Bài và ảnh: BIBI NG.
Virginia, Đông Bắc, là vùng đất tuyết. Mùa Xuân “của mình” cũng là mùa Đông, mùa tuyết của “người ta.” Nhưng, coi vậy mà không phải vậy. Nếp nhà vẫn giữ – Tập quán vẫn mang. Cho nên, ba ngày Tết ư? Thì cũng phải cho ra ba ngày Tết.
“Alo, Mẹ hả? Con đang đứng xếp hàng trước giò chả Ngọc Hưng. Con chạy xe từ Philadelphia lên để mua chả lụa đó. Phila hổng có chả ngon. Nhưng phải một tiếng nữa mới có chả. Con nói trả tiền trước rồi quay lại mà họ không chịu. Thôi ráng chờ chứ ngày mai là tuyết cả tuần rồi.”
Chị vừa nói điện thoại vừa ngóng vào trong cửa tiệm. Hình như, chị đang đếm có bao nhiêu người đang đứng trong đó. Yêu cầu của cửa hàng là phải hạn chế khách bên trong.
“Thôi mẹ đừng chờ, con không vào nhà đâu. Người ta hạn chế không cho vào. Con để thức ăn ở ngoài rồi mẹ lấy nha. Mẹ muốn ăn thêm gì nữa không?…”
Cuộc điện thoại vẫn tiếp tục, dù bàn tay cầm “phone” của chị có vẻ đã xa xa đôi tai – một ý nghĩa của hình thể cho thấy người nói không còn muốn tiếp tục cuộc trò chuyện.
Lúc này, chỉ mới hơn 4 giờ chiều. Tuyết bắt đầu rơi “nặng” với những bông tuyết to. Cho dù người đến trước tốt bụng “báo” cho người đến sau là: “Hết chả rồi nha bà con ơi. Đến 5:00PM mới có nữa” thì dòng người “get line” trước cửa tiệm giò chả Ngọc Hưng không vì thế mà ngắn lại.
Nơi xứ tuyết, xứ người, trong lòng xã hội hiện đại quay cuồng tính thời gian ra “bitcoin” hoặc tính hạnh phúc ngày càng được thích đo bằng số “like” thì những phiên chợ trước Tết càng có tính cách chuẩn bị “phải có”, hơn là nền nếp. Ở một thời đại mà muốn ăn bánh chưng không cần phải chờ đến sau đêm trừ tịch; muốn bổ trái dưa đỏ không cần phải chờ đến sáng Mùng Một Tết; muốn nghe tiếng pháo dài bao lâu cũng có, thì những nếp sinh hoạt này không còn là đặc trưng dành riêng cho ngày Tết.
Nhưng, dù gì dẫu gì, cái thời khắc giao mùa gọi là Tết Nguyên Đán ấy, đã nằm sâu trong huyết thống của người Việt Nam, nó chứa cả một khoảng không gian bao la, vô tận của muôn vàn cảm xúc. Nhất là đối với người xa quê hương. Có da diết, có bồi hồi, có rạo rực, và có cả…không có gì hết.
Như dòng người đang hối hả mua sắm ở khu thương mại Eden – khu thị tứ của cộng đồng người Việt Hoa Thịnh Đốn những ngày cuối năm, mỗi người một sắc vóc. Họ tất tả mua sắm vì sợ những ngày sắp tới tuyết rơi phủ đầy, rét lạnh căm, đường đi khó khăn nhiều cản trở. Chợt nghĩ, nếu không có Tết đến chơi nhà, mọi người vẫn phải mua sắm như thế chứ?
Cái duy nhất để nhận ra – à, đây là phiên chợ trước Tết – là bánh chưng xanh, củ kiệu trắng được trưng bày khắp trong tiệm; là những tiếng thông báo “chả hết hàng, bánh chưng mai mới có.” Vài cô, dì, chú, bác hớn hở mua được chậu hoa cúc vàng rực. Góc kia, ba tuần trước, cờ xí giăng đầy cùng các biểu ngữ ủng hộ người lãnh đạo, thì bây giờ, thay vào đó là những chậu đào kiểng hồng phấn sang trọng. Khách thập phương, không mua cũng mượn cảnh chụp tấm ảnh mùa Xuân.
Duy nhất một “sạp” hoa cúc vàng – gọi là “sạp” vì người bán có thuê một không gian nhỏ trước cửa tiệm phía ngoài khu Eden, rồi bày những chậu hoa trên đường đi. Đó là “sạp” bán hoa hiếm hoi ở Eden, năm nay.
Có người đến hỏi hai chậu hoa cúc. Anh bán hoa như…tỉnh cơn ngủ đông. Thương vụ nhanh chóng được thực hiện, không cần “bớt một thêm hai. Người mua hoa vui vẻ ôm hai chậu cúc quay đi. Họ hiểu mình đang mang mùa Xuân về nhà.
***
‘Hỏi bao giờ ta quay ngựa trở về?’
Giờ này, nơi mảnh đất hình chữ S đã chính thức sang năm Tân Sửu. Nơi vùng đất tuyết này, vẫn còn vài tiếng nữa mới là đêm trừ tịch – giao thừa. Thời tiết dự báo cho biết tuyết sẽ rơi suốt tuần lễ đầu năm mới. Nhưng, không sao, vì người ta đã hối hả đi chợ “chạy tuyết” đón Xuân từ gần tuần trước rồi còn gì? Bây giờ, “Đón Xuân” nghĩa là ngồi nhà, mở sưởi ấm, nhìn tuyết rơi bên ngoài, nhấm nháp ly rượu mừng Xuân rồi gửi nhau những lời chúc qua màn hình điện thoại.
Chỉ có khu nhà dưỡng lão Woodland Hill năm nay sẽ đìu hiu, cũng như những khu dưỡng lão khác. Covid mà…
Người đàn ông trung niên, mọi người hay gọi là chú Vương, cư dân của khu nhà Woodland Hill, là người nhận lãnh những phần quà Tết từ nhóm Vietnam-America để trao lại cho các cụ cao niên trong cùng toà nhà. Ông Vương cho biết những năm trước, khi cận Tết, mọi người ở đâ được tham dự nhiều hoạt động sinh hoạt nhẹ nhàng, mang tính chất “bỏ túi” như ăn uống, ca hát, trao quà… Nhưng, năm nay, mọi việc đều bị ngưng lại.
Theo lời ông kể, đa phần các cụ ở đây sống một mình.Trong thời gian COVID-19 bị hạn chế rất nhiều tiếp xúc, nhưng bởi có hoạt động của các tổ chức như Nhà Việt Nam, Vietnam-America, mà họ không bị lãng quên giữa thế hệ này và thế hệ khác. Có người thì gia đình “khuyên” nên ở lại nhà dưỡng lão để an toàn sức khoẻ. Có người thì con cái ở xa, cũng vì Covid-19 mà ngần ngại không đến thăm.
Hai tay mang đầy những túi quà nhỏ. Mỗi túi gồm có bánh chưng, trái cây, thiệp chúc Tết, ông Vương quay vào khu Woodland Hill, nơi có những người đang chậm rãi “đếm từng mùa Xuân qua” chờ ông để nhận chút ân tình Xuân của cộng đồng người Việt.
Thập niên song mấn bạch
Hồi mã vấn hà thì? (Mười năm trôi qua, hai mái tóc giờ đã bạc / Hỏi bao giờ ta quay ngựa trở về? – Trích Thu hoài của Cao Tiêu)
Mời đọc thêm các bài về Xuân Tân Sửu của Saigon Nhỏ: