Câu hỏi này được đặt ra với rất nhiều người từ Mỹ về, từng ngồi cà phê Sài Gòn. Ai cũng nói “khác chớ”, nhưng khác như thế nào thì ít người có thể nói được. Thật khó tả. Thậm chí người về thăm quê, còn nói “ghiền” cà phê phố xá của Sài Gòn nữa chứ.
Đến Sài Gòn hôm nay, có lẽ một trong những ấn tượng lớn nhất là ở đâu cũng có quán cà phê. Dường như so với mười hay hai mươi năm trước, cà phê xuất hiện nhiều hơn. Nhìn đâu cũng thấy chỗ ngồi cà phê. Lúc thì quán lớn, máy lạnh. Lúc thì vỉa hè đôi ba ghế nhựa con, lúc thì ghế bố để nghỉ ngơi trong một đô thị ngày càng nóng hực. Ở Cali, ngày xưa độc quyền các quán to đẹp, nay giờ Sài Gòn cũng có. Nhưng Cali thì không thể có những đầu hẻm hay góc đường nhỏ có chiếc ghế con.
Ở Cali, phần lớn ngồi cà phê là có hẹn nhau. Chạy hai ba chục phút là chuyện thường. Gặp nhau để ngồi cùng, chứ cũng chẳng có gì mới mẻ. Còn ở Sài Gòn, rất nhiều người ngồi quán cà phê thường không nguyên cớ. Họ đi tìm một không gian, có thể cà phê dở hơn một chút cũng không sao. Ở Sài Gòn, đi cà phê có chút lãng mạn là ra ngoài phố tìm một chút lá, một chút nắng hoặc để nhìn những người không quen lướt qua… Thói quen ra phố một cách bình thường, mỗi ngày như vậy với nhiều người. Sài Gòn là thành phố vắt chân lên cổ, tìm miếng cơm manh áo hàng ngày. Cư dân mọi miền tìm về đô thị sục sạo những cơ hội mưu sinh. Nhưng nhìn gương mặt những người ngồi cà phê Sài Gòn, ai nấy đều có vẻ không vội vã và thở chung bầu không khí của đời thị dân tự do vô hạn.
Ngồi cà phê ở Cali là gặp lại người quen, thỉnh thoảng hỏi về người mới đến. Còn ngồi cà phê Sài Gòn thì để biết cả hơi thở Việt Nam. Có lúc thì gặp chị bánh giò ở Nam Định. Có lúc thì em trai đánh giày ở Thanh Hóa. Rồi có lúc thì anh bán báo ở Quảng Nam vào. Nói đến báo thì dạo này thì hình như những người bán báo giấy ít dần đi. Thay vào đó là ai nấy thường chúi mũi vào máy tính bảng, điện thoại… để xem tin tức. Người Sài Gòn gọi nhau “cà phê nghe mày”, đôi khi chỉ là cái cách để ngồi gần nhau, nhìn nhau, thậm chí ngồi kế nhau và… làm thinh. Giờ thì gọi nhau ra cà phê nhưng có khi mỗi người một máy, chăm chú, lâu lâu cười cười giới thiệu chuyện lạ vừa thấy.
Đi ra khỏi Sài Gòn, nghe giọng miền Nam, thỉnh thoảng người bán hay hỏi “uống kiểu Sài Gòn ha?”. Tức là làm một ly cà phê nhiều đá, không quá đậm. Người Sài Gòn thì thường uống thêm nhiều trà nhạt. Cứ buồn chân lại đến quán, ngồi một mình cũng tốt, có khi một ngày uống đến 2,3 lần cà phê cũng là chuyện bình thường.
Cô bạn Hà Nội ở một quán nhỏ thơ mộng kiểu Pháp trên đường Khúc Hạo mời tôi ly cà phê rất đậm. Khi hỏi xin thêm đường, lại thoáng thấy người phục vụ mỉm cười. Nụ cười như thể nói là “người Sài Gòn vẫn hay thích ngọt nhỉ”. Nhắc mới nhớ, người Sài Gòn và miền Tây uống ngọt hơn mọi nơi. Trong khi cà phê Cali thì pha máy, thường đậm và đắng, ngay cả cà phê sữa cũng đậm. Một anh Mỹ bụi đời đến Sài Gòn, chứng kiến ly cà phê phin, sữa dày dưới đáy thì ngạc nhiên vô cùng. Khi khuấy phần sữa đặc có đường lên, màu nâu đậm bốc mùi thơm ngất ngây. “Cà phê sữa Việt Nam ngon nhất”, anh này tấm tắc. Nhưng không là người Việt, anh không biết ngồi với ly cà phê cùng những câu chuyện đời vui buồn, mới là nhất Việt Nam.
Cà phê vỉa hè hôm nay có chút giống cà phê Cali, là thích pha bằng máy. Cà phê pha máy mọc lên nhiều vô số kể, khiến những chỗ bán cà phê dĩa của người Hoa, hay cà phê vợt của ngày tháng cũ trở thành chuyện lạ và hiếm. Thậm chí thành chỗ check-in của giới trẻ. Cà phê Sài Gòn hôm nay đi đâu cũng thấy treo bảng tự giới thiệu là “sạch”. Nhưng ai biết được, thật sự uống được một ly cà phê sạch hôm nay cũng là chuyện phải tìm hỏi nhau.
Cà phê Cali thì chọn bởi chỗ ngồi, hay thuận tiện đường đi – chỉ vậy thôi. Còn cà phê Sài Gòn thì đôi khi phải gồng gánh những điều không thuộc về mình. Chẳng hạn uống cà phê A để giúp nông dân mình mất mùa, hay phải uống cà phê B thì mới là người yêu nước. Bảng cà phê sạch được treo ở mọi nơi, như thứ thức uống quen thuộc của miền Nam khắc khoải tự tách mình ra dòng chảy đã ngày dần ít thanh tao của Sài Gòn hôm nay.
Có anh bạn bị bệnh, bác sĩ dặn không uống cà phê trong một thời gian. Nhưng vì lỡ “ghiền” cái mùi và lối ngồi nhìn phố thị của cà phê cóc vỉa hè nên vẫn rủ bạn bè đi mỗi sáng. “Hít thở mùi cà phê thôi, chứ không uống được”, anh bạn nói, “vì đã quen với không gian của nó. Nghĩ cũng lạ, mình quen ngồi cà phê nhưng nhờ lúc này mới chợt nhận ra rằng mình cũng không thể thiếu cái không gian rất riêng của nó”. Quả là chỉ cà phê thôi mà. Nhưng xa ngàn dặm ngoài quê hương, thói quen ngồi cà phê của người Việt vẫn được giữ lại.
“Về Việt Nam rồi hả?”, một anh ở quán cà phê Cali gọi cho bạn vừa bay về Sài Gòn. Nghe tả bên kia đang ngồi nhìn đường phố, anh ta nói “Đang cà phê Sài Gòn hả? Sướng luôn nha”. Nghĩ cũng lạ. Cà phê ở đâu cũng chỉ là hương vị, nhưng dường như ngồi với hương vị quê nhà, nhớ da diết những ngày tháng cũ, lại là điều khác biệt mà mãi không bao giờ có thể quên.