Khi ta 20, chỉ cần mơ thôi…

GÓC NHẠC XƯA
Minh họa: egor-myznik-unsplash

Vào thập niên 1970 tại Sài Gòn, có một ca khúc được Việt hóa bởi nhạc sĩ Trường Kỳ có tên “Khi ta 20” rất được giới trẻ yêu thích. Giai điệu nhẹ nhàng, trẻ trung của ca khúc như được viết riêng dành riêng cho lứa tuổi học sinh-sinh viên và cho tất cả những ai đang ở tuổi 20…

CHỈ CẦN MƠ THÔI

Ca khúc gốc bằng tiếng Anh có tên “All I Have to Do Is Dream” được nhóm The Everly Brothers (với Don Everly và Phil Everly) trình diễn lần đầu tiên vào Tháng Tư 1958, ngay lập tức được nhiều người yêu thích. Đây là sáng tác của cặp vợ chồng nhạc sĩ nổi tiếng Felice và Boudleaux Bryant.

Ban nhạc The Everly Brothers chỉ cần hai lần thu là có được nhạc phẩm trên, với Chet Atkins chơi guitar. Đây là đĩa đơn duy nhất đứng đầu ở tất cả bảng xếp hạng đĩa đơn của Billboard tại cùng một thời điểm vào ngày 2 Tháng Sáu 1958. Trước tiên, bài hát xếp số 1 tại bảng “Most played by Jockeys” và “Top 100” ngày 19 Tháng Năm; và giữ vị trí đó đến Tháng Tám cùng năm. Bài hát kết thúc năm 1958 với vị trí số hai.

“All I Have to Do Is Dream” cũng là bài hát đứng đầu bảng xếp hạng R&B và là đĩa đơn thứ ba của ban nhạc từng đứng đầu bảng xếp hạng Mỹ: The Everly Brothers. Ban nhạc này quay lại bảng xếp hạng “Hot 100” trong năm 1961 với bài này một lần nữa. “All I Have To Do Is Dream” được vinh danh là một trong “500 ca khúc định hình dòng nhạc rock and roll” bởi Rock and Roll Hall of Fame. Đồng thời, nó cũng được nhận giải từ Grammy Hall of Fame vào năm 2004.

Thời điểm “All I Have To Do Is Dream” được sáng tác đến nay vẫn không được rõ. Người ta chỉ biết nó nằm đâu đó trong khoảng 13 năm từ khi Felice và Boudleaux Bryant gặp nhau và đến lúc The Everly Brother hát vang trên sóng phát thanh. Nhưng có sự thật đã được khẳng định là Felice và Boudleaux Bryant chỉ cần vỏn vẹn 15 phút để sáng tác ra “All I Have To Do Is Dream”.

The EVERLY BROTHERS: Phil Everly (trái) và Don Everly (ảnh: David Redfern/Redferns)

Ca sĩ Phil Everly từ bộ đôi The Everly Brothers kể lại: “Tôi nhớ khi nghe All I Have To Do Is Dream từ Boudleaux và ngay lập tức biết nó sẽ thành hit vì nó quá tuyệt, quá đẹp, quá hay”. Trong bài hát gốc, “All I Have to Do Is Dream” kể về câu chuyện của một chàng trai với những lời nói yêu thương dành cho tình yêu của mình. Chàng mơ, những giấc mơ ngắn và dài, những giấc mơ về người con gái chàng yêu, những giấc mơ đêm đêm cùng với những nỗi buồn khi chàng nhớ nàng.

“I need you so that I could die. I love you so and that is why. Whenever I want you, all I have to do is. Drea-ea-ea-ea-eam, dream, dream, dream.”

Bài hát sau đó được viết lời Pháp có tên là “Pendant Les Vacances” (tạm dịch “Trong Những Kỳ Nghỉ Hè”) do nữ ca sĩ nổi tiếng người Pháp Sheila trình bày năm 1963 trong album “Le Sifflet Des Copains”. Bài hát hay và lôi cuốn người nghe đến mức nhiều người lầm tưởng đây là bản gốc.

Với phiên bản tiếng Pháp, bài hát kể về kỳ nghỉ hè của những chàng trai và các cô gái nước Pháp. Nhân vật chính trong bài hát là cô gái 16 tuổi đi nghỉ hè với cha mẹ và cô phải tạm xa cách anh bạn trai. Cô không biết khi xa nhau thì chàng có nhớ đến mình không và lo lắng nghĩ rằng chàng cũng sẽ có những niềm vui mới trong những ngày hè với biết bao cô gái khác. Tâm trạng của cô gái trăn trở, làm sao ai biết tình cảm của chàng có thể thay đổi không. Khi yêu, nhất là với những người trẻ, họ chỉ muốn người yêu là của riêng mình.

Trong tiếng Pháp, ca khúc này có đến ít nhất ba phiên bản khác nhau. Tại Canada, ban nhạc Les Bel Canto ghi âm ca khúc này với tựa đề “Seul” (tạm dịch “Cô đơn”); ngoài ra, còn có phiên bản phóng tác “Line” của Eddy Mitchell thời ông là ca sĩ chính của nhóm Les Chausettes Noires, và phiên bản do Sheila hát như nói ở trên. Một cách chính xác, “All I have To Do Is Dream” trở thành bài hát được phóng tác nhiều nhất. Tính tổng cộng, có đến hàng trăm phiên bản với 10 thứ tiếng khác nhau, trong đó có tiếng Ý, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Bồ Đào Nha…

Boudleaux Bryant

Boudleaux hay còn gọi là Boudleaux Bryant là nghệ danh của đôi vợ chồng nhạc sĩ nổi tiếng người Mỹ. Người chồng có tên Felice Bryant (1925-2003), còn người vợ tên Diadorius Boudleaux Bryant (1920-1987). Khi sáng tác, hai người cùng lấy tên là Boudleaux Bryant, với các ca khúc tiêu biểu như “Rocky Top”, “Love Hurts”, “Bye Bye Love”…

Cuộc tình của cặp này khá độc đáo. Mùa xuân 1945, cô nàng 19 tuổi Matilda Genevieve Scaduto (tên cũ của Felice Boudleaux) làm nghề nhân viên trực thang máy tại khách sạn Sherwood ở Milwaukee. Một công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày khá buồn tẻ. Rồi cũng vào một buổi chiều mùa xuân ấy, nhạc công Diadorius Boudleaux Bryant cùng ban nhạc jazz của anh từ Georgia xa xôi đến biểu diễn tại khách sạn Sherwood. Hai người chạm mặt nhau. Hai ngày sau, người ta thấy cô nhân viên nghỉ việc không thông báo, còn chàng nhạc công cũng biến mất chẳng tăm hơi. Họ đã dắt nhau “cao chạy xa bay”, bắt đầu một mối tình đầy nhạc và thơ…

Boudleaux và Felice Bryant trong Country Music Hall of Fame and Museum tại Nashville, Tennessee (ảnh: Jason Kempin/Getty Images for Country Music Hall of Fame and Museum)

Felice Boudleaux tin rằng định mệnh đã đưa họ đến với nhau, nhưng không phải từ mùa xuân năm 1945. “Tôi đã mơ về Boudleaux từ hồi… 8 tuổi và tôi nhớ như in khuôn mặt của anh ấy. Thoáng thấy anh trong khách sạn, tôi nhận ra ngay lập tức. Anh ấy không biết tôi là ai, nhưng tôi thì biết, rõ hơn ai hết. Thế là tôi cứ bám chặt lấy anh ấy” – Felice kể với tạp chí Country Music People vào năm 1981…

Sau khi về sống chung với Boudleaux Bryant, Felice mới tập tành sáng tác. “Tôi viết liên tục. Ban đầu tôi viết thơ và thư rồi xé ngay để không ai đọc được. Tôi không đọc nhạc. Tôi không chơi nhạc cụ. Bản thân câu chữ đã có giá trị âm nhạc rồi. Đó là cách tôi sáng tác. Sau đấy thì Boudleaux viết nhạc cho hoàn chỉnh. Chúng tôi sáng tác vì thích thế, cho vui ấy mà. Sau khoảng 80 ca khúc thì chúng tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc”, Felice kể. Đó là cách họ “dìu” nhau trên con đường sáng tác. Với Boudleaux viết nhạc và Felice viết lời, cặp vợ chồng nhạc sĩ cuối cùng để lại một gia tài đồ sộ với 6,000 sáng tác chung, bán được trên 200 triệu bản thu khi hợp tác cùng hàng loạt danh ca như Tony Bennett, Dean Martin, Simon & Garfunkel và đặc biệt là The Everly Brothers.

ANH EM NHÀ EVERLY

“All I Have To Do Is Dream” là sáng tác đặc biệt trong sự nghiệp Felice và Boudleaux Bryant nhưng nó cũng đặc biệt cả với Everly Brothers, hai giọng ca đã mang đến cho ca khúc này vẻ quyến rũ đầy ám ảnh. Ca khúc đem về cho anh em Everly Brothers những kỷ lục mà đến tận bây giờ vẫn chưa ai phá được. Bộ đôi là hai anh em Isaac Donald “Don” Everly và Phillip “Phil” Everly, nổi tiếng với đàn guitar điện và lối hát bè. Trong phần lớn các bản thu, Don Everly đảm nhận giọng nam trung (baritone) còn Phillip Everly hát giọng nam cao (tenor).

Giai đoạn thành công của ban The Everly Brothers trùng hợp với thời kỳ phát triển của phong trào nhạc trẻ những năm 1960 tại Pháp. Điều đó giải thích vì sao có khá nhiều bài hát ăn khách của ban nhạc này được phóng tác sang tiếng Pháp. Hai anh em Phil và Don Everly bắt đầu đi hát từ khi họ lên 10, thành ra khi trình làng những bản ghi âm đầu tiên vào năm 1957, ban song ca người Mỹ tuy độ tuổi chỉ mới đôi mươi thật ra đã có nhiều năm vào nghề.

The Everly Brothers theo đuổi dòng rock and roll chịu ảnh hưởng của country, hoạt động mạnh vào những năm 1950-1960, kéo dài đến 1973, có lúc tạm tan rã khi hai người theo đuổi con đường solo, rồi lại tái hợp vào năm 1983 và cùng nhau diễn đến năm 2005. Hiện người anh Isaac Donald “Don” Everly còn sống. Phillip “Phil” Everly thì qua đời vào năm 2014.

Minh họa: rinck-content-studio-unsplash

KHI TA 20

Đầu thập niên 1960 ở Pháp, phong trào nhạc yéyé rất thịnh hành, trong đó những ca sĩ hát lại các ca khúc Anh, Mỹ hoặc những nước khác bằng tiếng Pháp. Ở Việt Nam lúc đó, phong trào nhạc trẻ cũng hình thành, với nhạc sĩ Trường Kỳ là một trong những tên tuổi tiên phong trong việc Việt hóa ca khúc ngoại quốc. Bản “Khi ta 20”, độc đáo thay, lại được đặt lời hoàn toàn khác nội dung so với cả bản tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Ở Sài Gòn ngày ấy, “Khi ta 20” được nghe khắp nơi qua giọng hát nữ ca sĩ trẻ Thanh Mai và Thanh Lan.

“Khi ta 20 yêu thương có trong ta chơi vơi. Nghe trong tim hát lên bao câu ca, chứa chan ngập tràn đầy niềm vui. Lòng nhớ ghi trong cuộc đời (chớ có quên)”

“Sẽ nhớ mãi nhớ mãi, khi hai mươi hai mươi. Toàn là niềm vui trong lòng. Sẽ nhớ mãi nhớ mãi, ước gì được sống mãi tháng năm mộng mơ”

________________

“All I Have to Do Is Dream”, The Everly Brothers

“Khi ta 20” của Trường Kỳ qua tiếng hát Thanh Mai

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: