Nhạc vàng, nước non ngàn dặm ra đi

Ảnh: Jace & Afsoon/Unsplash
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Chút quà cho quê hương
Loading
/

Âm nhạc, rõ ràng không là một môn nghệ thuật chỉ nhằm giải trí. Âm nhạc phản ảnh tâm tình, mơ ước và ý chí con người, thuộc đủ thành phần xã hội có quan niệm sống khác nhau và lắm niềm vui nỗi buồn riêng, nhưng có thể chia sớt cho nhau hạnh phúc và ngay cả khốn cùng. Và, những cuộc ly hương của đàn chim Việt đã được nhiều nghệ sĩ diễn đạt sống động bằng nhạc vàng, lãng mạn nhưng cũng đầy ắp dân tộc tính, đau thương mà vẫn không thiếu hào hùng. Những nội dung muôn hình muôn vẻ đã được sáng tác, được nghe và tạo cảm xúc cho hàng vạn người thuộc nhiều thế hệ, tạo thành thiên nhạc sử ca đặc thù Việt Nam về những cuộc hành trình có một không hai trong lịch sử di cư và tỵ nạn của loài người.

Khúc ca dạo đầu đầy cảm xúc của kẻ ở người đi chắc hẳn phải là sáng tác đặc sắc của Lam Phương Chuyến Đò Vỹ Tuyến: Đêm nay trăng sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bên giòng sông bạc hai màu, như là dấu ấn của cuộc di cư 1954. Nhiều người từng nghĩ tác giả là một người trong cuộc, có gốc gác miền Bắc hoặc Trung, hoặc có thể là một nhà tuyên truyền lão luyện. Nhưng không, Lam Phương lúc ấy chưa đến tuổi hai mươi và quê nhà ở tận Bạc Liêu Lục Tỉnh. Nhạc phẩm này qua các đài phát thanh đã góp phần đáng kể tạo mối đồng cảm giữa đồng bào. Tiếc thay, ở miền Bắc vào thời ấy và suốt hai chục năm sau, máy thu thanh là đồ quốc cấm và người dân chỉ có thể nghe các chương trình của đài Hà Nội phát ra từ các loa treo ở mỗi đầu xóm. Nỗi lòng của đôi trai gái yêu nhau tưởng chừng vĩnh biệt, cũng là thảm cảnh ly tan của hàng vạn gia đình và dân tộc.

Người ơi nước Nam của người Việt Nam, vì đâu cắt chia để lòng nát tan, đây Bến Hải là nơi ngăn cách đôi đường! Nhạc vàng là một trong những món hành trang tinh thần được người ra đi không quên mang theo. Những tác phẩm được gọi là tiền chiến rồi đã được hát, được nghe và phổ biến khắp phương Nam. Trên đất Bắc, sau cuộc “đổi đời”, người ở lại cứ tưởng rồi sẽ có cơ hội cho văn hóa văn nghệ trăm hoa đua nở. Nhạc sĩ Hoàng Dương có lẽ cũng nghĩ như vậy. Ông từng vào Nam vài năm trước đó, vì nhớ: Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi…

Đó là lời của bài Hướng Về Hà Nội mà Hoàng Dương đã sáng tác và để lại ở miền Nam. Và chỉ có thế, từ khi hồi hương, ông không còn sáng tác nào đáng để lại cho đời nữa. Những bản nhạc tiền chiến khác như Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong; Cô Láng Giềng của Hoàng Quý, Xuân Và Tuổi Trẻ của La Hối, và nhiều bài ca của Văn Cao cũng như của Đoàn Chuẩn… cũng đã kịp theo người xuôi Nam.

Bên kia vỹ tuyến, còn đâu Suối Mơ dẫn lối về Thiên Thai, khi mà Tôi đi không thấy phố thấy nhà chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ, màu được xác nhận là biểu tượng của cờ in máu chiến thắng in hồn nước, đường vinh quang xây xác quân thù… Khác hẳn câu ca nhân bản của Phạm Duy: Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai? Nơi phương Nam đất lành chim đậu, cũng có những mối Tình Quê Hương: Anh về qua xóm nhỏ, em chờ dưới bóng dừa, nắng chiều lên mái tóc, tình quê hương đơn sơ, sẵn lòng hòa hợp với nhau trong cuộc sống: Em gái Bắc Ninh, anh trai Biên Hòa, anh quê Thanh Nghệ, em nhà Cà Mau, se duyên Nam Bắc dạt dào tình thương. Và kia rồi, Hòn Ngọc Viễn Đông, phố xá thênh thang đón chân ta đến nơi này, Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!

Sài Gòn, chính Sài Gòn và hàng chục thành phố khác đã được người di cư 54 cùng người Trung và người Nam chung sức xây dựng tạo nên một thời phát triển và thịnh vượng không thua kém Singapore, Đài Loan và cả Nam Hàn. Không thể không kể đến những thành quả vàng son của văn học nghệ thuật, đặc biệt là trong lãnh vực âm nhạc. Nữ văn công của “bên thắng cuộc”, Dương Thu Hương, khi vào Nam năm 1975, đã vô cùng sửng sốt khi được chiêm ngưỡng những thành quả ấy! Bé cái lầm đã sáng mắt biết rằng té ra trước đó đã sống trong Thiên Đường Mù, không hề giống Thiên Thai của Văn Cao và Thế Lữ.

Ảnh: henry perks/Unsplash

Thực vậy, rất nhiều thi văn sĩ trí thức cùng thời với hai vị ấy đã sớm nhận ra Mặt Thật nhưng đã quá muộn! Ở miền Nam, khác hẳn với miền Bắc, học trò vẫn được học và yêu chuộng những danh tác văn thơ nhạc tiền chiến, cho dù sau 1954 các tác giả đã trở thành đảng viên. Sau vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, tất cả chỉ là vang bóng một thời, các tác giả đành ngậm bồ hòn làm ngọt, ăn cơm chúa múa tối ngày để sống còn, ngay cả Huy Cận lúc ấy là thứ trưởng Văn hóa cũng đành Ngậm Ngùi, còn như Nguyễn Tuân lúc về già đã thú nhận: Tôi còn sống vì tôi biết sợ!

Nhưng trong thâm tâm, nhiều đồng chí trong văn giới với ông hẳn đã sớm nghiền ngẫm bài thơ “tiên tri” Nhớ Rừng của Thế Lữ: Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt, ta nằm dài trông ngày tháng dần qua… Khinh lũ người ngạo mạn ngẩn ngơ, giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm! Thực ra, giới văn nghệ sĩ miền Bắc đã có dịp thưởng thức văn hóa văn nghệ của miền Nam khá sớm, vì âm nhạc qua đài phát thanh Sài Gòn đã vượt không gian qua bức màn sắt để đến tận tai mọi người, kể cả người mù!

Theo lời nhạc sĩ Tô Hải viết trong hồi ký tự thú Thằng Hèn: Vào khoảng những năm đầu thời 1960, ở Hà Nội có Vụ Án Nhạc Vàng liên quan đến nhiều quan chức trong ngành văn hóa, nhiều lần tụ tập nghe nhạc Sài Gòn và sở hữu máy thu thanh là đồ quốc cấm! Máy thu thanh, miền Bắc gọi là đài, bị cấm vì Hà Nội sợ dân chúng lén nghe “tuyên truyền của địch” và nghe nhạc Sài Gòn. Tuy vậy, vào thời ấy hiện tượng mê nhạc vàng đã xảy ra sau khi hàng vạn chiếc radio Ấp Chiến Lược đã được máy bay Mỹ thả xuống miền Bắc, đa số bị chính quyền tịch thu nhưng cũng có nhiều radio được người dân cất giấu.

Rốt cuộc, những văn nghệ sĩ trong Vụ Án Nhạc Vàng chỉ bị kiểm điểm và phê bình nội bộ, tất nhiên cấp trên của họ không muốn bứt dây động rừng và không muốn quảng cáo không công cho nhạc vàng. Tuy nhiên, cây muốn lặng mà gió chẳng muốn dừng. Thử tưởng tượng những xúc cảm sững sờ của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Hữu Loan, Thế Lữ, Huy Cận, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Hoàng Dương, Nguyễn Bính… khi nghe nhạc và thơ của họ được phổ nhạc vẫn luôn được người miền Nam yêu chuộng.

Hơn thế nữa, họ còn được thưởng thức hầu hết sáng tác của những nhạc sĩ cùng thời hiện còn ở Bắc hay đang sống trong Nam như Lê Thương, Nguyễn Văn Tý, Thông Đạt, Lê Trạch Lựu, Hoàng Giác, Phạm Duy, Nguyễn Văn Thương, Doãn Mẫn, Hoàng Trọng, Dương Thiệu Tước, Xuân Tiên, Tô Vũ, Văn Phụng, Phạm Trọng Cầu, Phạm Đình Chương, Hoàng Thi Thơ… nối tiếp với Nguyễn Văn Đông, Anh Việt Thu, Nguyễn Hiền, Lê Trọng Nguyễn, Cung Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Nhật Ngân, Song Ngọc, Hoàng Nguyên, Thanh Sơn, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Trầm Tử Thiêng, Anh Việt, Lê Hựu Hà, Y Vân, Lê Dinh, Minh Kỳ, Y Vũ, Trường Sa, Lê Huy Linh Vũ, Dũng Chinh, Lê Uyên Phương…

Cùng nhiều nhạc sĩ tên tuổi không kể xiết thi thố tài hoa muôn hình muôn vẻ. Tất cả cùng xây dựng và điểm tô nên một tòa lâu đài nhạc vàng Việt Nam bền vững và huy hoàng tráng lệ! Chắc chắn tự sức mạnh của riêng nhạc vàng không thể đọ với vũ khí sát thương và tính ngông cuồng của con người, để quyết định hồi kết của một cuộc chiến tranh. Nhưng ai đem thành bại luận anh hùng?

Điều này chính nhạc vàng đã có câu trả lời. Nhạc vàng từng có thời góp sức động lực cho hàng vạn người tung cánh chim tìm về tổ ấm. Những người chủ chiến không thể chấp nhận thực tế ấy nên tuyệt đối cấm dân chúng không được nghe nhạc vàng, nhất là giới bộ đội trẻ bị xua vào Nam. Chúng tôi, trong một chuyến công tác văn nghệ cho Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đóng quân tại làng Cổ Bi Hiền Sĩ cạnh sông Bồ thuộc Huế, vào dịp Tết Quý Sửu đầu năm 1973 khi Hiệp định ngừng bắn vừa ký kết, còn nhớ rằng khi chương trình ca nhạc vừa bắt đầu, lập tức đã có tiếng gõ thùng, gõ mõ và súng nổ báo động ầm ĩ của bộ đội bên kia bờ của khúc sông hẹp.

Một vị sĩ quan Dù nói với chúng tôi: “Các anh chị yên trí, thủ trưởng của họ sợ lính nghe nhạc của mình lắm, nhưng không dám làm càn đâu”. Lúc ấy anh em binh sĩ Dù vẫn ngồi, phân tán rải rác mà không hàng ngũ như thường lệ nhưng súng M.16 sẵn sàng bên cạnh, chăm chú nghe bài hát Xuân Này Con Không Về mà họ vừa yêu cầu: Bao lớp trai hùng chào xuân chiến trường, không lẽ riêng mình êm ấm…  

“Nhạc của mình” chính là nhạc vàng, nhưng thú thật trước năm 1975 tôi chưa từng được nghe nhắc đến mỹ từ ấy, dù đã nhiều năm làm việc cùng sở với các vị Lam Phương, Duy Khánh, Đan Thọ, Nhật Trường, Bảo Thu, Giao Tiên, Elvis Phương… Mãi đến khi vào trại giam vì thuộc “bên thua trận”, nhiều người bạn tù thắc mắc hỏi cai tù tại sao lại đọc là nhạc vàng nhay nháy trên đài phát thanh hoặc trong sách báo.

Được trả lời rằng, “nhạc vàng” viết trong ngoặc kép là để nhấn mạnh nhạc của miền Nam, của cờ vàng “phản động”, nhằm phân biệt với nhạc đỏ không nhay nháy phục vụ lý tưởng cờ đỏ! Nhưng khoảng mười năm sau ngoài nhà tù lớn, hai dấu ngoặc kép dần dần không còn đeo bám nhạc vàng nữa. Quả là một lai lịch kỳ thú! Bất chấp bị nung trong lửa đỏ, bị vùi dập dưới bùn đen; cho đến nay hàng ngàn bản nhạc vàng vẫn được trình diễn, được hát và được nghe khắp nước, ngay cả những tác phẩm ca ngợi người lính từng hàng hàng lớp lớp dưới bóng cờ vàng.

Sau Chuyến Đò Vỹ Tuyến hai mươi năm, người Việt phải trải qua một bất hạnh khác. Nhạc sĩ Nam Lộc thời trẻ đã “mất” Hà Nội, đến tuổi trung niên lại phải đau lòng Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt. Đó cũng là nỗi xót xa của hàng vạn người khác. Nhưng may mắn thay, người vượt biển vẫn mang theo quê hương nên đã tạo dựng được một Little Saigon trên đất Mỹ và nhiều khu phố có hàng ngàn đồng hương tập hợp bên nhau luôn có cờ vàng bay phất phới. Những dịp lễ Tết truyền thống, những buổi tưởng niệm anh hùng liệt nữ luôn được long trọng tổ chức hàng năm, nơi chiếc nón lá và tà áo dài được thấy hàng ngày, nơi đồng bào vẫn nói với nhau bằng tiếng mẹ đẻ: Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm thành tiếng lòng tôi, tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi… Và lời mẹ ru chính là khúc tình ca dân dã tuyệt vời đầu tiên của nhạc vàng suốt đời không ai quên được.

_______

Thực vậy, dân Việt kể cả thế hệ trẻ vẫn nhớ, vẫn hát, vẫn nghe nhiều bản nhạc vàng xưa nhất có tuổi bằng một đời người hoặc thậm chí hơn. Gia tài nhạc vàng, từ đợt di cư đầu tiên chỉ có vài chục bản, đến nay đã có đến hàng ngàn bản. So với vàng, một quý kim bậc nhất nhưng có giá trị càng nhỏ khi phân ra nhiều phần; ngược lại, nhạc vàng càng thêm cao quý khi được ngàn vạn người chia sẻ, tỏa rạng như ánh hào quang. Dưới ánh hào quang đó, người ta có thể nhận ra bóng dáng của hàng trăm nghệ sĩ tài hoa đã đem lời ca tiếng hát cống hiến cho đồng bào. Rõ ràng, trên những bước đường nước non ngàn dặm ra đi, nhạc vàng luôn được trân trọng mang theo và vẫn ân cần để lại, cũng như đã ưu ái gởi về mà Việt Dũng khiêm nhượng gọi là Chút Quà Cho Quê Hương.

PHẠM VĂN

Rosemead, California, Feb 2022

Nếu anh chị có ý kiến về chủ đề này, vui lòng thư về [email protected]. Chúng tôi sẽ đăng bài viết của anh chị như một cách mở rộng diễn đàn: “NHẠC VÀNG TRONG TIM TÔI”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: