Nói gì cho nhau nghe, nhân mùa Giáng Sinh?

Ngoài những câu chuyện độc đáo thỉnh thoảng vẫn được kể lại trên báo chí, nhân mùa Giáng Sinh, người ta vẫn thường trò chuyện và nhắc lại những ngày Giáng Sinh đã trôi qua trong đời mình, gia đình mình, hoặc được nghe thấy từ đâu đó. Đôi khi chỉ là những điều tình cờ, hoặc một vài ý nghĩa nho nhỏ nào đó để lại, ngày tháng sẽ đẹp đẽ và quý báu cùng nhau với những thông điệp giản dị trong ngày mừng Chúa ra đời.

Thêm một mùa Giáng Sinh lại đến nữa rồi. Và trong đêm thiêng liêng, khi gia đình cùng quay quần bên nhau với ánh lửa ấm, những câu chuyện đời lại được trao cho nhau. Báo Reader’s Digest đã thử thu thập một số câu chuyện nhỏ, gần gũi và cảm động – như một gợi ý cho bạn – về những điều sẽ chia sẻ cùng nhau trong những ngày sắp tới. Hãy thử đọc qua vài câu chuyện nhỏ dưới đây, biết đâu, bạn sẽ nhớ lại những điều thú vị của mình…

1. Mẹ tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện Giáng sinh có thật này, từ Thế chiến thứ nhất nhiều năm trước.

Giáng sinh năm 1917 đang đến gần, nhưng vì anh trai Archie Clikeman của bà mất tích và có lẽ đã chết nên cả gia đình đã không tổ chức ăn mừng. Đó là một mùa Giáng sinh thật buồn rầu.

Ở thị trấn Parker, Nam Dakota, dân cư ở đây luôn nói đùa rằng người quản lý bưu điện của thị trấn nhỏ lúc nào cũng cần mẫn đọc qua tất cả các bưu thiếp để chuyển đi ngay, bất cứ khi nào có chuyến tàu đưa thư vào thị trấn. Và vào đêm Giáng sinh năm đó, ông ấy đã sống đúng với danh tiếng của mình.

Gia đình tôi luôn biết ơn rằng người quản lý bưu điện đó, thay vì đợi bưu phẩm chuyển đi vào ngày hôm sau Giáng sinh, ông đã gọi ngay cho bà tôi, và nói với bà rằng tin tức cho biết Archie đang bị giam giữ như một tù nhân chiến tranh, nhưng sống sót. Archie viết trên tấm bưu thiếp muộn màng gửi đến cho bà tôi rằng anh ấy vẫn khỏe. Với mẹ tôi, đó hóa ra là một Giáng Sinh tuyệt vời nhất từ ​​trước đến nay. Bà đã khóc vì vui mừng. Sau đó ít lâu, Archie trở về nhà sau chiến tranh và sống trọn tuổi già. — Kay Johnson, Parker, Nam Dakota.

2. Năm 1935, thời kỳ đỉnh điểm của cuộc suy thoái, tất cả mọi người vô cùng khó khăn. Khi ấy tôi 10 tuổi. Chúng tôi sống trên tầng một của một căn hộ chung cư trên đường 43, ở Brooklyn, New York. Vài ngày trước lễ Giáng Sinh, tôi còn nhớ mình nhìn ra cửa sổ bếp, và thấy cha tôi đang ngồi khom lưng, chán nản, nước mắt lưng tròng. Người đưa thư đang đến gần tòa nhà của chúng tôi. Ông ta nhìn thấy và ghé vào hỏi bố tôi rằng có chuyện gì vậy.

Tôi nghe cha tôi nói rằng ông đã sử dụng hết phiếu ăn trợ cấp từ chính phủ và tiền thuê nhà đã quá hạn. Bố tôi là một người lương thiện. Ông đã cố gắng làm việc như một người lao động cần mẫn nhất cho Cơ quan Quản lý Tiến độ Công trình, nhưng ông không phải là một người mạnh mẽ. Công việc quá khó khăn đối với ông. Tôi đã vô cùng sợ hãi, khi nhìn thấy những tờ báo với hình ảnh người ta bị vứt ra đường cùng tất cả đồ đạc của họ.

‘Ike, bạn cần bao nhiêu?’ người đưa thư hỏi. Bố tôi nói rằng ông ấy cần 33 đô la cho tiền thuê nhà, và không hề do dự, người đưa thư lấy 50 đô la từ ví của ông ấy và đưa cho bố tôi.

Bố tôi bàng hoàng nói: “Tôi không biết khi nào mới có thể trả lại tiền cho bạn”. Người đưa thư vòng tay qua cha tôi và nói rằng sẽ không sao, trả được thì tốt, không trả được thì thôi, chẳng sao cả. Ngay lúc đó, người đưa thư nhận thấy tôi đang nhìn qua cửa sổ, nên nói, “Isaac, mọi thứ sẽ không khó khăn mãi mãi”, rồi quay qua bố tôi  “Anh hoặc con trai của anh nên nhớ ngày này. Sẽ có lúc trong tương lai khi ai đó cần anh giúp đỡ. Hãy giúp họ trong khả năng của anh, và cho họ biết điều gì đã xảy ra hôm này. Đây chính là sự hoàn vốn của tôi. Chúc Giáng Sinh vui vẻ và hạnh phúc”.

Nhiều năm rồi, tôi mong là người đàn ông ấy còn sống để biết rằng về sau,  cha tôi đã giúp đỡ những người khác, và chính tôi đã cố gắng hết sức, vì nhớ mãi và để đền đáp lòng hảo tâm của ông ấy. —Martin Klapper, Longmont, Colorado

3. Cách đây nhiều năm, khi tôi kiếm được chỉ 75 xu một giờ, ba đứa con của tôi đã xin mua xe đạp nhân lễ Giáng Sinh. Nhưng ước mơ nhỏ nhoi đó của bọn trẻ, tôi mãi không đủ tiền mua. Vì vậy, Tháng Giêng năm đó, tôi đưa ba chiếc xe đạp vào kế hoạch dành dụm. Tôi đã tiết kiệm suốt cả năm, nhưng một tuần trước lễ trước khi Giáng Sinh đến, đếm lại tôi vẫn còn thiếu 14.50 đô la.

Thứ Bảy trước Giáng Sinh, con trai tôi, Ricky hỏi tôi cần bao nhiêu. Khi tôi nói với nó về số tiền còn thiếu, Ricky nói có thể cùng góp vào bằng những đồng xu từ khỏi cái bình đựng đồng xu mà của nó không. Tôi nói, “Con trai ơi, bố biết nhưng bố tin là không có số xu nào trị giá 14.50 đô la trong đó”. Ricky vẫn đổ chúng ra, tin rằng sẽ có một điều kỳ diệu nào đó. Ricky đếm chúng và đột ngột reo lên, “Mẹ ơi, tất cả cộng lại được 15.50 đô la”.

Ngạc nhiên đến hẫng người – chỉ có thể là một phép lạ bí ẩn  – tôi bảo con trai hãy dùng 1 đô la làm tiền xăng để tôi chạy đi ngay, mang những chiếc xe về. Tôi luôn nhớ về điều này như một phép màu Giáng Sinh nhỏ của gia đình chúng tôi, mà chưa bap giờ có thể giải thích nổi. Đó là một kỷ niệm Giáng Sinh may mắn mà chúng tôi muốn chia sẻ với mọi người. —Dot Williams, Canton, Georgia.

4. Đó là năm 1999. Vài ngày sau lễ Giáng Sinh, một con chó đen với một chút lông trắng quanh miệng lang thang đến trước hiên nhà chúng tôi, và định cư một cách tự nhiên như thể nó đã sống ở đây cả đời. Bất cứ khi nào có ai ra khỏi nhà để làm việc, hoặc đi cạnh anh rể tôi, con chó đen đều lăng quăng đi theo.

Con chó thu hút chúng tôi bởi sự có mặt bí ẩn của nó. Nó kiên nhẫn đợi cho đến khi chúng tôi xong việc, rồi đón khi chúng tôi về nhà,sau đó nằm xuống hiên nhà. Bên trong căn nhà của chúng tôi lúc bấy giờ luôn u buồn, tiếng trò chuyện lặng lẽ, và mọi thứ đều khe khẽ. Bố vợ 91 tuổi của tôi, Jim Cravens, bị ốm nặng. Gia đình đã tụ tập để chăm sóc, nấu nướng và tiếp đón những vị khách đến thăm.

Giữa không gian trầm lặng đó, sự có mặt của con chó đen đã cho chúng tôi một điều gì đó mới mẻ để nói, một sự đánh lạc hướng tuyệt vời với bối cảnh nặng nề  lúc đó. Ai là chủ của con chó? Có ai đó đã thất lạc chó của mình dọc đường? Con chó có ý định ở lại luôn không?… Phải nói rằng năm đó, nếu không có con chó xuất hiện, chúng tôi đã không có gì để nói với nhau. Sau cùng, chúng tôi đã gọi cho đài phát thanh, nơi trú ẩn động vật, báo chí, cảnh sát trưởng và một số trang trại lân cận về chuyện một con chó bị lạc.

Con chó khiến mọi người vui hẳn lên. Bố chồng tôi cũng lạc quan thêm, và nói rằng ông ấy muốn sống đủ lâu để có thể nhìn thấy thiên niên kỷ mới 21. Rồi ông ấy đã làm được. Ông qua đời vào ngày 2 Tháng Một. Và đó cũng là ngày con chó đen bỗng bỏ đi. Không ai biết nó ở đâu nữa.

Một thời gian sau, chúng tôi nghe nói rằng con chó đen lại được cưu mang bởi một gia đình sống cách trang trại chúng tôi khoảng một dặm rưỡi. Họ đặt tên cho nó là Bogart. Mùa Hè năm sau, Bogart quay lại gặp chúng tôi. Khi chủ của nó đến đón nó, chúng tôi đã kể cho họ nghe về chuyến viếng thăm Giáng Sinh như thiên thần của nó, về chuyện nó đã an ủi gia đình chúng tôi như thế nào bằng sự đồng hành vui vẻ của nó. Chúng tôi muốn họ biết điều đó có ý nghĩa như thế nào. —Suzanne Cravens, Pine Island, Minnesota

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: