Phản hồi từ một bài viết về nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (giữa) – ảnh: ViendongDaily

MAI THÁI LĨNH

LTS: Trong loạt bài tưởng niệm 10 năm ngày mất ông Nguyễn Đức Quang, nhạc sĩ nổi tiếng với phong trào Du Ca gây tiếng vang một thời tại miền Nam trước 1975, Saigon Nhỏ có đăng bài viết của ông Nguyễn Hữu Nghĩa. Bài viết này có một số chi tiết mà một người trong cuộc, ông Mai Thái Lĩnh (tức Hoàng Thái Lĩnh), đã phản hồi lại là chưa chính xác. Để rộng đường dư luận, Saigon Nhỏ xin đăng lại nguyên văn bức thư của ông Mai Thái Lĩnh.

*****

Đà Lạt ngày 03/04/2021

Kính gửi Tòa soạn Báo “Sài Gòn Nhỏ”

Kính thưa quý báo,

Theo dõi Loạt bài kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (2011-2021) đăng trên quý báo, tôi đọc được bài “Nghĩ về anh, Nguyễn Đức Quang của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa (nguyên là Trưởng Toán Du Ca Vàm Cỏ Đông, Tây Ninh). Trong bài này, có đoạn nói về lai lịch của bản thân tôi như sau:

“Hoàng Thái Lĩnh, lý thuyết gia của Phong Trào là con của Mai Chí Thọ. Sau 1975, anh trở lại họ Mai: Mai Thái Lĩnh, là một trong những khuôn mặt vận động cho dân chủ tại Việt Nam. Tôi không hiểu sao anh “trở lại” họ Mai, vì Mai Chí Thọ là bí danh của Phan Đình Thống. Muốn trở lại họ gốc, thì anh phải lấy lại họ Phan mới phải…”[1]

Để trả lời nghi vấn của anh Nghĩa, tôi xin trình bày hai lý do:

Thứ nhất, họ Mai của tôi là họ thật, còn họ Mai của ông Mai Chí Thọ chỉ là họ giả. Ông Mai Chí Thọ tên thật là Phan Đình Đống (chứ không phải Phan Đình Thống), quê ở xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, nay thuộc địa bàn của Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Còn quê nội của tôi là Nga Sơn, Thanh Hóa, nơi có Động Từ Thức và Đền thờ Mai An Tiêm. Theo truyền thuyết, họ Mai ở quê tôi có liên quan đến Mai An Tiêm (sự tích “quả dưa hấu”). Đúng hay sai quả thật rất khó nói, vì những “truyền thuyết” thuộc về thời tiền sử (pre-history), mà những giải thích về thời tiền sử thường chỉ là “giả thuyết” nay đúng mai sai, không có gì là chắc chắn… Tôi nghĩ rằng đã là người tử tế thì phải “trở lại” họ thật, sao lại có thể “trở lại” một họ giả? Hơn nữa, nếu đổi thành một họ thật nhưng là của một người lạ (cho dù đó là một người quyền cao chức trọng) thì điều đó không hợp với đạo lý của người Việt Nam!

Thứ hai, là lý do tôi mang họ Hoàng. Mặc dù mục từ “Mai Thái Lĩnh” trên Wikipedia bản tiếng Việt đã bị các “biên tập viên” của trang này xóa vào đầu năm 2017 và mặc dù nhiều trang web, trang blog của giới bất đồng chính kiến bị đánh phá tơi tả trong thập niên vừa qua, trên Internet vẫn còn lưu lại một số bài viết có thể làm rõ lý lịch của tôi:

(1)Hãy trút cơn giận vào nơi đáng trút”, talawas 13/07/2009:

“Tôi là con của một cán bộ Việt Minh – tham gia Cách mạng Tháng Tám tại Lâm Đồng sau đó tập kết ra miền Bắc. Ngay từ khi mới sinh ra tôi, mẹ tôi do mất liên lạc với cha tôi nên phải một mình nuôi con. Về sau, mẹ tôi lập gia đình với một người khác. Bố tôi (tức cha ruột tôi) là đảng viên cộng sản, nhưng ba tôi (tức cha dượng tôi) lại là một công chức. Ông vẫn thương yêu tôi như con ruột, đổi họ cho tôi thành Hoàng Thái Lĩnh để tôi có thể học hành mà không gặp trở ngại gì. Chế độ VNCH lúc đó biết lý lịch của tôi, nhưng vẫn không phân biệt đối xử, cho nên tôi vẫn có thể học hành đến nơi đến chốn. Tính chất tốt đẹp của nền giáo dục cũ của miền Nam là điều tôi công khai thừa nhận, vì vậy suốt 14 năm phục vụ trong ngành giáo dục “xã hội chủ nghĩa” (1975-1989), tôi bị người ta gán cho đủ thứ nhãn hiệu, chụp cho nhiều thứ mũ chỉ vì tôi nêu rõ những ưu điểm của nền giáo dục cũ cần phải học hỏi. (…) Nếu không có nền giáo dục nhân bản, khai phóng, chịu ảnh hưởng của nền văn minh phương Tây đó, làm sao tôi có thể trở thành người bất đồng chính kiến trong một xã hội mà sự nô lệ về tư tưởng là tiêu chí căn bản để tiến thân?”

(2) Lý Kiến Trúc phỏng vấn Hà Sĩ Phu và Mai Thái Lĩnh” (phần I), pro&contra 25/05/2014:

“Tôi không sinh ra tại Đà Lạt. Bố tôi là người Thanh Hóa, mẹ tôi là người Hà Tĩnh, vào vùng cao nguyên này khoảng năm 1942-1943. Bố tôi tham gia Việt Minh năm 1945 tại Đồng Nai Thượng tức là vùng Di Linh ngày nay, cách đây khoảng 80 km. Khi mẹ tôi mang thai tôi năm 1946, chưa sinh thì người Pháp trở lại Đồng Nai Thượng, bố tôi và tất cả những người trong Ủy ban Kháng chiến phải rút ra ngoài rừng về vùng Bình Thuận, và từ đó coi như chúng tôi mất liên lạc. Có thể nói từ khi sinh ra tôi không hề biết mặt bố tôi, mãi đến sau năm 1975 tôi mới được gặp.”

Tôi mong rằng anh Nguyễn Hữu Nghĩa ngày nay đã bước vào lứa tuổi 70, không còn là một thiếu niên như khi gặp tôi lần đầu ở Tây Ninh trước đây hơn nửa thế kỷ, chắc hẳn có thể phân biệt giữa tin thật và tin giả (fake news) và sẽ sẵn sàng giúp tôi đánh tan cái tin đồn thất thiệt không đáng có này.

Ngoài đoạn văn nói trên, trong bài viết cũng có một đoạn nói về lai lịch của anh Nguyễn  Đức Quang chưa thật chính xác. Tôi xin gửi kèm theo đây bài “Người nhạc sĩ du ca đã ra đi mãi mãi”[2] đã được công bố cách đây 10 năm. Bài này dựa trên những tài liệu do chính gia đình anh Nguyễn Đức Quang cung cấp, trong đó có những điều mà trước đó, mặc dù khá thân thiết với anh Quang, tôi cũng chưa hề biết.

Đất nước ta đã trải qua hai cuộc chiến tranh, trong đó nội chiến là một yếu tố quan trọng khiến cho đến nay,  mặc dù đất nước đã được độc lập, thống nhất về mặt hình thức, nhưng thực chất vẫn là phân ly, chia rẽ kéo dài. Thế hệ chúng tôi (những người sinh ra trong thập niên 1940) lọt lòng giữa một  đất nước bị chia cắt, không gây ra chiến tranh nhưng phải gánh vác tất cả những hậu quả của cả hai cuộc chiến tàn khốc. Thiết nghĩ chúng ta đừng nên tiếp tục gây ra những chia rẽ, hận thù, ngộ nhận không đáng có bởi vì tình trạng phân hóa đó chỉ có lợi cho độc tài xâm lược …

Mong rằng lá thư này sẽ giúp độc giả hiểu rõ được vấn đề, tránh những ngộ nhận không cần thiết. Trân trọng kính chào và chúc sức khỏe Ban Biên tập Báo Sài Gòn Nhỏ.

Đà Lạt ngày 3 tháng 4 năm 2021

MAI THÁI LĨNH (tức HOÀNG THÁI LĨNH)

*****

[1] Nguyễn Hữu Nghĩa, “Nghĩ về anh, Nguyễn Đức Quang”, Saigon Nhỏ Mar 30, 2021.

[2] Mai Thái Lĩnh, “Người nhạc sĩ du ca đã ra đi mãi mãi…”, Tuyển tập Tưởng niệm người du ca muôn thuở, Nhóm thân hữu thực hiện, Seattle WA, USA, 2011, tt. 24-35.

**********

LTS: Ngay sau khi SGN đăng bài phản hồi của ông Mai Thái Lĩnh, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng hồi âm trên trang cá nhân của mình. Dưới đây là nguyên văn.

CÁO LỖI VÀ BỔ CHÍNH, BÀI “NGHĨ VỀ ANH, NGUYỄN ĐỨC QUANG”

Trong bài Nghĩ về anh (viết về nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang) có đoạn viết về anh Hoàng Thái Lĩnh. Nếu có bạn nào đã phổ biến, hay sưu tập bài viết, xin vui lòng cập nhật như sau (đoạn đúng):

“Hoàng Thái Lĩnh, lý thuyết gia của Phong Trào, sau 1975, anh trở lại họ Mai: Mai Thái Lĩnh, là một trong những khuôn mặt vận động cho dân chủ tại Việt Nam.”

Trong bài, tôi viết anh Lĩnh là con của Mai Chí Thọ, và anh Lĩnh đã lên tiếng cải chính. Tôi tin nguồn tin của tôi, nhưng tôi cáo lỗi và viết lại theo đúng ý của anh Lĩnh, vì anh là người trong cuộc.

Về đại gia đình anh Quang, trong bài tôi ghi là có hai chị và cậu em út, nhưng theo anh Lĩnh cho biết, thực sự anh Quang có một người anh và ba người chị kẹt lại miền Bắc sau 1954; và trong Nam anh có một cậu em út.

Tôi xin viết lại cho đúng và xin lỗi anh Mai Thái Lĩnh.

Ngoài ra, tôi xin đăng lại sau đây trọn bài “Nghĩ về anh”, sau khi đã bổ chính hai chi tiết vừa nêu.

Trang trọng,

Nguyễn Hữu Nghĩa

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: