Phạm Duy: Để cho cô con gái không buồn vì gió đông…

Trong một chuyến đi chơi xa với nhà thơ Lê Đạt và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, bà Thụy Khuê, nhà lý luận phê bình văn học Việt Nam, định cư tại Pháp, kể lại: Trong xe, tôi để cassette nhạc kháng chiến của Phạm Duy, không nhớ rõ là khi nghe đến bài nào, Quê Nghèo, Bà Mẹ Gio Linh, hay Về Miền Trung, Lê Đạt buột miệng, phải yêu nước như ‘nó’ mới làm được nhạc như thế. Nguyễn Huy Thiệp, khi nghe Thái Thanh hát Bà Mẹ Gio Linh cũng bảo, nổi cả da gà.

Câu chuyện chỉ có như thế thôi nhưng khi đọc, tôi thấy thích lắm. Thích tới mức, tôi đọc đi đọc lại đến hàng chục lần có, đọc muốn thuộc luôn, đoạn văn, thuộc luôn từng từ, từng chữ.

Vì, nó hạp ý tôi mà. Nó hạp với cái bụng tôi. Nó hạp với nghĩ suy của tôi.

Yêu nước đến thế nào mới làm ra nhạc được như vậy, thì từ từ, thủng thẳng, mình sẽ bàn tới, mình sẽ nói tới. Nhưng các bạn biết không, nhạc Phạm Duy ấy mà, đúng là, nhiều ít, đã góp phần, khiến tôi cảm thấy rất yêu cha mẹ, yêu anh em của mình, yêu căn nhà, yêu con mèo, yêu cây mận, yêu chòm mây… , trước khi tôi được học về các khái niệm, gia đình là gì, quê hương là gì, yêu thương là gì.

Nghĩa là, tôi cảm được, nhờ nghe nhạc Phạm Duy, nhờ nghe những giai điệu êm đềm, tha thiết, day dứt, nhớ nhung, đau thương, tưởng vọng ấy, mà đã khiến tôi, một cách rất tự nhiên, yêu tất cả những điều vừa nói ở trên, trước khi tôi đến trường, học những chữ cái đầu tiên của quốc ngữ, năm lên sáu tuổi.

Mỗi tối, chừng hai, ba tiếng trước khi đi ngủ và suốt những ngày nghỉ cuối tuần, nếu các anh tôi không phải học bài, ôn bài, là thể nào, ba tôi cũng mở nhạc Phạm Duy cho cả nhà nghe với các tiếng ca hàng đầu lúc bấy giờ mà ba tôi thích như Thái Thanh, Thanh Thúy, Lệ Thu, Giao Linh, Phương Dung… .

I/ QUÊ NGHÈO
Tâm sự về bài Quê Nghèo, Phạm Duy nói: Huy chương nào chẳng có mặt trái? Có cái hùng của toàn quốc kháng chiến thì cũng có cái bi của người dân phải sống trong chiến tranh. Với những thanh niên ca, quân ca, dân ca kháng chiến, tôi đã nói đến vinh quang của chiến đấu. Bắt đầu từ chuyến đi Bình Trị Thiên vào năm một ngàn chín trăm bốn mươi tám, tôi dùng dân ca để nói lên khổ đau của nhân dân.

Ông nói tiếp: Tôi nhìn rõ hơn bộ mặt thật của chiến tranh. Tôi thấm được cái gọi là grandeurs et servitudes (hay misères) của cuộc đời. Tôi soạn những bài hát rất bi như bài Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, nguyên văn:
Chiều qua, tôi đi qua vùng chiếm đóng. Không bóng trâu cày bên đồng. Vắng tiếng heo gà trên sân. Chiều qua, gánh nước cho Vệ Quốc Quân. Nghe tiếng o nghèo kể rằng. Quân thù về đây đốt làng.
Bao giờ anh lấy được đồn tây hỡi anh… .

Về sau, khi vào sinh sống ở Sài Gòn, vì muốn phổ biến nó, nên tôi phải đổi thành Quê Nghèo.

******
1/ Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói. Có những cánh đồng cát dài. Có lũy tre còm tả tơi. Ruộng khô có những ông già rách vai. Cuốc đất bên đàn trẻ gầy. Có người bừa theo trâu cày.
Nếu như Phạm Duy không viết nhạc mà chuyển sang làm thơ, tôi tin ông cũng vẫn sẽ là một người thành công trong lĩnh vực này.
Với cái lối kể chuyện nhỏ nhẹ, chậm rãi, từ tốn, bắt đầu với những hình ảnh mà ai trong đời cũng mong có, để được thương về, để được nhớ về – làng tôi, làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói.

Lâu lắm rồi tôi mới nghe lại hai chữ “kinh kỳ”. Kinh kỳ là vùng đất chung quanh kinh đô của một quốc gia. Xưa, Huế cũng từng là kinh đô của triều nhà Nguyễn trong suốt một trăm bốn mươi ba năm mà.
Rồi ông kể tiếp, làng tôi có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi. Chỗ này đây, chính chỗ này đây, đã làm tôi ngưỡng mộ vốn từ của Phạm Duy lắm lắm: lũy tre còm tả tơi.

Cái từ còm ấy mà, cũng lại lâu lắm rồi mới nghe, tưởng chỉ tả người như Chương Còm của Duyên Anh, nào dè đâu, trong nhạc của Phạm Duy, đến cái lũy tre mà nó cũng xuất hiện với bộ dạng còm – còm cõi.
Tre là cái thứ dễ mọc, và um tùm. Thế mà, ở quê nghèo, thì cái thứ dễ của người ta, cũng trở thành, cái khó khăn, cái gieo neo, cái vất vả, của mình. Rồi thì hình ảnh ruộng khô, ông già áo rách vai, trẻ gầy. Tưởng trâu mới cày bừa, hóa ra, nghèo, trâu không đủ, thì người phải bừa cạnh trâu, chớ biết phải làm sao bây giờ!

******
2/ Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy. Thấp thoáng bóng người bên ngòi. Tát nước với giọt mồ hôi. Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai. Hiu hắt tiếng bà mẹ cười. Vui vì nồi cơm ngô đầy.

Từ bình minh lên cho đến khi chiều về, người nông phu, một nắng hai sương, siêng năng, cần mẫn, không quản khó khăn, chỉ mong kiếm đủ cái ăn cho đàn con thơ ở nhà.

Ta sẽ lại bắt gặp tại đây, một tài tình khác của Phạm Duy, khi ông tả – chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai.
Hết từ để khen. Quả thực, tôi đã hết từ để khen ông Phạm Duy rồi. Thở thoi thóp thì thường nghe nhưng rơi thoi thóp là rơi làm sao, rơi như thế nào hả các bạn ơi.

Là rơi rất yếu. Là rơi rất nhẹ. Rơi mà tưởng chừng không rơi, là tan, là loang, loang mỏng, loang dần vào bóng tà huy, tan loãng vào không gian khiến tiếng cười của bà mẹ, dường cũng thêm hắt hiu, khi lo lắng, bữa cơm chiều, biết có no lòng cho sắp nhỏ, đương tuổi lớn, tuổi ăn.

******
3/ Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi. Để cho cô con gái không buồn vì gió đông. Bao giờ cho lúa về đầy sân, lúa ơi. Để cho anh trai tráng được gần người gái quê.

Cứ thế, những câu hỏi mà khó ai có thể trả lời được, bao giờ lúa mới được mùa, bao giờ lúa mới đầy sân.
Người nông dân, họ thương lúa lắm, như người thành thị mình thương tiền vậy đó. Không có lúa, làm sao có cơm mà ăn. Không có lúa, làm sao mua được giống trồng cho mùa sau, lợp lại mái nhà, mua bầy gà, đàn heo về nuôi lớn, đặng bán làm lộ phí cho con đi học, cho gái lấy chồng, cho trai lấy vợ.

Phạm Duy chắc phải hiểu rõ lòng nông dân lắm, nên ông mới gọi “lúa ơi” ra chiều tha thiết đến thế. Lúa quý với người, lúa cần cho người, lúa là thức ăn, lúa là hơi thở.

Nghe cái câu – để cho cô con gái không buồn vì gió đông, thiệt là thương vậy đó. Không phải than thở, mà là tha thiết, nhỏ nhẹ, gắng nha, mùa gắng trúng nha, đừng thất bát, để cô gái còn kịp có đôi, trước khi gió đông lạnh lùng kéo về.

Không thì tội cho người con gái ấy lắm!

******
4/ Làng tôi luôn luôn vươn vài đám khói. Những mái tranh buồn nhớ người. Xơ xác điêu tàn vì ai. Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai. Có tiếng o nghèo thở dài. Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi.

Gán cho sự vật có tính cách như người, phép tu từ ấy gọi là nhân cách hóa. Về mặt này, thì tôi phải xác nhận, Phạm Duy là trùm. Là tài lắm. Tài tình lắm.

Gán, không khó. Khó ở chỗ là gán phải cho hay, không chỉ hay mà còn phải lạ, không chỉ lạ mà còn phải độc, độc này không phải độc địa đâu, mà là độc đáo đó.

Chớ không phải sao. Những mái tranh buồn vì nhớ người. Mái tranh biết buồn, mái tranh biết nhớ người, tại sao không. Nhớ người vắt tranh, nhớ người lợp nó, nhớ người từng ra vào nhìn ngắm nó. Nhớ lâu ngày mà không gặp thì buồn chớ sao.

Giặc kéo qua làng, gây bao điêu tàn, xơ xác, vắng hoe. Vắng vì đâu. Vì đâu cảnh nhà thiếu vắng đàn ông? Thì họ ra trận hết rồi còn đâu. Và o xuất hiện. O không tròn, vì o cũng nhớ, vì o cũng buồn, nên o thở dài, o héo hắt, o lo âu.

Và, o nghèo. Ấn tượng lắm luôn, khi Phạm Duy đặt một dọc các từ: o, nghèo, thở dài, đứng cạnh nhau. Nó đè nặng lên người nghe khiến tức ngực, nghẹn ngào và lòng bất nhẫn, lại càng thêm!

******
5/ Từ khi đau thương lan tràn sông núi. Quê cũ đã nghèo lắm rồi. Thêm đói thêm sầu mà thôi. Nằm mơ, mơ thấy trăm họ tốt tươi. Mơ thấy bên lề cuộc đời. Áo dài đùa trong tiếng cười.

Con người, ai lại chẳng mơ. Mơ ước cũng có mà ngủ mơ cũng có. Mơ nào cũng là mơ. Và những giấc mơ ấy, ước mơ ấy, người ta thường mơ cho mình, về mình.

Phạm Duy thì khác, và tôi rất tin vào sự khác ấy. Ông không mơ cho ông. Ông mơ cho bá tánh. Ông mơ cho thiên hạ. Ông mơ gì?

Ông mơ thấy trăm họ tốt tươi.
Các bạn biết không, người nghệ sĩ ấy mà, giả, giả dối, dễ biết lắm. Giả, chỉ nói được những lời khuôn sáo, chỉ nói được những lời bắt chước. Vì không là thật của mình, nên lời họ, viết ra, nói ra, không xúc cảm, không lay động, cũng không làm tim chúng ta run rẩy vì hạnh phúc, vì đớn đau, không làm cho tình cảm chúng ta, hoặc thăng hoa tột đỉnh, hoặc trầm khổ buồn thương!

******
6/ Bao giờ em trở lại vườn dâu, hỡi em. Để cho anh bắc gỗ, xây nhịp cầu bước sang. Bao giờ cho nối lại tình thương, hỡi ai. Để em ra bến vắng, đón chàng người chiến binh.

Hạnh phúc chỉ sẽ ùa về, hiện diện, có mặt, khi nhịp cầu hai bờ vui được nối lại. Không còn chia tan, không còn ly biệt, không còn kẻ ở người đi. Em ra bến, đón anh – chiến binh – thắng trận, trở về!

II/ BÀ MẸ GIO LINH
Với bài Bà Mẹ Gio Linh, Phạm Duy cho biết: Tôi tiếp tục nói tới cái bi trong chiến tranh. Cũng năm một ngàn chín trăm bốn mươi tám, từ Quảng Bình, tôi tới làng Gio Linh ở Quảng Trị. Tại đây, tôi gặp một bà mẹ, có người con đi dân quân, bị giặc bắt, đem chặt đầu treo giữa chợ. Không ai dám lấy cái đầu anh dân quân xuống để đem đi chôn. Bà mẹ lẳng lặng đi lấy đầu con, bỏ vào khăn, gói mang về. Tôi kể câu chuyện đó bằng giai điệu dân ca, với kết luận, sau khi hy sinh người con độc nhất cho kháng chiến, bà sẽ có hàng trăm con nuôi, là những người đi bộ đội khác.
Ông kết luận: Bài này là một bài ca bi hùng chớ không phải là một bài ca bi lụy.

******
1/ Mẹ già cuốc đất trồng khoai. Nuôi con đánh giặc đêm ngày. Cho dù áo rách sờn vai. Cơm ăn bát vơi bát đầy. Hò ơi ơi ới hò. Hò ơi ơi ới hò. Nhà thì nó đốt còn đây. Khuyên nhau báo thù phen này. Mẹ mừng con giết nhiều Tây. Ra công xới vun cầy cấy. Hò ơi ơi ới hò. Hò ơi ơi ới hò.

Bài này, nhứt định là các bạn phải nghe Thái Thanh hát qua một lần nha. Không phải là chuyện hát hay, hát dở đâu, mà là vì bà Thái Thanh bả hát, cảm xúc lắm. Nhất là cái đoạn ngân, nửa hò, nửa hờ, khiến người nghe cũng muốn rớt nước mắt theo.

Mà lạ lùng, phải không các bạn. Mẹ ấy mà, thiệt là chỉ có mẹ mà thôi. Mẹ áo rách nhường con áo lành. Mẹ ăn bát vơi để con bát đầy. Mẹ cuốc đất trồng khoai cho con yên lòng ra trận.

Không gì đẹp bằng người mẹ, các bạn ha. To ra một chút, bự ra một chút thì mẹ là quê hương đó. Nói thì sợ sến, chớ lòng yêu quê hương, yêu xứ sở, ai mà chẳng có. Chỉ là không nói ra thôi. Như yêu mẹ vậy, không phải chàng trai nào cũng dễ dàng thổ lộ tình cảm đâu. Mà không sao, chuyện ấy. Mẹ, chỉ cười thôi, mẹ chẳng bận lòng đâu, chuyện thổ lộ hay không thổ lộ.

Đó, đó chính là cái mà tôi có đề cập ở bên trên, phần mở bài. Tôi nói, chính nhạc ông Phạm Duy đã khiến cho tôi biết yêu gia đình, biết yêu đất nước, biết yêu mọi thứ xung quanh mình, biết yêu cái tốt, biết yêu cái đẹp, trước khi tôi đến trường để học chữ.

Là vậy đó!

2/ Con vui ra đi, sớm tối vác súng về, Mẹ già một con yêu nước có kém chi. Ðêm nghe xa xa có tiếng súng lắng về. Mẹ nguyện cầu cho con sống rất say mê.

Con ra trận, mang theo cả linh hồn mẹ. Thân xác mẹ đây, nhưng tấm lòng mẹ, nghĩ suy mẹ, có phút giây nào rời khỏi con đâu. Lúc nào cũng nguyện cầu cho con. Lúc nào cũng khấn xin ơn trên ban phước cho con. Chỉ cho con và cho con mà thôi!

3/ Mẹ già tưới nước trồng rau. Nghe tin xóm làng kêu gào. Quân thù đã bắt được con. Mang ra giữa chợ cắt đầu. Hò ơi ơi ới hò. Hò ơi ơi ới hò. Nghẹn ngào không nói một câu. Mang khăn gói đi lấy đầu. Ðường về thôn xóm buồn teo. Xa xa tiếng chuông chùa gieo. Hò ơi ơi ới hò. Hò ơi ơi ới hò.
Lần nào, nghe đến đoạn này, là tôi cũng bị rúng động.

Tôi dùng từ rúng động. Rúng động châu thân. Đau thương chất ngất. Có lẽ, trong đời này, chẳng có nỗi đau nào, sánh được nỗi đau của người mẹ mất con.

Đứa con duy nhứt.

Và thảm khốc. Mất trong thảm khốc. Tôi không thể hình dung ra nổi, hình ảnh người mẹ nghẹn ngào mang khăn ra chợ, gói đầu con về. Chết cũng không chết được, vì xác con còn đây, ai lo. Mà sống thì hẳn rằng, là một đòi hỏi quá lớn, là một đòi hỏi vượt sức, sức một bà mẹ quê, ốm yếu, suốt cuộc đời lầm lũi, tần tảo, vì con.

Thôn xóm buồn teo. Tiếng chuông chùa gieo. Buồn thì buồn, nhưng tôi cũng không quên khen ông Phạm Duy, ổng xài từ chỗ này thiệt là độc đáo. Cái vần “eo” ấy mà, eo xèo, eo óc, teo tóp, gieo neo, ngặt nghèo, nghe cứ như thắt cả lòng cả dạ lại ấy, các bạn nhỉ!

4/ Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy. Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay. Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ. Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta.

Có bao tuổi thì con cũng vẫn nhỏ dại hoài trong mắt mẹ. Tay nâng nâng lên, như những ngày trong tháng, như những ngày đầy năm, và cứ thế, con biết lật, biết bò, biết đi, biết chạy. Bao nhiêu ngày con vui sống là bấy nhiêu ngày vất vả của mẹ cha. Nề hà chi. Vì yêu con, mẹ có thể làm tất cả vì con. Ngay cả khi lúc này, ôm đầu con về, chỉ mình mẹ.

Đớn đau!

5/ Mẹ già nấu nước chờ ai. Ðêm đêm súng nổ vang trời. Giật mình em bé mồ côi. Khăn tang cũng hoen tiếng cười. Hò ơi ơi ới hò. Hò ơi ơi ới hò. Bộ đội kéo đến nhà chơi. Khơi vui bếp lửa tơi bời. Mẹ già đi nấu nồi khoai. Bưng lên khói hương mờ bay. Hò ơi ơi ới hò. Hò ơi ơi ới hò.

Chiến tranh mà, bao nhiêu người ra đi không về là bấy nhiêu vành khăn sô thắt ngang đầu trắng xóa. Nhà nào cũng mất mát. Nhà nào cũng đau thương. Nhà nào cũng thấp thỏm, từng giờ từng phút, khi nào thì đến mình đây, đến với những người thân của mình đây, những bất hạnh, những tang thương, nước mắt.

Chẳng gì bù đắp được.

Tôi thiệt là thích cái hình ảnh, mẹ già đi nấu nồi khoai, bưng lên khói hương mờ bay. Mờ là vì khói củi ướt làm cay, hay mờ là vì nén hương trên bàn thờ con vừa mới thắp.

Hay vì, mắt mẹ, khóc con nhiều quá nên nay đã yếu, đã mờ lắm rồi, nhìn di ảnh con cũng không còn rõ nữa!

6/ Khi trông con nuôi, xúm xít dưới túp nhà. Mẹ nhìn đàn con, thương nhớ đứa con xưa. Con con con ơi, uống hết bát nước đầy. Ngày một ngày hai, con nhớ ghé chơi đây.

Cảnh nhà đã cô quạnh nay càng thêm cô quạnh. Trời bắt sống thêm ngày nào thì mẹ phải gắng thôi, ngày nấy. Ghé qua nhà mẹ, bạn bè con xưa, đồng đội con xưa, mẹ cũng chỉ có bát nước nấu sôi mang mời.
Cuộc đời mẹ, chỉ mỗi con. Con mất rồi, mẹ tay trắng mà thôi!

III/ VỀ MIỀN TRUNG
Với bài Về Miền Trung này, Phạm Duy kể: Cũng vẫn trong năm một ngàn chín trăm bốn mươi tám, rời Quảng Trị, tôi vào Thừa Thiên. Sau khi ở chiến khu một thời gian, tôi xuống miền đồng bằng công tác và sống trong nhà đồng bào tại vùng bị giặc chiếm. Đây là vùng Đại Lược với câu ca dao: Tình về Đại Lược / Duyên Ngược Kim Long / Tới đây là chỗ rẽ của lòng / Gặp nhau còn biết trên sông bến nào.

Ở Đại Lược, nửa đêm, tôi thường đến thôn Vỹ Dạ để gặp các văn nghệ sĩ của thành phố Huế. Tôi viết bài Về Miền Trung vào thời gian này.

******
1/ Về miền Trung. Miền thùy dương bóng dừa ngàn thông. Thuyền ngược xuôi suốt một dòng sông dài. Ôi quê hương xứ dân gầy, ôi bông lúa. Con sông xưa, thành phố cũ.

Tiếng hát của bà Thái Thanh ngân dài về – miền – trung, tạo cho tôi một cảm giác, lạ lắm, lạ lắm. Cái giọng kéo dài ấy như hình dáng của nước mình vậy đó, tự dưng đến cái khúc miền trung là thắt vào, là eo vào, mỏng dính.
Con sông trong bài ca, tự dưng cũng buồn thỉu buồn thiu, mặc dù ông Phạm Duy ổng viết là thuyền ngược xuôi.

Ngược xuôi này không tạo ra vẻ đông đúc, tấp nập, phồn vinh, mà trái lại, ngược xuôi này là ngược xuôi của đầu tắt mặt tối, vất vả quanh năm, cũng chẳng đủ để đắp đổi qua ngày.

Thì đó, thì ổng phải kêu lên đó, ôi quê hương xứ dân gầy, gầy như bông lúa. Và cũ, cũ như thành phố cũ, và xưa, xưa như con sông xưa!

2/ Về miền Trung. Người về đây sống cùng người dân. Lửa chinh chiến cháy bừng thôn làng điêu tàn. Ðêm hôm nao, gió u buồn trên sông vắng. Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng.

Miền Trung, đất nghèo. Miền Trung, đất buồn. Người cũng nghèo và buồn như đất. Làm sao mà vui được, làm sao mà an tâm làm ăn được, bởi chinh chiến cứ kéo dài.

Chỉ lửa cháy điêu tàn. Chỉ gió u buồn trên sông. Chỉ tiếng hát xao xuyến trăng vàng!

3/ Hò hô hò. Hò hố hô. Người đi trên đống tro tàn. Thương em, nhớ mẹ hương vàng về đâu. Chiều khô nước mắt rưng sầu. Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi. Hò hố. Hò hô.

Phần điệp khúc, điệu nhạc thay đổi như nhịp hành quân. Tiếng hò cũng cất cao hơn, vang hơn, xa hơn, mà sao nỗi ngậm ngùi, nỗi thương em, nhớ mẹ, vẫn cứ khôn nguôi.

Thương em nhớ mẹ hương vàng về đâu. Đừng nói là lời nhạc, nếu nói đây là một câu thơ, thì quả là, khó ai sánh được với Phạm Duy bởi chính câu này lắm.

Hương vàng về đâu. Nào ai biết về đâu.

Nào ai biết!

4/ Hà hớ hơ. Nhớ thương về chiến khu mờ. Biết bao người sống mong chờ. Hát rằng. Hà há hơ. Nhớ về cố hương yêu dấu xa xưa.

Thắt ruột thắt gan. Phạm Duy, ổng viết nhạc thiệt không chê vào đâu được. Bà Thái Thanh bả hát giọng Bắc, mà chẳng hiểu sao, tôi nghe ra rất Huế ở khúc này. Tiếng Huế ấy mà, buồn lắm. Người Huế cũng vậy. Họ cứ thâm trầm, sâu kín và đầy vẻ chịu đựng làm sao ấy.

Cái câu, nhớ về cố hương yêu dấu xa xưa, lên rồi xuống, xuống rồi lên, thiệt là biết làm người ta đau, thiệt là biết làm người ta không nhớ không được.

Cái nhớ cố hương ấy mà, đau đáu, khắc khoải, triền miên!

5/ Về miền Trung. Còn chờ mong núi về đồng xanh. Một chiều nao đốt lửa rực đô thành. Tay trong tay dắt nhau về quê hương cũ. Không than van, không sầu nhớ.

Thôi thì chúng mình hẹn ước cùng nhau vậy. Như núi hẹn đồng xanh. Như chiều hẹn buổi đốt lửa quây quần. Như tay hẹn nắm lấy tay. Như quê hương hẹn người về.

Không than van, không sầu nhớ nữa!

6/ Về miền Trung. Người về đây hát bài thành công. Lửa ấm áp bếp nhà ai hồng, đêm trùng. Ðêm hôm nay tiếng dân nồng vang thôn xóm. Có tiếng hát xao xuyến ánh trăng vàng.

Chúng mình cùng hẹn ước nhé, ngày vui, ngày kháng chiến thành công. Sẽ rồi bếp ấm lửa hồng. Sẽ rồi những đêm trùng ngộ. Và, tiếng hát làm xao xuyến ánh trăng vàng hôm nao, trong cô đơn, nay, sẽ vẫn là xao xuyến.
Nhưng, xao xuyến đôi hồn nhau!

7/ Hò hô hò. Hò hố hô. Về đây với lúa, với nàng. Thay bao nỗi khổ tiếng đàn (tôi) mừng reo. Nguồn vui đã tới với dân nghèo. Con sông nước chảy, tiếng chèo hò khoan. Hò hố. Hò hô.

Ngày vui đã kề. Nhịp đi cũng trở nên rộn ràng. Lúa, nàng, tiếng đàn tôi, tất cả đều mừng reo. Sông, dường chảy nhanh hơn. Tiếng chèo, tiếng hò khoan, cũng vậy, giục bước nhanh về!

8/ Hà hớ hơ. Tiếng ai vừa hát qua làng. Lúc em gặt lúa trên đồng. Hát rằng. Hà há hơ. Tiếng cười, tiếng ca trên lúa trên sông.

Phần cuối, điệu nhạc khoan thai. Tự do đã thuộc về. Hòa bình, đã Tổ Quốc!

******
Người ta gọi, Phạm Duy là đại thụ của nền Tân Nhạc Việt Nam. Tôi thấy đúng.

Không những thế, người ta còn gọi ông là nhà nghiên cứu âm nhạc tài hoa. Tôi thấy cũng đúng luôn.
Rồi người ta đánh giá, ông là người nhạc sĩ giàu có nhứt khi sở hữu hơn hai ngàn tác phẩm, mà trong đó, rất nhiều tác phẩm đã trở thành bất hủ.

Tôi thấy không sai.

Và tôi cho rằng, việc ví Phạm Duy là một thiên tài, thiết nghĩ, không có gì là quá đáng, thậm chí, có thể ngợi ca nhiều hơn thế, cũng vẫn đặng – những thiên tài, mà trăm năm, chỉ có một, hiếm hai.

Ông không chỉ là người làm nhạc, viết nhạc, viết lên, viết ra, những giai điệu êm đềm, du dương, trìu mến, gợi tình thương yêu, gợi niềm nhung nhớ, mà ông còn là người bảo tồn, duy trì cũng như là làm mới cho tiếng Việt, cho ngôn ngữ Việt Nam.

Ông có công lao trong việc làm cho tiếng Việt trở nên hay hơn, đẹp hơn, bồi đắp cho tiếng Việt ngày càng thêm phong phú. Ông cũng có công lao, bằng tác phẩm của mình, bồi đắp thêm tình yêu giữa người với người, và giữa người với quê hương Việt Nam, Tổ Quốc Việt Nam.

Có tôn xưng ông như thế, hay nhiều hơn thế, cũng xứng đáng.

Xứng đáng với một người yêu nước – Phạm Duy!

Sài Gòn 23.01.2024
Phạm Hiền Mây

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: