Có người viết để được sống. Viên Linh viết để sống sót. Và sống mãi, theo kiểu nghiêng đầu uống một giọt mưa ngược chiều lịch sử. Nửa thế kỷ trôi qua như một cơn gió rát mặt – người Việt lưu vong đứng lặng trước gương mặt mình giữa California. Gió thổi, cát bay, Viên Linh đã đi – nhưng lời ông để lại tấm bản đồ thêu bằng mực máu, đắp bằng cát hoang.
“Thủy Mộ Quan” –cái tên vừa là cánh cổng, vừa là lời cảnh tỉnh. Đứng nơi ấy, kẻ sống nhìn người chết bằng con mắt mở to hoảng loạn; và người chết, không hiểu vì sao, cứ mỉm cười như đã biết hết mọi chuyện. Có ai đó đã nói: thơ Viên Linh như điếu thuốc hút dở, cháy nửa chừng là tắt, nhưng mùi khói thì ám vào da người, cả kiếp.
Đọc thơ ông, không phải để tìm ý. Ý đã mất hút từ trang đầu. Ta chỉ còn tiếng thở – một cách thở dài mỏng như tiếng ve rụng xác trong lòng phố vắng. “Thủy Mộ Quan” không những là nơi vọng tưởng về một nghĩa trang của biển, mà là lời kể lể của những linh hồn chưa kịp siêu sinh, mắc kẹt giữa một Sài Gòn không còn tiếng rao, và một Little Saigon chỉ còn lời mắng nhau bằng tiếng Việt.
Viên Linh không làm thơ như một nhà tu hành. Ông làm thơ như kẻ vừa trốn khỏi trại điên, cười rũ rượi giữa đám đông nghiêm trang. Mỗi chữ trong ông là một khối u – đau mà không chịu mổ. Ông bỡn cợt chữ nghĩa như đùa với dây điện cao thế. Và kỳ lạ, ông sống sót. Chúng ta thì không chắc.

Nửa thế kỷ lưu vong — và chúng ta vẫn còn đếm. Người Việt đi khỏi đất, nhưng đất chưa chắc đi khỏi người. Viên Linh là chứng tích của điều ấy. Ông không về, nhưng ông không mất. Ông ẩn vào bóng tối của ngôn từ, để từng câu thơ cất tiếng.
“Ngồi trông tóc trắng từng giờ
Chân nhang bụi mọc ta thờ một ta”
(Hóa thân, Bán thân)
Hay,
“Đêm sâu giữa lũng bò vàng
Điệu ru phố nghiệp xe dàn bến không”
(Hóa thân, Kinh cầu nguyện)
Một con tàu. Một mảnh hồn. Một giấc mơ không có bến. Câu thơ không khóc, không cười – mà chỉ lặng. Lặng như trăng mọc trên nghĩa địa không tên.
Viên Linh đâu cần hậu thế dựng tượng. Nhưng có lẽ Ông chỉ mong có người hiểu được: một thời, có kẻ đã sống hết mình bằng thơ, chết hết lòng cho chữ. Và chữ ấy – có thể không cứu được ai – nhưng đủ để khắc một dấu trên da thịt thế hệ. Đau, nhưng thật.
Thủy Mộ Quan không phải là nơi dừng lại. Nó là nơi bắt đầu. Cho ai còn đủ can đảm mà hỏi: ta là ai – giữa tiếng sóng gọi hồn không dứt.
50 năm, câu thơ làm dấu chỗ người nằm!!!
——————————-

Huỳnh Kim Quang: Tháng Tư đọc lại “Thủy Mộ Quan”
Trong Tháng Tư lịch sử biến động của đất nước 50 năm trước, xin đọc lại vài bài trong tập thơ “Thủy Mộ Quan” của ông, đã được Thời Tập xuất bản năm 1982 tại Virginia, Hoa Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn do nhà phê bình văn học Thụy Khuê thực hiện và được Đài RFI tại Pháp truyền thanh về Việt Nam vào Chủ Nhật, ngày 5 tháng 7 năm 1992, nhà thơ Viên Linh đã giải thích ý nghĩa của “Thủy Mộ Quan,” mà qua đó ông nói rằng có thể hiểu Thủy Mộ Quan là “Cửa mở vào thế giới mồ mả ở đáy nước.”
Cũng trong dịp phỏng vấn nói trên nhà thơ Viên Linh cho biết tập thơ “Thủy Mộ Quan” gồm ba phần: Thủy Mộ Quan, Ngoại Vực và Dư Tập. Các bài thơ trong phần Thủy Mộ Quan được làm từ năm 1981 đến 1982. Các bài thơ trong phần Ngoại Vực được làm ở hải ngoại từ sau 1975 đến năm 1982. Các bài thơ trong phần Dư Tập được làm ở trong nước trước năm 1975 mà ông đã tìm được trong các báo chí được lưu trữ tại các thư viện của các nước trên thế giới.
Trả lời cho câu hỏi của nhà phê bình văn học Thụy Khuê, trong cuộc phỏng vấn nói trên, về nội dung của phần “Thủy Mộ Quan,” nhà thơ Viên Linh liên kết từ thảm cảnh Biển Đông trong cuộc vượt biển có một không hai của nhân loại và dân tộc Việt Nam vào những năm sau 1975, đến chuyện “sóng nước” của lịch sử và huyền sử Dân Tộc từ xa xưa đến nay. Ông kể ra hàng loạt những thí dụ điển hình về mối liên hệ mang tính chất sử mệnh của người Việt với sông hồ biển cả, nước non. Trước hết là Động Đình Hồ, nơi phát xuất của tộc Bách Việt. Rồi đến cuộc sống nơi sông biển buộc người Việt phải có tục vẽ mình để chống lại các loài thủy quái. Và chuyện An Dương Vương khi phát hiện công chúa Mỵ Châu để lại dấu vết cho chàng Trọng Thủy tìm theo nên đã giết công chúa và nhảy xuống biển. Chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh. Chuyện Hai Bà Trưng liều mình ở dòng sông Hát. Chuyện oan tình đưa đến những cái chết nơi sóng nước như Trương Chi Mỵ Nương, Thiếu phụ Nam Xương, Hòn Vọng Phu, nàng Tô Thị, v.v… Sau đó là chuyện sông Gianh chia đôi sơn hà thời Trịnh Nguyễn. Chuyện sông Bến Hải chia cắt hai miền Nam Bắc vào thời chiến tranh Việt Nam giữa thế kỷ 20. Những chuyện Trâu vàng Hồ Tây, những Hồ Hoàn Kiếm, những Đầm Dạ Trạch, những Chử Đồng Tử sống ngoài biển cả xa xưa và những người phụ nữ Việt sống trên các đảo hoang thời vượt biển mới đây, sau năm 1975…
Trong bài “Thuyền Ngược Bến Không” giới thiệu thi tập “Thủy Mộ Quan,” HT Tuệ Sỹ đã liên tưởng chuyện xuống biển lên rừng trong huyền sử Dân Tộc Việt với thảm trạng lên rừng xuống biển của đất nước trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn vào thế kỷ hai mươi:
“Thời chiến tranh, một lớp bạn lên rừng. Thời hòa bình, một lớp bạn xuống biển. Dân tộc chợt quay trở lại với huyền thoại mở nước. Những người con theo Mẹ, đã có lúc khinh ghét anh em mình, bỏ lên rừng. Một thời gian sau, những người con theo Mẹ lên rừng nay quay trở về đô thị. Lại những người anh em khác sợ hãi, vội bỏ trốn theo, tìm về biển:
“Vua gặp Âu Cơ lúc thủy du
Cùng nàng rung động nước thiên thu
Duyên tan nàng bắt con về núi
Những đứa theo cha khổ đến giờ”(Thủy Mộ Quan)
Giới thiệu phần Ngoại Vực của “Thủy Mộ Quan,” nhà thơ Nguyên Sa đã viết trong bài “Đọc Thơ Viên Linh” được đăng trong Tạp Chí Đời Magazine năm 1983, như sau:
“Ngoại Vực, tôi nghĩ đó là sự chuyến tiếp. Nơi cõi ngoài đó còn gương lệch, và đã hé mở Thủy Tang. Ngoại Vực là con đường đưa Viên Linh đi từ Lục bát và Năm chữ sang Bẩy chữ, từ những bài không giới hạn đến một kích thước nhất định của bầu trời nhị thập bát tú, thơ tình dằn vặt trong những tìm kiếm bản ngã tới một thế giới thơ khác, một thứ thơ nhật ký, nơi đó không phải chỉ có tình yêu, cái tôi. Bạn tìm thấy không trong đáy sâu thẳm của Thủy Mộ Quan tâm sự của người binh bại, đoạn 2 của người tình nhận thức được sự trôi chảy của thời gian, đoạn 5 thật nhiều hồi tưởng, đầy ắp những thuyền nhân u uất trong lòng biển.”
Đọc vài bài thơ trong Thủy Mộ Quan
Nếu đọc “Thủy Mộ Quan” theo dòng thời gian thì phải đọc phần Dư Tập trước, vì các bài thơ trong phần này được nhà thơ Viên Linh sáng tác trước năm 1975, có nghĩa là sớm nhất so với hai phần còn lại của tập thơ. Trong phần này có bài Sinh Nhật mà nhà thơ Viên Linh đã làm lúc ông trên ba mươi tuổi, nếu tính từ năm sinh của ông 1938 thì lúc đó là sau năm 1968. Bài thơ này ông làm vào cuối năm, “năm tận,” để nói lên cảm nghĩ về cuộc đời của chính ông lúc trên ba mươi tuổi. Bài thơ có nhiều đoạn mang nội hàm triết lý sống sâu sắc. Bài thơ không dài lắm nên xin viết hết ra đây để độc giả cùng đọc.
“Hôm nay năm tận, Sài Gòn
Tôi nghe khiếp hãi tâm hồn già nua
Giật mình con quỉ ban trưa
Tiếc mùa hoan lạc hái chưa đủ hời.
Hôm nay trời đất có tôi
Trên ba mươi tuổi làm người lãng quên
Xuân hồng, một góc thiếu niên
Năm năm mê mải những miền hoài nghi.
Trên ba mươi tuổi ù lỳ
Đêm về kéo cửa ngày đi kiếm mình
Cảnh đời, một cõi u minh
Cảnh tôi thấp thoáng bóng hình những ai.
U mê hết tháng năm dài
Chân trong lối kiệt hồn ngoài bến không
Hôm nay năm tận, bàng hoàng
Giục thêm tiệc rượu ngồm ngoàm đĩa vơi.
Nhìn ra cảnh cỗi, riêng tôi
Trong hiên viễn phố thấy đời buồn lây.”
Bài thơ này chứng tỏ ông không “u mê” chút nào, bởi vì ông thật sự rất tỉnh. Có tỉnh ông mới nhìn ra được cái “u mê” của mình, mà không phải ai cũng có thể tự tỉnh thức như thế. Cái câu “Hôm nay trời đất có tôi,” đã nói lên được điều này. Khi ông tự ý thức được sự hiện hữu của mình, như một con người, như một “nhân,” trong Thiên-địa-nhân, gồm trời, đất và con người. Đó là một con người đứng giữa trời đất, đứng ngang hàng với trời đất, tự quyết định vận mệnh, sinh mệnh của mình giữa trời đất.
Tiếp theo là bài Lầu Chuông trong phần Ngoại Vực mà ông đã làm sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, nhưng trước năm 1982. Bài này ông viết để tặng cho người em của ông là ông Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu, đã từng làm Trưởng ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn, trước năm 1975, góp phần vào việc phát triển Đại Học Vạn Hạnh trở thành đại học tư thục uy tín hàng đầu tại Việt Nam. Nhà thơ Viên Linh đặt tựa “Lầu Chuông,” theo tôi, có lẽ có hai ý: Lầu chuông liên quan đến chùa, đến Phật Giáo, và lầu chuông gợi lên ý tưởng về một “lầu chuông gác sách” trong các ngôi cổ tự thời xưa, mà ở đây là chỉ cho thư viện Đại Học Vạn Hạnh.
Bài thơ đã cho người đọc thấy và biết được những chuyện đau buồn sau biến cố đổi đời Tháng Tư năm 1975, khi giới văn nghệ sĩ và trí thức Miền Nam bị vùi dập tơi tả. Hai đoạn đầu của bài thơ cho thấy điều ấy:
“Nhận tin em một năm rồi
Thành xưa đã đổi con người đã thay
Cơn mưa chia biệt tháng ngày
Vẫn rơi tầm tã lòng này đêm đêm.
Mưa lầy con phố bôi tên
Em chôn tầm vóc thanh niên giữa đời
Nhớ em biển sách làm khơi
Thả thân trôi giạt với lời muôn phương.”
Mấy câu, “Thành xưa đã đổi con người đã thay,” và “Mưa lầy con phố bôi tên,” đã chỉ thời đất nước đã thay ngôi đổi chủ và các con đường cũng bị đổi tên dưới chế độ cộng sản sau năm 1975. Cùng với thời cuộc đổi thay, tuổi thanh xuân đang tràn đầy nhiệt huyết hứa hẹn một tương lai tươi sáng thì lại bị chôn vùi, “Em chôn tầm vóc thanh niên giữa đời.” Cái bi kịch của đất nước sau Tháng Tư năm 1975 đã được phô lộ rõ nét trong mấy đoạn sau của bài thơ:
“Em tôi không sách không đèn
Một đầu tư tưởng bôi lem nghĩa đời
Đêm nay tầm tã mưa rơi
Tỉnh ra tôi thấy mặt trời trắng tinh.
Thấy trăng mọc lúc bình minh
Thấy người lưu xứ lênh đênh quê nhà
Thấy tôi đập kính soi hoa
Trên cây nhân thế la đà trái đen.
Thấy tôi nguyền rủa Thánh Hiền
Cầm dao giết Phật giả điên đốt chùa
Nhớ mưa xưa nhớ mưa xưa
Tháng tư úng thủy đầu mùa máu tuôn.”
Tháng Tư mới chỉ là “đầu mùa máu tuôn,” bởi vì những năm tháng sau đó đất nước chìm sâu trong ngục tù, đói khát, lầm than và đau đớn, mà làn sóng vượt biên, vượt biển ra đi tìm tự do của hàng triệu người Việt là minh chứng. Trong làn sóng vượt biển đó, có hàng trăm ngàn người Việt đã vùi thây dưới lòng đại dương. Bài Gọi Hồn trong phần Thủy Mộ Quan của nhà thơ Viên Linh được viết vào năm 1981 để “tưởng nhớ những oan hồn uổng tử trên Biển Đông.” Bài thơ gồm hai phần: những đoạn đầu là thi điếu cho những oan hồn uổng tử và những đoạn sau nói lên ước nguyện có một ngày những người con của Lạc Long và Âu Cơ gặp lại nhau trên cố hương để cùng xây dựng lại cơ đồ. Bài thơ khá dài nên xin chép đăng phần đầu như lời chiêu niệm “Tháng Tư máu chảy một trời sương tan.”
“Trên Huyết Hải thuyền trôi về một chiếc
Chiều bầm đen trời rực rỡ đau thương
Thân chìm xuống băng tuyền giờ tận biệt
Sóng bạc đầu hối hả phủ trùng dương
Thấp thoáng trần gian
Mịt mù bóng đảo
Trôi về tây về bắc về đông
Trôi về đâu bốn bề thủy thảo?
Về đâu kiếp đắm với thân trầm?
Hồn ơi dương thế xa dần
Hồn đi thôi nhé thủy âm là nhà
Hồn về trong cõi hà sa
Sống không trọn kiếp chết là hồi sinh.
Xong rồi một cỗi u minh
Ngựa Hồ chim Việt biến hình mà đi.
Hồn vẫn ở la đà Đông Hải
Hồn còn trôi mê mải ngoài khơi
Hồn còn tầm tã mưa rơi
Tháng Tư máu chảy một trời sương tan.
Thân chìm đắm cõi điêu tàn nước cũ
Những lâu đài thành quách những vàng son
Những tân thư kỳ mặc những linh đường
Những rực rỡ của một thời dựng nước.
Bao mắt mở bao tóc sầu dựng ngược
Bao tay cùm bao ngực vỡ hôm qua
Trong rêu xanh ngần ngật bóng sơn hà
Lướt hải phận về dưới trời cố quốc.
Nhắm hướng hôi tanh
Chia bày trận mạc
Hồn binh tàn hỗn chiến Thủy Môn Quan.
Đêm rơi thời hết vận tàn
Ô y cầu nhỏ người sang Lạc Hà
Thác rồi thân hóa phù sa
Mon men trở lại quê nhà mỗi đêm.
Về đâu đêm tối
Hương lửa lung linh
Những ai còn bóng
Những ai mất hình?
Những ai vào kiếp phù sinh
Hóa thân hồ hải làm binh giặc trời
Khi nào hết quỉ ngoài khơi
Ta vào lục địa ta hồi cố hương…”
Nửa thế kỷ đọc lại vẫn có cảm giác nghẹn ngào vì những ký ức đau thương của một thời tao loạn đã bùng dậy. Lời thơ bi ai, tuyệt vọng như tâm trạng của những oan hồn uổng tử bơ vơ, lạc lõng giữa trời biển bao la! Tưởng niệm Tháng Tư, xin thành tâm cầu nguyện cho những vong linh được siêu thoát. Cầu chúc nhà thơ Viên Linh thong dong vào cửa Vô Môn Quan…