Có lẽ một trong vài dấu ấn trong gần 20 năm cắp sách đến trường suốt cuộc đời tôi, một sự kiện đã ấn sâu vào ký ức và ảnh hưởng rất nhiều đến bản chất, cá tính của con người tôi. Đó là năm tôi học lớp nhì (lớp 5 ngày nay) với thầy Hà Mai Anh tại trường tiểu học Chí Hoà Sài Gòn (TP HCM) vào giữa thập niên 1950- 1960.
Gia đình tôi rất nghèo, mẹ tôi bán chuối dạo ở lề đường, bố tôi làm kẻ hầu hạ cho những gia đình giàu có chức vị thời bấy giờ. Hình ảnh bố mẹ bị nhục nhã, cực nhọc đôi khi bị người ta chửi bới, khinh rẻ đã in sâu vào ký ức ngay từ ngày còn bé thơ của tôi. Chính những hình ảnh không đẹp đó đã cho tôi có nhiều nhạy cảm với những kẻ giàu có, thế lực mà xấc láo, vô lương tâm.
Tôi nhớ rất rõ, một buổi sáng vào giờ môn Đức Dục, thầy Anh giảng cho cả lớp nghe về lòng thương người bất hạnh, tàn tật, nghèo khổ, gìa lão… Thầy đọc cho chúng nghe một vài câu truyện ngắn nói về lòng nhân đạo trong cuốn “Tâm hồn Cao Thượng” mà thầy là dịch gỉa đang bán trên thị trường.
Thầy kể cho chúng tôi nghe về vua Lý Thánh Tông (1054 – 1072), vị vua nhân từ của nhà Lý. Trong một ngày vào mùa đông, nhà vua đi tuần thú dân tình, nhìn thấy một người ăn mày quần áo rách nát nằm gục bên đường vì giá lạnh. Nhà vua cảm thương dừng lại, lấy áo ngự bào đắp cho người ăn mày. Trở về cung, nhà vua sai quan quân đem chiếu chăn, quần áo ra ban phát cho người nghèo, kẻ già nua, cô hàn. Cả lớp chúng tôi đã ngẩn ngơ, im lặng theo dõi câu chuyện nói về lòng từ ái, thương dân của một vị minh quân trong lịch sử nước nhà.
Sau đó là giờ ra chơi, tôi cùng với bạn bè trong trường đứng quây quần chung quanh một cái hố khá sâu ở phía sau sân trường dùng để đốt rác, giấy tờ do nhà trường thải ra. Đứng gần bên tôi là một số bạn cùng lớp. Trong đó có một người bạn là con của một chủ tiệm vàng ở đường Lê Văn Duyệt (CMT8 ngày nay). Cũng đứng gần đó, một người bạn khác, anh ta là con một bác xích lô, mỗi buổi sáng, cả lớp chúng tôi đều thấy bác xích lô chở anh ta đến trường học rồi mới đi làm việc.
Chúng tôi đứng chung quanh chiếc hố chăm chú, thích thú nhìn ngọn lửa bập bùng đang cháy dưới đáy hố. Có lẽ vì tánh tinh nghịch, chú bé nhà nghèo, con người đạp xích lô lấy mấy cục đá liệng vào đống lửa đang cháy. Tất cả chúng tôi đều tỏ vẻ bực mình khó chịu, nhưng im lặng, không nói gì. Chú bé nhà giàu, con tiệm vàng quay sang chú bé nhà nghèo gắt lên vài câu để ngăn cản. Thay vì chấm dứt hành động phá nghịch đó, chú bé nhà nghèo còn thích thú hơn, liệng đá nhiều hơn. Không làm sao được với thái độ ngoan cường của đối thủ, chú bé nhà giàu quay sang tôi phân trần bằng một câu chửi đầy khinh rẻ trước khi quay mặt bỏ đi:
-Mày xem nó ngu muội như thế đó! Thằng bố nó là tên xích lô là đúng rồi! Tương lai nó cũng sẽ là thằng cu li giống bố nó mà thôi!
Dù lúc đó tôi mới chỉ 12 tuổi, nhưng câu chửi đầy khinh rẻ, ngạo mạn của cậu bé nhà giàu, không nhắm vào tôi, nhưng tôi có cảm giác con tim non nớt của tôi bị nhói đau. Hình ảnh bố mẹ tôi nghèo khổ, cũng đã nhiều lần cũng phải im lặng chịu đựng những câu nói khinh rẻ, những tiếng chửi hạ cấp của chủ nhân, những kẻ cường quyền thiếu lòng nhân trong quá khứ, nó trở về, hiển hiện trong ký ức của tôi. Ngẩn ngơ đưa mắt nhìn cậu bé nhà giầu khinh khỉnh bỏ đi, tôi đầu lắc nhẹ, buông tiếng thở dài mà lòng tôi buồn rời rợi.
Tôi tự hỏi, chỉ mới 10 phút trước, cả lớp chúng tôi, trong đó có cậu bé nhà nghèo, cậu bé nhà giàu và tất cả với 55 người bạn khác của lớp học… đã đờ đẫn nghe thầy giảng về bài học đức dục nên thương người nghèo khổ, thương kẻ khó khăn, gìa lão… Bài học đạo đức đó đã thấm sâu vào thân xác, vào suy tư, cảm xúc của tất cả chúng tôi một cách trọn vẹn. Nhưng tại sao người bạn, cùng lớp nhà giàu kia lại vô tình, chóng quên và tàn nhẫn như thế?!
Tôi không biết người bạn nhà nghèo có đau đớn với câu chửi bới khinh rẻ đó không, nhưng tôi thấy lòng mình quặn đau khi nhìn về hoàn cảnh của chính mình. Có lẽ bố mẹ tôi vẫn còn thua kém người đạp xích lô nữa là khác. Gia đình tôi, thời gian sống ở cái xóm tre nghèo quá ! Hàng ngày anh em tôi chưa đến nỗi phải nhịn đói, đến trường, nhưng những bữa cơm của gia đình tôi rất đạm bạc. Quanh đi quanh lại chỉ có rau muống với vài trái trứng vịt chiên xào, sàn sạn những hạt muối mặn làm căn bản cho gia đình 9 miệng ăn! Chẳng có gì để nói là nếp sống của gia đình tôi khá hơn người đạp xích lô, cha của chú bé nhà nghèo hèn bị người bạn giàu có khinh bỉ đó. Hình ảnh đó đã khắc sâu vào trí nhớ non nớt của tôi suốt đời. Cũng chính nhờ bài học thực tế không quên đó đã cho tôi có chút lòng trắc ẩn, thương người nghèo khó trong suốt cuộc kiếm sống sinh nhai của tôi vậy.
Rồi thời gian như cánh chim bay qua cửa sổ. Tôi đã lớn lên trong cái nghèo hèn của gia đình, trong sự hy sinh tột cùng của bố mẹ. Nhưng cũng không phủ nhận được cùng với sự chăm chỉ, cố gắng của chính tôi kèm theo biết bao nhiêu may mắn trong đời. Tôi đã thoát khỏi cảnh nghèo khó vươn lên bằng những sự thăng hoa lạ kỳ. Lên đại học, tốt nghiệp xong, có việc làm vững trãi, rồi được đi tu nghiệp ở hải ngoại..
Trong suốt mấy mươi năm sinh sống và làm việc ở trong nước cũng như ở hải ngoại, dù có những lúc gặp những khó khăn, cực nhọc ở trong công việc, nhưng với ý chí vươn lên, cố thoát nghịch cảnh, tôi đã tìm được một vị trí trong giới trung lưu có ăn học trong nước cũng như ở hải ngoại, chốn định cư. Nhưng tôi chắc chắn đến nay dù tuổi đời đã trên xấp xỉ 80, dấu ấn của câu chuyện buồn trong quá khứ, ngày còn học lớp nhì cấp tiểu học dù thời gian đã qua đi gần 70 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ bài học đức dục đó. Bài học đã theo tôi khắng khít, luôn luôn ẩn hiện trong trí nhớ, nó khuyên nhủ tôi hãy nhớ về những nhục nhã, khốn khổ ngày xưa của chính cá nhân và của gia đình tôi. Nó nhắc nhở tôi không được dùng lời chửi bới hà tiện, hay hành động khinh rẻ người dưới quyền hay nghèo khổ hơn mình! Đó cũng chính là điều làm tôi sung sướng và mãn nguyện. Tôi đã hiểu được điều nhân bản này, là nhờ từ những nỗi đau khổ của chính cá nhân, gia đình tôi vậy.