Nhớ Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ và Nguyễn Đức Quang

Kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (27-3-2011)

Vào cuối Tháng Tám 1984, cơn nóng của mùa hè muộn đã thiêu đốt cả miền duyên hải Cali. Trời nóng trên 100 độ F. Thiên hạ đổ xô ra đường vào mỗi cuối tuần để tìm về biển xanh hay núi đỏ. Giao Chỉ tôi thuận bước lãng du, đã có dịp đi ngược chiều con sông Sacramento danh tiếng. Từ miền Santa Clara đi theo con đường số 5 lên phía Bắc cách xa gần 300 dặm tới miền Redding, nơi có 3 con sông gặp nhau giữa núi rừng bao la. Đó là giòng sông Sacramento và hai đứa con song sinh hữu ngạn của nó là sông McCloud và sông Pit.

Ngày xưa khi người di dân Hoa Kỳ mới đến Cali đã đứng bên bờ nước nhìn xuống cái đại hội sông hồ vĩ đại mà nghĩ cách chế ngự thiên nhiên. Họ muốn tìm cách ngăn chặn khối nước khổng lồ từ các thác nguồn ào ào đổ xuống cùng với những trận mưa rừng ngay tại vùng phát nguyên của ba giòng sông kết hợp.

Một dự án chính thức được liên bang chấp thuận năm 1935 nhưng phải mất 20 năm mới hoàn thành. Đập nước vĩ đại cao 600 bộ, dài 3,500 bộ với 6 triệu thước khối bê tông ngăn ngang hạ lưu con sông Sacramento để giữ lại một khối nước bao la tràn ngập 7,000 dặm vuông, làm thành một hồ nước nhân tạo lớn nhất thế giới. Cái đập nước và hồ nước đó mang tên SHASTA. Đây là một công trình thủy điện đã cung cấp tiện ích cho phần lớn tiểu bang California.

Nếu du khách chưa từng đến miền Shasta, bạn hãy tưởng tượng đến một nơi mà núi rừng xanh um cây cỏ, rồi có một ngày nước dưới vực sâu từ từ dâng lên. Nước lên cao tràn ngập núi rừng và tùy theo thế đất uốn khúc quanh co để lau sậy chen nhau san sát bên bờ nước.

Xuống con thuyền, chèo đi giữa cõi mênh mông u tịch, người du khách Việt Nam mất nước đang đi tìm về nguồn nước. Tưởng như lạc đến miền đất ngàn năm cũ, theo tích xưa Sơn Tinh, Thủy Tinh đánh nhau mới vừa hưu chiến. Nước vẫn còn ngập lưng đèo, và núi non còn muốn vươn mình đứng dậy. Con thuyền nhỏ đi giữa hoàng hôn vắng lặng. Tiếng sóng vỗ nhẹ, làm cặp chim bồ nông nặng nề chuyển động.

Chợt chúng tôi thấy có tiếng ca vang mà ruột gan cồn cào nao nức. Thoạt nghe như thoảng thấy âm điệu Á Châu, càng lại gần càng rõ tiếng Việt. Có lẽ đoàn hướng đạo đồng hương họp trại quanh đây! Lời ca Việt Nam nghe lanh lảnh giữa trời mây nước Shasta, thật hết sức xúc động. Đổ bộ lên hỏi thăm mới biết có một nhóm anh chị Du Ca cắm trại.

Bài ca “Việt Nam quê hương ngạo nghễ “ với lời ca bất hủ một thời vang vang trên hồ Shasta ở miền cực bắc California đã làm tôi xao xuyến bồi hồi. Chúng tôi ngồi xuống bên anh chị em và được nghe lại biết bao nhiêu tiếng hát yêu dấu một thời.

Với cây đàn giây và một cây kèn thổi miệng, anh chị em Du Ca trẻ của các trường đại học Cali đã đi từ “Đường Việt Nam” qua “Hy vọng đã vươn lên” và sau cùng là màn song ca bài “Bên kia sông.”

Phong trào nhạc Du Ca được biết có nhiều nhạc sĩ tham dự kể cả Phạm Duy, Trần Quang Lộc, Trầm tử Thiêng v.v… Nhưng buổi trưa hôm đó, các bạn toàn chơi nhạc Nguyễn Đức Quang. Kỷ niệm từ tháng 8-1984 đến nay gần 30 năm, nhưng không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Các bạn cho tôi một tập bài ca của Nguyễn Đức Quang. Theo thứ tự ABC. Không có mẫu tự nào là không có nhạc của chàng. (A) Anh em tôi… (B) Bên kia sông… (C) Cần Nhau… (D) Dưới ánh mặt trời… (Đ) Đường Việt Nam… (G) Gươm thiêng… (H) Hy vọng đã vươn lên. (K) Không phải lúc đặt vấn đề,.. cứ như thế mà đi cho đến. (V) Việt Nam quê hương ngạo nghễ.

Du ca tại Việt Nam

Dù tai đã nghe quen nhạc du ca, nhưng thực sự cá nhân tôi không biết nhiều về tổ chức của anh em. Đọc thêm tài liệu mới biết nhóm Du Ca ngày xưa từ thập niên 60 đã trở thành một phong trào thanh niên. Những người tuổi trẻ lên đường tìm sinh lộ cho dân tôc và lấy tiếng ca làm ngôn ngữ cho cộng đồng. Trong số rất nhiều anh em, Nguyễn Đức Quang là một người vừa soạn nhạc, vừa trình diễn và vừa lãnh đạo phong trào. Bài ca của các anh đem lại hồn dân tộc, bài ca làm cho cả nước trở thành anh hùng. Chợt bừng tỉnh, thấy mình như Thánh Gióng vươn mình đứng dậy, cưỡi con ngựa sắt mà bay lên tận trời xanh.

Du ca trở thành con đường lý tưởng của thanh niên. Tuổi 20 đi trên “Đường Việt Nam. Đi dựng lấy huy hoàng, giống da vàng này là vua đấu tranh.”

Ai cũng có thể vào một buổi sáng thức giấc nghêu ngao: “Đường Việt Nam ôi vô cùng vô tận, Đường ngang tàng ngoài biển Nam, giữa Trường Sơn”.

Nguyễn Đức Quang là người viết nhạc hùng với những lời ca lý luận hết sức thực tế. Đó là bài “Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề.” Hãy đứng dậy đón chào bình minh với “Hy vọng đã vươn lên. Trong màn đêm bao ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chinh chiến. Hy vọng đã vươn lên trong mồ sâu quá ưu sầu.”

Và Nguyễn Đức Quang cũng viết bài tình ca. Bài hát thiết tha, dịu dàng là một bài thơ phổ nhạc. Thi sĩ là ông Nguyễn Ngọc Thạch. Nhà thơ đã viết bài Bên kia sông độc đáo. “Núi mừng vì mây đến rồi.”

Chàng nói với em rằng “Nói cho vừa mình anh nghe thôi.” Rồi những lời thơ ẩn dụ yêu thương: “Lòng đòi tình vật vã khôn nguôi.” Nhạc sĩ đã dùng lời thơ êm ái đưa vào một điệu nhạc với điều thú vị nhất là hết sức dễ hát.

Du Ca tại San Jose

Đó là chuyện Du Ca ngày xưa mà nay tôi mới tìm hiểu để trình bày lại. Nhưng điều ngạc nhiên là khi Nguyễn Đức Quang về trình diễn tại San Jose, chúng ta đã có dịp nghe nhóm anh em Du Ca một thời cùng lên sân khấu. Các anh Trương Xuân Mẫn, Trần Anh Kiệt không ngờ cũng đã Du Ca một thời nay vẫn còn phong độ. Các bạn đã cùng trình diễn hết sức sống động những bài ca của thời binh lửa mà ngày nay vẫn còn nguyên nét hào hùng.

Nhưng thực sự phải xem Nguyễn Đức Quang hát mới thấy rõ sự quyến rũ của Du Ca.

Tham dự văn nghệ ta thường nói là đi nghe hát, nhưng với Nguyễn Đức Quang thì phải là đi xem hát. Dân Sinh Media có thu được rất nhiều lần Nguyễn Đức Quang trình diễn, nhưng đã chọn lọc được một lần xuất thần hơn tất cả nhưng lần khác. Các bài “Đường Việt Nam”, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” trình diễn trên sân khấu nhỏ đã được thu hình trong giây phút nghệ sĩ để hồn vào lời ca, tiếng hát, bằng tay chân, bằng dáng điệu và bằng cả tấm lòng. Quí vị có thể tìm thấy và cảm thông với giây phút huyền diệu trong đĩa DVD số 2 của bộ phim San Jose 35 năm nhìn laị qua 3 kỳ biến động.

Phiếm về du ca Nguyễn đức Quang

Tôi không phải là nhà phê bình âm nhạc, nhưng gọi là phiếm luận thì ai cũng có thể. Xin phiếm như sau. Trịnh Công Sơn kêu gọi ngồi xuống thì Nguyễn Đức Quang thôi thúc đứng lên. Cùng trong cuộc chiến, Trịnh Công Sơn than thở thì Nguyễn Đức Quang chấp nhận.

Trịnh Công Sơn nhìn thế giới trong hoàng hôn thì ánh bình minh rọi sáng với Nguyễn Đức Quang. So sánh cả với du ca Phạm Duy sống trong thế giới mùa Thu thì du ca Nguyễn Đức Quang vĩnh viễn là mùa hè. Nếu Phạm Duy tuyệt vọng trong cuộc chiến bi thảm thì Nguyễn Đức Quang luôn luôn thấy hy vọng đã vươn lên. Nếu Phạm Duy và Trịnh Công Sơn soạn nhạc cho cuộc đời ca hát thì Nguyễn Đức Quang soạn nhạc để chính mình cùng ca hát với cuộc đời.

Những nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ trình diễn, họ chia nhau làm cho cuộc sống thăng hoa. Lấy văn hóa tô điểm cho cuộc đời. Nguyễn Đức Quang là một trong số các nghệ sĩ hiếm hoi vừa soạn nhạc vừa trình diễn. Vì vậy mỗi lần đi xem du ca Nguyễn Đức Quang, chúng ta lại mắc nợ anh khá nhiều. Anh là nhạc sĩ, là ca sĩ và anh lại còn là diễn viên.

Biết bao giờ khán giả chúng ta mới trả hết nợ nần.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: