Bài và ảnh: THANH NHÀN (Houston, Texas)
“Mùa xuân em mặc áo hồng
Đi lễ chùa, chùa rất đông
Rồi qua bao đường phố rộng
Với bao người
vai bước tung tăng …”
(Bốn mùa bốn màu – Sáng tác Y Vũ)
Tục lễ chùa đầu năm, trong tâm thức dân ta bao đời, là một hoạt động gắn liền với Phật Giáo, đã trở thành nét đẹp văn hóa, được duy trì ở nhiều thế hệ gia đình Việt. Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Là những kiều bào ở xa xứ, đi lễ chùa ngày Tết không chỉ gạt bớt đi muộn phiền của cuộc sống hàng ngày, mong cầu một năm mới tốt đẹp; lên chùa còn là dịp để gìn giữ những tập quán cổ truyền, chỉ dẫn cho con em thế hệ sau này một trong những nét đẹp thanh nhã nhất trong ngày Tết của dân tộc mình.
Ở Houston, có không dưới trăm kiểng chùa lớn, nhỏ. Nhưng đầu năm, người ta hay hướng về những ngôi chùa lớn, nằm gần trung tâm người Việt, như chùa Việt Nam, chùa Ông Bổn (Teo Chew), chùa Bà Thiên Hậu (Teen How Taoist), chùa Tịnh Luật …Mùng 1 đến mùng 3 năm nay rơi vào dịp cuối tuần nên lượng khách đến lễ Phật, du xuân cũng khá đông, mặc dù có bị ảnh hưởng bởi thời tiết trở lạnh đột ngột.
Thông thường đêm 30, các đền chùa đều biểu diễn múa lân, chúc mừng năm mới ngay tiết giao thừa. Bà con người Việt lẫn Á Đông tập trung rất đông ngoài sân chùa, cùng chờ đón khoảnh khắc đưa tiễn năm cũ và chào đón năm mới trong làn khói hương nghi ngút, không khí rộn ràng, vừa vui, vừa vơi cảm giác nhớ nhà đến nao lòng …Sáng mùng 1, sẽ là lễ khai đạo tràng, lễ cầu an, vài chùa sẽ có tục khai quang điểm nhãn cho đoàn lân sư rồng, pháo đốt đì đùng, bà con xúng xính trong những tà áo mới. Trong cái lạnh âm độ C, mùi khói nhang thơm thoảng, nhẹ nhàng; tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng trống vang lên từ nơi chánh điện gợi nhớ da diết về bầu không khí Tết thật ấm cúng nơi quê nhà.
Theo phong tục hàng năm, sau khi lễ cầu an kết thúc, sư thầy trụ trì sẽ phát lộc may mắn cho các tăng ni, Phật tử và mọi người tham dự buổi lễ. Tiếp đến là bữa cơm chay do các phật tử phát tâm chung tay góp sức. Tuy nhiên, do năm nay Houston vẫn cần cảnh giác cao với đại dịch, nên một số chùa đã không duy trì bữa ăn chay đầu năm nữa. Tuy nhiên các gian hàng đồ chay bán gây quỹ vẫn còn nhộn nhịp, chủ yếu mua to-go, vẫn đủ món ngon, bánh mứt, cơm, mì, kể cả hoa chưng Tết, …cả người bán lẫn người mua đều hoan hỉ, âu cũng còn là không khí Tết đến Xuân về.
Phần lớn người Việt Nam đi lễ chùa theo truyền thống gia đình. Từ đời này qua đời khác, với những nhà theo đạo Phật từ lâu thì việc đi lễ chùa đã trở thành một hoạt động thường ngày. Một năm có rất nhiều dịp lên chùa, Rằm tháng Giêng, những ngày mùng 1 và rằm (15 Âm lịch) hàng tháng, lễ Vu Lan, Rằm tháng bảy; nhưng riêng việc lễ chùa đầu năm thì kể cả những người ngoại đạo vẫn hào hứng đến viếng như một nét đẹp tâm linh lẫn tinh thần, mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp và bình an.
Bất cứ ai khi đến chùa đều mong tìm sự an lạc, cho bản thân và cho gia đình, nghiệm ra những nhân quả thông qua giáo lý nhà Phật. Từ đó có thể dạy lại cho con cháu sống tốt hơn, hướng thiện hơn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi hương khói, sắc màu của hoa, đèn, mỗi chúng ta dường như cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng và thanh thản hơn. Thiện tánh, xuân tâm làm cho con người luôn an lạc mỗi khi đến chùa du xuân.
Dù sống ở Mỹ hơn hai, ba chục năm, rất nhiều gia đình Việt vẫn luôn gìn giữ truyền thống ăn Tết cổ truyền, cùng nhau gói bánh, làm mứt, trang trí đào, mai, mặc áo dài, chúc tết, lì xì, đi lễ chùa. Hơn cả một nét đẹp văn hóa đáng trân quý, đó còn là phong tục của của ông bà, tổ tiên để lại, cần gìn giữ cho thế hệ tương lai, để nhắc nhở con cháu mình, dù có đi bốn biển ngàn phương, nhưng nguồn cội là gốc rễ con người, không bao giờ được quên, dù chỉ trong tâm thức.