Một bảo tàng cho người Mỹ gốc Á: Điều cần phải làm

Cộng đồng người Mỹ gốc Á, trong đó có người Việt, đã tạo nên một bảng màu văn hóa phong phú với những di sản đáng được đưa vào một viện bảo tàng quốc gia (ảnh: Mark Rightmire/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)

Người Mỹ gốc Á đang bị lãng quên? Trong bài bình luận mới đây trên tờ The Washington Post, Elaine Chao, người phụ nữ Mỹ gốc Á đầu tiên được bổ nhiệm vào nội các một tổng thống Hoa Kỳ (với chức vụ Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Giao thông) đã nhấn mạnh rằng, nước Mỹ đã đến lúc phải quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng người Mỹ gốc Á và phải làm những hành động cụ thể, chẳng hạn thành lập một Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử và Văn hóa Người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương…

Đóng góp của người Mỹ gốc Á cho nước Mỹ là không thể phủ nhận

Bà Elaine Chao nhắc lại rằng, bất cứ người châu Á nào đến Mỹ, những năm đầu đều rất khó khăn trong quá trình hội nhập gian khổ. Họ thường không nói được tiếng Anh, bị choáng ngợp và mất phương hướng trước một thế giới mới hoàn toàn khác ở quê nhà.

Nhưng bằng tình yêu thương, niềm tin và sự chăm chỉ, họ đã biết biến những căn hộ đôi khi chỉ có một phòng ngủ tại các đô thị đông đúc như New York thành ngôi nhà yêu thương cho các con cái và từ đó có cuộc sống an cư để có thể tận dụng các cơ hội thoát khó và chung tay xây dựng quê hương thứ hai. Câu chuyện về những người nhập cư nói chung và người châu Á nói riêng rất đặc trưng của nước Mỹ là câu chuyện của hàng triệu gia đình bỏ tất cả lại phía sau để đến Mỹ tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, thậm chí một “giấc mơ Mỹ”.

Nhưng có bao nhiêu người biết người Mỹ gốc Á từng chiến đấu cho nền độc lập của nước Mỹ trong Chiến tranh Cách mạng (Revolutionary War) và hy sinh mạng sống trong cuộc Nội chiến (Civil War) Mỹ ? Có bao nhiêu người biết về hàng ngàn người nhập cư đã đổ mồ hôi xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa, từ Bờ Đông sang Bờ Tây? Và có bao nhiêu người đánh giá đúng lòng yêu nước của những người Mỹ gốc Nhật dũng cảm chiến đấu để đánh bại Đức quốc xã trong Đệ nhị Thế chiến, dù gia đình họ bị giam giữ ở Mỹ do chính sách ngăn chặn “thù trong” sai lầm.

Một cuộc biểu tình chống làn sóng thù ghét người châu Á được tổ chức tại New York (ảnh: John Conrad Williams Jr./Newsday RM via Getty Images)

Câu chuyện của người nhập cư châu Á luôn gắn bó chặt chẽ với câu chuyện của nước Mỹ và lịch sử cận đại của quốc gia giàu nhất thế giới này. Tuy nhiên, lịch sử lại thường bị bỏ qua họ. Những đóng góp của họ cho nước Mỹ thường xuyên bị lãng quên và quyền của họ “được ở Mỹ như một công dân Mỹ bình đẳng” cũng bị nghi ngờ cho dù họ đã có quốc tịch Mỹ. Lịch sử người Mỹ gốc Á, người Hawaii bản địa và người đến từ các đảo Thái Bình Dương (Asian American, Native Hawaiian and Pacific Islander-AANHPI) là “lịch sử của chính nước Mỹ”.

Đã đến lúc “thực tế không thể chối cãi” này phải được nhìn nhận lại giống như công nhận quyền của những người Mỹ gốc Phi. Đó chính là lý do tại sao nhiều người Mỹ gốc Á ủng hộ việc xây dựng Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử và Văn hóa Người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương (National Museum of Asian Pacific American History and Culture) tại National Mall để trưng bày những đóng góp của người Mỹ gốc Á cùng với các di tích khác về nước Mỹ có liên quan đến các di dân châu Á.

Hiện nay có khoảng 24 triệu người Mỹ gốc Á sống dàn trải trên các tiểu bang, chiếm khoảng 7% dân số Hoa Kỳ. Họ đóng góp vào mọi khía cạnh của đời sống Mỹ. Những công bộc chính phủ như Jonny Kim (người từng là biệt kích Hải quân Navy SEAL và có bằng MD từ Trường Y Harvard) sẽ giúp đưa Hoa Kỳ trở lại Mặt trăng trong dự án Artemis do NASA chủ trì. Các khuôn mặt châu Á như Lisa Su Giám đốc điều hành (CEO) công ty Advanced Micro Devices; Sundar Pichai, CEO Google; và Jensen Huang, CEO công ty chip hàng đầu Nvidia đang điều hành các công ty lớn trong cuộc đua phát triển các công nghệ đột phá của tương lai.

Những gương mặt doanh nhân như Eric Yuan, CEO công ty Zoom; và Tony Xu, CEO DoorDash đang tạo ra các sản phẩm ấn tượng. Công ty của họ vẫn tiếp tục cách mạng hóa cách xã hội Mỹ làm việc và sinh sống. Trong khi đó, ngay cả Hollywood cũng bắt đầu mở cửa cho các nam nữ diễn viên và đạo diễn Mỹ gốc Á sau nhiều thập niên bị phân biệt đối xử và có rất ít cơ hội làm nghề.

Bóng đen phủ lên cộng đồng người Mỹ gốc Á phải được loại bỏ

Tuy nhiên, thật không may, những sự kiện tiêu cực chống người châu Á trong vài năm qua đã phủ một bóng đen đáng lo ngại lên cộng đồng người Mỹ gốc Á. Đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến tất cả mọi người, nhưng người Mỹ gốc Á đặc biệt dễ bị tổn thương, vì nhiều doanh nghiệp nhỏ do họ làm chủ buộc phải đóng cửa hoạt động vì bị tấn công liên tục.

Ngoài ra, những thông tin (không có thực) và căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng người Mỹ gốc Á về sự phân biệt đối xử và kỳ thị. Đã có rất nhiều câu chuyện thời sự đau lòng về người Mỹ gốc Á, đặc biệt là phụ nữ, từ bị quấy rối, bị khạc nhổ đến đe dọa và thậm chí bị giết vì những lý do liên quan đến màu da của họ.

Ted Nguyen, một người Mỹ gốc Việt, tham gia cuộc biểu tình (tại Garden Grove, ngày 17 Tháng Ba 2021) chống làn sóng thù địch nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á nói chung (ảnh: Leonard Ortiz/MediaNews Group/Orange County Register via Getty Images)

Những đả kích mang tính kỳ thị nhắm vào cộng đồng AANHPI đáng lo ngại đến mức người Mỹ gốc Á đã bày tỏ ở chốn riêng tư rằng các trại tập trung có thể sẽ được tái lập ở Mỹ một lần nữa như thời Đệ nhị Thế chiến! Dự báo này nghe có vẻ “hão huyền” đối với nhiều người bên ngoài cộng đồng AANHPI, nhưng nỗi sợ hãi và lo lắng trong cộng đồng là có thật. Mức độ thù hận hiện nay đối với người Mỹ gốc Á là không thể chấp nhận được.

Nhiều người quyết định kháng cự lại bằng cách thành lập một loạt các tổ chức phi lợi nhuận để bảo vệ những người Mỹ gốc Á khi họ gặp nạn. Năm biểu tượng thời trang của người Mỹ gốc Á đã cùng nhau thành lập tổ chức House of Slay để phản đối bạo lực nhắm vào AANHPI. Những nỗ lực “tự vệ bất bạo động” này là đáng hoan nghênh.

Đã đến lúc nước Mỹ cần thể hiện trách nhiệm trước những đóng góp của người Mỹ gốc Á bằng cách tạo ra một bảo tàng Di sản AANHPI tại National Mall. Một số người có thể đặt câu hỏi tại sao lại cần có bảo tàng dành riêng cho người Mỹ gốc Á? Một lý do đưa ra là người Mỹ gốc Á đã từng là mục tiêu của luật cấm họ trở thành công dân Mỹ.

Dù luật này đã bị bãi bỏ từ lâu nhưng những hậu quả kéo dài của nó vẫn có thể cảm nhận được qua những hành vi tấn công người Mỹ gốc Á ngày càng táo tợn. Một Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử và Văn hóa Người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương chỉ là bước đầu trong một chặng đường dài để không chỉ “giáo dục và khai sáng” cho những thành phần chống người Mỹ gốc Á mà còn giảm thiểu nỗi sợ hãi và gắn kết người Mỹ gốc Á lại với nhau. Đây là việc làm rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: