Việc nữ tài tử Kiều Chinh ra mắt hồi ký Kiều Chinh-Nghệ sĩ lưu vong là một trong những sự kiện văn hóa đáng chú ý trong năm 2021 đối với cộng đồng người Việt hải ngoại. Kiều Chinh là ai? Đó là “hình ảnh người phụ nữ Việt Nam còn sót lại” (lời của Du Tử Lê); đó là người “mang theo hình ảnh một phụ nữ vừa phải vật lộn với kiếp sống lưu vong vừa phải phấn đấu với chính mình, tự vượt chính mình” (Nguyên Sa); và là “một nhân vật phụ nữ lỗi lạc, trong cái ý nghĩa tốt nhất của một phụ nữ Việt Nam dấn thân và tiến bộ trước xã hội và thời đại của mình” (Mai Thảo)… Nhân dịp trên, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh với nhân vật rất đặc biệt này…
Cuộc phỏng vấn được thực hiện vào giữa Tháng Mười 2021 để chuẩn bị cho số Xuân Saigon Nhỏ. Dưới đây là phần trích đoạn. Quý độc giả có thể xem bài đầy đủ trên ấn bản Giai phẩm Xuân Saigon Nhỏ phát hành đầu Tháng Mười Hai 2021 hiện có bán trên toàn nước Mỹ…
Thưa bà, Hồi ký là tập ghi chép từ tư liệu cá nhân mà bà gom nhặt và gìn giữ cẩn thận trong suốt cuộc đời đầy biến động của mình. Có điều gì mà bà chưa kể lại trong Hồi ký trong những tư liệu ấy?
Hồi ký ghi lại một cuộc đời trên 80 năm, là nhân chứng sống, trải qua ba cuộc chiến, với trên 60 năm trong sự nghiệp điện ảnh, với những chứng nghiệm không biết bao nhiêu điều… thì khó có thể đầy đủ. Thật ra tôi viết nhiều lắm, nếu dùng hết chắc phải đến 2,000 trang! Thế cho nên, cũng có người bảo, hay là tôi lại in tiếp quyển hai (cười)…
Hồi ký có rất nhiều ảnh tư liệu quý, từ ảnh ông và bà nội tại Kim Mã Gia Trang ở Hà Nội; bố mẹ thời còn trẻ; hình ba anh em bà “trong vườn chuối sau căn nhà ở đường Lê Trực, Hà Nội”; bức ảnh đầu tiên khi bà vừa di cư vào Nam năm 1954… đến những ảnh chụp bà cùng các nhân vật nổi tiếng trong đó có Đức Giáo Hoàng John Paul II, Đức Đạt Lai Lạt Ma hay cựu hoàng Bảo Đại… Những bức ảnh này giúp cho tập sách thêm sống động, khiến Hồi ký hấp dẫn như một cuốn phim. Làm thế nào bà có thể lưu giữ rất tốt kho ảnh quý như vậy sau bao năm tháng xê dịch của một cuộc đời lưu vong?
Như tôi kể trong Hồi ký, tôi đã hai lần di cư – một lần từ Bắc vào Nam, khi mới 16 tuổi; không mang theo được gì; lần thứ hai là năm 1975, cũng “không đem theo được thứ gì ngoài chiếc sắc tay quàng trên cổ”. May mắn cho tôi là bà chị ruột sống ở Pháp đã gìn giữ rất kỹ nhiều ảnh gia đình mà chị ấy mang theo khi cùng nhà chồng sang Pháp năm 1954. Nhờ đó mà tôi có những bức ảnh xưa rất quý giá. Ngoài ra, còn một chuyện rất cảm động.
Một lần tôi được mời đi nói chuyện ở Minnesota. Kết thúc buổi nói chuyện, có đôi vợ chồng trẻ trao cho tôi gói quà, được bọc đơn giản trong túi giấy mà ta thường dùng đi chợ ấy. Mở ra, tôi xúc động không kiềm được nước mắt: đó là tập album của tôi! Theo lời anh chị này kể, vào những ngày Sài Gòn mới đổi chủ, họ đến tư gia của tôi xem tôi đi rồi hay còn ở lại. Đến nơi mới thấy căn nhà của tôi đã có chủ mới. Trong đống đồ đạc gia đình tôi bị vất bừa ra ngoài, họ thấy tập album của tôi. Điều đáng nói hơn cả là năm 1980, khi vượt biên bằng đường biển, họ đã mang theo tập album. Và họ giữ gìn cẩn thận cuốn album suốt những ngày lênh đênh trên biển, những ngày trong trại tỵ nạn, rồi mang nó vào Mỹ như một kỷ vật, để đến khi gặp tôi thì họ trao lại. Thật hết sức cảm động!
Tôi giận chính mình vì tôi làm mất tên tuổi anh chị đó. Đó là lần office của tôi bị cháy một góc, khiến các quyển sổ ghi chép cũng bị thiêu rụi… Suốt từ đó đến nay, tôi chưa lần nào gặp lại hai vợ chồng ấy. Nhân đây, tôi xin gửi lời cảm tạ họ. Nhờ cuốn album này mà tôi tìm lại được một số hình ảnh xưa. À, phải nói thêm, nhiều bạn bè ở đâu đó, kể cả Việt Nam, tìm được ảnh nào của tôi họ cũng gửi. Cảm kích lắm. Như trường hợp cháu Elizabeth Giáng Tiên, con của đạo diễn Thái Thúc Nha. Cách đây khoảng 3-4 năm, chị Thái Thúc Nha và cháu Giáng Tiên bay từ Úc sang thăm, nghe tôi nói đang viết hồi ký mà lại thiếu hình ảnh thời đi dự đại hội điện ảnh Á Châu với anh chị Thúc Nha. Thế là Giáng Tiên sau khi về Úc đã gửi nhiều ảnh quý sang cho tôi. Xin cám ơn cháu Giáng Tiên.
Có những bức ảnh nào bà đã vô tình làm mất hay làm hỏng? Bức ảnh nào không còn mà bà tiếc nhất? Sự kiện, nhân vật hay khoảnh khắc nào mà bà rất tiếc không thể chụp lại được?
Vâng, có rất nhiều ảnh không tìm đâu ra được nữa, nhất là tấm ảnh chụp bố tôi lúc cụ tốt nghiệp Trường Bưởi mà tôi có dịp thấy hồi còn bé. Bố mặc áo dài khăn đóng, cầm bằng tốt nghiệp, đẹp lắm! Những tấm ảnh bố con đi chơi với nhau; bố chụp cùng các bạn của bố, giờ cũng không thể làm sao có được. Còn về những sự kiện và khoảnh khắc quan trọng trong đời mà tôi không có ảnh thì nhiều lắm. Cảnh tôi bị kẹt ở Singapore những ngày Tháng Tư kinh hoàng; cảnh tôi đi hết phi trường này đến phi trường khác trước khi đến Canada gặp lại gia đình; cảnh tôi mới qua Mỹ những ngày đầu… Nhiều lắm. Lúc ấy làm gì có cell phone để selfie nhỉ (cười)…
Thưa bà, những người thuộc thế hệ bà, những Mai Thảo, Nguyên Sa, Phạm Duy, Du Tử Lê… có một đặc điểm chung nổi bật: thường tự vác lên vai hai chữ “Việt Nam” và yêu mến quê hương không chỉ bằng tình cảm mà còn với một sự kính trọng thiêng liêng. Nhờ đâu mà các vị nuôi dưỡng bền bỉ một tình cảm đặc biệt như vậy, khi dường như không bao giờ các vị có thể trút khỏi vai cái gánh nặng tự tình dân tộc, cho dù các vị ở bất kỳ đâu?
Cá nhân mình, tôi thấy tình cảm dành cho quê hương là quan trọng vô cùng. Dù ở đâu thì cái identity của mình, gốc gác của mình, cũng phải luôn nhớ đến. Cội nguồn quan trọng lắm. Năm nay tôi hơn 80 tuổi. Tính từ năm 1937 khi sinh ra cho đến năm 1954, tôi ở Hà Nội trên 16 năm; rồi vào miền Nam ở hơn 21 năm cho đến 1975. Vậy thì tôi chỉ ở Việt Nam 37 năm thôi; trong khi đó, tôi sống ở Mỹ hơn 46 năm rồi. Thế nhưng, cho dù ở Mỹ nhiều hơn trên đất nước mình, tôi lúc nào cũng nghĩ đến Việt Nam cả. Mà nghĩ đến Việt Nam là nhớ đến Hà Nội, nơi mình sanh ra, nơi ông bà bố mẹ mình lớn lên và mất tại đó.
Những tượng đài văn hóa – những người góp phần tạo nên sự rực rỡ cho một giai đoạn lộng lẫy của nền văn hóa Việt Nam nói chung trước 1975 – đã lần lượt trở thành người thiên cổ. Theo bà, chúng ta cần làm gì để gìn giữ di sản văn hóa mà họ để lại?
Chúng ta vừa nói đến việc giữ gìn hai chữ “Việt Nam”. Mà nói đến quê hương và dân tộc thì phải nói đến văn hóa. Nhìn lại, nhớ thời đi học, tôi mê man với những tác phẩm nổi tiếng của Alexander Dumas, Leo Tolstoy… Họ để lại những giá trị văn hóa của quê hương họ, từ văn chương đến điện ảnh. Dù đã chết từ rất lâu nhưng tác phẩm của họ vẫn tiếp tục được nhắc nhở trân trọng. Nếu Ấn Độ có Rabindranath Tagore thì Việt Nam có Nguyễn Du với Truyện Kiều, có Hàn Mặc Tử… Còn nhiều người nữa… Tôi hy vọng chúng ta dù ở đâu cũng nên có tủ sách gia đình, để gìn giữ những tác phẩm quý giá của người xưa cho con em.
Lịch làm việc của bà kín mít và dày đặc chuyến đi, nay ở Pháp, mai sang Ý, mốt qua Tây Ban Nha, ngày kia lại về Mỹ. Khi thực hiện chuyến đi Dharamsala vào Tháng Tư 2014, bà đã 77 tuổi. Những người quen biết hoặc theo dõi bà đều kinh ngạc về sức khỏe dẻo dai của “cụ” Kiều Chinh. Xin bà cho biết bà có bí quyết gì để giữ được sức khỏe tốt như vậy?
Tôi chẳng có bí quyết gì cả. Tôi sống giản dị. Ngay từ thời nhỏ, tôi đã mê thể thao. Thời bé ở Hà Nội, tôi được đi ngựa với bố. Vào Sài Gòn tôi vẫn thường cỡi ngựa. Môn thể thao thứ hai mà tôi yêu thích là water ski, chơi trượt nước. Tôi sống ngăn nắp. Tôi luôn ăn đúng bữa, đúng giờ. Nhiều khi đến bữa nhưng chưa đói cũng ăn. Đói thì ăn nhiều, chưa đói ăn ít. Tôi không thích ăn thịt, đặc biệt thịt đỏ; không ăn cay quá, không ăn mặn quá. Tự nhiên thế thôi chứ chẳng phải kiêng gì cả. Tôi thích ăn rau và đậu. Cái chính là đúng giờ đúng bữa. Đi ngủ cũng vậy. Nếu không phải đi đóng phim hay đi xa thì thường đúng 11 tối, tôi lên giường bật tivi xem tin tức cuối ngày một chút rồi ngủ. Sáng thì cứ 6g30 là dậy, tập thể dục độ nửa tiếng, rồi uống tách cà phê; sau đó làm việc cả ngày cho đến chiều tối mà không hề ngủ trưa.
Tôi cũng làm việc nặng nề lắm, từ khuân gạch, chặt cây, cho đến leo trèo… Tôi vừa bị các con “mắng” một trận đấy (cười). Là thế này, đằng sau vườn nhà, có cây bơ, ngon lắm, đẹp lắm. Thế là cụ Kiều Chinh bắc thang trèo lên, ngắt mấy trái bơ cho bạn bè. Vậy là bị “mắng”. Trời ơi, không được leo thang. Cấm nhé! Man (maman – tiếng Pháp, chỉ “mẹ”) không được leo trèo như thế, không được khuân gạch mà xếp vào chỗ này chỗ nọ nữa… Ấy là hôm nọ tôi khuân gạch để kê cái tượng cao thêm một tí (cười sảng khoái). Bị con cái và bạn bè mắng hoài nhưng tính tôi muốn cái gì thì làm cho bằng được, làm tới nơi tới chốn. Tôi vui mỗi khi thấy kết quả việc mình làm.
Bà làm sao duy trì được tinh thần và trí tuệ luôn minh mẫn?
Tôi là người rất đam mê làm việc, luôn đầy ắp trong đầu kế hoạch và chương trình phải làm, chẳng bao giờ hết cả, có lẽ nhờ vậy mà tôi chưa bị Alzheimer’s (cười).
Dạ xin cám ơn bà đã dành thời gian quý báu cho cuộc trò chuyện. Kính chúc bà thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc, bình an, luôn vui với con cháu và gia đình, và cụ không… bị “mắng” về tội leo trèo và khuân vác nữa ạ!
(Cười) Vâng, tôi cũng xin chúc Saigon Nhỏ và độc giả năm mới nhiều may mắn, vạn sự hanh thông. Nhân đây, một lần nữa, tôi xin cám ơn tất cả thịnh tình mà quý thân hữu cũng như tất cả độc giả gần xa dành cho tôi suốt những ngày qua, cũng như trong suốt “cuộc đời lưu vong” của Kiều Chinh. Xin chúc nhà nhà vạn sự bình an.
Mạnh Kim thực hiện
“Một giờ với nữ tài tử Kiều Chinh” là bài viết trong ấn phẩm Xuân Saigon Nhỏ. Giai phẩm Xuân Saigon Nhỏ, phát hành vào đầu Tháng Mười Hai 2021, với hơn 200 trang, còn nhiều bài viết thú vị khác – với sự cộng tác của: TS Dương Ngọc Dũng; Ông Phạm Phú Minh; Ông Quyên Di; Ông Song Thao; Ông Nghĩa Bùi; Ông Lê Tây Sơn; Ông Lê Nguyễn; Ông Phạm Cao Phong; Ông Nguyễn Ngọc Chính; Bà Đông Vy; Ông Phạm Công Luận; Ông Nguyễn Trọng Chức; Ông Huy Thọ; Bà Thúy Hà…
Mời quý vị mua đọc và chia sẻ. |