Tư Bền là một cao thủ săn bắt rắn nổi tiếng ở vùng Đồng Tháp, hắn bán rắn cho người ta làm thuốc, ngâm rượu bổ,… và làm mồi cho dân nhậu ở quán “Hoang Dã”.
Trước kia Tư Bền làm nghề bán muối nuôi vợ con, có người thân dạy cho cái nghề “không cần vốn” chỉ cần “liều mạng” kiếm tiền. Tư Bền vác cần đi câu rắn, mồi câu là chuột trộn thuốc bắc, một thứ “mê hồn hương” dụ rắn vào bẫy.
Quê của Tư Bền có nhiều rắn độc, như hổ lãi, hổ lèo, hổ nang, hổ mang,… và các loại rắn thường được kể trong các bài vè:
Hổ hành, hổ ngựa, rắn ráo, rắn râu
Quỷ khóc thần sầu: hổ mang, hổ sậy
Thấy đà run rẩy: cạp nia, cạp nong…
Nghe đến hãi hùng: hổ mây, hổ bướm…
Rắn là một sinh vật đáng sợ, một sát thủ thầm lặng vì nọc rắn độc có thể gây chết người trong tích tắc, nhưng vì cơm áo, gạo tiền Tư Bền “cũng liều nhắm mắt đưa chân” theo một cái nghề đầy “sinh tử”. Tự bảo vệ mình khỏi nọc của “thần chết”, Tư Bền luôn mang theo mình thuốc giải, nếu vô phước không kịp cứu chữa thì đành theo chầu ông bà ông vải. Trước khi lên đường săn bắt rắn, Tư Bền thường thoa thuốc gia truyền (mua ngoài chợ) lên người, đề phòng nguy hiểm, rồi nốc một ly rượu mạnh cho lên tinh thần, thêm can đảm và có “phong độ” của tay cao thủ sát rắn.
Nọc rắn được điều chế thành thuốc “lấy độc trị độc”, vì thế trước khi bán rắn Tư Bền thường ép lấy nọc và cũng để người mua không bị nọc độc làm hại. Một số người thường tin rượu rắn (tiếng Hán Việt gọi là xà tửu) uống rất tốt trị khỏi bịnh đau nhức, phong thấp và để bồi bổ sức khỏe như “cường dương, bổ thận” phải ăn nhiều thịt rắn (xà nhục). Dân nhậu rất mê “rắn bảy món”, như trong dân dã chân quê người ta thường ví von:
Cần chi cá lóc, cá trê,
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều.
Tư Bền ưu ái cung cấp rắn hiếm, rắn quý cho bà Hai Rí, chủ quán nhậu “Hoang Dã”. Quán nổi tiếng với món cháo rắn hổ xé phay nấu đậu xanh cà, nước dừa, rắc rau răm, ngò rí, tiêu, đậu phọng, vừa thổi vừa ăn, nhâm nhi, khề khà chút rượu ba xi đế thì quên cả đất trời, quên cả tình nhân.
Một món tuyệt chiêu nữa là rắn hầm xả ớt, nghe nói đến là dân nhậu cầm lòng không đậu… Ngoài ra còn nhiều món ngon khác như: rắn hổ cuốn lá ổi hay lá lốt, rắn băm chả, rắn chiên giòn, rắn nướng muối ớt, rắn nướng ngũ vị, rắn khìa, dồi rắn,…
Tư Bền làm ăn khắm khá lắm, có thêm “đệ tử” theo phụ nghề nữa. Nhưng lúc sau này Tư Bền cảm thấy mình hơi yếu, mắt bắt đầu mờ, tay chân run rẩy khi bắt rắn. Nghe người ta nói “ăn gì bổ nấy” nên Tư ăn mắt rắn (xà nhãn) cho bổ mắt. Đúng thiệt là mắt rắn có đặc tính kỳ diệu, bí hiểm là không có mí mắt, chỉ có lớp vảy trong suốt như pha lê bảo vệ, rắn khi ngủ mắt mở nên rất tinh tường, nhạy bén.
Khi làm thịt rắn, tay Tư Bền thiệt điệu nghệ, lanh lẹ, khéo léo móc cặp mắt còn tươi rói bỏ vô ly rượu lắc lắc cho lên mùi rồi uống nuốt cái ực là thấy béo bổ liền. Nếu mắt rắn có hơi to khó nuốt thì đem bằm sơ cho vô cháo, ăn béo bùi, giòn sựt ngon tuyệt vời. Ăn vậy mà mắt vẫn mờ, tay vẫn run nhưng không chịu đi khám bác sĩ, Tư Bền cho rằng sắp bị già nên cần phải bồi bổ thêm để cãi lão hoàn đồng. Hắn mơ màng được lột da để trẻ mãi không già, nhớ có câu tục ngữ: “Người già người chết, rắn già rắn lột”.
Theo truyền thuyết và thần thoại, rắn thường tượng trưng cho sự biến đổi già hóa trẻ, chết đi sống lại (hồi sinh) và chữa lành do khả năng lột da. Từ thời cổ đại, những thầy thuốc chữa bệnh đã điều chế thuốc từ rắn và nọc rắn, được tin là một “linh dược” làm tăng thêm sức đề kháng giúp cho cơ thể khỏe mạnh, cường tráng, chống lại bịnh tật. Còn có một truyền thuyết huyền diệu như một phép thần tiên: “Một con rắn bị chặt ra thành nhiều khúc, sẽ ‘hồi sinh’ nếu được gắn nối lại trước khi mặt trời lặn”(?) Với nhiều câu chuyện thực hư, rắn nổi bật là một sinh vật đầy ma thuật và bí hiểm.
Tư Bền vẫn thường rao bán cùng làng khắp xóm là rắn rất tốt dùng để chữa phong thấp, đau xương, nhức mỏi cho người già yếu, vì đặc tính của rắn là loài bò sát, khớp xương mềm mại, dẻo dai, cơ thịt săn chắc. Tư Bền học lóm phương “thuốc quý” của vài “Sơn Đông mãi võ” bên Trung Hoa rồi đem về Việt Nam. Như… cắt cái đuôi rắn, nặn máu pha vào ly rượu, mổ lấy trái tim nhỏ xíu của rắn còn đang đập thình thịch, bỏ vô miệng người bịnh, uống ngụm rượu, nuốt xuống cái ực, bao tử nhồi một hồi tan thành “thần dược” thấm vào người, lan ra xương tủy, chữa lành bịnh tật và làm khỏe gân cốt.
Còn có những thầy lang giỏi chế những phương thuốc dân gian như: Mật rắn (xà đởm) được phơi khô, tán thành bột, uống giảm ho, tiêu đàm, hạ sốt. Máu rắn (xà huyết), da rắn (xà thoái), xương rắn (xà cốt) đều được chế biến thành thuốc “bổ tì, bổ vị” để sống lâu, sống khỏe và mỡ rắn (xà cao) còn được dùng làm thuốc thoa da trị ung nhọt, lở loét hay phỏng lửa.
Uống nhiều thuốc bổ, rượu bổ pha chế từ rắn, được ca tụng là “thần dược, linh dược” trị bá bịnh, nhưng Tư Bền vẫn thấy hoa mắt, tay chân bủn rủn, da xanh rớt, bụng to phình, rồi nằm liệt giường. Vợ con hắn mời thầy về trị bịnh, trừ tà, cúng vái tứ phương, ăn chay, đeo bùa, tụng kinh,… nhưng hắn vẫn không khỏi bịnh. Những người làm nghề bắt rắn, ăn thịt rắn thường hay lo sợ bị rắn trả thù hay báo oán. Dù chỉ là những truyền thuyết dân gian nhưng người ta vẫn lo âu, sợ hãi, e dè vì cái bí ẩn siêu phàm đáng sợ của rắn, không biết đâu mà lường.
Bịnh Tư Bền trở nặng, hắn thở thoi thóp, bao tử như bị nhồi bóp, nhức đầu, đau bụng như bị côn trùng châm chích, rút rỉa. Hắn nằm vật vờ chờ chết vì các thầy lang đã bó tay, lắc đầu hết thuốc chữa và những cao thủ chuyên trừ tà ma, quỷ ám, rắn báo thù,… như thầy bùa, thầy pháp, thầy ngải cũng chạy làng rồi.
Tư Bền được mang lên Sài Gòn, đưa vô nhà thương Chợ Rẫy cấp cứu. Bác sĩ chụp X-ray nói hắn có khối u trong bao tử, bị giun sán đầy trong ruột và vài con lang thang trong não. Khi bác sĩ mổ… bao tử Tư Bền chứa đầy những con mắt rắn còn nguyên vẹn vì không tiêu hóa được, dường như chúng “hồi sinh” nhìn “thao láo như mắt rắn ráo”, và lúc nhúc đám rắn kim bé tí teo đang đua nhau bào rỉa ruột hắn tới mỏng te như tàu lá lúa.
Tư Bền hưởng dương 49 tuổi.