(Hình minh họa: Anne Lin/Unsplash)

Sanh ra ở miền sông nước nên ông thường hay kể về những chuyến đi từ vàm Ngũ Hiệp, Cai Lậy, dọc theo sông cái nối liền tới miệt đất “vũng” như Vĩnh Long hay Chợ Lách, Trà Vinh …, thỉnh thoảng hai bên bờ sông có những miếu thờ do dân thương hồ lập lên để mỗi chuyến đi qua, thường hay ghé vào đốt nhang, đôi khi còn đốt pháo nổ để cầu thần linh hộ trì cho đi qua êm thắm, thoát khỏi những cơn sóng dữ hay mưa to gió lớn trên các khúc sông nầy.

Ông mồ côi cha lúc lên 10 tuổi trong một một chuyến qua sông trên xuồng “ba lá”, khi xuồng lật vì sóng lớn trong chớp nhoáng, ông chỉ còn kịp nghe lời dặn:

-Con ráng nắm chặt mạn xuồng, đừng buông ra.

Thế là xuồng trôi lênh đênh, nhấp nhô từ từ qua khỏi vùng nước xoáy, dân đi ghe qua lại thấy một cậu bé ôm chặt mạn xuồng bị lật úp gần như kiệt sức nên họ cặp vào cứu vớt đưa vào bờ. Mấy ngày sau, cả gia đình chiều nào cũng ra bờ sông khúc xuồng bị chìm mong tìm thấy xác người thân, nhưng mõi mòn trong vô vọng nên cuối cùng đã lập đàn trên sông và thả “bè việt vớt” để độ vong linh người đã qua đời trên sông mà không tìm thấy xác. Từ đó gia đình ông bỏ vàm di dời vào phía trong xã Thanh Hòa lập vườn sinh sống.

Ông thường kể trên khúc sông lớn qua ngã ba vàm “Dinh Cậu” có một cặp ngỗng thần, hể thấy khi nào cặp ngỗng nổi lên là điềm báo trước sắp có sóng lớn, khi cặp ngỗng lặn xuống là sóng to đùng đùng dấy lên, không ghe, xuồng nào có thể đi qua mà không bị nhấn chìm. Tương truyền rằng sau nầy, khi Tây đi qua khúc sông nầy bằng tàu sắt, lính trên tàu thấy cặp ngỗng thật to nổi lên nên đã dùng súng bắn chết. Không biết rõ là họ có vớt xác ngỗng lên tàu hay không, nhưng lời đồn đại rằng khi tàu quay về bến, người lính bắn chết cặp ngỗng thần đã bị tai nạn súng cướp cò và qua đời.

Cho đến khi Tây trở qua đem tàu sắt phối hợp với lính “lê dương” trên bộ ruồng bố Việt Minh ra tới tận ngoài vàm sông cái. Đi tới đâu họ bắn phá, đốt nhà tới đó nên dân lành tản cư ra chợ gần như hết cả làng. Gia đình ông cũng theo đoàn người tản cư ra chợ Cai Lậy. Sau khi chiến cuộc tạm dừng, mọi người hồi cư trở về làng quê cũ dọn dẹp lại vườn tượt, sinh sống như xưa. Riêng gia đình ông vì mất một đứa con gái thứ Sáu trên đường tản cư nên để tránh đau buồn nầy có thể xảy ra nữa nếu chiến cuộc vẫn tiếp diễn nên ông quyết định trụ lại ở chợ, che rạp sinh sống ở bên bờ “Kinh” Cai Lậy gần ngay trong chợ.

Ông sanh năm 1904 nên cũng có nghe kể rằng lụt năm ấy rất lớn, nước ngập lên tận mái nhà kèm theo mưa kéo dài nên thiệt hại về người và của cũng “bộn”. Rồi đến năm 1964 cũng lại lụt lớn, nước lũ tràn về ngập hết đường cái, lộ “Đông dương” cầu sập, nước ngập gần cả tháng trời, khách bộ hành đi lại phải di chuyển qua từng đoạn bằng xuồng. Nói chung, cứ một con “Giáp” tròn 60 năm “Thìn” là có lụt lớn. Nói là lớn nhưng cũng không có thiệt hại nhiều lắm nên chưa bao giờ đến mức cần phải xin cứu trợ khẩn cấp từ khắp nơi. Và cũng có thể do tính cách của dân chúng trong vùng dù có đau thương mất mát cũng cắn răng chịu đựng không hề than vãn. Ngoài ra còn có nhiều vùng “miệt dưới” hay An Giang, Đồng Tháp, bao đời nay “mùa nước lũ” tràn về ngập trắng đồng gần cả mấy tháng trời, người dân cũng chịu vậy và an nhiên “sống với lũ.” Dù lũ lụt có làm thiệt hại to lớn đến đâu rồi cũng qua đi, ai nấy cũng bám lấy đất quê mà sinh sống.

Từ khi dời gia đình từ quê ra chợ, với hai bàn tay trắng ông quyết định học nghề thợ mộc để sinh sống, còn bà thì theo sự đỡ đầu của người quen giới thiệu vào nhà thương xin học làm mụ đỡ đẻ. Theo thời gian, ông cũng mở được một trại mộc “Hai Sang” chuyên sản xuất tủ, giường, bàn, ghế … bán cho người địa phương.

Ban đầu theo học nghề thợ mộc cũng rất cam go, ngoài cưa, đục, bào, búa … đồ nghề chính còn là hai cây thước: đo chiều dài và đo góc vuông. Rồi còn phải có vốn một ít chữ nho để biết xem sách “đồ hình” bán ở các tiệm tạp hóa lớn tại chợ Mỹ Tho, thường do người Hoa làm chủ. Cuối cùng cũng phải biết viết chút ít chữ như bùa phép do “thợ cả” truyền dạy.

Ông có người cậu ruột, dân làng thường gọi là “Cố Sáu” chuyên bắt mạch viết toa bằng chữ nho cho bệnh nhân ra chợ “bổ thuốc” đem về nấu uống (3 chén nước còn lưng một chén), cho nên khi nhỏ ông cũng có học chút đỉnh, đủ để xem sách đồ hình và viết ít chữ trên lá bùa cho chủ nhân căn nhà mới cất.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ vật liệu xây cất như kèo, cột, vách, đá kê táng … thường thì chủ nhà xem ngày lành, tháng tốt để làm lễ “thượng lương” (gác đòn dông) có lập bàn thờ giữa nhà chưng hoa quả, nhang đèn để cúng vái. Xong xuôi, ông thợ cả ngồi ở bàn lật sách đồ hình ra xem, lựa chọn nên xé bỏ tờ nào và giữ lại tờ nào trong quyển sách cho thích hợp với gia chủ, như nhà muốn có con trai (phát đinh) hay phát tài, phát lộc… Theo ông kể thì được cái nầy mất cái kia, chứ không thể nào được hết như “đặng hào của thì mất hào con …” đại khái là như thế. Còn nhà giàu có và muốn thì có thể lên chùa hoặc tìm thầy hốt thuốc Nam hay thầy pháp để thỉnh một lá phướn có in hình “bát quái” đem về trong bữa thượng lương để ông thợ cả chấm vài điểm trên đó, cũng giống như xé sách, vượng chỗ nầy, triệt chỗ kia.

Đúng giờ “hoàng đạo” giữa trưa, ông thợ cả leo lên nóc, thợ phụ giúp đưa cây đòn dông lên giữa nhà, gác ngang trên hai đầu cột cái, thường thì cây đòn dông có bịt vải đỏ ở hai đầu, bên trong miếng vải đỏ có hai lá bùa, chữ đọc không ra, như dạng chữ vẽ chỉ có thợ cả là đọc được.

Hai lá bùa trên yên vị không cần để ý đến, chỉ khi nào gia đình gặp nạn hay do ăn ở như thế nào mà xảy ra tai họa thì thỉnh thầy khác, không phải ông thợ cả, vì nghề nghiệp, không bao giờ ông thợ cả tự gỡ lá bùa do chính mình viết ra. Thầy coi lại nhà cửa, xem lại cho biết hư thực, rồi sẽ cho người leo lên tháo hai lá bùa ra, thường thì gia chủ chỉ muốn gở bỏ thôi chứ không có thay lá bùa mới.

Sau khi cột chặt sách đồ hình hay lá phướn sát trên cây đòn dông thòng xuống ở giữa nhà, thợ cả đứng thẳng người xem qua lại, nhắm hướng hai đầu cây đòn dông để xem có đâm thẳng vào cửa nhà của người khác không. Khi mọi việc tốt đẹp, thợ cả ngồi xuống trên cây đòn dông, lấy cây búa có hai đầu, một để đóng đinh và đầu kia để nhổ đinh giắt bên hông. Khấn nguyện “hoàng thiên hậu thổ” gia hộ cho căn nhà nầy, đoạn ông cầm cán búa thả xuống từ trên cây đòn dông như viết thành chữ “đinh” theo Hán tự (丁) nghĩa là mọi sự đã hoàn thành.

Mọi người đều tin rằng chỉ có ông thợ cả và thầy pháp mới biết “bùa lổ ban” để “ếm” hay “gở” mà thôi. Thật ra thì đây là mảnh giấy điều (đỏ đậm) trên viết những chữ Hán như thành, phát, tấn, bình, an…. để nói lên kỳ vọng của mọi người, nhưng vì truyền qua nhiều người, nhiều đời thợ, có người hiểu có người không nên tùy theo người mà chữ viết biến thể thành những nét vẽ không ai đọc được. Nhưng lòng thành và tin tưởng làm cho gia chủ yên tâm.

Phàm những người kính sợ “thiên địa quỷ thần” là những người chân thật, ít làm điều ác và tin nơi luật nhân quả nên có đời sống lương thiện. Còn giàu như bá hộ hay quan quyền vinh hiển đều có số, bùa phép không làm nên được.

Sau nầy khi đã mở được trại mộc bán đồ gỗ rồi mà dân tình nghe lời đồn đại rằng ông “Hai Sang” có bùa lổ ban rất cao tay ấn nên họ cũng thường hay đến xin bùa. Thậm chí khi mua giường cũng xin được bùa để ngủ trên giường cho êm và khỏe mạnh. Nói chung, sau khi bắt ấn vẽ chữ bằng tay trên đồ vật, ông luôn nhắn người xin bùa là nên ăn ở sao cho hiền lành nhân đức thì bùa mới linh nghiệm.

Đương thời cũng có nhiều người đến xin làm thợ ở trại mộc để vừo học nghề vừa muốn học bùa chú, nhưng ông luôn từ chối việc dạy bùa. Vì sợ có người lạm dụng làm điều bậy bạ gây nên những việc làm thất đức. Ở đâu và thời nào cũng có Bàng Quyên; Tôn Tẩn nên thôi, chỉ biết làm thợ lành nghề có cuộc sống no đủ là quí lắm rồi. Cũng có khi học chưa hết, biết chưa tới mà nói hay làm bậy ảnh hưởng đến việc đời của người khác là một việc làm hao tổn âm đức, do đó không cần phải biết thêm bùa chú để làm gì.

Xã hội ngày càng mở rộng, văn minh nên những điều mê tín cũng giảm dần đi, có khi tự nhiên biến mất. Ngày xưa cả một vùng dân cư rộng lớn như quận, huyện mà chỉ có một vài ông thầy thuốc biết bắt mạch cho toa, thế cũng còn may, cho nên bất cứ bệnh gì cũng ra tiệm tạp hóa mua vài gói thuốc tán hiệu “lão hòa thượng” thì sao biết chữa bệnh gì. Nói chi đến bệnh nan y thì tuyệt lộ chỉ còn nhờ cúng vái và bùa phép mà thôi.

Ông kể những năm đại dịch, người chết như rạ, trời thương cũng có xuất hiện những ông Thầy Nước Lạnh, Đạo Khoai, Đạo Chuối cứu nhân độ thế, có khi mấy ông nầy còn mang theo “tay nãi” đựng đầy lá thuốc đem phát không cho mọi người. Cũng có người hết, kẻ không. Có còn hơn không, mong chờ gì ở “thuốc thánh đền bia” Nói chung, thiên cơ bất khả lậu có hung có kiết không ai lường trước được nên thường khi ông hay khuyên mọi người nên lập một bàn thiên trước nhà và chính ông viết cho một chữ “thiên” đem về đóng khánh lộng thờ giữa trời.

Bà làm mụ đỡ đẻ nên ông thường ra toa cho người nhà nếu muốn, ra tiệm thuốc Bắc mua bột “châu sa, thần sa” về bôi trên mỏ ác của đứa trẻ sơ sinh trong vòng ba ngày sau khi sinh để đứa nhỏ sau nầy lớn lên thông minh, sáng dạ. Khi đứa bé lên 5, biết ăn uống thành thạo thì ra tiệm thuốc Bắc bổ một hộp thuốc tể “lục vị” cho đứa bé, ngày nhai một viên như kẹo giúp cho trẻ khỏe mạnh và mau lớn.

Cả đời, ông không uống một viên thuốc Tây nào cả chỉ tự mình bổ thuốc theo toa gia truyền mà ông có được. Đến năm 60 tuổi ông sang trại mộc cho người quen, cất nhà cạnh Chùa Ông, Cai Lậy, tuy không còn hoạt động ngoài xã hội nữa nhưng người dân trong vùng vẫn gọi là Thầy Hai Sang với lòng quý mến.

Ông có thói quen kể từ ngày theo thầy nhập môn là trước khi ăn đều nâng chén lên ngang mày lẩm bẩm niệm chú gì mọi người không ai biết nên đoán là ông tạ ơn trời đất và bác nông phu đã làm nên lúa gạo, theo như người xưa đã từng bảo. Nhưng không phải vậy. Tôi hỏi, ông bảo:

Nguyện lòng ngay, ngon cũng ba chén dở cũng ba chén

Ông thanh thản qua đời năm 85 tuổi, mộ phần nằm cạnh bà trên đất nhà gần bên cầu Bổn Tỵ, Cai Lậy. Nhớ lắm thay.

(Tiết Bạch Lộ, Giáp Thìn 2024)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: