Nhà thơ Thái Hạo bị hành hung dã man khi trên đường nhận giải Văn Việt lần thứ bảy

Nhà thơ Thái Hạo

Tin từ phía Ban tổ chức của giải Văn Việt, cũng như từ chính nhà thơ Thái Hạo, cho biết rằng vào ngày 2 Tháng Ba, năm 2022, khi nhà thơ trên đường từ Thanh Hóa ra sân bay để vào Sài Gòn nhận giải thưởng Thơ của năm do Văn Việt bình chọn, ông đã bị nhiều công an thường phục lẫn sắc phục chặn xe và đánh ngay trên đường mà không nói lý do là gì.

Giải thưởng Văn Việt hàng năm – năm nay là năm thứ bảy – dành cho ba thể loại là Văn, Thơ và Phê bình nghệ thuật, thường tìm kiếm và trao giải thưởng cho giới trí thức độc lập tại Việt Nam vốn không theo khuôn mẫu kiểm duyệt của nhà nước. Giải thưởng cũng nhắm đến những tác giả, tác phẩm khó tìm được cách in ấn trong nước. Theo mô tả của Hội đồng Giải Văn Việt, kể từ lần trao giải lần thứ nhất cho đến nay, chưa bao giờ những người làm công việc này, cũng như chủ nhân các giải thưởng, thiếu sự “chăm sóc” đặc biệt của ngành an ninh.

Mô tả chuyến đi nhận giải đầy sóng gió của mình, nhà thơ Thái Hạo nói rằng từ buổi sáng ngày 2 Tháng Ba, từ nhà đi sân bay, ông Thái Hạo đã thấy nhiều nhân viên an ninh đến nhà và “khuyên” không nên đi. “Nhưng tôi nói, đây là một chuyến đi chơi, tôi đã hẹn với những người bạn học và thầy cô của tôi ở Sài Gòn, không thể thất hứa được”. Một nhân viên an ninh khẳng định “anh không đi được đâu”.

Khi đi được khoảng một cây số, thì cảnh sát giao thông cùng cảnh sát trật tự (áo xanh) ra chặn ông Thái Hạo. Khi ông Hạo vừa bước xuống xe thì hai người đàn ông lạ mặt mặc thường phục từ bên kia đường chạy qua. Một người ôm giữ và một người đấm liên hồi vào mặt ông Thái Hạo, vừa đấm vừa chửi thề, trước mặt rất nhiều công an.

“Sau khi bị đánh một hồi, mỗi lúc một thô bạo, tôi mới hướng vào những người mặc quân phục và nói lớn “Tại sao tôi vô cớ bị đánh mà các anh là công an lại không can ngăn hay hành động gì?”. Lúc đó, công an mới vào gỡ hai người đánh tôi ra. Hai người đó lại di chuyển về phía bên kia đường, đứng nhìn, chốc lại chực xông sang, miệng đe dọa và chửi thề. Khoảng 30 phút sau, hai người đàn ông ấy mới rời đi. Mặt và quai hàm tôi còn đau đến hôm nay, nhai cơm khó khăn”, ông Thái Hạo kể.

Sau đó, lực lượng cảnh sát giao thông và công an áo xanh xuất hiện, nhưng không phải để tìm hiểu vì lý do về việc ông Thái Hạo bị hành hung, mà để “kiểm tra hành chính” và lập biên bản việc ông điều khiển phương tiện giao thông, đo độ cồn trong máu… Họ cố ý để ông Thái Hạo trễ giờ ra sân bay.

“Rồi tôi lại tự hỏi, thơ thì có tội tình gì, những tình cảm con người nơi tôi thì có tội tình gì? Phải chăng tôi phải bỏ đi tất cả những rung động, những thổn thức trong lòng để sống như đá vô tri? Từ nỗi buồn, một niềm tủi hổ và nhục nhã dâng lên. Rồi mọi thứ trống rỗng”, ông Thái Hạo kể lại cảm giác của mình sau khi về đến nhà.

Được biết, Giải Thơ được trao cho chùm thơ của nhà thơ Thái Hạo với 4/5 phiếu bầu chọn của các thành viên Ban Xét Giải Thơ (gồm các nhà thơ Lý Đợi, Ý Nhi, Vũ Thành Sơn, Giáng Vân và nhà phê bình Nguyễn Đức Tùng).

Giải Văn chương, trao cho tác phẩm Trong rừng cây du thủ của ông Trần Quốc Toàn với 4/5 phiếu bầu chọn của các thành viên Ban Xét Giải Văn (gồm các nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, Võ Thị Hảo, Nguyên Ngọc, Nguyễn Viện và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên).

Giải Nghiên cứu Phê bình đã có chủ với 5/5 phiếu bầu chọn của tất cả thành viên trong Ban Xét giải (gồm các nhà nghiên cứu Hoàng Dũng, Văn Giá, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Phượng và nhà thơ-dịch giả Hoàng Hưng). Tuy nhiên với giải này, vì để tránh các áp lực từ phía an ninh nhà nước cộng sản, tên tuổi tác giả sẽ được công bố sau và giải sẽ được kín đáo trao vào một thời điểm thuận lợi.

Các giải trên sẽ được nhận Giấy chứng nhận Giải của Chủ tịch Hội đồng Giải – ông Nguyên Ngọc, kèm theo số tiền tượng trưng trị giá $1,000/giải. Theo nhận định của các thành viên tổ chức Giải Văn Việt thì việc đàn áp những người tổ chức cũng như đe dọa, sách nhiễu những người tham gia là chuyện  bình thường của an ninh Việt Nam. Theo dõi, tấn công là hành động thường xuyên công an Việt Nam đối với Văn Việt suốt nhiều năm qua, cho dù giải thưởng này hoàn toàn tập trung vào nghệ thuật và gần như phi chính trị.

“Chỉ dám đăng bài trên trang nhà Văn Việt thôi, đã là một thử thách về lòng dũng cảm”, giáo sư Hoàng Dũng, thành viên Hội đồng Giải Văn Việt nói. “Cách đây không lâu, ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có nói về chuyện mơ ước một giải Nobel Văn chương cho người Việt. Tôi nghĩ rằng điều đó sắp tới rồi vì với cái cách đàn áp khốc liệt như thế này thì Việt Nam sẽ sớm có những tác phẩm về hiện thực xuất sắc ra đời”, giáo sư Hoàng Dũng kết luận một cách mỉa mai.

_______

Mời đọc lại một bài viết của ông Thái Hạo:

Vì sao Vũ Nương chết?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: