Long lanh màu trời

Minh họa: amjd-rdwan-unsplash

Trước đây nhiều năm, người bạn bên Pháp qua Đức thăm tôi, hỏi, tôi cần mỹ phẩm của Paris không. Tôi đùa với bạn, tôi không cần gì cả, với lý do:

Bởi vì mắt ngắm trời xanh

Cho nên mắt cũng long lanh màu trời*.

Trong trí nhớ của tôi dường như có một góc lưu trữ những câu thơ tôi yêu, tôi thương. Nhiều khi, tôi không biết tác giả những câu thơ. Tình cờ, nghe đây một câu, thấy kia một câu, tôi vội ghi vào trí. Ngày còn bé, tôi có trí nhớ rất tốt. Tôi nhớ, tôi ngâm nga những từ, những ngữ, những vần thơ thật đẹp, thật thơ. Dần dà, những câu thơ như quen, như thân, như hòa vào vốn liếng ca dao tục ngữ trong ký ức của tôi. Trí tôi còn “giữ” thêm một dị bản của bốn câu thơ trên:

Mắt em ngắm trời xanh

Nên long lanh màu trời

Mắt em nhìn biển khơi

Nên xa vời đại dương

Nhiều năm, tôi giữ mấy câu long lanh màu trời như của riêng mình. Ngày nọ, khi tình cờ đọc bốn câu thơ trong Facebook của người bạn, tôi xúc động lặng người, quýnh quíu hối thúc người bạn, tìm giúp tôi tác giả bốn câu thơ. Sau khi giật dây tứ tung, người bạn bảo, tác giả là thi sĩ Phạm Thiên Thư. Tôi lèo nhèo năn nỉ người bạn, tiếp tục tìm hiểu, những câu thơ ấy được trích trong tập thơ nào. Người bạn gõ cửa loanh quanh, cuối cùng đành lắc đầu, không biết chi thêm về bốn câu thơ này.

Đọc đi, đọc lại bốn câu thơ, lòng nhớ bâng khuâng thuở mười bảy tuổi, tôi đem bút viết, bồi hồi kể chuyện xưa. Truyện Khi Mười Bảy Tuổi được bạn đọc thương mến. Có lẽ, vì bạn đọc thấy lại thuở bẻ gãy sừng trâu của mình. Và cũng rất có thể, vì bạn đọc yêu thích bốn câu thơ tôi ghi ngay dưới tựa truyện. Và như vậy, đã nhiều năm, tôi thương bốn câu thơ, mà vẫn đinh ninh cùng tác giả của Ngày Xưa Hoàng Thị.

Cuối năm tôi thật vui, được một món quà đặc biệt: nhà văn T.Vấn, chủ bút của trang mạng văn học và tủ sách T.Vấn & Bạn Hữu, có nhã ý tái bản tập truyện Bông Hoa Trên Phím dưới dạng sách điện tử. Với tấm lòng đam mê chữ nghĩa và phong cách làm việc tận tụy, anh T. Vấn cẩn trọng chăm chút cả nội dung lẫn hình thức của tập truyện. Anh T.Vấn mời họa sĩ Trần Thanh Châu khoác cho tập truyện tấm áo mỹ miều với tranh Bông Hoa Trên Phím Dương CầmBông Hoa Trên Phím Guitar.

Anh nhờ nhà văn Lê Hữu “để mắt” đến bản thảo của tập truyện. Bởi, qua những lần làm việc với nhà văn Lê Hữu từ trước, anh T.Vấn nhận xét, “Những ý kiến của anh Lê Hữu giúp cho tác phẩm nghiêm túc hơn, tạo sự tin cậy nơi người đọc, trước khi họ bỏ thì giờ ngồi xuống giở từng trang sách.” Những ý kiến, mà anh Lê Hữu rất khiêm tốn cho rằng “nhỏ nhặt”, là những lời góp ý rất to lớn cho tôi. Bên cạnh những đề nghị thay đổi chi tiết về kỹ thuật, trong truyện Khi Mười Bảy Tuổi, anh Lê Hữu đã sửa những chữ sai trong bốn câu thơ và ghi đúng tên tác giả.

Cũng vì mắt ngó trời xanh

Cho nên mắt cũng long lanh màu trời

Cũng vì mắt ngó biển khơi                                    

Cho nên mắt cũng xa vời đại dương

(“Ngón tay hoa”, thơ Trụ Vũ)

Với hiệu đính này, nhà văn Lê Hữu đã giúp tôi gặp một mối duyên chữ nghĩa tuyệt vời.

Minh họa: sixteen-miles-out-unsplash

Nay biết mình ghi tên sai tác giả, cũng như sai vài chữ trong bốn câu thơ, tôi rất áy náy. Tôi cảm thấy thật có lỗi với thi sĩ Trụ Vũ, khi truyện đã đăng lên báo, sách đã phát hành. Tôi cần phải có lời xin lỗi trực tiếp đến tác giả. Sau mấy tiếng đồng hồ tra cứu trong internet, tôi từ từ tìm ra manh mối, dẫn đến những thông tin về thi sĩ Trụ Vũ. Có nhiều bài vở viết về thi sĩ Trụ Vũ: Ông là một nhà thơ, nhà Phật học nổi tiếng, và còn là một nhà thư pháp tiên phong của Việt Nam.

Đọc trong trang nhà của Phạm Hoài Nhân, tôi đoán, anh “quen lớn” với thi sĩ Trụ Vũ. Tôi viết thư làm quen với anh Nhân, nhờ anh giúp tôi “gặp” thi sĩ Trụ Vũ. Anh Nhân cho biết, anh chỉ là bạn của con gái bác Trụ Vũ. Các cô con gái là trợ thủ đắc lực của bác Trụ Vũ trong sinh hoạt trên liên mạng. Với địa chỉ anh Nhân giới thiệu, tôi liên lạc với An Hòa, con gái của bác Trụ Vũ.

Sau vài trao đổi với An Hòa, tôi được biết thêm nhiều chi tiết lý thú. Bác Trụ Vũ cũng gốc Huế. Nhưng sống ở Sài Gòn từ thời trẻ. Chỉ khi gặp người cùng quê, bác mới nói giọng “Huệ” (cách dùng chữ dí dỏm của An Hòa). Gia đình bác Trụ Vũ cư ngụ ở gần đường Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận từ năm 1960. Đấy cũng là con đường “của” gia đình chúng tôi cho đến khi chúng tôi rời Việt Nam năm 1982.

An Hòa giúp tôi chuyển thư xin lỗi vì nhầm tác giả mấy câu thơ đến thân phụ của cô, thi sĩ Trụ Vũ. An Hòa kể: “Ông khen chị là người tử tế và rất có trách nhiệm”. Gởi lời xin lỗi đến tác giả, tôi chỉ cầu mong tác giả không buồn lòng vì chuyện nhầm lẫn của tôi. Tôi nghe câu chuyện về một nhạc sĩ gặp trường hợp tương tự.

Nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ, mà ông tưởng của cô bạn. Phổ nhạc xong, ông mới biết, tác giả bài thơ là một thi sĩ nổi tiếng. Ông tìm gặp tác giả để xin phép muộn. Thi sĩ chấp nhận, vì sự đã rồi. Nhưng thi sĩ ấy cũng đôi lời trách nhẹ nhạc sĩ. Vậy mà, thi sĩ Trụ Vũ, chẳng những không rầy la tôi, mà bác còn sáng tác bài thơ khoán thủ thật đẹp, tặng cho tôi, nhân mối duyên gặp gỡ nhau, mối duyên gặp “người đồng hương có tâm hồn yêu văn chương và trân trọng cái đẹp”.

Nhận những lời thăm hỏi của bác Trụ Vũ qua người con gái, tôi tưởng tượng, bác cũng có giọng Huế giống Ba tôi. Nếu Ba tôi vẫn còn ở trên đời này với chúng tôi, tôi sẽ đưa Ba đọc bài thơ. Tôi xúc động rưng rưng, tưởng như nghe giọng Huế, đọc chầm chậm, trầm trầm:

Hoàng hoa thúy trúc nếp xưa nay

Thị của Như, Như của Thị này

Ngọc sáng đôi phương vầng nhật tỏ

Thúy sâu muôn dặm vẻ tâm bày

Khi không khi khổng xinh tà áo

Mười bốn mười lăm đẹp nét mày

Bảy nổi ba chìm thơm ý đạo

Tuổi cài trâm cợt gió heo may.

Trụ Vũ (12/11/2017)

Sau nhiều ngày “làm việc” chung với anh Lê Hữu, anh T. Vấn gởi bản PDF hoàn chỉnh, chuẩn bị đưa tập truyện vào tủ sách T. Vấn & Bạn Hữu. Đấy cũng là lúc tôi vừa liên lạc được với thi sĩ Trụ Vũ, qua An Hòa. Tôi chuyển bản PDF của tập truyện đến thi sĩ Trụ Vũ và An Hòa, như là độc giả đầu tiên đọc Bông Hoa Trên Phím trong bản điện tử.

Tôi gởi thêm vài truyện ngắn khác đến bác Trụ Vũ. Trong những thư đi, tin lại, nghe “người đưa thư” nhắn: “Lần nào nhận truyện chị, ba em cũng nói, cô này viết dễ thương quá.” Được một người đã thành danh nhiều năm trước khi mình chào đời, đọc văn của mình và có đôi lời nhận xét, tôi vui ghê lắm, và cảm động nữa.

Đó đây trong các truyện của Hoàng Quân: Khi Mười Bảy Tuổi, Bài Ca Hạnh Ngộ, Quẻ Bói Đầu Xuân, Rhodes – Hy Lạp- Hải Đảo Hoa Hồng, những câu thơ của thi sĩ Trụ Vũ đã tô điểm, đã làm những câu chuyện thêm thi vị.

Tôi có nhiều bạn thân: bạn thuở tiểu học, trung học, đại học; bạn hàng xóm ở quê nhà; bạn láng giềng ở xứ người… Ngoài ra, tôi có những người bạn, tôi chưa hề gặp mặt, chưa hề nói chuyện, chỉ trao đổi thư từ trên liên mạng. Vậy mà, tôi vẫn cảm nhận tình bạn thân thiết, gần gũi. Bởi, chúng tôi “thấy” nhau qua sự đồng cảm: cùng thiết tha với tiếng Việt. Chúng tôi “nghe” nhau qua sự đồng điệu: cùng yêu thương tiếng Mẹ đẻ của mình.

Chuỗi tình cờ kỳ diệu, đúng hơn, những cơ duyên có liên quan đến “trời xanh”, đã cho tôi “gặp” anh Lê Hữu, anh T.Vấn và bác Trụ Vũ, để mắt tôi vẫn được “long lanh màu trời”. Đấy chẳng phải là ân sủng quý giá của cuộc sống, là món quà tặng tuyệt vời cho tôi đó sao?

Xin gởi lời cám ơn trân trọng đến thi sĩ Trụ Vũ đã viết những vần thơ tuyệt đẹp. Xin gởi lời cám ơn trân trọng đến nhà văn T.Vấn, nhà văn Lê Hữu, họa sĩ Trần Thanh Châu đã chăm sóc đứa con tinh thần của Hoàng Quân, để Bông Hoa Trên Phím được cùng các tác giả khác góp mặt, là đầu sách thứ 30 trong Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu.

________

* Những câu thơ ghi theo trí nhớ, có hai chữ nhớ sai.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Mẹo hay nhà bếp
Trong gian bếp, bạn cũng có thể sử dụng nhiều mẹo vặt để tránh phền toa1o xảy ra, nhất là khi bạn phải làm ở nhà. Tránh ruồi Chỉ cần…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: