Nghĩ về vở tuồng cải lương “Tẩy Hận” của soạn giả Việt Ái

Một ban nhạc đờn ca tài tử ở Sài Gòn năm 1911. Hình minh hoạ

Ở xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn vào những năm đầu thập niên 1950 có một luồng gió mới thổi tới khiến mọi người hân hoan phấn khởi. Đó là luồng gió văn hóa: “Đoàn Cải Lương Xã Thuận Thới” ra đời do ông bầu Chín Luộc dìu dắt sau nhiều năm thai nghén. 

Mọi việc khởi đầu cái gì cũng khó. Khó vì tài chánh eo hẹp. Khó vì thiếu dàn nhạc cụ, thiếu trang phục, son phấn. Khó vì thiếu sàn diễn. Khó vì thiếu đào kép, v.v… Nhưng từ “cái khó ló cái khôn”, với lòng thiết tha phục vụ văn nghệ, mọi sự khó khăn rồi cũng vượt qua. Đã có những Mạnh Thường Quân như ông Tư Nhiễu, ông Tám Nhị và một số người “có tâm” trong làng của ít lòng nhiều chung tay góp sức. 

“Đào kép” do nhóm Đờn ca tài tử trong làng tình nguyện đảm trách. Thật ra chỉ có kép và đào “lộn hột” chớ chưa có đào “chánh hiệu”. Nhưng còn cái khó lớn không dễ gì khắc phục. Đó là thiếu cái “linh hồn” của đoàn hát- tức thiếu một soạn giả kiêm đạo diễn. Cuối cùng đoàn cũng “chọn mặt gởi vàng” trong việc khuyến khích và bầu chọn ông Năm Ái- con ông Tư Nhiễu đảm trách vai “thầy tuồng”. Và cái tên soạn giả Việt Ái ra đời từ đó.

Người nông dân miền Nam ưa thích đờn ca những lúc nhàn rỗi. Hình minh hoạ.

Những vở tuồng cải lương do soạn giả Việt Ái soạn hoặc cải biên, một mặt để giải trí nhằm cung cấp món ăn tinh thần cho bà con chòm xóm sau ngày mùa bội thu, công rảnh việc nhàn; song mặt khác, còn gói ghém lòng yêu nước thương nòi, đề cao Trung Hiếu Tiết Nghĩa. Trong số các tuồng cải lương do thầy tuồng Việt Ái soạn và dàn dựng có vở Gương Liệt Nữ nêu cao công đức Hai Bà Trưng đã “phất cờ nương tử” trong việc chống quân xâm lăng nhà Hán (Đông Hán) giành độc lập, tự chủ cho nước Việt. Vở Gương Liệt Nữ nầy còn nhằm gián tiếp đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập của dân ta. 

Các tuồng cải lương khác đều đề cao Trung Hiếu Tiết Nghĩa và kết thúc thường “có hậu” giống như truyện Tàu mới được dịch sang chữ Quốc ngữ do nhà Tín Đức Thư Xã xuất bản, cũng như các truyện thơ bình dân miền Nam thể lục bát do nhà Thuận Hòa phát hành thời bấy giờ. Kết thúc “có hậu” được tóm gọn trong công thức: Thiện thắng ác, chánh thắng tà, hiền nhân quân tử buổi đầu luôn bị hãm hại, về sau được hưởng vinh hoa phú quý; còn kẻ gian nịnh tham ác ban đầu thắng thế, cuối cùng cũng bị trừng phạt.

Các vở cải lương “có hậu” do Đoàn Cải Lương Xã Thuận Thới lần lượt trình diễn được đông đảo khán giả miệt vườn đón nhận nồng nhiệt như: Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Võ Tòng Sát Tẩu, Một Người Anh (Hoàng Tử Lưng Gù) và Tẩy Hận (Tam Tạng Xuất Thế), v.v… Ngoài những tuồng cải lương “cải biên”, còn có một vở do soạn giả Việt Ái sáng tác và dàn dựng 100%; chúng tôi muốn nói đến tuồng Tẩy Hận- tức Tam Tạng Xuất Thế. 

Ông bà soạn giả Việt Ái chụp năm 1995 tại tư gia ở xã Thuận Thới. (Ảnh tác giả gởi)

Nguồn gốc: Thời bấy giờ, phong trào “mê” truyện Tàu do nhà Tín Đức Thư Xã phát hành nở rộ. Cứ vài ngày, ông Tám Nhị thường đáp chiếc xe đò Hiệp Thành để chở cam quít lên chợ Cầu Ông Lãnh bán. Lần nào ông cũng mướn vài bộ truyện Tàu hoặc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đem về cho ông Năm Ái mượn đọc trước; khi nào rảnh, ông mới đọc sau. Ông Năm Ái “mê” hầu hết các bộ truyện Tàu đó. Ông đọc mê mệt, đọc ngấu nghiến, khi ngồi rung đùi, lúc nằm võng. Có lúc cao hứng, ông cười khanh khách một mình ra vẻ khoái chí lắm. 

Bộ truyện Tàu ông khoái nhứt là Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân được dịch sang chữ Quốc ngữ. Đó là tiểu thuyết chương hồi của văn học Trung Hoa thuật lại chuyến đi Thiên Trúc (Ấn Độ) để thỉnh kinh của sư Huyền Trang (Đường Tam Tạng) và ba đệ tử là Tôn Ngộ Không (Tề Thiên Đại Thánh), Trư Ngộ Năng (Trư Bát Giới), Sa Ngộ Tịnh (Sa Tăng). Chính bộ truyện nầy là chất men tinh thần để soạn giả Việt Ái bỏ ra nhiều thời gian và công sức biên soạn, dàn dựng vở cải lương Tẩy Hận- tức Tam Tạng Xuất Thế.

Vở Tẩy Hận lấy cốt chuyện ở hồi thứ 9 trong 100 hồi của bộ Tây Du Ký: “Trần Quang Nhị nhậm chức gặp nạn; Sư Giang Lưu phục thù báo ơn”. Đoàn Cải Lương Xã Thuận Thới đã diễn thành công nhiều xuất hát không chỉ ở xã nhà và các xã láng giềng, mà còn lấn sang xã An Phú Tân (quận Cầu Kè) nữa. Là bạn nối khố của con trai ông, kính ông như cha, thích cổ nhạc, yêu cải lương, được xem nhiều xuất hát “miễn phí” (đoàn không bán vé, hát “thả giàn”), cho phép tôi được kể những hồi ức về vở tuồng nầy. 

Tóm lược vở tuồng: Thuở ấy tôi chỉ là cậu bé “ăn chưa no lo chưa tới”, chữ Quốc ngữ chưa đầy lá mít. Thằng bạn tắm mưa ở truồng con bác Năm Ái thường rủ tôi tới nhà bác chơi để nghe bác kể truyện Tàu. Mỗi lần bác kể một chương, hồi trong đó có truyện Tây Du Ký. Có lúc cao hứng, bác đem ra “khoe” chúng tôi bản thảo viết tay tuồng cải lương bác mới soạn xong.

Tôi chưa đủ chữ nghĩa để đọc hết, chỉ thoáng thấy cái tựa ghi bằng mực tím trên trang bìa tập giấy học trò mấy chữ: “TẨY HẬN – Tam Tạng Xuất Thế. Soạn giả Việt Ái”. Lật xem bản thảo thấy chiếm gần trăm trang giấy học trò, nét chữ nghiêng nghiêng đều đặn trông rất đẹp mắt. Thỉnh thoảng có chỗ bôi xóa, chỉnh sửa. Về sau bác Năm sửa chữa, sao chép cẩn thận vở cải lương ấy và “tập tuồng” cho Đoàn Cải Lương Xã Thuận Thới trình diễn.

Thời gian trôi nhanh như giấc mộng. Trải qua bao nhiêu dâu bể, vị thầy tuồng được yêu chuộng nể vì một thời đã ra người thiên cổ. Ông bầu Chín Luộc, các Mạnh Thường Quân và dàn đào kép đã theo ông theo bà gần hết. Chỉ còn lại đào “lộn hột” Bảy Hải, kép muồi Năm Khương và kép phụ Bảy Trình, nhưng đã tuổi cao sức yếu, gần đất xa trời. Và tuồng hát có hậu nay chỉ còn là dĩ vãng mờ phai, ít người còn nhớ. Dựa vào ký ức còm cõi, tôi muốn khơi gợi lại mạch hồi tưởng hầu tóm lược vở tuồng, đại để như sau: 

“Đời nhà Đường bên Tàu có người học trò nghèo tên Trần Quang Nhị cha mất sớm, thờ mẹ rất có hiếu. Hằng ngày Trần sinh phải gánh củi đổi gạo nuôi mẹ, nhưng vẫn không ngừng dùi mài kinh sử. Khoa thi năm ấy Quang Nhị thi đậu Trạng nguyên, được cưới Quận chúa Thanh Kiều, con của Thừa tướng Ân Khai Sơn. Về sau được bổ làm Tri phủ Giang Châu. Tân Trạng nguyên cùng vợ và mẹ lên đường nhậm chức.

Giữa đường bà Trương Thị, mẹ Quang Nhị bị bịnh nặng nên tạm thời gởi lại quán trọ, chừng xong việc quan sẽ trở lại đón. Quang Nhị mua được con cá chép vàng, thấy cá rơi nước mắt bèn thả ra sông Hồng Giang phóng sanh. Con cá chép ấy chính là Long Vương. Lúc sang sông nào ngờ hai tên lái đò Lưu Hồng và Lý Bưu lập mưu giết Quang Nhị, vứt xác xuống sông rồi giành chức lẫn giành vợ. Quận chúa Thanh Kiều định nhảy xuống sông quyên sinh, nhưng vì trong bụng mang giọt máu của Quang Nhị nên ẩn nhẫn chịu nhục làm vợ hắn, đợi ngày nở nhụy khai hoa. 

Về phần Quang Nhị được Long Vương cứu. Để trả ơn, Long Vương cho người bảo quản xác không thúi rữa. Còn bà Thanh Kiều sanh đứa bé trai đặt tên là Trần Huyền Trang. Lưu Hồng thấy đòi giết. Quận chúa tìm cách cứu Huyền Trang. Bà cắn ngón chân út đứa bé làm dấu tích, lấy máu viết Tâm thơ kể lể cội nguồn, lấy áo bọc đứa bé rồi cột trên tấm ván làm bè thả trôi sông. Trần Huyền Trang trôi đến chùa Kim Sơn, được sư Pháp Minh vớt lên cứu sống, nuôi dưỡng, dạy dỗ tại chùa, đặt tên là Giang Lưu Nhi.

Mười tám năm sau, khi đến tuổi trưởng thành, Huyền Trang thí phát quy y, được sư cụ kể rõ gốc tích. Biết được quá khứ, Huyền Trang tìm mẹ, rồi về xứ cũ tìm bà nội, cầu nguyện cho bà được sáng mắt. Sau đó Huyền Trang thẳng đến dinh Thừa tướng Ân Khai Sơn, nhờ ông ngoại cứu mẹ và phục thù báo ơn. Thừa tướng xuất binh trừ khử kẻ gian, cứu con gái.

Thay vì chém Lưu Hồng và Lý Bưu đem bêu đầu giữa chợ, Thừa tướng cho người lột áo mão cách chức bọn chúng đuổi về làm dân dã (?). Mọi việc xong xuôi, Long Vương cho Quang Nhị hoàn hồn, tặng báu vật. Cả nhà đến gặp Trương Thị rồi dắt nhau về dinh phủ, mừng gia đình đoàn tụ, mở “Tiệc Đoàn Viên”. Thật là “Hết cơn bĩ cực tới ngày thới lai”.

Đào kép ĐCLXTT diễn trích đoạn cài lương Tẩy Hận (Tang lễ soạn giả Việt Ái, tháng 7/2002). (Ảnh tác giả gởi)

Phân vai:

Để làm “sống lại” vở diễn, tôi xin ghi chép lại bảng phân vai tuồng Tẩy Hận theo trí nhớ:

-Soạn giả Việt Ái đóng vai Trần Quang Nhị;

-Kép muồi Năm Khương vai Trần Huyền Trang;

-“Kép” Bảy Hải vai Quận chúa Thanh Kiều;

-“Kép” Ba Dành vai Trương Thị (Mẹ Trần Quang Nhị);

-Kép Thợ Sáu vai sư Pháp Minh;

-Kép Bảy Trình vai Thừa Tướng Ân Khai Sơn;

-Các kép Sáu Học, Hai Bốn vai Lưu Hồng, Lý Bưu…

Một vài chi tiết: Tôi còn nhớ tối hôm ấy Đoàn Cải Lương Xã Thuận Thới dựng rạp trước nhà ông Bầu Luộc diễn tuồng cải lương Tam Tạng Xuất Thế nhân dịp kỵ giỗ của ông cố tổ. Sau nhạc dạo, màn kéo ra hiện cảnh Trần Quang Nhị vai gánh củi và hát bản vắn Sơn Đông Hướng Mã:

Ta cứ thẳng đi tới / Lên rừng tìm cây lớn

Hăng hái dạ chẳng sờn / Kiếm bó cho to, lòng chớ lo

Có khổ chi mà sầu bi / Mẹ ta được vui sướng. Dạ ta mới phấn khởi

Vì đủ sống qua ngày / Ta đây khỏi luống ai hoài!

Khi Trần Quang Nhị bị bọn Lưu Hồng, Lý Bưu đập chết và vứt xác xuống sông, thằng con ông chừng 5-6 tuổi khóc bù lu bù loa với má nó: “Má ơi ba chết rồi!” khiến khán giả thấy tội nghiệp thằng nhỏ. Rồi cảnh Quận chúa Thanh Kiều cắn ngón chân út đứa con, lấy máu viết Tâm thơ, nói lối kể lể trong nước mắt:

Thơ tâm huyết viết bằng máu đỏ

Xin gởi ai để dạ tường tri

 Tên Thanh Kiều gặp lúc hiểm nguy

Trần Quang Nhị là chồng bị giết (không nhớ hết).

Tới cảnh sư Pháp Minh ca một bản vắn kể về gốc tích của Huyền Trang:

Con ơi! Xưa kia trong lúc thừa nhàn

Thầy đang dạo kiểng lê viên xem hoa nở nhụy…

Cảnh Lưu Hồng bị lột áo mão cách chức, hắn đã cất tiếng than giống như “cải lương” khiến khán giả cười cái rần: Áo mão nầy tôi xin trả lại nhà vua!

Một số nhạc cụ dùng cho tuồng cải lương, đờn ca tài tử. Hình minh hoạ

Kết: Vở cải lương Tam Tạng Xuất Thế đã gặt hái được những thành quả nhứt định. Sau khi màn hạ vãn tuồng, khán giả ra về với tâm trạng hả hê, bàn tán sôi nổi. Người đọc Tây Du Ký rồi thì mê nội dung vở tuồng “có hậu”. Người nói Quang Nhị (Việt Ái) học trò nghèo chăm học, có hiếu với mẹ nên đỗ đạt làm quan.

Người bàn phải dùng hình phạt nặng nề bọn Lưu Hồng, Lý Bưu (Sáu Học, Hai Bốn) như xử chém, bêu đầu giữa chợ. Kẻ khác “khoái” giọng hát nức nở muồi mẫn của Trần Huyền Trang (Năm Khương), giọng ca điêu luyện chững chạc của sư Pháp Minh (Thợ Sáu). Hôm ấy kép chánh Hai Việt có giọng ca muồi rệu nức nở không thua gì Út Trà Ôn bị ho khan tiếng không diễn được, thành thử ông thầy tuồng phải đóng thế. Đây là vai diễn “để đời” của soạn giả Việt Ái. Còn “kép độc” Ba Kiết diễn xuất không kém kép độc Trường Xuân cũng vắng mặt vì không có vai diễn trong vở tuồng nầy… 

Người viết bài nầy đã trải qua “phong sương mấy độ”, ghiền truyện Tàu “quá cỡ thợ mộc”, đã đọc mê mệt truyện Tây Du Ký– đặc biệt hồi thứ 9 nói về sự tích của sư Trần Huyền Trang, đã “mắt thấy tai nghe” vở cải lương để đời nầy, nên mạo muội có mấy lời bàn:

Vốn chịu ảnh hưởng “Văn dĩ tải đạo” tức dùng văn chương (trong đó có tuồng hát) để chuyên chở đạo lý, nên thầy tuồng Việt Ái đã soạn vở cải lương Tam Tạng Xuất Thế nầy. Nhưng không phải “cóp” y chang 100% cốt chuyện trong Tây Du Ký. Soạn giả Việt Ái đã biến cải đôi chút một vài chi tiết cho phù hợp với đạo lý, với quan điểm của đại đa số nhân dân về chữ hiếu, việc chăm lo học hành, đặc biệt về công lý xã hội.

Do vậy, từ một Quang Nhị “con quan” danh gia vọng tộc trong Tây Du Ký, ông đã vẽ nên một Quang Nhị có xuất thân thấp hèn dân dã “con nhà nghèo, cha mất sớm, hiếu học, phải gánh củi độ thân, thờ mẹ rất có hiếu” nên làm gì có “tiểu đồng” một lòng theo chủ “lúc đi thi” cũng như “lúc đi phó nhậm Giang Châu”, càng không có chuyện Lưu Hồng, Lý Bưu “đập chết tiểu đồng”. Từ “Tiểu thơ Ôn Kiều”, ông đổi thành “Quận chúa Thanh Kiều” có vẻ nhẹ nhàng hơn, “đắt” hơn. 

Chi tiết đáng nói ở đây là quan điểm về công lý xã hội: Thiện phải thắng ác và được hưởng vinh hoa phú quý, ác phải thua và bị trừng phạt. Soạn giả không nhắc tới sự trừng phạt khốc liệt dành cho bọn Lưu Hồng, Lý Bưu theo “bản gốc” như “Lưu Hồng bị xử mổ bụng moi gan, tế Trần Quang Nhị tại sông Hồng Giang”, còn “Lý Bưu bị lóc thịt rồi chém bêu đầu”. Trái lại trong tuồng Tẩy Hận, Lưu Hồng và Lý Bưu chịu hình phạt khá nhẹ nhàng như “lột áo mão cách chức đuổi về làm thứ dân”. 

Soạn giả Việt Ái đã thành công trong việc xây dựng hình mẫu người cầm cân nẩy mực “lấy đức báo oán”. Sự trừng phạt ở đây có ý nghĩa vì đạo đức hợp với quan niệm văn minh hơn là “thỏa mãn” bằng những hình phạt khốc liệt. Về văn bản, tôi xin thành thật “bái phục” soạn giả Việt Ái. Gốc nông dân “có văn hóa”, biết chút đỉnh tiếng Tây, thông thạo chữ Quốc ngữ- đặc biệt có hoa tay viết chữ như “rồng bay phượng múa”, ông có thể viết truyện ngắn dễ dàng; nhưng vì mê hát, ông đã chọn việc khó mà làm.

Bởi lẽ soạn một vở cải lương không phải dễ: Phải biết hành văn kiểu “cải lương”, phải nắm vững nhạc lý như Vọng cổ và các Bản vắn (ba Nam, sáu Bắc), cũng như phải nắm vững phép làm thơ; như trong Tâm thơ của Quận chúa Thanh Kiều, ông đã sử dụng thơ mới 7 chữ vần ôm cuối câu (tri, nguy) rất chỉnh.

Hôm đám tang ông vào Tháng Bảy 2002, có mặt 95% “tài tử” (thiếu “tài tử” Sáu Học đã hy sinh, Hai Hinh, Ba Dành, Hai Bốn đã mất, Bảy Trình định cư ở Hoa Kỳ) đã diễn lại trước linh cữu thầy tuồng Việt Ái một vài trích đoạn trong vở Tẩy Hận. Thật là tình nghĩa biết bao! Thật ấm cúng biết bao! 

Những dòng hồi ức tản mạn nầy nhằm thể hiện đạo lý “ơn đền nghĩa trả” phần nào “món nợ tinh thần” và nghĩa thầy trò. Vì những lẽ ấy, tôi nghĩ vở cải lương Tam Tạng Xuất Thế và cái tên soạn giả Việt Ái chắc vẫn còn sống mãi với thời gian trong lòng người hâm mộ. Cho phép tôi được thắp nén hương lòng kính dâng soạn giả Việt Ái, thầy giáo làng Năm Ái cũng như tập thể Đoàn Cải Lương Xã Thuận Thới – đặc biệt ông bầu Chín Luộc.

Canada, 2022

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: