Trong “Phiếm Luận Về Chữ Đồ” của cụ Đồ Gàn, theo cụ, trong tiếng Việt không có chữ nào có nhiều nghĩa và nhiều ứng dụng bằng chữ “đồ”. Chữ này chiếm một địa bàn rộng lớn vì nó được dùng để chỉ tất cả dụng cụ tiện nghi mà con người sáng tạo ra để đáp ứng đời sống vật chất cho chính mình. Ví dụ như: Cái bàn, cái tủ, cái giường, cái ghế là… đồ đạc trong nhà. Cái cày, cái cuốc, cái xẻng là… đồ làm vườn, làm ruộng. Cây súng, lưỡi gươm, cung nỏ là… đồ binh khí. Con búp bê, trái banh, cỗ bài là… đồ chơi.
Cụ Đồ Gàn còn cho rằng, ngay đến những giai đoạn văn minh loài người cũng được mệnh danh qua chất liệu của đồ dùng chẳng hạn thời đại đồ đá, đồ đồng. Sở thích con người cũng đa dạng qua các món đồ: Đồ sứ, đồ vàng, đồ cổ, thậm chí sưu tầm cả đồ phế thải.
Chữ đồ trong phạm vi ẩm thực thì có đồ ăn, đồ uống. Qua đó sở thích của con người cũng khác nhau. Có người thích đồ Tàu, kẻ thích đồ Tây, nhiều người chỉ muốn thưởng thức cây nhà lá vườn từ đồ Ta của ta thôi, nhưng tựu trung thì ai ai cũng chỉ thích ăn đồ nóng, uống đồ lạnh. Gấp quá, lười, hay không có thời gian nấu thì tạm thời ăn đồ nguội. Muốn dự trữ phòng bão lụt, chiến tranh thì dùng đồ khô. Rồi trong món ăn kẻ thích đồ cay, người thích đồ mát. Không muốn nấu chín thì ăn đồ sống. Thích nhậu thì ngoài bia, rượu còn có đồ nhắm mà khoái khẩu nhất phải kể là nhắm với đồ biển (hải sản).
Chữ đồ còn được dùng trong lãnh vực y phục. Khi ra ngoài, không ai phô trương đồ lót hay đồ cộc, mà phải mặc đồ tề chỉnh còn gọi là đóng đồ vía; có kẻ muốn lập dị còn chơi kiểu đồ quái dị nữa. Ngoài ra, đồ trang sức cũng không kém phần quan trọng, cần có để tăng thêm vẻ đẹp bên ngoài. Khi chưng diện tiệc tùng xong, về nhà, bao đồ dơ đem bỏ vô máy giặt.
Ý nghĩa chữ đồ, không giới hạn ở thiết bị, ẩm thực hay nói chung vật dụng vô tri mà còn tiến lên bình diện con người. Người mổ heo thì gọi đồ tể; kẻ dạy học thì gọi thầy đồ, ông đồ hay cụ đồ. Tuy nhiên khi dùng chữ đồ nói về con người, thường hàm ý xấu.
Không ai nói đồ tử tế, đồ thánh hiền, đồ đạo đức, đồ quân tử, đồ tốt bụng, đồ hiền lương hay đồ thủy chung mà chỉ nghe khi chửi nhau, thiên hạ ong óng lên:
Đồ xỏ lá, đồ sở khanh, đồ quạ mổ, đồ mất dạy, đồ khốn nạn, đồ tiểu nhân, đồ dị hợm, đồ đểu cáng, đồ mất nết, đồ phải gió, đồ nham nhở, đồ thối tha, đồ ăn cướp, đồ phản trắc, đồ phản quốc, đồ ác ôn, đồ bần tiện, đồ bất nhân, đồ bất hiếu, đồ khoác lác, đồ ngu ngốc, đồ biến thái, đồ xảo trá, đồ cướp chồng, đồ hết thuốc chữa, đồ… đồ… đồ…!
Trời, sao trong văn học Việt Nam lắm câu chửi thế. Hèn gì, ái ngữ dành cho nhau thì quá khan hiếm nên khiến đất nước ta chiến tranh, đau khổ triền miên. Lời thị phi nhân ngãi cũng phát sinh tràn lan đến nỗi nhà văn Võ Hồng phải thốt lên: “Thiên hạ luôn bủn xỉn lời khen mà hào phóng lời chê bai, chỉ trích. Hà! (thở dài).
Một nghĩa tự đồ thường thấy nữa liên quan đến khái niệm giáo dục chỉ về học đường. Người ta thường nghe cụm từ quen thuộc đồ đệ, tông đồ, môn đồ, cao đồ. Từ khi còn bé ai cũng được học vẽ bản đồ, địa đồ. Lớn một chút, qua các môn khoa học lý thuyết hay thực hành thì học đồ thị, đồ biểu, thiên văn đồ, sơ đồ, giản đồ, lược đồ, họa đồ. Khi đã học hết mọi thứ, những học trò giỏi trưởng thành có ý chí vươn lên trong quá trình học tập thường vạch ra cho mình những đồ án để thực hiện làm nên cơ đồ vẻ vang. Nhưng để ám chỉ học trò hư hỏng, luôn có những ý đồ, mưu đồ không tốt, đã không làm nên trò trống gì còn phản thầy thì người đời gọi là đồ nghịch tử hay loạn đồ.
Nói chung chữ đồ theo cụ Đồ Gàn không chỉ rất nhiều nghĩa, nghĩa bóng, nghĩa đen như tôi vừa trình bày ở trên, mà nó còn góp phần đánh dấu từng giai đoạn lịch sử và văn hóa nước ta qua các bài thơ, phú, ca dao, hát nói…v.v… Chẳng hạn qua bài “Thầy đồ”:
Thầy Đồ là người tài bộ.
Quẩy cầm thư sang giáo thọ phủ Vĩnh Tường.
Trước nha môn thiết lập học đường.
Trò dăm đứa “chi, hồ, dã, giả”
Một hôm thầy Đồ nhàn hạ.
Đồ ra hồ xem ả hái hoa.
Ả hớ hênh ả để đồ ra.
Đồ thấy đồ ngâm nga tức khắc.
Xuân tiền lạn mạn hoa sinh sắc.
Thủy diện vi mang bạng thổ thần.
Đồ ngâm rồi, đồ đứng tần ngần.
Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc.
Đêm năm canh Đồ nằm khôn nhắp.
Những mơ màng Đồ nọ tưởng đồ kia.
Đồ ơi, gặp gỡ làm chi!
(Khuyết danh)
Chúng ta hình dung phần nào chiếc váy rất thuận lợi với khí hậu nóng bức vùng nhiệt đới và sinh hoạt đồng án, trồng lúa, tát nước nhưng vô cùng khêu gợi (nếu hớ hênh) mà phụ nữ Việt Nam thời xưa mặc. Đó là mảnh vải quấn thân hoặc khâu kín thành ống mà trong dân gian đã ví von với niềm tự hào:
Cái ống mà thủng hai đầu.
Bên ta thì có bên Tàu thì không.
Rồi cũng từ tự đồ, chúng ta nhìn lại lịch sử dân tộc, trải bao năm bị đô hộ: Hết Tàu, Tây, đến cộng sản, chữ đồ đã được dùng một cách tài tình thâm thúy để thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của dân ta chống lại bọn ỷ thế phương Bắc. Đoàn Thị Điểm, khi giả cô hàng nước đón tiếp sứ Tàu, đã dùng tài năng văn học sắc bén để đáp trả lời của sứ Tàu:
Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh (An Nam một tấc đất không biết bao nhiêu người cày – có ý xấc xược, chòng ghẹo).
Bằng lời lẽ nghiêm trang, tác phong lịch sự, Đoàn Thị Điểm đáp ngay:
Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất (Đại trượng phu nước Tàu cũng từ chỗ đó mà ra).
Tuy nhiên trong cuộc sống, bên cạnh anh tài hào kiệt, vẫn không thiếu bọn hèn nhát, dù là bậc khoa bảng, vẫn muối mặt làm tay sai cho kẻ thù của dân tộc, khiến cụ Nguyễn Khuyến phải than lên trong bài Ông Nghè Tháng Tám:
Cũng cờ cũng biển cũng cân đai.
Cũng gọi ông nghè chứ kém ai?
Mảnh giấy làm nên khoa giáp bảng.
Nét son điểm rõ mặt anh tài.
Tấm thân xiêm áo coi mà nhẹ.
Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh chọe.
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi.
Thưa các bạn, bài viết về tự đồ thiết nghĩ cũng tạm đủ, xin tạm ngưng tại đây. Trân trọng kính chào. Thân chúc quí vị một năm mới:
Sức khỏe dồi dào
An khang thịnh vượng
Vạn sự như ý
TTNH
(Phóng tác theo ý tưởng của cụ Đồ Gàn)