Hàng triệu người làm công việc sáng tạo nội dung (content creators) nhưng trong hồ sơ chính thức của Cơ quan Điều tra Dân số Hoa Kỳ (US Census Bureau-USCB), họ hầu như không tồn tại, cũng đồng nghĩa là không có nghĩa vụ gì với nước Mỹ!
Một ngành nghề đặc biệt
Khi thống kê cho chính phủ liên bang một danh sách bao quát gồm 22,607 ngành nghề của nước Mỹ, USCB đã công nhận những người làm việc trong các lĩnh vực hẹp như sản xuất hành muối, hiệu sách dành cho người lớn và sửa chữa ca-nô. Nhưng cơ quan giám sát lao động này lại không đề cập đến “social media” (phương tiện truyền thông xã hội) nên đã bỏ lỡ một trong những thay đổi lớn nhất ảnh hưởng đến lực lượng lao động của Hoa Kỳ trong nhiều năm qua.
Hàng triệu người đã từ bỏ công việc truyền thống đang làm để trở thành người sáng tạo và sản xuất nội dung trên máy tính hay điện thoại di động và đưa lên mạng để thu hút người theo dõi. Có người đã xây dựng được một sân chơi kinh doanh có tầm ảnh hưởng và thu nhập ngang ngửa với những tên tuổi lớn trong các lĩnh vực giải trí, tin tức và chính trị. Nền kinh tế sáng tạo hiện là một ngành nghề toàn cầu trị giá $250 tỷ với hàng chục triệu người tham gia, hàng trăm triệu khách hàng theo dõi.
Tại Hoa Kỳ, gã khổng lồ video YouTube ước tính năm ngoái có khoảng 390,000 công việc toàn thời gian liên quan đến các nhà sáng tạo nội dung, cao gấp bốn lần số người được công ty sản xuất xe hơi General Motors lớn nhất nước Mỹ tuyển dụng. Từng bị xem là “cơn sốt phù phiếm” chỉ dành cho giới thanh thiếu niên, tầng lớp sáng tạo nội dung đã định hình lại văn hóa Mỹ, thay đổi cách chúng ta thu thập thông tin và viết lại “các quy tắc trở thành nổi tiếng” trong thời hiện đại. Họ đã làm giàu nhanh và có ảnh hưởng rất lớn.
Một người có ảnh hưởng trên TikTok tên Katherine Saras đã tóm tắt sức hấp dẫn của công việc cô đang làm trong một video đầu năm nay: “Khi ai đó cố gắng nói với bạn rằng mạng xã hội không phải là một ‘công việc thực sự’ thì hãy nhớ rằng TikTok đã trả toàn bộ tiền thuê nhà của tôi!”
Tuy nhiên, 25 năm sau khi ngành công nghiệp sáng tạo lần đầu tiên xuất hiện, chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa có luật lệ chính thức hướng dẫn cách người sáng tạo kiếm sống và sử dụng quyền lực của mình cho đúng mực. Nếu không có sự giám sát bằng luật pháp, sẽ không có sự hiểu biết rộng rãi về tác động thực sự (cả xấu lẫn tốt) của nền kinh tế sáng tạo đối với xã hội Mỹ. Sự nổi lên của những người sáng tạo nội dung đã cho phép bất kỳ ai cũng có thể tìm được khán giả của mình và từ những người không có tiếng nói biến thành người ảnh hưởng và cả lan truyền phong cách thể hiện cá nhân.
Nhưng công nghệ sáng tạo nội dung cũng cho phép những kẻ xấu tung ra những lời dối trá và thông tin sai lệch làm xói mòn thế giới thông tin dòng chính và kiến thức đúng đắn truyền thống. Nó cho phép ai cũng có thể phổ biến ý tưởng trên mạng và các thuật toán thống trị mạng xã hội đã lèo lái mọi người. Khi các sự kiện lớn xảy ra, nhiều người Mỹ tìm hiểu từ những người sáng tạo cung cấp nhiều thông tin hỗn hợp kèm phân tích cá nhân với rất ít manh mối xác thực để câu khách và gây hiểu lầm.
Vì mọi hình thức tương tác trực tuyến đều có thể kiếm tiền nếu biết cách hay may mắn nên nhiều người sáng tạo đã đẩy nội dung của họ đến mức tối đa, với cả những dối trá và khiêu khích lôi kéo người xem trong thời gian ngắn, bất kể hậu quả thế nào. Sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo cũng định hướng lại định hướng nghề nghiệp của giới trẻ: “Người có ảnh hưởng” (influencer) hiện được xem là một trong những nguyện vọng nghề nghiệp phổ biến nhất của giới trẻ Mỹ, trên cả vận động viên chuyên nghiệp và phi hành gia!
Tuy nhiên, cần biết rằng, thu nhập của người sáng tạo được xác định bởi các công ty công nghệ như YouTube dựa vào số người xem quảng cáo, nên khi những công ty này thay đổi quy tắc “chia sẻ” doanh thu, sự nghiệp và thu nhập của họ có thể giảm sâu, thậm chí biến mất trong thời gian ngắn! “Toàn bộ vòng đời sự nghiệp của người sáng tạo có thể khi chỉ vỏn vẹn sáu tháng trở xuống” – nhà sáng tạo Hank Green bộc bạch tại hội nghị thượng đỉnh ngành ở Los Angeles vào mùa xuân năm nay – Internet là vô độ. Ai cũng có thể bị thay thế. Có vô số người đang cạnh tranh với bạn”.
“Nhà máy” một người
Trong khi Hollywood là nơi làm việc duy nhất của các nhà sáng tạo và tài năng điện ảnh Mỹ thì các “nhà máy sản xuất” người ảnh hưởng và nổi tiếng trên mạng xã hội lại có mặt trên toàn thế giới. Những ngôi sao hàng đầu trong ngành đều là triệu phú, nhưng công thức làm nội dung của họ không hề có sự đảm bảo sẽ ăn khách mãi mãi. Khi họ thất bại cũng chẳng có ai đứng ra cứu giúp.
Trong một cuộc khảo sát 9,500 người sáng tạo nội dung của công ty khởi nghiệp Linktree chuyên nghiên cứu về lĩnh vực này vào năm ngoái thì chỉ 12% người sáng tạo toàn thời gian kiếm được hơn $50,000 một năm. 46% kiếm ít hơn $1,000.
“Khi làm việc cho internet và trên internet, bạn không được phép nghỉ ốm hay nghỉ phép. Nội dung cần được cung cấp liên tục 24/7. Không có ngày nghỉ và nếu bạn không sản xuất nội dung mới như cam kết, bạn sẽ phải trả giá bằng toàn bộ sự nghiệp và sinh kế của mình” – cảnh báo của Drew Grant, quản lý biên tập cuốn sách hướng dẫn Passionfruit dành cho các nhà sáng tạo nội dung.
Angèle Christin, phó giáo sư nghiên cứu về sáng tạo nội dung tại Đại học Stanford, nhận định:
“Tuy nhiên, cái đáng chú ý nhất của ngành công nghiệp mới này là cả người sáng tạo lẫn người theo dõi họ đều xem tính cách và cuộc sống hàng ngày của họ và nội dung họ đưa lên mạng là thể thống nhất. Nhiều người sáng tạo bị áp lực phải làm nội dung sao cho công chúng thích. Nhà văn viết tiểu thuyết và bán nó. Nhạc sĩ viết ca khúc và bán nó.
Còn với những người có ảnh hưởng, cái họ tạo ra và bán chính là nội dung. Ngày này qua ngày khác, họ làm việc một mình và phải nghĩ ra những ý tưởng và những thông tin nào nên và cần cung cấp cho người theo dõi, cả ý kiến cá nhân đến những gì họ đang trải qua và những khó khăn họ gặp phải. Nhà sáng tạo là ‘công ty sản xuất một người’, tự trình bày và bán các sản phẩm về mình và của chính mình”.
Trong hai thập niên, kể từ khi các “bà mẹ làm blogger” (mommy bloggers) bắt đầu chạy quảng cáo (có nghĩa họ kiếm được tiền) trên các bài đăng vốn dĩ vô thưởng vô phạt chẳng hạn về thực tế vất vả của vai trò làm mẹ, sự chú ý đến cuộc sống cá nhân của người sáng tạo đã trở thành yếu tố quyết định thành bại nội dung họ đưa lên. Theo nghiên cứu của Pew Research vào năm ngoái, có hơn 70% người Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 29 thừa nhận đang theo dõi ít nhất là một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Mùa xuân năm nay, các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết hiện có 50 triệu người làm công việc sáng tạo nội dung trên khắp thế giới.
Các nhà phân tích kỳ vọng “thị trường sáng tạo nội dung” sẽ tăng từ $250 tỷ trong năm nay lên $480 tỷ vào năm 2027. Để so sánh, doanh thu toàn cầu từ trò chơi điện tử, hiện đạt khoảng $227 tỷ và sẽ tăng lên khoảng $312 tỷ trong năm 2027. Báo cáo của YouTube cho biết những người sáng tạo nội dung trên YouTube đã đóng góp $35 tỷ vào GDP của nước Mỹ vào năm ngoái, cao hơn sản xuất đồ nội thất và xếp sau vận tải đường sắt (dữ liệu ngành từ Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ-US Bureau of Economic Analysis).
Một ngành nghề bị bỏ quên?
Erica Groshen, cựu giám đốc USCB lưu ý: “Ngay cả những con số trên cũng chưa tính hết tác động thực sự của nền kinh tế sáng tạo. Thử so sánh ngành này với một các tài xế Uber và người lao động tự do bấp bênh. Rất nhiều người tham gia vào nền kinh tế sáng tạo dù không nhiều nhưng nó đã giúp họ sống sót khi thất nghiệp, trang trải được những chi phí phát sinh và giúp khởi nghiệp lại theo một cách nào đó. Nền kinh tế sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho những chuyển đổi của mỗi cá nhân để trang trải cuộc sống”.
Tuy nhiên, số liệu thống kê lao động liên bang không đưa ra thước đo đáng tin cậy nào cho nền kinh tế sáng tạo. Trong danh sách ngành nghề của Cơ quan điều tra dân số, có những ngành “hoạt động xuất bản trên internet” hoặc “nhà xuất bản sách giảm giá” có vẻ ná ná với công việc của người sáng tạo. Hai ngành nghề khác là “chơi trò chơi điện tử trực tuyến” và “truyền phát video và âm thanh” (video and audio streaming) được phân loại là “xử lý dữ liệu” và “lưu trữ” (hosting).
Các ngành nghề khác được USCB liệt kê là “người sao chép băng video” (videotape duplicator), “người nuôi thú cưng” (canary raiser – chăm sóc chó, mèo, cá, chim, động vật sở thú…), “người trợ giúp ảo thuật gia” (magician helper), “chủ bến tàu” (wharfinger) và “người sửa giày trượt patin” (roller skate repairer). Có đến 23 ngành nghề liên quan thuốc lá với tổng cộng 80,000 lao động trên toàn quốc. Nhưng ngành sáng tạo nội dung bị bỏ quên!
Một quan chức USCB cho biết những người sáng tạo có thể xếp chung vào các nghề “chuyên gia quan hệ công chúng” hoặc “nghệ sĩ, nhà văn và nghệ sĩ biểu diễn độc lập”. Sự mù mờ về thống kê dẫn đến việc nước Mỹ không có các quy định hướng dẫn và quản lý ngành sáng tạo nội dung.
Tháng Tám qua, Illinois trở thành tiểu bang đầu tiên (và duy nhất) thông qua luật lao động trẻ em trong đó quy định, một phần thu nhập của những người có ảnh hưởng trẻ em phải được lưu vào tài khoản ủy thác mà họ có thể truy cập khi đủ 18 tuổi; một dự luật tương tự ở bang Washington bị gác lại. Đạo luật này gần giống với luật Luật Coogan dành cho các diễn viên nhí ở Hollywood được thông qua ở California vào năm 1939.
Misty Heggeness, phó giáo sư về các vấn đề công cộng và kinh tế tại Đại học Kansas, nhận định:
“Thiếu sót của thống kê phản ánh bản chất lạc hậu của thước đo liên bang và những khó khăn ngày càng tăng của các lực lượng lao động mới gồm cả những người sáng tạo không báo cáo thu nhập. Trong lịch sử, mỗi khi sự đổi mới diễn ra trong một xã hội hiện đại hóa, những người ủng hộ truyền thống thường bài bác cái mới, gọi nó là vô nghĩa hoặc đánh giá nó không nghiêm túc, trong đó có nghề sáng tạo nội dung. Nhưng xã hội sẽ bị tổn hại nếu chúng ta không hiểu rõ sức mạnh của nền kinh tế này và có biện pháp điều chỉnh, giám sát”, dẫn lại từ The Washington Post.
______________
Trào lưu khai thác sức ảnh hưởng của genuinfluencer
Nữ blogger kiếm cả trăm triệu đồng/tháng, nhờ kế hoạch du lịch độc đáo