LTS: Chuyện nhạc sĩ Nam Lộc đã quá rõ ràng về việc hai bài hát của ông đột ngột đang làm ra tiền cho “ai đó” ở Việt Nam. Và chắc chắn, ông không nhận được đồng nào từ việc sở hữu và thu tiền nặc danh như vậy. May mà có người phát giác giúp ông.
Nhưng nhạc sĩ Nam Lộc không phải là người duy nhất đang bị những điều khó tin ở Việt Nam làm toát mồ hôi hột. Từ một phương trời khác, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm (tác giả những bài hát lừng danh như Tháng Sáu trời mưa, Lời tình buồn, Trả lại thoáng mây bay…) cũng đang tìm cách để giành lại quyền sở hữu của mình, khi một sáng nọ lên YouTube, ông phát hiện có một công ty nào đó tên BH Media tuyên bố làm chủ.
Lẽ ra, câu chuyện của nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm được kể lại hôm nay, để giúp làm sáng tỏ hơn sự kiện “bán nhạc cho cộng sản” của nhạc sĩ Nam Lộc, thế nhưng trong phần nói chuyện và xác nhận của mình, nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm gửi đến một thư ngỏ, bố cáo mọi chuyện một cách hết sức đầy đủ. Câu chuyện là một bài học cho mọi người trong giới văn nghệ sĩ ở hải ngoại cần theo dõi để bảo vệ mình. Trong trường hợp quý vị nào thấy mình cũng đang gặp khó khăn tương tự, xin hãy liên lạc và để Saigon Nhỏ lên tiếng cùng quý vị.
Xin được đăng lại nguyên văn thư ngỏ của nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm dưới đây.
Kính thưa quý vị,
Nay tôi xin thông báo với báo giới trong và ngoài Việt Nam về việc bản quyền âm nhạc, quyền sở hữu tác phẩm của tôi bị tước đoạt ở Việt Nam. Để nói rõ về chuyện này, xin phép được trình bày chi tiết như sau.
Vào ngày 1 tháng 2 năm 2021, email của tôi bị bọn hacker đánh cắp. Sau khi cướp email và đổi hết tất cả những thông tin, mật khẩu, số phone, recovery email của tôi, tiếp sau đó thì kênh YouTube riêng, mà tôi đã xây dựng trong suốt 13 năm, đột ngột không truy cập được nữa, mọi dữ liệu bị khóa lại, hoặc bị delete.
Bất ngờ về chuyện này, tôi vội loan tin trên trang Facebook cá nhân của mình về sự việc kênh YouTube của Hoàng Thanh Tâm bị cướp mất, cũng như clip video “Tháng sáu trời mưa” do chính tôi, Hoàng Thanh Tâm hát, lại bị Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) claim bản quyền (xem hình kèm). Nói rõ hơn thì VCPMC thông báo họ là người giữ bản quyền, còn tôi là người ăn cắp nhạc và vi phạm. Trong lúc tôi hoang mang chưa biết làm sao, thì có người ở Việt Nam, làm việc với BH Media (Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Truyền thông Bihaco – Việt Nam) đã tìm cách liên lạc với tôi thông qua Jimmy Nhựt Hà ở Mỹ. Người này nói có nhã ý muốn giúp tôi lấy lại kênh YouTube đã bị mất. Anh X. (tôi tạm gọi tên là vậy, vì chưa muốn mở rộng sự kiện) là người làm về luật bản quyền, mà tôi được biết cũng có công việc với cả VCPMC.
Sau gần 6 tháng kênh YouTube chính thức Hoàng Thanh Tâm bị mất, vào ngày 2 tháng 7 năm 2021, sau hơn một tuần qua lại thư từ email với Google/YouTube Team, Anh X. đã giúp tôi thành công lấy lại địa chỉ gmail bị hack cùng toàn bộ kênh YouTube của Hoàng Thanh Tâm.
Lấy lại ở đây, có nghĩa là tôi nhận lại kênh YouTube của mình, các bài hát còn nguyên, mọi thứ vẫn vậy chứ không bị mất gì cả. Nhưng anh X. không cho tôi biết thêm thông tin là ai đã lấy, và câu chuyện lấy lại ra sao.
Bất ngờ, sau khi đã thu hồi lại kênh YouTube của mình, tôi nhận ra thì hầu như tất cả những bài hát của Hoàng Thanh Tâm do tôi upload lên kênh YouTube này, đều bị tuyên bố là bản quyền thuộc về người khác (copyright claim – xin xem hình đính kèm). Nơi đứng tên chủ sở hữu các tác phẩm của tôi, chính là công ty BH Media: Tuyên bố tất cả đều là của họ, dù tôi chưa hề ký cho phép hay bán bất cứ bản quyền nào cho BH Media.
Khi tôi chất vấn về sự kiện này thì người của BH Media giải thích là họ đã mua bản quyền những bài hát của tôi từ trung tâm Giáng Ngọc, Diễm Xưa, Làng Văn ở bên Mỹ (?). Nhưng tôi lại chưa bao giờ bán bản quyền của mình cho bất kỳ ai. Và chắc chắn, dù các trung tâm nói trên có bán các bản ghi âm liên quan đến tôi, cũng không có được bất kỳ một văn bản nào xác định được tôi bán bản quyền.
Cần phải nói thêm là trong hai thập niên 80 và 90, khi tôi qua Mỹ để thực hiện những album nhạc của Hoàng Thanh Tâm, thì tôi là người đã trả mọi chi phí cho ca sĩ góp mặt trong tất cả những album của mình, trước khi bán lại bản master – bản ghi âm hoàn thành chính thức – từng album cho các trung tâm băng nhạc, khi họ muốn mua lại để in ra phát hành. Chính xác là tôi chỉ nhượng lại một phiên bản ghi âm chính (master copy) gồm những bài hát của tôi mà ca sĩ đã thu âm, chớ không hề bán đi bản quyền sở hữu trí tuệ những bản nhạc tôi đã sáng tác. Tôi vẫn là người giữ bản quyền. Cho tới nay, tôi chưa hề ký hợp đồng bán bản quyền, hay ủy quyền việc quản lý những bản ghi âm của mình cho bất cứ trung tâm nào ở Mỹ hay ngay cả ở Việt Nam từ đó đến nay.
Tôi thực sự thấy điều gì đó không bình thường. Nó không giống với những gì về luật lệ mà tôi đã làm và có kinh nghiệm từ thập niên 80 cho đến nay, từ Mỹ Pháp, đến Úc. Và tôi cũng thắc mắc là vì sao VCPMC, được gọi là một trung tâm tài phán về bản quyền âm nhạc Việt Nam lại đứng tên bên cạnh công ty BH Media – nơi đang tiếm danh sở hữu các tác phẩm của tôi mà lại không có bất kỳ văn bản hay chữ ký nào xác nhận của tôi.
Những người bạn tôi thì diễn đạt khác: Chính kẻ hack kênh YouTube của tôi và nơi đang tuyên bố bản quyền là một. Có người còn nói chính những nhạc sĩ, ca sĩ hay những người chưa ký kết với các nơi kiểm soát bản quyền ở Việt Nam nhưng tác phẩm của họ có thể thu tiền được, sẽ bị vướng phải màn kịch này. Đặc biệt là những tác giả ở hải ngoại, hay vì già yếu, không biết về công việc này. Kể cả những người chưa, không muốn cộng tác hay ký kết gì với các nơi môi giới quản lý và trung tâm VCMPC cũng bị thu tóm như vậy. Tôi không dám tin sự mô tả kinh hoàng như vậy, nhưng rất phân vân.
Khi công bố thư ngỏ và câu chuyện này, tôi muốn giới thiệu câu chuyện của mình như một lời cảnh báo với tất cả những anh chị đồng nghiệp ở mọi nơi, và khẩn thiết yêu cầu BH Media cùng VCPMC phải lập tức hủy bỏ mọi tuyên bố sở hữu bản quyền bất cứ bài hát nào của Hoàng Thanh Tâm. Họ phải rút lại việc tiếm danh trên YouTube và mọi nền tảng nào khác, nếu có. Chấm dứt CLAIM COPYRIGHT những bài hát của Hoàng Thanh Tâm. (Đính kèm danh sách 60 nhạc phẩm Hoàng Thanh Tâm sáng tác và đã phát hành, được ghi rõ trên wikipedia).
Mặt khác, tôi cũng đang liên lạc với các luật sư quen biết về bản quyền ở Úc, và Việt Nam để có thể sớm làm việc với BH Media và VCPMC về chuyện tất cả những nhạc phẩm tôi sáng tác đã bị tước đoạt bản quyền.
Kính báo,
Sydney, Úc Châu, ngày 01/08/2021
Nhạc sĩ HOÀNG THANH TÂM
Địa chỉ email liên lạc: [email protected]
Điện thoại cầm tay: +61468614001