Quốc Dũng là nhạc sĩ có các tác phẩm thành công trải dài từ cuối đời Đệ nhị Cộng Hòa cho đến sau 1975. Với lối viết nhạc trẻ trung và sang trọng, cộng với dáng vẻ điển trai, cuộc đời nhạc sĩ của ông đã thu hút không biết bao nhiêu ánh mắt của phái nữ, góp phần làm nên nhiều ca khúc chứa đựng những tâm sự kỷ niệm và đẹp, đến mức trong một trò chuyện với báo chí, người bạn đường và là bạn diễn của nhạc sĩ Quốc Dũng, ca sĩ Bảo Yến, phải thốt lên “phải nhìn nhận rằng anh Dũng đã sống hết mình với yêu”.
Rất nhiều các ca khúc của Quốc Dũng được dân trong làng âm nhạc ngầm hiểu là viết cho ai, lúc nào… như Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa, Chín Con Số Một Linh Hồn, Bên Nhau Ngày Vui… nhưng với bài Mai, một bản valse dồn dập và hờn tủi thì về sau luôn được tranh cãi là ông đã viết dành cho cô Mai nào. Mọi thứ càng “bí ẩn hơn”, khi các bạn bè của ca sĩ Thanh Mai ở Little Saigon, hồi đầu thập niên 2000 kể rằng bà vẫn không chắc là nhạc sĩ Quốc Dũng viết cho ai, vì tác phẩm đó có trước khi hai người gặp nhau.
Trong bài viết trên báo Tuổi Trẻ đăng Tháng Mười Hai 2017, mọi chuyện như có vẻ được khẳng định qua bài báo có tên Bảo Yến và cuộc gặp định mệnh với Quốc Dũng. Bài báo khẳng định tác phẩm Mai của nhạc sĩ Quốc Dũng là viết cho ca sĩ Thanh Mai. Không thấy nhạc sĩ Quốc Dũng lên tiếng đính chính gì. Nhưng với những ai quen biết ông, người có nụ cười nửa miệng và bất cần quen thuộc: Ít khi nào ông lên tiếng cải chính chuyện của mình, kể cả chuyện rất ồn ào.
Tiết lộ khác từ ca sĩ Bảo Yến, khiến ai cũng buồn cười, là khi bà hỏi về bài hát đó, có phải ông viết cho ca sĩ Thanh Mai không, thì ông Dũng cười nói rằng nếu trên sân khấu thì Thanh Mai là nhân vật chính, “ngoài ra còn có thêm ba, bốn cô Mai khác được thêm thắt vào”. Và ông nhất quyết không nói thêm gì. “Ông Dũng đa tình lắm. Chỉ cần gặp một cô gái nào đẹp nói một câu hơi trữ tình thôi là ông đã về viết nhạc”, ca sĩ Bảo Yến kể.
Chính vì sự phong lưu này mà nhạc sĩ Quốc Dũng luôn có những phiền muộn trong gia đình không thôi. Mãi về sau, khi ngồi nghĩ lại với sự trầm tĩnh của người đã chiêm nghiệm được cuộc đời, ca sĩ Bảo Yến có thú nhận rằng “Ngày xưa tôi buồn vì anh ấy yêu nhiều quá, nhưng cuối cùng ngẫm lại nhờ anh ấy yêu nhiều, mới có nhiều tác phẩm hay để lại cho đời nên tôi thông cảm”.
Nhưng mới đây, nhân vật “Mai” trong ca khúc của nhạc sĩ Quốc Dũng mới lộ diện, sau hơn 60 năm bài hát ra đời. Hóa ra là nghệ sĩ Phượng Mai. Câu chuyện được tiết lộ trong một show truyền hình tại Mỹ, cách đây không lâu, được nghệ sĩ Phượng Mai kể rằng dù chuẩn bị với nghề cải lương Hồ Quảng nhưng bà được ông bầu Tùng Lâm cho đi hát tân nhạc trong ban Tùng Lâm rất nổi tiếng thời bấy giờ để làm quen sân khấu. Dĩ nhiên, gia đình rất “kỹ”, lúc nào cũng có người nhà kèm sát từ hậu trường đến sân khấu. Nhờ vậy mà “Mai” có dịp tiếp xúc thường xuyên với nhạc sĩ Quốc Dũng đang chơi cho ban nhạc. Lúc đó nàng 15 tuổi gặp chàng 20 tuổi.
Do nhạc sĩ Quốc Dũng ban ngày thì dạy nhạc ở nhà ông bầu Tùng Lâm, lo bài vở cho biểu diễn, rồi lại hay tập bài mới cùng Phượng Mai… nên dần dần có chút tình cảm. Cuối cùng thì nhạc sĩ Quốc Dũng xé rào, mời Phượng Mai lén ra ngoài đi chơi nhưng dường như bị gia đình biết được vì mới có “15 tuổi mà bày đặt yêu đương”, nên nàng hoảng, đành cho chàng leo cây ở buổi hẹn. Nếu để ý, một đoạn hát trong bài Mai mô tả rõ chuyện này:
Mai! Em đã cho anh hẹn hò
Nhưng đã cho anh đợi chờ
Để rồi không đến bao giờ
Nói trên show truyền hình, nghệ sĩ Phượng Mai hồi tưởng về kỷ niệm xưa và nói rằng bà bị một trận đòn, và suýt là cấm không cho theo nghề, vì ông bà ngoại hết sức giận về chuyện “mới bây lớn mà hẹn hò”.
Riêng về ca sĩ Thanh Mai, được dân Sài Gòn cũ mệnh danh là Thanh Mai “búp bê”, khi được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kết hợp với nhạc sĩ Quốc Dũng là một đôi song ca, tạo nên một phong cách và tiếng vang rất đặc biệt. Nhiều bài hát được nhạc sĩ Quốc Dũng viết riêng để trình bày cùng Thanh Mai lúc đó, trong đó có thể kể Bên Nhau Ngày Vui, Quê Hương Và Mộng Ước, Biển Mộng, Cơn Gió Thoảng, Anh Về Giữa Mùa Xuân…
Nhạc sĩ Quốc Dũng là một người gốc Việt sinh ra tại Thái Lan. Ông được xem là một ngôi sao mới của làng nhạc trẻ thời bấy giờ, tương tự như Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang… Nhạc sĩ Quốc Dũng chỉ thích hát những ca khúc mới nhạc Việt, chứ không chuộng chơi lại các bản nổi tiếng của nước ngoài.
Năm 11 tuổi, Quốc Dũng sáng tác bản nhạc đầu tiên mang tên Mandolin. Năm 15 tuổi, ông trình diễn bản nhạc này trên truyền hình trong dàn nhạc đại hòa tấu. Năm 17 tuổi, ông hoàn thiện ca khúc này với tên Em Đã Thấy Mùa Xuân Chưa sau sáu năm cứ ám ảnh về giai điệu chủ đề nghĩa ra. Sau ca khúc đầu tay, nhạc sĩ Quốc Dũng liên tục cho ra mắt nhiều ca khúc thành công khác ghi dấu ấn lớn trong lòng giới trẻ đương thời.
Sau năm 1975, ít ai biết rằng với những dụng cụ ghi âm thô sơ, cùng cây đàn organ của trẻ em như PSS 680, năm 1988-1989, nhạc sĩ Quốc Dũng đã làm nên cơn địa chấn thưởng thức âm nhạc, với nhiều album cassette gây chấn động như album Chiều Hạ Vàng, Nhạc Gò Công… với tiếng hát ca sĩ Bảo Yến.
Nhưng cũng vì các album này mà nhạc sĩ Quốc Dũng bị “thăm hỏi” không ít. Trong không khí nặng nề và gần như văn nghệ luôn phải có “màu đỏ” mới được phát hành, các bài hát ngọt ngào dành riêng tình yêu đôi lứa được thể hiện bằng chất giọng Huế đặc biệt của ca sĩ Bảo Yến đã gây… sốc khi vượt qua mọi rào chắn và vang lên ở mọi nơi.
Phải so sánh với một sự kiện khác mới thấy chuyện những album tình ca ấy sống được là như thế nào: Năm 1985, khi nhạc sĩ Xuân Hồng, một nhạc sĩ bộ đội có tiếng của văn nghệ chế độ mới, viết bài Mùa Xuân Bên Cửa Sổ, nhắc về bóng hai người hôn nhau, ban Tuyên huấn của TP.HCM lúc đó đã phải họp và bàn cãi về việc “có nên không” cho phép lưu hành ca khúc này. Do vậy, chuyện các bài hát tình yêu không kiêng dè chữ nghĩa của nhạc sĩ Quốc Dũng trở thành đề tài được bàn tán không ngớt cũng không là chuyện lạ. Tuy nhiên, việc chặn hay cấm thì không thể nữa rồi.
Nhiều năm nay, sức khỏe suy yếu và với thói quen không la cà, nhạc sĩ Quốc Dũng như một người ở ẩn. Ông chỉ tiếp xúc với một số người thân quen.