường cứ khoảng 2, 3 mét lại thấy có một lỗ đục thủng giống như thế, với bao cát che chắn, với hố cá nhân, chắc là: nếu Việt cộng tấn công thì lính trong đồn nhào ra vị trí chiến đấu, rồi gọi pháo binh bắn yểm trợ. Tôi đoán chừng chung quanh đồn cũng có nhiều địa điểm như thế để phòng thủ…
Sau này, tôi có cơ hội suy nghĩ: quân đội Pháp mới để cho bọn người bị bắt, chưa rõ thuộc loại gì như chúng tôi trông thấy rõ ràng công cuộc phòng thủ quân sự của họ như vậy, chớ nếu là bọn Việt Cộng thì chắc chắn chúng tôi không bị nhốt dưới hầm sâu thì cũng mỗi đứa lãnh 1 một viên đạn vào đầu hay một nhát lưỡi lê đâm vào ngực, chớ sức mấy mà bọn cộng sản để cho chúng tôi trông thấy những điều “bí mật quân sự – An ninh phòng thủ” như thế! Cộng sản nó coi mạng người, nhất là người bị bắt bất cứ vì lý do gì, rẻ rúng hơn mạng sống của những con vật.
Sáng hôm sau, người ta gọi tôi lên thẩm vấn đầu tiên. Cũng nhờ có chút vốn liếng Pháp Ngữ và khả năng trình bày lý lẽ, thuyết phục được viên trung uý Pháp, chỉ huy phó đồn Hệ, kiêm sĩ quan thẩm vấn (Officier de renseignements) đích thân làm việc đối với những trường hợp đáng thận trọng, tất nhiên là đối với những người bị bắt biết tiếng Pháp. Tôi trình bầy với ông ta: ở vào hoàn cảnh của tôi, một thanh niên bỏ trường học, cùng cha mẹ và các em… lưu lạc giang hồ, tránh cảnh chiến tranh khói lửa, chết chóc, tôi không còn cách nào làm khác được nữa. Người Pháp dễ dàng tin là tôi nói thật… Thấy tôi nói tiếng Pháp có vẻ học hành đàng hoàng, ông ta đứng dậy vào trong mời viên đại uý Pháp chỉ huy trưởng đồn Hệ ra nói chuyện và thuyết phục tôi cộng tác với họ, làm công việc một thông dịch viên (interprète). Nếu tôi bằng lòng thì ông ta chỉ cần nhắc điện thoại trình với cấp trên, rồi móc lon Sergent cho tôi, làm việc liền.
Nghe hai sĩ quan này nói với nhau, tôi biết rằng “Đồn Hệ” này chỉ có một ông thượng sĩ nhất (Adjudant- Chef) gốc lính khố xanh, khố đỏ hồi xưa làm thông dịch viên thường xuyên, nói năng, dịch lời khai của những người Việt bị bắt sang tiếng Pháp cho hai sĩ quan này nghe thì hai ông… mệt tim lắm, nhưng lâu rồi cũng quen. Tôi trình bày là còn cha mẹ già và mấy em nhỏ di tản tránh chiến tranh, hiện ở cách đây vài ki-lô-mét. Tôi xin được tha, đưa gia đình về thành phố Kiến An hay Hải Phòng, rồi cũng tìm cách sống thoải mái, dễ chịu hơn, được như đại uý vừa nói thì tốt, còn gì bằng. Xong xuôi ông ta vui vẻ bảo viên thư ký lấy cái giấy phóng thích, in ronéo sẵn bằng hai thứ chữ Pháp và Việt, có đóng sẵn con dấu đỏ, ghi vài chi tiết lý lịch, rồi đưa cho ông ký tên. Xong, ông đứng dậy khuyên nhủ tôi vài câu. Tôi đứng dậy theo, ông ta bảo tôi giơ tay phải lên hứa với ông ta đại ý như nói ở trên. Xong ông đưa giấy phóng thích cho tôi. Ông còn bắt tay tôi và nói “Bonne chance! – Chúc may mắn!” Tôi phải đáp lại theo kiểu học sinh trường lớp hẳn hoi “Je vous remercie sincèrement, mon Capitaine! – Tôi chân thành cảm ơn đại uý!”
Bị Tây bắt cùng với hàng chục người mà ngay ngày hôm sau một mình tôi đã được thả về, cầm giấy trình diện cơ quan mình làm việc, quả là điều đáng nghi ngờ và tai hại cho tôi sau này, bởi vì cộng sản là thứ người “đa nghi Tào Tháo” nhất loài người. Ít lâu sau, không khí trong cơ quan tôi công tác có vẻ nặng nề, do đôi khi bị anh em hỏi han, tôi phải nói thật là: khi bị bắt, tôi không hề bị đánh đập, sĩ quan người Pháp cấm ngặt binh sĩ khi bắt được tù binh rồi thì không được đánh đấm chi cả… Mà khi bị bắt, tôi luôn được ở gần viên trung úy Pháp chỉ huy cánh quân, hỏi chuyện linh tinh, lẩm cẩm đủ thứ trên đời rất là… gần gũi, chẳng có chi đáng sợ cả… Cái này cũng kẹt vì trái nghịch vời lối cộng sản tuyên truyền là quân Pháp mà bắt được ai là chúng nó không cắt đầu, không bắn nát óc thì cũng lấy lưỡi lê đâm cho thủng ngực, chết ngay! Về sau, tôi phải liên lạc với ông anh ruột là cán bộ cấp cao ở Tỉnh Kiến An – Hải Phòng, cho tôi đổi sang nơi khác làm việc để được thoải mái hơn. Kết quả, tôi được chuyển lên làm việc ở Ban Tuyên Huấn của tỉnh, với công việc chính là đánh máy công văn, tài liệu, sắp xếp và gửi báo chí, tài liệu đi những cơ quan trong vùng… thoải mái hơn nhiều. Làm việc như thế, tôi có dịp đọc những tài liệu quan trọng, mang tính cách tuyên truyền, huấn luyện và có dịp hiểu biết nhiều hơn về chủ trương, chính sách khôn ngoan, tàn ác của các cấp lãnh đạo cộng sản, hiểu rõ phương pháp tuyên truyền huấn luyện ác độc, gian xảo của cộng sản, không giống như những mơ ước ban đầu của chình tôi… Tất cả những điều đó làm cho tôi ngày càng thêm suy nghĩ đến việc… không thể sống mãi như thế này và phải từ bỏ nó, khi có cơ hội.
***
Năm 1951, lúc 20 tuổi, tôi bị Pháp bắt lần thứ hai, nhưng là lần tôi tự nguyện để cho Pháp bắt trong một cuộc hành quân đại quy mô càn quét toàn thể 12 phủ huyện, tỉnh Thái Bình, do đích thân Đại Tướng De Lattre de Tassigny, Tổng Tư Lệnh Quân Đội Pháp tại Đông Dương chỉ huy từ trên máy bay quan sát.
Tỉnh Thái Bình là hậu phương cuối cùng của Liên Khu 3 cộng sản, nơi đặt cơ sở chỉ huy, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của Đảng, cơ quan quân sự, chính trị, hành chánh, chuyên môn, kỹ thuật của Liên Khu 3 cũng như các tỉnh lân cận. Vì đã qua một lần bị Pháp bắt nên tôi hiểu là: Pháp bắt không đáng sợ cho lắm, nhưng là cơ hội để tôi từ bỏ hàng ngũ kháng chiến do cộng sản lãnh đạo, khi tôi đã chọn con đường, lúc đó chưa hẳn là tốt nhưng không xấu, không ghê tởm bằng tuân theo cộng sản để làm những điều tôi đã biết, đã rõ là vô cùng tàn bạo và kinh khủng. Tôi phải chọn cách “để Tây bắt” vì hai lý lẽ:
1-Thoát khỏi hàng ngũ cộng sản mà không làm liên lụy đến những người thân yêu, bạn bè, nhất là người anh ruột có chức vị lãnh đạo khá cao, đã hết lòng che chở cho tôi, nhưng không được như tôi mong ước. Anh tôi là người cộng sản từ trước ngày “Tổng khởi nghĩa, cướp chính quyền” năm 1945, đích thân lãnh đạo cướp chính quyền ngày 19 Tháng Tám, 1945 ngay tại Huyện Tiên Lãng của tôi. Nhưng không giống những người cộng sản khác, anh tôi gốc tiểu tư sản, trí thức, ly khai gia đình nhưng luôn luôn lo lắng cho cha mẹ và các em, phái người hướng dẫn cha mẹ và các em di tản tránh họa chiến tranh, tới những vùng hậu phương an toàn, gửi gắm vào những gia đình thật tốt, hết lòng giúp đỡ. Anh còn che chở cho tôi trong những tháng ngày gian khổ, lăn lộn với chiến tranh, chui hầm, rúc hố, dưới quyền chỉ huy của những người cộng sản không thông minh, tài giỏi bao nhiêu nhưng cuồng tín, sắt máu thì… cực kỳ ghê gớm, kinh khủng và dưới quyền của anh tôi.
2-Tôi đã có cơ hội biết rõ một lần: người Pháp đáng sợ khi hai bên nổ súng, giao chiến, bắn giết nhau, nhưng khi đã bị họ bắt rồi thì nỗi sợ đó không có gì đáng kể nữa. Điều này khác hẳn với trường hợp tù binh, quân địch bị cộng sản bắt được, nhất là cộng sản lúc đó hoàn toàn không có điều kiện để giam giữ, nuôi tù cho nên bắt được là khai thác tin tức, tài liệu bằng mọi cách. Sau đó, nếu là loại tù binh có thể thanh toán được là… cho tù… đi luôn, khỏi rắc rối, lôi thôi. Tôi phải nói thật là người Pháp “văn minh, nhân đạo” hơn cộng sản rất nhiều trong việc đối xử với địch quân, tù binh bị họ bắt.
Ở đây, tôi muốn nói lên sự hy sinh cao cả, sự lo sợ vô biên của người cha dành cho tính mạng đứa con của mình bị Pháp bắt hai lần trong giai đoạn chiến tranh ác liệt thì sẽ ra làm sao, rồi cũng chính người cha đó lặn lội, đường sá xa xôi nguy hiểm để đi tìm đứa con bị giam, bị tù ở đâu vì lần thứ hai. Tôi bị bắt cùng với hàng trăm ngàn thanh niên các loại của Liên khu 3 và tỉnh Thái Bình, đông đến mức phải đưa tới các địa điểm tạm giam khắp nơi trong mấy tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình mới hết. Tôi bị tạm giam ở sân vận động tỉnh Thái Bình không nhà cửa, vào mùa thỉnh thoảng có mưa, trong vòng một tháng, ngày ăn một bữa vào khoảng 1 giờ xế chiều, nhưng đủ no, cơm gạo trắng với một món ăn, thường là cá khô kho mặn cho tiện. Có hôm, thêm một món rau nấu chi đó cho dễ ăn. Uống nước thì lấy ngay từ sông Thái Bình lên, vì là nhánh sông Hồng Hà cho nên lúc nào nước cũng đục ngầu phù sa mầu hồng, hơi ngán…. Nghĩ lại thì trong hoàn cảnh tạm bợ như thế, ăn uống như vậy, còn tốt hơn là ăn bo bo, khoai sắn mốc meo ở các trại tù cải tạo của cộng sản, ăn thì đói mà lao động thì phải đạt chỉ tiêu, lè lưỡi kinh hoàng. Tôi có anh bạn được chọn vào làm trong Ban Y Tế, ở căn lều vải quân đội. Sự tiếp xúc với nhau chẳng có chi khó khăn. Tôi dặn anh ta: mày cố ráng lo cho tao hai thứ thuốc: tiêu chẩy (vì sợ nước uống) và thuốc sốt rét vì những năm kháng chiến, tôi đã từng khổ sở với căn bệnh này, và nay ngủ ngoài trời ruồi bu, muỗi cắn là chuyện ngày đêm nơi sân vận động không nhà, cửa, mùng mền.
Bà con, dân chúng thị trấn Thái Bình bảo nhau cho khuôn từng đống chiếu, cả đống thùng carton đựng vỏ chai bia loại bự ngày xưa, vỏ chai rượu, rồi bảo thanh niên mạnh khoẻ chia nhau từng chỗ lao chiếu cuộn tròn, qua hàng rào kẽm gai, quăng vỏ chai vào cho bọn người bị giam chúng tôi, dùng chiếu che mưa vài người một chiếc, vỏ chai thì người một, hai cái. Người Pháp thấy rõ nhưng sẵn sàng chấp thuận cho tù chúng tôi tiếp nhận “vật tiếp tế” của bà con bên ngoài vòng rào để mà tạm sống. Tù cứ việc tới chỗ đặt dẫy thùng “tonneau” chứa rượu vang của Pháp lúc trước, nay đựng nước sông Thái Bình, đục ngầu mầu đất phù sa, mà uống. Bà con Thái Bình, vì lòng thương những kẻ bị bắt giam nơi sân vận động cũng có, mà trong số khoảng 30 ngàn thanh niên tạm giam ở đây chắc chắn có nhiều người thân của bà con gốc Thái Bình, chạy đâu cho khỏi. Một lần tôi tới gặp anh trung sĩ người Pháp dáng bộ hiền lành, chỉ huy nhóm lính người Việt, trong lực lượng an ninh, xin anh ta cho gánh đôi thùng theo đoàn người ra sông Thái Bình gánh nước, nhân tiện tắm một lần cho biết sự đời và coi xem bên ngoài hàng rào kẽm gai, thị trấn Thái Bình là cái… giống gì? Chẳng biết thân quen hay không, nhưng thanh niên nam nữ, ông già, bà cả hai bên phố xá trông thấy bọn tôi, cứ vẫy tay loạn cả lên. Tôi trông ai cũng giống ai nên cũng hoa tay vẫy lại thoải mái, không như bọn công an cộng sản, chúng nó đập cho chết! Nước uống thì cứ thả chai vào thùng nước, coi bộ đầy thì kéo ra. Lắm lúc đông người chen chúc nhau, chai va chạm leng keng, loảng xoảng, kéo lên chỉ còn lại cái cổ chai mà thôi, chẳng có tí nước nào cả. Buồn 5 phút!
Để sống cho qua những ngày này, tôi tìm chọn được hai thanh niên gốc Thái Bình cũng là dân kháng chiến, rất tốt. Ba anh em sống chung với nhau dưới một… mái chiếu. Qua các đợt thẩm vấn, hàng trăm thanh niên và tôi “được” chuyển sang nhà giam “Máy Chai” thành phố Nam Định. Nhà cửa ở trại giam này thật là đàng hoàng, nhà lầu hai tầng, nên tụi tôi cảm thấy sung sướng sau một tháng trời dầm mưa dãi nắng ở sân vận động thị trấn Thái Bình. Trại đông người quá, tôi kéo một anh bạn vốn hiền lành, là giáo viên ở làng, đi loanh quanh ở sân trại cho biết. Đến phía sau một trung uý và một trung sĩ nhất người Pháp đang bàn chuyện nhận lãnh 500 tù nhân đưa sang nhà “Máy Rượu” không xa đó, cũng trong thành phố, nhưng hai người đang lo thiếu người điều hành trực tiếp trại tù, còn mọi sự đã đủ cả rồi. Tôi kéo anh bạn tới trước viên trung uý Pháp, có cái bảng tên Halot trên ngực áo. Tôi mạnh bạo nói: “Thưa trung uý, vừa được nghe trung uý
bận tâm nói tới việc điều hành trại mới 500 người, hai anh em chúng tôi tình nguyện đi theo trung úy sang trại mới và nhận lãnh việc tổ chức, điều hành nội bộ. Xin trung uý tin tưởng nơi chúng tôi. Ông ta hỏi đôi điều rồi chấp nhận và nói: hai anh cho anh em xếp hàng 10 người một, đủ 50 người thì cho lên một xe G.M.C. có lính gác trước sau, 10 xe sang trại mới theo lệnh của “Sergent-Chef Blanc” phụ tá của tôi. Thế là tôi và anh bạn làm việc ngay: cho anh em xếp hàng, lên xe. Tài xế di chuyển lên một quãng. Lính giữ an ninh, một người nhảy lên ngồi cạnh tài xế, vài người ngồi phía sau.
Sang trại “Nhà Máy Rượu” tôi cho xếp hàng, tập họp rồi nói với 500 anh em: Thưa tất cả anh em! Tôi tên Phan Đức Minh, được trung uý chỉ huy trại và lực lượng an ninh, giao phó trách nhiệm điều hành công việc, sinh hoạt nội bộ toàn trại của anh em mình. Tôi và anh bạn phụ tá đây sẽ hết lòng, hết sức làm việc để đời sống, sinh hoạt của trại chúng mình được êm đẹp. Tôi yêu cầu tất cả anh em hãy cộng tác với chúng tôi, giữ gìn kỷ luật của trại. Tôi tuy ít tuổi hơn nhiều anh em, nhưng tin chắc rằng tôi đủ khả năng điều khiển mọi việc quản trị, sinh hoạt của trại chúng ta luôn được yên vui, tốt đẹp. Anh em nào có điều chi thắc mắc, lo ngại cứ gặp tôi, cho biết, tôi sẽ cố gắng tìm cách giải quyết, hoặc liên lạc với trung uý chỉ huy trại để lo cho anh em mình. Ai cố tình gây rắc rối, làm mất trật tự, thù hận lẫn nhau thì vì nhiệm vụ và bổn phận đối với cả trại 500 anh em chúng ta, tôi phải buộc lòng nhờ trung uý chỉ huy trại và lực lượng an ninh dùng biện pháp mạnh, dẹp ngay tức khắc! Nói đến đây, tôi quay sang bên cạnh nói với Trung Uý Halot, đang theo dõi công việc xếp đặt ban đầu của tôi.
Tôi quay trở lại nói với toàn thể anh em: Tôi đã trình với trung uý chỉ huy trại, ông bằng lòng như thế. Vậy xin anh em cho biết: Có đồng ý hết lòng cộng tác với tôi, tuân theo kỷ luật của trại, thi hành đúng đắn công việc, nhiệm vụ được giao phó, cố gắng tạo cho cuộc sống của anh em chúng mình trong thời gian ở đây luôn luôn được bình yên, vui vẻ, thân thiết với nhau như trong một gia đình hay không? “
Tất cả anh em đều giơ tay hô to: Đồng ý! Chúng tôi đồng ý!” Tôi quay sang nói với Trung Uý Halot để ông hiểu sự việc. Ông căn dặn đôi điều với toàn thể anh em… Tôi chuyển dịch lại. Anh em vỗ tay tỏ ý hoan hô trung uý chỉ huy trại. Trung Uý Halot bắt tay tôi, rồi giơ tay vẫy chào tất cả anh em, đoạn quay ra, cùng với Sergent-Chef Blanc đi về phía ngôi nhà gần đó, cũng ở trong khuôn viên của trại, bên kia hàng rào kẽm gai, dùng làm văn phòng, chỗ ở, phòng ăn cho hai người cùng cậu tài xế, binh nhì (Soldat de 2ème classe) tên là Roger.
Căn bếp do cậu lính Việt Nam tên Vạn, trong đại đội an ninh phụ trách, làm việc và ăn ở tại đây. Tôi lựa chọn 10 người, cho làm trưởng toán (Chef de groupe), biết chút ít tiếng Pháp, hỏi han đôi điều rồi cho xếp hàng mỗi toán 50 người, do một trưởng toán phụ trách. Tôi cho lệnh từng toán vào hai dẫy nhà, bằng tôn, mặt trước trống, không có cửa. Chung quanh rào kẽm gai, có một cổng chính ra vào. Bao quanh tất cả trại là bức tường gạch cao hơn 2 mét (meters) có gắn mảnh chai ở trên đầu bức tường. Bức tường này có hai cổng: phía trước và phía sau.
Ở trại giam chính thức của Pháp
Kể ra trại tù lúc đó sơ sài thật, nhưng suốt thời gian tôi làm trưởng trại tại đây, không hề có vụ đánh lộn, vượt ngục nào xảy ra vì chúng tôi sống với nhau tuy là tù mà giống như trong một xóm nhỏ thân thiết với nhau, thật là hiếm có. Tôi giúp ông Quản (Thượng Sĩ – Adjudant) của đại đội phụ lực quân (Compagnie de supplétifs) giữ an ninh trại, làm báo cáo hàng ngày về an ninh trại, công việc đi làm bên ngoài, tình trạng đau ốm của tù nhân, trình lên văn phòng cuả Trung Uý Halot vì ông Quản này đã cao tuổi, xuất thân lính khố xanh, khố đỏ ngày xưa, không viết được báo cáo bằng Pháp ngữ đàng hoàng, mà chỉ nói tiếng Pháp kiểu “tào lao”mà thôi. Do chỗ đó nên ‘Quan Quản” nhà ta coi tôi như con. Ông cỡ ngoài 60, tôi 21 tuổi, thân thiết hết cỡ. Ba ông Đội (Sergents), mấy ông Cai (Caporal/Caporaux) thì nể tôi cũng hết cỡ luôn. Còn lính thì khỏi nói, coi tôi như bạn. Tôi đem báo cáo ngày hôm trước lên văn phòng do Sergent-Chef Blanc phụ trách nạp vào sáng hôm sau, thường đi cùng với ông Quản. Có bưã tôi thấy Chef Blanc bận lu bù, đánh máy thì mổ cò hai ngón tay trỏ lọc cọc, tội nghiệp quá. Tôi bảo: Xếp đánh máy như vậy thì bao giờ mới xong đống giấy má kia? Blanc hỏi tôi: thế anh đánh ra sao, thử coi! Tôi bảo: “Sếp đứng lên, tôi làm thử. Khi còn công tác ở ngành Tuyên Huấn của Việt cộng, tôi thường đánh máy chữ (typewriter) 9 ngón tay thôi, nhưng lúc này tôi chơi luôn 10 ngón, tức là thêm ngón tay cái gõ trên cái “ barre d’espace – làm cho chữ cách nhau” hai bàn tay nhanh như gió.
Chef Blanc nhà ta hết hồn, vỗ vai tôi rồi nói: “Nói thật nghe, buổi sáng cắt đặt công việc cho trại xong, anh lên đây làm với tôi, chớ một mình tôi làm không hết việc, tối muộn ăn xong, mới ngồi viết thư cho vợ, tuần được hai lần, mệt quá!” Tôi nói: “Giúp sếp buổi sáng thôi, chớ buổi chiều anh em đi làm về, phải kiểm soát, tôi cũng bận ghê lắm!” Chef Blanc nhà ta bắt tay tôi, siết chặt: “ D’accord ! Je te remercie beaucoup!” (Được rồi! Cảm ơn cậu nhiều nghe!”
Trời ơi! Đi tù mà từ Tây đến Quan Quản (lính gọi vậy), cho đến Đội, Cai, lính lớn, lính nhỏ đều thân thiết như vậy thì ai bảo đi tù như tôi là khổ? Ông Quản phụ hoạ: “Ờ! anh Minh giúp ông Chef Blanc một chút đi.” Ông Quản còn ra lệnh cho lính: “Cuối tháng lãnh lương, anh Minh kêu tên anh em vào ký sổ, anh nào lãnh lương, có số tiền lẻ dưới 5 đồng (Piastres) thì bỏ vào cái hộp, tôi để ở góc bàn dành cho anh Minh tuỳ ý sử dụng. Tôi giao cho cậu phụ tá quản lý, có sổ sách đàng hoàng. Số tiền này dùng để chi tiêu cho tất cả anh em khi cần như khi đau ốm, bệnh xá cho thuốc men, nằm nghỉ thì nhờ… Lính mua cho lon sữa bò, quả cam, quả táo… Chef Blanc biết việc này nên cũng phát biểu ý kiến: “C’est une bonne idée pour la vie de tous les hommes du Camp! (Đó là ý nghĩ hay cho tất cả mọi anh em trong trại.”
Cậu lính tên Vạn, là đầu bếp chuyên lo nấu ăn cho ba người Pháp: Trung Úy Halot, Sergent- Chef Blanc, tài xế Roger, khi lên ký sổ lãnh lương, thấy tôi làm việc ở văn phòng, vui vẻ với sếp Blanc, thân thiện với cụ Quản Thức quá trời, Vạn nhà ta đâm ra cũng muốn… bắt bồ với tôi cho vui vẻ. Vạn thỉnh thoảng nhắn tôi sang bên nhà bếp, rộng lắm, nơi Vạn làm việc, ăn ngủ tại đây. Lần đầu tôi hỏi: “Có chuyện chi vậy?” Vạn bảo: “Bữa nay mình nấu nhiều món ngon, dọn lên phòng ăn cho Quan Hai (cậu Vạn này thường gọi Trung Úy Halot như vậy), sếp Blanc và thằng Roger, xong anh em mình dọn ra bàn ở nhà bếp ăn cho vui, mình ăn một mình miết cũng buồn.”
Mấy ông Tây nhà ta ăn trưa, nhất là ăn tối thì thôi, lâu kinh khủng. Cậu Vạn chờ đến dài cổ ra, mới lên dọn dẹp, thành ra hai đứa chúng tôi cũng… nhậu thoải mái như ai, đủ món trên đời. Bia, rượu có đủ, nhưng tôi không bao giờ đụng tới mấy thứ đó, kể từ xưa cho đến ngày nay cũng vẫn vậy. Tôi được phép đi lại thoải mái trong khu vực cho nên được phép ra ngoài cổng rào kẽm gai, leo lên chòi gác “chơi” với lính, coi cảnh thành phố Nam Định ban đêm, thật đẹp! Khi ra sông tắm bên ngoài cổng trại, tôi được phép ra lối cổng sau, tới giới hạn cây chắn ngang đường xe chạy của Tiểu Đoàn Công Binh (Bataillon de Génie) của Pháp.
Lâu ngày, lính Pháp ở mấy đơn vị ngoài cổng sau cũng biết tôi, làm quen, tán gẫu cho vui. Họ còn rủ tôi vào mấy cái bàn ở quán cà phê đơn vị uống cà phê tán dóc. Về sau tôi mới biết một điều: sau Thế Chiến 2, nhiều sĩ quan Đức bị Pháp bắt giữ, chưa đến thời hạn được thả ra, muốn khỏi ở tù thì phải vào quân đội Pháp, nhưng chỉ được mang lon đến Cai-Sếp (Caporal-chef) mà thôi. Muốn ra phố chơi hay tới Chợ Rồng Nam Định một lúc, mua cái chi cần dùng (tiền lính cho khi lãnh lương nói trên) thì tôi xin phép Cụ Quản cho một anh lính, không mang súng đi cùng.
Tù Tây lạ thật, chẳng giống ai, nhất là lúc sau này, nghĩ đến hơn 12 năm đi tù cải tạo ở trại tù của Vi Xi, Việt Cộng, dép râu, nón cối… mà rùng mình. Thế giới văn minh và xã hội man rợ, bạo tàn khác nhau như ban ngày với đêm tối vậy. Lính trong đại đội an ninh chở xe, phát cho mỗi tù nhân một túi vải to bự, trong đựng quần áo, mùng, mền, quần áo lót, quần áo mùa lạnh, mùa nóng, thật là đầy đủ, thường là đồ dùng của lính, người Việt đã dùng một thời gian rồi đem đổi lấy đồ mới, còn đồ cũ thì người ta cho vào máy giặt sạch sẽ cất vào kho và bây giờ đem ra phát cho tù đủ thứ quần áo cần dùng, chẳng thiếu thứ chi…
Chuyện ăn uống của tù ở đây, cũng cần nói rõ: Ngày ăn ba bữa, no bụng, cơm trắng, sáng, trưa hai món ăn: món mặn và món canh, bữa tối lại chơi luôn ba món: mặn, xào, canh. Ngày chủ nhật cuối tuần, bữa ăn tối có món ngon hơn ngày thường, có trái cây hay kẹo bánh tráng miệng. Về ngày nghỉ lễ lớn, bữa ăn tối của anh em thật là ngon đặc biệt, vui vẻ. Thức ăn hoàn toàn do nhà thầu ngoài phố cung cấp hàng ngày. Đội nhà bếp chỉ việc lo nấu nướng theo kỹ thuật của mình. Tù Tây như thế quả là sướng thật! Chẳng thế mà vào năm thứ 11, 12 ở trại tù cải tạo của cộng sản, khi bạn bè về hết trơn, khổ sở sống không nổi, tôi cứ nghĩ lẩm cẩm: giá mà đánh đổi, được ra khỏi nhà tù cộng sản để vào trại tù của Pháp ở nhà Máy Rượu Nam Định kể trên thì tôi xung phong xin đi đầu, để ở tù của Pháp ở Nhà máy Rượu, Nam Định… muôn năm… Nhà tù của cộng sản ở vào thời đại văn minh mà thua kém quá xa, so với nhà tù của Pháp trước đó vài chục năm.
Ra trại, xây dựng cuộc sống mới
Một năm sau, tôi được thả ra khỏi trại giam “Máy Rượu”, sau một tháng đi nằm bệnh viện của tù, nhưng do bác sĩ quân y và y tá của quân đội Pháp trông nom. Khỏi bệnh, tôi được phóng thích nhân dịp lễ sinh nhật của Quốc Trưởng Bảo Đại. Tôi được giới thiệu làm thư ký cho một nhà buôn lớn ở Nam Định. Theo tôi được biết thì anh em ở trại giam Nhà Máy Rượu của chúng tôi khi đã phải đi nằm bệnh viện thì sau khi xuất viện, đều được thả về với cuộc sống bình thường, tự do và được dẫn đến Tòa Thị Chính Tỉnh Nam Định nghe hướng dẫn những điều cần thiết và lãnh nhận giấy má, cùng số tiền hai mươi đồng bạc (20 đồng giá trị thời gian đó) làm tiền đi đường, khi trở về quê quán, nơi cư trú của gia đình.
Khi có lệnh động viên, được gọi đi học Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, tôi không đi vì còn quá mỏi mệt sau những tháng ngày long đong, lận đận, nhưng muốn ở lại thành phố Nam Định thân yêu, đối với tôi, quá nhiều kỷ niệm khó quên, tôi phải xin nhập ngũ vào Đại Đội 3 Truyền Tin Việt Nam (3ème Compagnie de Transmissions Vietnamienne) với tính cách Binh Nhì (Soldat de 2ème classe/Private) là thứ lính thấp nhất.
Tiếng là Đại đội, nhưng gồm 600 quân, gấp rưỡi một Tiểu Đoàn (Bataillon/Battalion) Bộ Binh, đảm trách công tác truyền tin cho cả Quân Khu 3 (Bắc Việt Nam), và “Quân Khu tả ngạn sông Hồng Hà của Pháp – Zône Sud du Nord Vietnam”
Đơn vị này còn do sĩ quan người Pháp chỉ huy, đang chuẩn bị chuyển dần sang cho sĩ quan Việt Nam. Khi tôi nộp đơn xin nhập ngũ, được Trung Uý Cannet, chỉ huy phó phỏng vấn một lúc: hết hỏi vài công thức về điện trong môn học “Physique – Vật Lý” trong chương trình năm thứ 3 trung học, rồi hỏi về cuộc đời đã qua…. Ông đứng dậy, vào phòng trong mời Đại Uý Miraucourt, chỉ huy trưởng ra phỏng vấn tiếp. Ông đại uý hỏi tôi đủ thứ chuyện: khả năng làm văn phòng, đánh máy, kế toán, cuộc sống, học hành. Tôi được đà kể luôn cả chuyện bị quân đội Pháp bắt, đi tù ở nhà giam Máy Rượu cách đơn vị truyền tin này chừng 500 mét thôi, từng phụ giúp công việc văn phòng của người Pháp, rồi được tha, đi làm thư ký cho nhà buôn lớn ở thành phố này, được gọi đi học sĩ quan trừ bị Thủ Đức, nhưng mệt mỏi quá sau nhiều năm tháng gian lao, trôi nổi, tôi xin vào lính tại đây. Ông càng nghe tôi nói, ông càng thích nghe, hỏi lui hỏi tới. Ông coi bộ sẽ nhắm cất nhắc tôi lên cấp chức thật mau bằng mọi cách, để thay thế Trung Sĩ Nhất Cordier, văn phòng trưởng đơn vị sắp hồi hương về Pháp. Chuyện đó đã đến thật mau ngoài sức tưởng tượng của hàng mấy trăm quân trong đơn vị. Ông gửi tôi theo học khóa chuyên môn bốn tháng, tại Trường Võ Bị Nam Định, khóa đào tạo văn phòng trưởng/Chef de bureau của một đơn vị biệt lập về hành chánh.
Khóa học hầu hết do các sĩ quan Pháp giảng dậy, chỉ có một thượng sĩ nhất là người Việt Nam. Theo quy định của trường, học viên theo khóa này phải là hạ sĩ quan, có cấp bậc từ trung sĩ trở lên đền thượng sĩ. Capitaine Gain, giám đốc trường cho biết điều kiện như vậy, nhưng ông Đại Úy Miraucourt của tôi tán tỉnh: “Trưởng văn phòng của tôi sắp hồi hương về nước, tôi cần anh này, dù là lính mới, ngồi vào chỗ đó thay thế, điều hành công việc, không thể khác được.” Thế là ông Đại Úy Giám đốc Capitaine Gain cũng đành cộng tác, giúp đỡ đại úy chỉ huy trưởng của tôi, và hai ông bàn tính chuyện, làm sao cho anh lính này lên hạ sĩ quan, cấp trung sĩ trước ngày sergent – chef cordier về nước.
Ông đại úy của tôi bàn: “Tôi cứ giữ nguyên anh này ở đơn vị, khỏi cần làm lệnh thuyên chuyển (Avis de mutation) đưa anh ta về trường như quy định của khóa học. Đủ thâm niên công vụ (ancienneté de service) là để nghị cho anh ta lên hạ sĩ ngay cái đã.”
Theo quy định của khóa học: 5 thí sinh đỗ đầu sẽ được thăng lên một cấp. Anh ta cố gắng lọt vào số này là sẽ lên một cấp, tức trung sĩ, mọi chuyện sẽ tốt đẹp như ý…
Chỉ ba tháng sau, tôi được đón về đơn vị dự buổi lễ đặc biệt, được gắn lon hạ sĩ tại sân cờ của đơn vị. Tất cả anh em trong đơn vị ngơ ngác trước sự kiện lạ lùng chưa từng có trong đơn vị xưa nay. Khi thi tốt nghiệp, tôi đậu thứ ba trên tổng số 42 học viên. Thế là chỉ ít ngày sau, cũng tại sân cờ này của đơn vị, đích thân Đại Úy Miraucourt đọc quyết định thăng cấp đặc cách của Tướng Tư Lệnh Quân Khu 3 ở Hà Nội, cho tôi mang cấp Sergent (Trung Sĩ) để ngồi vào chỗ thay thế Sergent-Chef Cordier về nước.
Bạn bè trong đơn vị cũng như chính tôi đều cảm thấy lạ lùng, không ngờ lại có chuyện như thế lần đầu tiên xảy ra trong đơn vị chuyên môn, không tác chiến. Thông thường phải từ một đến hai năm, mới lên một bậc, thế mà cậu lính mới tò te này mới nhập ngũ được vài tháng lại lên luôn một lèo bốn bậc, từ binh nhì bỏ binh nhất, lên hạ sĩ rồi trung sĩ. Ghê gớm thật!
Cậu Hạ Sĩ Nguyễn Kim Tỉnh, tính tình hung dữ, nóng nảy, trước dậy toán lính mới chúng tôi, đã từng cầm cây ba-toong (bâton) đập vào chân tôi mấy lần, khi bước đi không đúng nhịp, lúc tập cơ bản quân sự, nay thấy tôi lên Sergent, cao cấp hơn hắn hai bậc, có quyền chỉ huy và phạt hắn, nếu hắn phạm lỗi, thế là hắn nổi sùng, chửi đổng trước mặt anh em binh sĩ. “…Đ. Mẹ! Mới hôm nào nó còn là lính mới, tao cầm gậy đập vào chân nó, quát tháo om sòm, thế mà bây giờ nó đã là cấp chỉ huy của tao. Lộn xộn là nó phạt… bốn củ, nhốt đầu lại cũng phải chịu thôi!” Anh em nghe thấy, tha hồ mà cười.
Tôi hiểu ra cái thế mạnh của một đại uý người Pháp chỉ huy đơn vị 600 quân, công tác bao trùm cả miền Bắc Việt Nam (Tướng Tư Lệnh đã là người Việt) và một Quân khu của người Pháp, quả là đáng nể trong lúc này. Tuy còn là hạ sĩ quan nhưng tôi rất thân thiết với ông đại úy, đơn vị trưởng. Ông luôn coi tôi như người bạn rất thân, thường xuyên dạo chơi bách bộ chuyện trò với nhau trên đường phố Nam Định những ngày chủ nhật, sau khi ông vào kiểm soát doanh trại xong, đậu xe Jeep ở trại, rồi kêu tôi cùng ông ra phố dạo chơi, chớ không coi tôi chỉ là một nhân viên dưới quyền, cấp bậc còn quá nhỏ.
Tôi ở trong trại, tại Câu Lạc Bộ Hạ sĩ quan độc thân. Có khi đi chơi, ăn trưa ở phố thì ông dành phần trả tiền và nói: “Tôi là đại úy, lương tôi cao hơn, để tôi trả tiền.” Tôi đáp lại: “Đại úy nói đúng, nhưng đại úy trả hai lần thì cho phép tôi trả một lần, tôi mới dám ăn trưa với ông.” Ông bằng lòng, lại còn đề nghị cho tôi lên thẳng cấp cao nhất của hàng hạ sĩ quan là thượng sĩ nhất, để sáu tháng sau, trong thời kỳ chiến tranh, ông sẽ đề nghị cho tôi lên thẳng cấp thiếu úy thực thụ (Sous-lieutenant à titre definitif) chỉ vì một câu nói nửa đùa nửa thực của tôi: “Nếu tôi xin Đại Úy cho tôi lập hồ sơ đi học khóa đặc biệt sĩ quan hiện dịch Đà Lạt, chỉ sau 9 tháng, tôi sẽ mang lon Chuẩn Úy Hiện Dịch (Aspirant de l’armée active) thì đại úy tính sao?” Ông nói: “Anh cứ làm việc đi, khỏi cần đi học như thế, mà 9 tháng sau, anh không những lên chuẩn úy, mà lên thẳng luôn thiếu úy, anh chịu không? Tôi sẽ thay mặt thượng cấp móc lon thiếu úy thực thu, một vạch vàng lên vai anh, anh nghĩ sao?” Tôi bảo: “Nếu đại úy đeo ba sao trên vai thì tôi tin điều đó, nhưng tiếc rằng trên vai đại úy mới có ba vạch vàng thôi.” Thế là ông ra lệnh cho Trung Úy Khôi, sĩ quan phụ tá, sau này lên đại úy và thay thế chức vụ của ông khi ông hồi hương trở về Pháp, lập ngay hồ sơ đề nghị thăng cấp kiểu đó cho tôi.
Cần lời phê, chữ ký, con dấu của cấp chỉ huy nào trong lãnh thổ Đệ Tam Quân khu hồi đó, là đích thân ông chở tôi bằng xe Jeep của ông tới trình diện cấp chỉ huy, Pháp cũng như Việt. Tiếng nói của viên đại úy người Pháp, chỉ huy đơn vị 600 quân, phụ trách công tác truyền tin cho cả một Quân Khu Việt Nam, miền Bắc Việt, luôn cả cái ” Zône Sud du Nord Vietnam – Miền Nam Bắc Việt” và thêm cái “Subdivision Nam Định” (Phân khu Nam Định) của Pháp nữa, nó có trọng lượng lớn lao lắm. Vì vậy, hồ sơ đề nghị thăng cấp đặc cách cho tôi tới cửa nào cũng đều lọt, với chữ ký và con dấu đỏ chót của cấp chỉ huy có thẩm quyền. Chỉ khi phải gửi hồ sơ từ Nam Định vào Bộ Tổng Tham Mưu ở Sài Gòn là ông bảo tôi: “Anh chịu khó chờ, tôi cam đoan sẽ móc lon thiếu úy thực thụ lên vai anh đúng như tôi đã nói.”
Khi có Hiệp Định Đình Chiến 1954, chia đôi Nam – Bắc, tình trạng chiến tranh coi như tạm chấm dứt, hồ sơ đề nghị thăng cấp của tôi theo thời chiến “En temps de guerre” nói ở trên coi như được xếp lại. Ông cho lệnh Trung Úy Khôi lập hồ sơ đề nghị cho tôi lên trung sĩ nhất vậy. Được chừng nào hay chừng đó!
Thế rồi thời gian cứ đi qua. Tôi đã có 23 năm lính, trôi nổi từ Bắc vào Nam. Những đơn vị về sau là Đại Đội 11 khai thác truyền tin ở trại Lê Văn Duyệt Sài Gòn, với cấp bậc thượng sĩ, rồi Tiểu Đoàn Truyền Tin Quân Đoàn I ở Đà Nẵng, với cấp bậc chuẩn úy hiện dịch (bỏ qua cấp thượng sĩ nhất, sau một khóa học chuyên môn ở Sài Gòn).
Biết rằng con đường tương lai đã mở ra trước mặt, tôi quyết định dành những thì giờ ngoài công vụ, thay vì nghỉ ngơi, tôi quyết tâm học lại để lấy hai bằng Tú Tài, rồi lấy luôn bằng cử nhân Luật Khoa. Sau đó, tôi lập hồ sơ, xin chuyển đổi sang ngành Quân Pháp, để phục vụ tại các Tòa Án Quân Sự.
Thiếu tá tiểu đoàn trưởng truyền tin vui vẻ chấp thuận cho tôi đạt được điều mong ước đã có từ lâu. Tôi cầm hồ sơ vào Sài Gòn, trình diện đại tá, cục trưởng Cục Truyền Tin. Ông biết tôi từ hồi còn phục vụ tại Nam Định, cùng đơn vị với ông, khi ông còn là thiếu úy xuất thân trường võ bị sĩ quan Đà Lạt. Ông vui vẻ hỏi thăm, khen tôi chịu khó học hành trong khung cảnh vô cùng khó khăn để tìm đường tiến thân. Ông phê duyệt hồ sơ cho tôi xin chuyển sang ngành Quân Pháp.
Tôi mang hồ sơ tới trình diện đại tá giám đốc Nha Quân Pháp cũng tại Sài Gòn. Ông coi hồ sơ, rồi vui vẻ hỏi thăm nhiều điều, khi biết tôi xuất thân từ lính binh nhì mà nay đã là trung úy, với con đường tương lai đang mở ra trước mặt. Ông hỏi thăm về gia đình, hoàn cảnh, rồi cho tôi về phục vụ tại Tòa Án Quân Sự Mặt Trận Quân Khu I, đóng tại Đà Nẵng. Tôi vui mừng khó tả.
Sau ba năm làm việc tại tòa, tôi được thăng cấp đại úy và được bổ nhậm chức vụ thẩm phán, phó ủy viên chính phủ tòa án này, niềm vinh dự cho một người lính trơn năm nào. Rồi năm 1974, tôi được thăng cấp thiếu tá. Khi phục vụ tại tòa án, tôi có điều kiện thời gian ngoài giờ công vụ, được phép mở lớp dậy học, kèm học sinh trung học hai môn Pháp và Anh ngữ để cho đời sống gia đình được dễ dàng, tốt đẹp hơn.
Tháng Tư, 1975, theo vận nước, tôi cùng bạn bè buộc phải rời bỏ quân ngũ, cùng nhau đi tù cải tạo trên núi trên rừng, với cuộc sống kinh hoàng, chỉ có lao động là vinh quang, lao động như súc vật, mà bữa ăn thì chỉ có khoai sắn với cơm gạo mốc, lại chẳng được ăn no, cán bộ hung hăng khuyến khích: cứ ăn 5 kí lô lá sắn, 6 kí lô lá khoai lang cũng bổ dưỡng bằng 1 kí lô thịt heo, 1 kí lô thịt bò.
Lao động ban ngày đã phải lên rừng, lên núi chặt cây, khuân vác, ra đồng ra ruộng cầy cuốc, gánh gồng đạt chỉ tiêu, buổi tối lại còn phải kéo nhau tranh thủ đi làm việc nhẹ để chào mừng cái thứ này, thứ nọ. Ngày chủ nhật, tiếng là ngày nghỉ, nhưng buổi sáng thường phải thi đua lao động đi kiếm củi, vác về cho nhà bếp nấu cơm, luộc khoai, luộc sắn. Cuộc sống thất là kinh hoàng! Nhiều anh em không chịu nổi đã ngã quỵ ở ngay trong trại hay tại nơi lao động trên núi, trên rừng. Bạn bè bên quân y, chừng vài ba năm thì trở về khá đông vì nhu cầu ở các bệnh viện quá tải, quá cao, ngành y tế của chế độ mới thiếu người đủ khả năng đảm trách và điều hành các bệnh viện.
Từ năm 1982, hàng năm có hai loạt kêu tên thả tù cải tạo. Nghe hoài chẳng thấy tên, vài anh bạn nhà 10 trại Tiên Lãnh, vùng núi Quảng Nam và tôi đâm lì, chẳng thèm nghe, khi nào chúng nó gọi thì gọi, nghe ngóng miết, chán thấy mồ.
Thế rồi, ngày 16 Tháng Tư, 1987, tôi có tên trong số tù cải tạo được thả cho về nhà tù rộng hơn một chút là cái xã hội do bọn cộng sản tổ chức và điều hành, mà tôi đã từng được nghe chúng nó vẽ vời, tuyên truyền láo lếu tứ cái hồi còn đi kháng chiến.
***
Hôm nay, trên đất Mỹ, dù tuổi đã cao, ngoài 94, ngồi trước bàn máy, tôi viết những dòng này, gửi đến mọi người thân yêu, bạn bè, trong đó có cả cha mẹ tôi, đã xa rời cõi thế khi không có tôi ở gần. Tôi cũng đã có một lần duy nhất, năm 2000, lần đầu và cũng là lần cuối, sau hơn nửa thế kỷ cách xa làng xóm, phố phường, về bên mộ của cha mẹ tôi, đã được xây đắp lại cẩn thận để thắp vài nén hương và dâng lời cầu nguyện.
(San Diego, California)