Trong văn hóa Á Đông, số 5 có ý nghĩa tượng trưng đặc biệt.

Đó có thể là Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, và Thổ.

Đó có thể là Ngũ Phúc: Phú (giàu có), Quý (sang cả), Thọ (sống lâu), Khang (khỏe mạnh), và Ninh (an toàn).

Trong kinh Vu Lan Bồn do Đức Phật thuyết pháp. Để cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ, Mục Kiền Liên cần chuẩn bị các lễ vật để cúng dường chư Tăng. Trong đó, có ngũ quả.

Rằm Tháng Bảy là ngày Tự Tứ.

Mười phương Tăng đều dự lễ này.

Phải toan sắm sửa chớ chầy,

Thức ăn trăm món, trái cây năm màu.

Ngũ quả (5 loại trái cây) tượng trưng cho Ngũ Căn-Ngũ Lực: Tín, Tấn, Niệm, Định,Tuệ.

(minh họa: Tann Huyn/Unsplash)

Trong việc chọn ngũ quả thể hiện lòng thành dâng cúng tổ tiên, thần thánh, người dân miền Nam Việt Nam đã có cách chơi chữ thú vị theo cách “đồng âm, khác nghĩa.”

Đó là dùng 5 loại trái cây: mãng cầu, thơm, dừa, đu đủ, và xoài.

Tên 5 loại trái cây đó ghép lại, đọc thành: Cầu Thơm Vừa Đủ Xài.

Bởi, theo cách phát âm của người miền Nam, “vừa” đọc là “dừa“, còn “xoài” đọc là “xài.”

Có người thay trái thơm bằng trái sung, khi ghép lại, thành: Cầu Sung Vừa Đủ Xài.

Cũng vì thế, người dân Nam bộ thường tránh chưng những thứ trái cây có tên “nghe” xui xẻo, như trái chuối, vì “chuối” đọc thành “chúi“, tức “chúi nhủi“, cắm đầu xuống, tức thất bại.

Trái lê là “lê lết“, hàm ý không khá nổi.

Trái táo, là trái nhập từ Pháp, có tên Tây là “pomme“. Người Việt đọc là “bom“, nghe lại giống tiếng Anh là “bomb“, tức trái bom nổ. Chơi chữ tới ba tầng lận!

Sầu riêng không được chưng, vì có chữ “sầu“. Còn ớt chắc không được vì “cay như ớt”. Mướp lại càng không, vì là… “rách như xơ mướp“!

Cam, quýt thì sao? Tục ngữ có câu:”Quýt làm, cam chịu“, hàm ý mình phải chịu oan ức vì lỗi người khác làm ra.

Thế nhưng, cũng có người cắc cớ, dùng những loại quả đặc biệt:

sữa, Măng cụt, Dừa, Đu đủ, trái Vải, và Sầu riêng.

Mâm “lục quả” này, hẳn dành riêng cho quý vị đàn ông “hảo ngọt“?

***

Nhân dịp Xuân về, xin tặng quý độc giả ba bài thơ “Ngũ Quả“.

Tết Bình An

Cầu mong năm mới yên vui.

Vừa lòng tất cả mọi người lạ quen.

Đủ đầy gạo, muối, thuốc men.

Xài tiền làm phước, càng thêm nhiều tiền!

Tết Thịnh Vượng

Cầu cho thiên hạ nơi nơi.

Vừa giàu, vừa khỏe, lại vừa tâm an.

Đủ đầy hạnh phước thế gian.

Thơm danh người thiện đa mang việc đời.

Tết Thái Hòa

Cầu tình yêu ấy mãi tươi mầu.

Sung sướng bên nhau thật dài lâu.

Vừa nhiều tiền bạc, vừa nhiều phước.

Đủ cả cháu con, đủ rể dâu.

Xài hoài vẫn giầu…

(Xuân Giáp Thìn-2024)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: