Ngày của vong hồn

Lễ hội Dia de los Muertos của người Mexico (ảnh: daniel-lloyd-blunk-fernandez-Unsplash)

Có những truyền thuyết cho rằng, khi thân xác chết đi, biến mất khỏi thế giới này thì có thể chuyển hóa sang một thế giới khác. Có những thứ người ta không thể nhìn thấy mà nó chỉ tồn tại trong tâm trí, trong con tim, một trạng thái của tâm linh hay tiềm thức.

Người chết đi về “cõi chết” là một thế giới đầy bí ẩn, cho dù có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc những trải nghiệm của bản thân, người ta vẫn không thể giải thích một cách thỏa đáng. Những lễ vật như hương hoa, mâm quả, bánh mứt được trân trọng dâng cúng như một niềm giao cảm thiêng liêng giữa người sống và người chết, giữa cuộc sống hiện tại với cõi hư vô, cõi vĩnh hằng nơi mà người ta thường mang hoài tưởng là có ông bà, tổ tiên và những người thân yêu.

Hằng năm trên thế giới, người ta thường mở những ngày lễ hội cho người chết để tưởng niệm vong hồn những người thân yêu đã khuất hay bày tiệc khoản đãi để an ủi những linh hồn đang lang thang, bơ vơ, đói khổ thường được gọi là “cô hồn”.

Ở Việt Nam, lễ cúng cô hồn vào ngày Rằm Tháng Bảy Âm lịch. Người ta bày những mâm cúng trước cửa nhà, cửa hàng nơi buôn bán, làm ăn. Những vật phẩm để cúng thường là những đồ ăn thức uống của dân gian như: Bánh, trái cây, khoai, bắp, đường, gạo, muối,… và tiền. Khi cúng xong, người ta có thể phân phát hoặc mạnh ai nấy “giựt” những món đồ cúng nên còn được gọi là “giựt cô hồn”.

Ở Indonesia, lễ hội Rằm Tháng Bảy gọi là Chit Gwee Pua. Người ta đem lễ vật cúng vào chùa, các nhà sư đọc kinh, tế lễ, cầu siêu cho những linh hồn bơ vơ không nơi nương tựa. Sau đó những đồ cúng được đem phân phát cho những người nghèo. Ở Trung Hoa, lễ Vu Lan vào Tháng Bảy Âm lịch còn được gọi là ngày cô hồn, vì họ cho rằng vào ngày này các yêu ma và linh hồn của tổ tiên được rời khỏi âm phủ về lại trần gian. Người Trung Hoa thường đi chùa, cúng bái cầu bình an, tưởng nhớ người thân yêu đã khuất và xin xá tội vong linh. Họ thường đốt vàng mã và cúng thức ăn cho những hồn ma đói khổ dưới âm phủ.

Ở Nam Hàn, lễ hội Baekjeong vào Rằm Tháng Bảy Âm lịch, cũng là thời gian thu hoạch vụ mùa nên người nông dân Hàn còn gọi là “Bách Chủng”, có nghĩa là 100 loại ngũ cốc, tượng trưng cho một vụ mùa tươi tốt. Họ luôn cầu xin cho được may mắn, an lành không bị các cô hồn đói khổ quấy nhiễu. Vào lễ hội này, người ta diễu hành mặc trang phục cổ truyền Hanbok, đeo mặt nạ ma quỷ xấu xí, tay cầm gậy.

Ở Nhật Bản, lễ hội Obon diễn ra trong bốn ngày, bắt đầu vào ngày 13 Tháng Tám Dương lịch. Vào ngày lễ này, người ta thường mang lồng đèn Chochin đến thăm viếng mộ phần của tổ tiên và người thân thương để gọi họ trở về nhà. Khi lễ hội kết thúc, họ thả những thuyền giấy trên sông, biển, hồ để tiễn đưa vong hồn trở về thế giới của người chết. Những chiếc bánh hình hoa sen làm bằng bột gạo màu xanh, đỏ, vàng được bày cúng trên bàn thờ cùng với những giỏ hoa thật đẹp. Những món bánh được thay đổi theo ngày: Ngày 13 gọi là bánh “đón linh hồn”, ngày 14, 15 là bánh “cầu nguyện và tiếp đãi linh hồn”, ngày 16 là bánh “tiễn linh hồn”.

Đốt lồng đèn trong văn hóa Nhật Bản (ảnh: atul-vinayak-unsplash)

Ở Campuchia, Lễ hội Pchum Ben kéo dài 15 ngày từ cuối Tháng Chín  đến giữa Tháng Mười. Người Campuchia mặc quần áo màu trắng đến chùa cùng tụng kinh cầu nguyện cho những vong linh và tưởng nhớ người thân yêu đã khuất. Các chư tăng và Phật tử thay phiên nhau tụng kinh bằng tiếng Phạn suốt cả ngày đêm vào ngày cuối cùng để kết thúc mùa lễ hội.

Ở Mỹ và Canada, lễ hội Halloween được chuẩn bị và tổ chức rầm rộ vào ngày 31 Tháng Mười. Vào ngày này, người sống nhớ đến người chết mà mở hội vui vẻ cùng nhau không âm dương cách biệt. Những trái bí ngô và những hình vật ma quái được bày bán để trang hoàng. Người ta thích hóa trang đi quanh các khu phố,  công sở, chợ búa hay trường học. Những đứa trẻ nhỏ thường vẽ mặt, giả dạng ma quỷ, thú vật, dị nhân trong thần thoại,… đi đến từng nhà gõ cửa đòi “cho kẹo hay bị ghẹo?”. Đó là lúc mà người sống mở rộng lòng chiều đãi người đã ra “ma” mà không hề sợ hãi.

Ở Mexico, lễ hội Dia de los Muertos vào ngày 1 và 2 Tháng Mười Một. Theo truyền thuyết vào đêm 31 Tháng Mười, những linh hồn trẻ con có thể đoàn tụ với gia đình vào ngày 1 và linh hồn người lớn có thể sum họp vào ngày 2 Tháng Mười Một. Vào những ngày này, người Mễ tin rằng linh hồn người chết thức dậy và trở về dương trần để ăn uống, nhảy múa với người thân.

Mặt nạ bán trong dịp lễ hội Dia de los Muertos của Mexico (ảnh: sam-bran-unsplash)

Vì thế, những người đang sống cũng mở tiệc khoản đãi thật hậu hĩ để tưởng nhớ người thương yêu đã khuất. Họ diễu hành trên đường phố với những bộ xương người thật lớn, đầu lâu Catrina là biểu tượng của người chết. Họ giả ma quỷ với áo quần quái dị, ghê sợ rồi nhảy múa với nhạc xập xình. Hoa vạn thọ dùng để cúng và trang hoàng, họ thường rắc những cánh hoa và đốt những ngọn nến lung linh để dẫn dắt linh hồn người chết trở về nhà. Họ thường làm những đầu lâu bằng đường để trang hoàng bàn thờ hoặc trên ngôi mộ người quá cố. Mole là một loại nước sốt sền sệt của tương ớt, mè, gia vị, chocolate và trái cây. Alole là thức uống làm bằng bột bắp và sữa pha trộn với nhiều loại trái cây như bí ngô, dâu, xoài,…

Ở Romania, lễ hội Halloween vào ngày 31 Tháng Mười. Đây là xứ sở có truyền thuyết và những sự tích bí ẩn lẫn ghê rợn của ma hút máu người tại Bran Castle hay còn gọi là “Lâu đài của ma cà rồng”, vì thế hằng năm đã thu hút rất nhiều du khách vào mùa Halloween. Tỏi vẫn được cho là “bùa” để ếm ma. Có những cuộc diễn hành với trang phục ma quỷ trên đường phố lớn như thủ đô Bucharest và đặc biệt là thành phố Brasov, nơi có huyền thoại ma hút máu người để sống ngàn năm bất tử.

Ở Ái Nhĩ Lan và Tô Cách Lan, lễ hội Halloween có nguồn gốc từ lễ Samhain diễn ra vào đêm 31 Tháng Mười và kéo dài hết ngày 1 Tháng Mười Một. Đây là thời điểm cuối mùa Hè, cũng là lúc thu hoạch mùa màng dự trữ và chuẩn bị cho mùa Đông. Người dân ở đây tin rằng lúc này âm phủ mở cửa thả các linh hồn về trần gian nên âm dương không còn biên giới và đây cũng là cơ hội cho các phù thủy trổ tài ếm bùa làm phép trừ tà ma.

Tại nhiều nước phương Tây, hình ảnh những bộ xương người luôn thấy trong dịp lễ hội Halloween (kenny-eliason-unsplash)

Ở Đức, lễ hội Subes oder Saures vào ngày 31 Tháng Mười, đồng nghĩa với Halloween vì du nhập từ Mỹ. Người Đức trang hoàng nhà cửa bằng những trái bí (Kurbis) cũng để mừng “Lễ hội bí ngô” từ cuối Tháng Chín cho đến đầu Tháng Mười Một. Ngày nay, lễ hội hóa trang thành ma quỷ xấu xí, đi từng nhà “Cho kẹo hay bị ghẹo” được nhiều người hưởng ứng nhất là giới trẻ nhỏ. Halloween trở thành một bữa tiệc vui nhộn với nhiều hình tượng của ma quỷ và kẹo bánh.

Ở Áo, lễ hội Seleenwoche vào đêm cuối Tháng Mười kéo dài đến ngày 1 Tháng Mười Một. Vào ngày lễ này người Áo thường trang hoàng phần mộ người thân đẹp lung linh huyền ảo với đèn cầy, hoa tươi và cầu nguyện cho các linh hồn để tưởng nhớ những người thân yêu đã xa lìa dương thế.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: