Nghề… nghiệp

Riêng tặng Phương Dung và những học trò đầu tiên của tôi
(Hình minh họa: JESHOOTS.COM/Unsplash)

Lúc nhỏ tôi mơ lớn lên sẽ được đi dạy như mẹ tôi, cô giáo dạy tiểu học. Thực ra thì dì tôi đã gieo cho tôi ước mơ đó. Hồi đó tôi còn nhỏ lắm, hình như chưa vô mẫu giáo thì phải. Dì đi dạy ghé ngang nhà tôi đưa cho mẹ cái gì đó tôi không nhớ nhưng hình ảnh của dì hôm ấy thì không thể quên được. Dì mặc áo măng tô, đôi tay mang  găng trắng, một tay che dù, một tay vịn hờ vào dây đeo giỏ.  Dì cao, nước da trắng, tóc chấm vai trông sang vô cùng. Thế là tôi ước mơ được làm cô giáo giống như dì.

Sau năm 1975, mẹ tôi cũng như dì bị “mất” dạy vì lý lịch có chồng và anh đi tù cải tạo. Nhưng kỷ niệm của những năm tháng đi học rất dễ thương và nhất là năm lớp 12 và tôi được học với những thầy cô giáo tuyệt vời nên vẫn ước mơ sau này sẽ đi dạy. Cũng trong năm lớp 12 tôi khám phá ra là tôi thích Toán nên phải chọn nghề dạy để được nói về Toán mỗi ngày. Nhưng giấc mơ làm cô giáo của tôi tưởng như tan tành theo mây khói sau khi thấy các anh chị họ của tôi không được đi học sư phạm vì ba bị đi tù cộng sản.

Thế là học xong lớp 12, tôi đành an phận vào sinh sống với ba và cậu em út ở Mỹ Xuân, một xã nhỏ ven quốc lộ 51 từ Sài gòn đi Vũng Tàu. Tôi tưởng đã “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” làm ruộng rẫy ở vùng đất đó cho đến hết cuộc đời. Một năm sau, một người quen tình cờ ghé thăm bảo rằng tỉnh Đồng Nai thiếu giáo viên cấp hai nên họ sẽ nhận bất cứ người nào đã tốt nghiệp lớp 12. Tôi nộp đơn đi học toán nhưng bị bắt học Lý. Bực mình lắm nhưng một thầy nói, “Học Lý thì dạy Toán được nhưng học Toán thì không dạy Lý được.” Tôi thấy được an ủi nhiều.

Khoá sư phạm của tôi đáng ra phải học ba năm. Nhưng (nghe nói) vì các huyện thiếu giáo viên nên sau khi học năm thứ ba được vài tháng chúng tôi phải ra dạy thay vì đi thực tập. Tôi được (bị) điều về trường Hắc Dịch, cái tên nghe chẳng thân thiện mấy. Nghe nói lương giáo viên không đủ sống nên tôi không dọn đến ở khu tập thể của trường. Tôi định ở nhà ba mẹ ở Mỹ Xuân đạp xe đi dạy một thời gian rồi sẽ tính sau. Đến khi nhận được tháng lương đầu tiên, tôi biết mình không thể sống tự lập với công việc của mình. Dù đã được cảnh báo là lương giáo viên ít nhưng tôi không ngờ là ít đến vậy. Tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu. Chỉ nhớ là tiền lương tháng đầu, chỉ đủ để tôi thay cái xích xe đạp mà ba tôi cho tôi mượn đi dạy và trả tiền xe đò đi thăm một cô bạn ở Sài gòn một lần.

Tôi mỗi ngày đạp xe từ Mỹ Xuân vào Hắc Dịch, trên con đường nhiều dốc lớn nhỏ và đất đỏ bụi mờ mỗi khi có xe máy hay xe lam chạy ngang qua. Cũng may là thời đó chưa có nhiều xe máy nếu không, chắc không thấy đường để đi. Chẳng biết đoạn đường bao xa nhưng tôi nhớ là đạp xe mãi mà không thấy tới trường.

Tôi về trường vào cuối học kỳ một và được phân dạy Toán một lớp 6, một lớp 7 và dạy Lý một lớp 7 và lớp 9. Lớp 6 học trong những phòng học có vách ngăn bằng ván.  Nhiều lúc đang dạy, thấy mấy cặp mắt tròn xoe của học trò lớp bên cạnh nhìn qua khe ván. Lớp 9 và lớp 8 thì sang hơn, học ở  phòng học bằng xi măng nhưng mùa mưa nước tạt vào cửa sổ.  Đóng cửa lại thì thầy trò chẳng thấy đường để viết hay đọc. Lớp 7 thì học cách trường chính một quãng đường.  Tôi nhớ là phải vội vàng đạp xe lúc đổi giờ cho kịp tiết dạy lớp 7. Sau hai năm dạy, tôi thấy cái tên trường nó chẳng dính dáng gì với tính cách của học trò tôi.  Trái ngược hẳn với cái tên trường Hắc dịch nghe chẳng êm tai chút nào, học trò của tôi thật dễ thương và rất tình cảm. Tôi ước chi trường được có tên của một nhân sĩ.

Bây giờ tôi chẳng thể nhớ hết tên các em nhưng những kỷ niệm có với các em tôi không thể quên được. Tôi cảm thấy giận chính mình khi chỉ nhớ sự kiện mà không nhớ tên học trò gắn với sự kiện đó. Tôi nhớ cái hồn nhiên, vô tư của những em lớp 6. Nhớ cậu học  trò nhỏ, thông minh Ngô Duy đi học với chiếc xe đạp cao nghệu mà em thì ngồi không tới yên xe. Em có gương mặt dễ thương làm tôi lúc nào cũng thấy vui. Nhớ Phương Dung, Hiền, Yến, Trường, và Ánh (?) hay đi học và chơi với nhau. Yến và Dung nghịch ngợm như con trai.  Yến dáng cao, chạy xe đạp đòn dông, đổ dốc chạy thẳng vào lớp. Nhớ Hồng Diễm nhỏ con, nhút nhát. Em có cặp mắt ướt lúc nào cũng gần như muốn khóc. Khi học với tôi thì chẳng bao giờ dám đến gần tôi để nói chuyện. Nhưng lúc tôi rời trường, em là một trong những học trò thường ghé thăm tôi.

Tôi dạy Toán nhưng các em lớp 6 lúc nào cũng thích hát. Tôi nhớ có lần các em yêu cầu tôi hát, tôi đề nghị có em nào lên hát cho cả lớp nghe. Nhiều cánh tay giơ lên. Một cậu bé (tôi không nhớ tên nhưng không thể quên nét mặt rất thơ ngây trẻ con của em) mạnh dạn bước lên bục giảng.  Giọng hát thơ trẻ vang lên: “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…” Tôi không nhịn được cười. Thời bấy giờ chẳng có gì cho các em nhỏ. Các em hát theo những bài hát người lớn nghe.

Nhớ các em lớp 7 có vẻ chững chạc hơn, con trai và con gái chẳng chơi chung với nhau. Phía con gái, tôi còn nhớ Phương Nga, là chị của Phương Dung. Phương Nga hiền, hay mắc cỡ.  Huyền ốm và cao, chăm học. Con trai thì tôi còn nhớ Trịnh Quang Vinh. Tôi chẳng nhớ mình nói gì trong lớp nhưng một cuối tuần Vinh cùng ba đến thăm nhà tôi. Ông bảo rằng ông đến để cảm ơn vì tôi đã có lời khích lệ Vinh trong học hành. Trong lớp có hai anh em Nguyễn Thanh và Nguyễn Long, có cô chị học trên một lớp. Hai cậu này học giỏi nhưng lúc nào cũng làm mặt ngầu với tôi. Còn cô chị thì quý tôi lắm.  Sau này khi tôi chuyển về Mỹ xuân, em vẫn ghé thăm tôi mỗi khi đi chợ.

Lúc ấy có lẽ tôi trông trẻ lắm nên có người bảo tôi lúc nào cũng phải làm mặt nghiêm với học trò thì chúng nó mới sợ.  Tôi theo lời khuyên này và lấy khuôn mẫu của các cô giáo của tôi đến lớp mỗi ngày.  Bề ngoài tôi có vẻ cứng rắn nhưng những ngày đầu tiên tôi vẫn ngại đám học trò lớp 9 của tôi nhất. Trong lớp con gái không nhiều. Con trai thì dáng cao lớn và trông rất ngầu.

Tôi nhớ là tôi vẫn gọi học trò trong lớp này là “các bạn” khi giảng bài bởi nhiều em trông chững chạc như các bạn học của tôi. Một thầy trong trường khuyên tôi nên gọi học trò là “các em” để tạo uy với học trò. Tuy số ít nhưng các cô con gái học giỏi nên trở thành “đồng minh” lớn cho tôi. Dẫu vậy các em trong lớp 9 chẳng làm cho tôi nhức đầu ngày nào. Tôi thấy mình như đứng dạy ở giảng đường đại học khi dạy các em.

Gần cuối năm học, mùa mưa đổ về. Cũng may là những cơn mưa thường vào buổi chiều.  Tôi dạy buổi sáng nên tôi không phải chịu cảnh “đường xa ướt mưa.”  Nhưng mà đường thì bùn lầy và trơn trượt.  Tôi nhớ những lần đổ dốc gần nhà của cậu học trò Nguyễn Văn Tuấn. Tôi chăm chú nhìn đường để không bị trợt xe ngã té. Một đám học trò cấp một bước ra giữa đường ngã nón chào tôi. Tôi vội vàng khoát tay cho các em tránh ra. Tôi gần như đâm sầm vào các em đang cúi đầu chào tôi.  Dường như ngày nào cũng như vậy.  Tôi dần dần trở nên điệu nghệ hơn khi đạp xe qua khúc này. Vẫy tay cười chào các em học trò nhỏ mà tôi chưa từng dạy một ngày. Tôi nhớ hoài hình ảnh đáng yêu đó. Những cô cậu học trò bé nhỏ, đứng bên đường ngã nón chào khi tôi đạp xe đi qua.

Tôi nhớ những món quà bất ngờ chứa chan tình cảm của các em dành cho tôi. Cô học trò nhỏ có cái tên thật hay, Liễu thị Hoàng Mi. Em nhỏ người, học giỏi, lúc nào cũng sẵn sàng trả lời những câu hỏi của tôi trong lớp Toán. Tôi như nhìn thấy tôi thuở nhỏ trong em. Tôi nhớ là mình đối xử công bằng với học trò nhưng Phương Dung bảo Hoàng Mi là học trò ruột của tôi. Có thể em nói đúng. Một hôm Hoàng Mi bảo tôi, “Ba mẹ em mời cô ghé nhà em hôm nay.”  Tôi hơi ngạc nhiên nhưng nhận lời đến nhà em trên đường về. Ba mẹ em mang ra cho tôi một trái mít chín. Ba em nói: “ Gởi cô trái mít này ăn cho vui…” Tôi nhớ hoài những múi mít ngọt như tình cảm gia đình em dành cho tôi.

Trước Tết của năm học thứ hai, một học trò (xin lỗi vì cô không nhớ tên em) đem ra nhà tôi một giỏ me.  Em nói, “ Tết năm ngoái ra nhà cô ăn me dầm ngon quá. Me này của nhà em. Cô làm me dầm để Tết này tụi em ra ăn nữa.” Tôi phải mất cả ngày để lột vỏ me, làm me dầm cho các em.  Mệt nhưng thấy hạnh phúc vì đem đến cho các em một niềm vui nho nhỏ. Rồi Hiền, cô học trò có miệng cười duyên, đến thăm tôi khi tôi không còn dạy các em nữa. Nhà em nuôi tằm và em lựa những con nhộng sữa ngon biếu tôi một gói. Em hớn hở bảo tôi, “Nhộng này ngon lắm cô.  Cô ăn thử một con đi.” Tôi nhìn nhộng thấy sợ nhưng không nỡ để em thất vọng.  Tôi ráng nuốt một con để em vui lòng.

Sang năm học thứ hai, tôi có thêm một đồng nghiệp là Lê Phương đi với tôi vào Hắc Dịch mỗi ngày. Hai chị em chuyện trò làm đường ngắn lại mỗi ngày đi về. Nhưng tôi kiệt sức vì đạp xe mỗi ngày. Tôi đạp xe đến trường, và xỉu trong lớp thường xuyên. Tôi xuống khu nhà của giáo viên nằm nghỉ. Đến trưa, tan trường. Lĩnh, một đồng nghiệp và học trò chở tôi về. Có lần tôi quá mệt, nghỉ dạy mấy hôm.  Học trò đến thăm rất đông trong đó có những em tôi chưa dạy một ngày. Gia đình các em làm nương rẫy, có nhiều em tôi biết kinh tế gia đình rất khó khăn. Nhưng các em chung tiền mua sữa và cam đến thăm tôi. Có lẽ các em chưa ăn cam bao giờ, nhưng cam các em cho tôi chất được một thúng lớn. Ba mẹ tôi rất cảm động: “Chắc tụi nó mua hết cam của chợ Mỹ xuân. Mấy đứa học trò này thiệt dễ thương.” Biết không thể đạp xe đi dạy tiếp, tôi xin chuyển trường. Ông hiệu trưởng thấy tôi xỉu hoài nên cũng bằng lòng cho tôi đi.

Tôi chuyển về dạy ở Mỹ Xuân gần nhà nhưng các em vẫn đến thăm tôi trong các dịp lễ tết, nghỉ hè hay khi các em đi chợ ở Mỹ Xuân. Có một thứ bảy, khi tôi đang nghỉ trưa thì nghe tiếng khõ cửa.  Đó là Viên, cậu học trò thông minh mà tôi chỉ dạy có một năm. Em học xong lớp 9 thì thi đậu trường cấp ba ở Bà Rịa. Từ Hắc dịch có đường tắt xuống Bà Rịa gần hơn là đi vòng ra Mỹ xuân.  Vậy mà em đi từ Bà Rịa, đạp xe lên Mỹ Xuân để ghé thăm tôi trước khi về nhà ở Hắc Dịch. Nhìn gương mặt đỏ lững của em cùng với mồ hôi ướt cả tóc, tôi cảm động hết sức. Ba mẹ tôi gọi đó là lòng chung thuỷ của các em. Tôi nhiều lần vẫn không hiểu tại sao các em mến tôi đến vậy.

Dạy ở Mỹ Xuân được hai năm rưỡi thì tôi cùng mẹ và hai em theo ba sang Mỹ diện H.O. Tôi lúc ấy đã 26 tuổi, cái tuổi mà người ta phải lập gia đình, có con cái để xây dựng tổ ấm riêng của mình. Bởi vậy tôi quyết định sẽ đi làm là chính và đi học vào buổi tối để lấy một cái chứng chỉ kỹ thuật gì đó để có được một mức lương kha khá. Dù luyến tiếc nhưng tôi thầm nghĩ dạy học sẽ mãi mãi là một kỷ niệm trong cuộc đời tôi. Tôi thấy dạy học ở Mỹ là một việc ngoài tầm tay với của mình. Cô em gái và cậu em trai tôi thì nhất quyết đi học full-time.

Lúc tôi lấy được mấy cái chứng chỉ kỹ thuật mà cũng chưa có chàng nào rước, nên  hỏi cậu em trai lúc đó vừa chuyển lên học đại học ngành Hoá.  “Lên đại học là học những gì?” Nó trả lời, “Em theo ngành Hoá thì chỉ học Hoá thôi.” Tôi mừng quá và bắt đầu lấy lớp để học tiếp mong thành kỹ sư điện tử. Tôi lấy thử lớp Calculus và Vật Lý. Sau mấy lần làm thí nghiệm (lab) trong lớp Vật Lý, ông thầy đến hỏi tôi, “Hồi xưa ở Việt nam cô làm nghề gì?” “Dạ em đi dạy.” “Cô dạy môn gì? Lớp mấy?” “Dạ em dạy Toán và Lý từ lớp 7 đến lớp 9.” Ông thầy phán, “Vậy cô nên học để đi dạy lại đi.” Tôi tròn mắt ngạc nhiên, “Em nói tiếng Anh như vầy, thầy nghĩ em đi dạy được sao?” Ông thầy khuyên, “Mùa tới xin làm tutor trong trường để xem thử sao. Tôi sẽ viết thư giới thiệu cho cô làm tutor.” Tôi rất biết ơn lời khuyên của vị giáo sư đó.

Dẫu vậy tôi vẫn ngần ngại vì không biết có nên học để đi dạy lại không vì thấy tiếng Anh sao mà khó quá.  Lúc đó, tôi nhận được thư của Hiền, một học trò cũ ở Việt nam gởi sang. Em hỏi, “Cô ơi! Qua bên đó cô có đi dạy lại không? Học trò bên Mỹ có ngoan giống như tụi em không?” Tôi thấy se lòng. Hiền hồi đi học chơi thân với Phương Dung nên tôi gọi định kể cho nó nghe thư Hiền gởi.  Ba của Phương Dung bắt điện thoại. Ông rất vui vẻ bảo tôi: “Mấy đứa nhỏ nhà tôi quý cô lắm. Tụi nó cứ nhắc cô hoài. Con Dung của tôi quyết định theo chân cô, học làm cô giáo như cô…”

Tôi nghe những lời này mà ngỡ như mình nhận được phần thưởng dạy giỏi. Tôi cũng nhớ lại những khích lệ của các thầy cô dạy năm lớp 12 và tôi quyết định cắt bớt giờ làm để làm tutor trong trường thử sức xem mình có thể đi dạy lại được không. Không ngờ các sinh viên rất quý tôi, nhiều sinh viên đăng ký đến gặp tôi mỗi tuần và giờ làm việc của tôi lúc nào cũng kín sinh viên để hỏi bài. Dẫu vậy, tôi vẫn dè dặt chỉ nộp đơn một trường duy nhất, UC Irvine. Tôi cầu nguyện, “Nếu ý Chúa muốn cho con trở lại dạy học, thì cho con được vào trường này.” Thật vậy tôi được nhận vào UC Irvine lấy bằng cử nhân Toán và sư phạm để dạy Toán cho bậc trung học.  Cảm ơn Chúa vô cùng vì Ngài đã dẫn dắt cho tôi trở lại nghề cũ.

Tôi chọn học Toán vì thích Toán và nghĩ là nó ít chữ và số là ngôn ngữ quốc tế nên tôi sẽ học dễ dàng hơn. Nhưng mà học để dạy Toán thì là một chuyện mà tôi không ngờ tới. Những lớp sư phạm hành tôi phải viết tơi bời. Lúc học ESL và English ở community college, mỗi mùa viết khoảng ba bài essays.  Trong chương trình sư phạm này mỗi tuần phải viết ít nhất là một bài mà tiếng Anh của tôi nào có giỏi gì mấy. Chưa hết những buổi thảo luận về các giảng dạy, tâm lý học trò, kỷ luật trong lớp học… làm tôi kinh hồn.

Nhằm giúp các giáo viên tương lai học ứng xử nhạy bén trong các tình huống xảy ra trong các lớp học, ngày nào các giáo sư cũng chia sinh viên chúng tôi ngồi vòng tròn thành nhóm nhỏ từ ba tới bốn sinh viên. Thầy đưa ra một chủ đề.  Đọc một phút và suy nghĩ một phút. Rồi có ba phút viết trả lời. Chuông bấm keng. Chuyền câu trả lời qua cho người bên phải. Lại đọc câu trả lời vừa chuyển qua cho mình hai phút và có ba phút để nhận xét về câu trả lời mình nhận được.

Chuông lại reo, lại chuyền mảnh giấy cứ thế cho để khi mình nhận lại tờ giấy của mình. Hôm đầu tiên tôi đọc cũng chưa xong chớ đừng nói chi đến viết trả lời.  Tôi thật sự hoảng hốt. Nhưng mà ngày nào cũng vậy, tôi phải ráng lê theo và cuối cùng tôi cũng viết được những câu trả lời cho những buổi thảo luận như vậy và đậu được cái bài thi viết để hoàn tất được chương trình sư phạm. Cảm ơn Chúa vô cùng vì tôi biết sức mình không thể làm được như vậy.

Tôi ra trường và đi dạy trung học được hai năm thì chàng của tôi đến rước về nhà xây tổ ấm.  Dạy thêm hai năm nữa thì chàng khuyên trở lại lấy bằng Master để dạy college ít giờ hơn để có giờ chăm sóc con cái. Và tôi quay lại học thêm hai năm rồi ra đi dạy Toán bậc college thoắt một cái mà ngót nghét gần được mười lăm năm.  Học sinh cũng như sinh viên ở Mỹ không học chung với nhau trong suốt chương trình như ở Việt nam. Đa số sinh viên chỉ học với tôi một mùa nhưng cũng có em theo học với tôi nhiều lớp. Dẫu không đậm đà như ở Việt nam nhưng thỉnh thoảng cũng có một vài sinh viên cũ ghé lại văn phòng của tôi thăm, hay là gởi thư cảm ơn khi các em được nhận vào graduate school, học bổng, việc làm hay internship vì các em nhờ tôi viết thư giới thiệu.  Không nhiều nhưng cũng đủ để làm tôi thấy ấm lòng với nghề nghiệp dạy học nơi xứ người.

Nhưng Phương Dung vẫn là một học trò đặc biệt nhất. Mùa Giáng Sinh này tôi nhận được những món quà trong hình bên trên từ Phương Dung cùng với lời mời đến thăm căn nhà vợ chồng em mới mua. Em tặng cho tôi danh hiệu “Best Teacher Ever.” Chồng và các con của tôi vui mừng cho tôi khi thấy những món quà này.

(Hình: Thủy Như)

Phương Dung theo chân tôi từ khi em học lớp 6 ở Hắc Dịch, ngôi trường tôi dạy đầu tiên. Khi tôi đổi ra Mỹ Xuân, vài năm sau em cũng ra đó học cấp ba. Tôi sang Mỹ và vài tháng sau nó cũng sang Mỹ và liên lạc với tôi. Tôi đám cưới, nó đến dự. Ông xã tôi là dân hợp chủng quốc, ông xã của nó cũng vậy. Tôi sinh đứa con đầu lòng, thì một ngày sau đó nó cũng sinh đứa con đầu lòng. Khi biết được ngày sinh của con tôi, Dung cười vang trên điện thoại. “Cô thấy em thương cô ghê chưa. Cô làm gì là em làm theo đó mà.” Chuyện gì nó cũng kể cho cô giáo nghe. Một lần đến thăm tôi, em tâm sự. “Em và cô có duyên cô hỉ. Từ ở Hắc Dịch qua tới đây mà cô trò mình vẫn gặp được nhau. Hồi cô ra Mỹ Xuân, em nhớ cô ghê. Mỗi lần chị Thảo đi chợ Mỹ Xuân về, em cứ hỏi chị có gặp cô không…” Em nói đúng. Tôi thật có duyên khi dạy các em học trò ở Hắc Dịch trong đó có Phương Dung.

Ba mẹ tôi vẫn khen tấm lòng của em mỗi khi em gọi điện thoại hay đến thăm tôi. Không có một dịp lễ nào mà em quên gởi lời chúc và hỏi thăm tôi. Mỗi lần gặp tôi em cứ nói, “Em nhớ cô mà tụi nó cũng nhớ cô nữa. Tụi nó nhắc cô hoài…” Tôi thấy mắt mình ướt. Cảm ơn những học trò đầu tiên của tôi nhiều lắm. Tôi cảm ơn Chúa cho tôi có được những học trò như các em, dễ thương và dạt dào tình cảm. Những học trò đã để lại những dấu ấn rất đặc biệt trong cuộc đời đi dạy của tôi. Cảm ơn các em nhiều lắm. Tôi hy vọng có ngày gặp lại các em, những học trò đầu tiên của tôi.

Và tôi đã gặp được các em hôm tháng 5 vừa qua. Hơn ba mươi năm rồi mới gặp lại. Các em sắp hàng để tôi đoán tên các em. Những tiếng reo vui mừng khi tôi nhận ra được một em nào đó. Tôi vô cùng cảm động và bối rối trước sự đón tiếp nồng nhiệt và rất long trọng của các em bởi tôi chưa bao giờ được đón tiếp như vậy. Tôi vui mừng khi thấy đa số các em thành công. Có một số em theo nghề dạy như tôi, và có cả một em là giảng viên đại học.

Những học trò của tôi nơi miền kinh tế mới nghèo khó ngày xưa bây giờ đã là những người thành đạt. Quyền, xứng đáng là một lớp trưởng giỏi, đã tổ chức họp mặt đầy đủ thầy cô và bạn bè để tôi gặp được tất cả. Sau buổi họp mặt, Tuấn và Hiền đã đưa tôi đi một vòng quanh Hắc Dịch để giới thiệu những nơi chốn ngày xưa. Hắc Dịch lạ quá! Hoàn toàn khác hẳn ngày tôi đi dạy hơn ba mươi năm trước. Đường từ Hắc Dịch ra Mỹ Xuân chạy xe hơi cũng thật ngắn, ngắn như chuyến thăm Hắc Dịch của tôi từ nửa vòng trái đất. Cảm ơn các em đã cho tôi một buổi hội ngộ tuyệt vời. Cảm ơn những kỷ niệm có với các em để tôi được trở lại cái nghiệp đi dạy của tôi. Tôi phải nói là cái nghiệp vì tôi tưởng đã không có được bao lần nhưng Chúa đã cho tôi trở lại. Cầu mong các học trò của cô luôn hạnh phúc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: