Sắc màu cuộc sống

Bài viết đoạt giải Hương Pháp trong cuộc thi “Ứng dụng Phật Pháp vào đời sống” do chùa Hương Sen tại Hoa Kỳ tổ chức năm 2022
(Hình: Chris Lawton-Unsplash)

Bà Hạnh có ba người con, hai trai một gái.

Ba người con là ba thế giới khác nhau. Từ tính tình, sở thích, cách sống, nếp suy nghĩ không ai giống nhau cả. Đúng là, cha mẹ sinh con trời sinh tính. Nhưng nhiều khi ngẫm nghĩ rồi phân tích cá tính mỗi người con, bà Hạnh nhận ra cũng không xa tâm tính của cha mẹ.

Như cậu Hải, con cả, cậu khá giống tính cha, một người cha đam mê quyền lực, tiền tài. Ông quan niệm trên cõi đời này điều kiện ắt có và đủ để ngẩng đầu cao cùng thiên hạ là không thể thiếu một trong hai điều đó. Mà hễ được một, quyền lực, đương nhiên sẽ có hai, tiền, vì quyền sẽ sinh ra tiền và ngược lại.

Quan niệm của ông hoàn toàn không sai, vấn đề ở chỗ sử dụng thế nào cho đúng để đem an lạc cho mình, cho người và biết đủ để dừng lại thôi.

Cậu Huy người con thứ hai phảng phất tính bà đã ảnh hưởng tư tưởng của bà không ít, thích yên tĩnh, trầm lặng hơn là nơi xô bồ.

Còn cô Hoàng, cô con gái út mang sắc thái của cha lẫn mẹ. Cô theo con đường trung dung chọn sự tương đối của cuộc sống làm hành trình cho chính cuộc đời cô.

Bà Hạnh, sau quá trình nếm trải gian khổ của cuộc đời, bà thấy cái khổ của thế gian và thường tìm đến chùa, tìm đến giáo lý Phật Đà để mong cầu an lạc, giải thoát.

Từ kinh nghiệm bản thân, bà Hạnh hướng dẫn các con, không muốn các con đi trên vết lăn của bà cứ theo mãi con đường cha mẹ đặt để rồi ân hận lẫn ấm ức.

Nhìn ba người con vươn lên trong cuộc sống, theo đuổi ước mơ, ý hướng của riêng chúng, bà không hề cản trở bất cứ ai. Bà để chúng sống cái đời của chúng, tự phát huy khả năng và lựa chọn theo sở thích. Nhìn chung cuộc sống của cả ba cũng có cái hay riêng, rất đa dạng tạo nên “sắc màu cuộc sống.”

Bà Hạnh mồ côi mẹ từ khi mười tháng tuổi. Chỉ một năm sau, thân phụ đã tục huyền cưới về một người vợ mà tấm lòng, cách cư xử không mấy độ lượng nếu không muốn nói là khắc nghiệt.

Mấy đời bánh đúc có xương?

Mấy đời mẹ ghẻ có thương con chồng?

Ca dao đã cất lên như thế để tố giác nỗi gian khổ của bé Hạnh trong cảnh mẹ ghẻ con chồng. Bà đã phải chịu đựng suốt hai mươi năm trời cho đến lúc cuộc hôn nhân của bà với một quan chức cũng do chính kế mẫu sắp đặt để tống sớm bà ra khỏi nhà như vứt một cái gai trước mắt.

Người chồng, bà Hạnh không hề yêu, nhưng bà cũng chấp nhận với hy vọng mong đổi đời để bước ra khỏi cái địa ngục trần gian của bà kế mẫu. Tiếc thay, số phận nghiệt ngã vẫn luôn đeo đuổi bà, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Ông Hạnh chồng bà là một người góa vợ và có một đứa con gái riêng.

Từng chịu khổ nhục cảnh mẹ ghẻ con chồng, bà cảm thông không ghét và hành hạ đứa con chồng, nhưng oan nghiệt thay, bà không hà hiếp nó, thì nó lại hành bà. Nó luôn bịa đặt mè nheo tố khổ bà với cha, hôm nay bà không cho nó ăn hay ăn không đủ no, hoặc giặt quần áo nó không sạch, hay cấm nó này kia, và còn đánh nó nữa, vân vân và vân vân, để bà bị phiền trách không ít.

Nước mắt đã nhiều đêm đổ xuống khóc cho số phận nghiệt ngã của bà, bà qui vào nghiệp chướng phải gánh chịu nên đi đâu, làm gì cũng gặp “oan gia trái chủ.” Bấy nhiêu đó chưa đủ, khi bé Hoàng, cô con gái út của bà  được năm tuổi, ông Hạnh đã bỏ mẹ con bà để qua thế giới bên kia sau cơn đột quị, để lại cho bà một nách ba con với đứa con riêng của ông. Từ đó, một mình bà bươn chải nuôi nấng dạy bảo đám con khôn lớn.

Bây giờ thì bà Hạnh đã cao tuổi. Đám con đều trưởng thành. Bà thường hay đi chùa nghe kinh kệ, nghe Pháp. Thành tâm sám hối trước đấng Thế Tôn, Chư Bồ Tát những mong tiêu trừ nghiệp chướng mà đời nào đó bà đã tạo ra.

Trời Phật thường không bao giờ lấy hết phần của ai. Bên cạnh nỗi gian truân của cuộc đời, bà may mắn có đám con ngoan. Ba người con đều có cuộc sống riêng, thành công riêng theo cái cách của chúng. Riêng đứa con riêng của chồng, từ khi cha chết, nó không còn bám víu vào đâu ngoài bà, nhưng với lòng từ bi của người con Phật, bà không chấp nhất những điều đã qua nó từng làm khổ bà, bà vẫn thương yêu lo lắng chăm sóc nó như những đứa con ruột của mình, cuối cùng, bà cũng cảm hóa được nó. Con bé ngoan hiền biết vâng lời bà, nên cuộc đời nó cũng ổn định, học hành đàng hoàng, thành công và có công việc tốt rồi lập gia đình, an ổn trong mái ấm gia đình hạnh phúc riêng của nó.

Còn cậu Hải, con cả, vốn giống tính cha. Cậu đam mê quyền lực và tiền tài. Hải đeo đuổi thực hiện ước mơ, cố gắng học hành đạt cho được tấm bằng tiến sĩ kinh tế. Với cái vốn từ bằng cấp, lòng đam mê và trí thông minh sẵn có, chẳng bao lâu cậu dễ dàng đạt tới mục tiêu. Cậu giàu sụ với nhiều công ty, dự án và vung tiền mua bất cứ thứ gì cậu muốn. Có tiền mua tiên cũng được mà! Thế nhưng, để được những điều đó, cậu đã phải trả giá rất mắc, đó là thời gian và sức khỏe. Một ngày, cậu Hải chỉ ngủ được bốn tiếng. Không còn thời gian cho ai kể cả cho vợ con đừng nói là cho bà.

Thỉnh thoảng, họa hoằn lắm bà mới có dịp thuận tiện gặp được Hải để có vài lời khuyên răn:

– Hải à, mẹ nhận thấy con có sinh mà không có sống. Con quần quật suốt ngày đêm với công việc, công ty và dự án. Nếu con xem tiền tài là cứu cánh mang lại cho con niềm vui và hạnh phúc, mẹ không cản trở. Có điều mẹ chỉ nhắc nhở con theo lời Phật dạy: ‘Gia tài lớn nhất của đời người đó là sức khỏe và trí tuệ.’ Không thể vì tiền tài mà hy sinh sức khỏe, để rồi sau đó dùng tiền tài lo chữa bịnh. Có sức khỏe mới có tất cả. Con hãy lưu tâm, lo giữ mạng hơn là tạo của, con nhé.

Chỉ nói với Hải được vài lời, cậu đã tất bật xin phép chạy lo công chuyện.

Nhìn thấy con vất vả kiếm tiền như vậy, bà nghĩ cũng thương nhưng với những lời khuyên bảo của bà, nghe hay không tùy thuộc Hải, chứ bà không ép buộc. Nhưng nghĩ cho cùng, bà nhận thấy sự lựa chọn của Hải không hẳn là sai mà còn hữu ích cho xã hội. Có năng nổ cần cù siêng năng và với niềm đam mê như Hải, ngay thời là sinh viên, Hải đã bỏ nhiều công sức, thời gian dùi mài kinh sử, quên đi những thú vui đời thường ăn chơi nhậu nhẹt đàn đúm với chúng bạn để quyết tâm học hành tới cùng mong có một tương lai sán lạn, trước là ổn định cuộc sống bản thân, sau còn giúp gia đình, xã hội.

Do vậy ngày nay, Hải toàn lực, toàn tâm bỏ công sức, tài trí thành lập và điều hành nhiều công ty, giải quyết được biết bao công ăn việc làm cho người này kẻ kia, góp phần cho nền kinh tế nước nhà phát triển há cũng là điều tốt ấy chứ. Nhưng thôi, đó chỉ là ý nghĩ của riêng bà, làm sao bắt người khác cùng suy nghĩ với mình được. Thiên hạ đã chẳng từng bảo “chín người, mười ý” cơ mà!

Trái với cậu Hải lăn lộn vào cửa “có” thì Huy, cậu em, lại chọn cửa “không.”

Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành điện tử, không rõ lý do gì, Huy lại xin mẹ đi tu. Cậu bảo, tiền tài danh lợi trên thế gian này chỉ là giả tạm, đối với cậu chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Khi nhắm mắt xuôi tay ra đi chỉ hai bàn tay không, không mang theo được gì ngoài “nghiệp” mà mình tạo tác.

Cứu cánh thật sự của con người đối với Huy, chính là tìm con đường giải thoát sinh tử luân hồi. Thế gian này chỉ đầy dục vọng, tình tiền rồi có khi tù, tội, theo đuổi nó chỉ đem lại khổ đau chứ không hữu ích gì. May mắn có được thân người, hiểu Pháp Phật, thì nên tu tập để đạt cứu cánh Niết Bàn. Chao ôi, con nào của bà từ Hải cho đến Huy nêu ra những ý tưởng đều cũng có lý. Thôi thì, mỗi đứa cứ tự do nghĩ và làm theo cách riêng của mình.

Nhân duyên xuất gia của Huy cũng thật đặc biệt. Hồi nhỏ, Huy hay theo mẹ đi chùa. Lúc đó, Huy chưa có khái niệm gì về Phật, chỉ làm theo mẹ, thật nhuần nhuyễn và dễ thương. Chắp hai tay, cúi đầu và nằm mọp xuống sàn vô cùng thành kính. Nhưng chính những lúc đó, chủng tử Phật đã gieo vào tâm trí cậu. Lớn lên, lúc đi học, may mắn quen bạn có tâm đạo, hay rủ cậu đi chùa tham dự các khóa tu dành cho sinh viên học sinh. Cậu được học giáo lý nhà chùa do các Thầy giảng dạy, thấm nhuần triết lý nhà Phật, thế là cậu ngộ ra rồi xin mẹ xuất gia.

Bà Hạnh vốn ngưỡng mộ đạo Phật, lại nhận ra cõi đời giả tạm và đầy đau khổ như lời Phật nói: “Đời là bể khổ” cũng như thi sĩ Đoàn Như Khuê nhìn cuộc đời từng thốt lên: “Biển khổ mênh mông, sóng ngập trời,” nên khi nghe Huy đòi đi tu tìm con đường giải thoát, bà cho nhà có phúc, hoan nghênh ngay, lại nữa, bà luôn tôn trọng ước muốn của con bà.

Cậu Huy vốn có ăn học, có trình độ, sau thời gian dài theo sư phụ tầm đạo, cậu được giao phó làm trụ trì gánh vác việc chùa để hướng dẫn Phật tử tu tập.

Bà Hạnh luôn đến chùa, trước lễ Phật, sau được thăm con. Những lúc rảnh rỗi, sau thời tụng kinh, cậu Huy thường tham khảo ý kiến cùng bà:

– Thưa mẹ, mẹ đã từng ví, thân bồ đề là tu sĩ, lá bồ đề là cư sĩ. Để cho cây bồ đề cành lá sum sê, tươi đẹp, con có nên ngắt hết lá sâu, nếu có, bỏ đi không?

Bà Hạnh lắc đầu:

-Thầy nên biết, lá sâu là… nạn nhân, không phải… phạm nhân. Phạm nhân là con sâu. Hãy tìm bắt con sâu nằm đâu đó trong bọng cây, trên cành lá mới trị được gốc. Con sâu có tên là vô minh khởi từ tham, sân, si, mạn, nghi. Nếu thầy bắt được nó, chắc chắn cây bồ đề sẽ vững vàng trổ cành xanh ngọn.

Tằng hắng một lát, bà tiếp:

-Thầy cũng biết đó. Nếu lá bồ đề hấp thụ diệp lục tố để nuôi cây, thì nhựa thân cây bồ đề có nhiệm vụ truyền đi nuôi lá. Cả hai đều bổ sung cho nhau để tồn tại và phát triển. Nếu nhựa cây truyền không đều, để một chiếc lá rụng thế nào cũng kéo theo nhiều chiếc lá rụng khác.

-Con thấy đến chùa sao toàn những người già, trong khi chùa cũng rất cần những người trẻ.

-Đương nhiên rồi. Nhưng phải tùy duyên thôi. Không nên như thế mà coi thường người già. Vì già cũng có nhiều loại già và trẻ cũng có nhiều hạng trẻ. Già như Lã Vọng Khương Tử Nha 70 tuổi mới có duyên gặp Văn Vương đem tài năng giúp nhà Chu lập nên nghiệp bá. Chùa cũng thế thôi, quan trọng là biết dùng người. Đặt vị trí họ đúng chỗ thì già trẻ không còn là vấn đề. Nếu chỉ cần người trẻ, trẻ như mấy cô Thị Mầu cũng nát chùa ra đấy.

-Riêng con, con nhận thấy, chùa chỉ cần những Phật tử chưa hiểu gì đạo, tâm hồn như tờ giấy trắng sẽ dễ dàng hướng dẫn họ hơn.

Bà Hạnh vẫn lắc đầu:

-Không hẳn thế. Theo mẹ, người đến chùa ít nhiều cũng có tâm, có duyên với cửa Phật. Tâm là gốc rễ. Nếu gieo trồng từ hạt giống để nảy mầm hoặc trồng cây có sẵn rễ thì cây mới vững vàng. Bứng một nhánh cây không gốc rễ trồng vào sân chùa, cũng có thể được nhưng rất khó khăn, đòi hỏi phải chăm chút, trì chí, kiên nhẫn. Nếu không, chỉ cần cơn gió mạnh hay ai tựa lưng vào, cây có thể ngã. Tất cả tùy duyên thôi, linh động mà hành sử. Không nên phân biệt.

Trong ba người con, bà Hạnh an tâm về cô con gái nhất.

Cuộc sống Hoàng êm đềm hạnh phúc. Cô đã chọn con đường trung đạo của đức Phật mà đi. Cô thường nói với mẹ:

-Con không bao giờ chấp nhận “một túp lều tranh hai quả tim vàng” vì nghèo quá không thể đem hạnh phúc dài lâu. Con không tham tiền, nhưng con cần tiền cho sinh hoạt trong cuộc sống của con và cho con cái ăn học. Con không đi tu như anh Huy được, vì tu phải có căn, cũng không lao đầu kiếm tiền không biết thời gian và sức khỏe như anh Hải, con chọn con đường trung đạo, sống tốt theo lời Phật dạy, con nghĩ như thế cũng đúng và hay.

Do vậy, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm rồi kết hôn với một bác sĩ, vợ chồng cô mở phòng mạch mục đích cứu nhân độ thế hơn kiếm tiền. Gặp bịnh nhân nghèo hay những ca khó khăn, cô khuyên chồng tận tụy giúp họ, thể hiện lòng từ bi của con nhà Phật. Ngoài tiền kiếm cho cuộc sống thư thả, đủ sống theo cách “biết đủ” của cô, cô muốn giành thời gian đi chùa, nghe pháp, học hỏi giáo lý nhà Phật để áp dụng vào đời sống, và góp phần vào công việc phước thiện chia xẻ mọi khổ đau cùng người khác để tích đức, trước là cho chính  cô để giành ở đời sau, tiếp đến cho các con cô nữa, vì “Phúc đức tại mẫu bà ơi” mà! Cô vui khi thấy người khác vui. Tâm cô trong sáng, nhờ thế cuộc sống cô an ổn nhẹ nhàng trôi như giòng suối trong mát.

Nếu nói quan tâm và lo lắng, bà Hạnh luôn hướng về Huy nhất. Hải dù gì cũng thành công, bên cạnh còn có vợ con ngày đêm chia ngọt xẻ bùi. Còn Huy đi tu là tự chọn cho mình một sứ mạng thiêng liêng cao cả đòi hỏi đời sống đức độ và tài năng. Đức làm gương cho thiên hạ phục, tài cho người ta nể mới có thể gánh vác và dẫn dắt không chỉ cho mình mà cả chúng sinh trên con đường giải thoát.

Nếu Huy biết dựa theo lời thầy Mạnh Tử: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh“ (xem dân trên hết, giang sơn thứ nhì, nhẹ nhất là vua) để áp dụng vào cửa chùa, coi Phật tử làm trọng, là nền tảng rồi mới đến chùa cuối cùng là chính mình. Vì được lòng Phật tử mới có sức mạnh, là yếu tố then chốt để mọi Phật sự viên thành đẩy Phật giáo tiến tới giúp chùa và Phật giáo phát triển.

Chùa to, Phật lớn chỉ là phương tiện không phải cứu cánh. Còn sư là trưởng tử, là sứ giả của Như Lai có nhiệm vụ truyền bá Phật pháp, chưa phải là thánh nhân, càng không phải là Phật, vì nếu là thánh nhân hay Phật thì không ở cõi ta bà này. Nếu nghĩ được vậy và biết khiêm tốn, sẽ như chiếc máy bay, bay càng cao thì thấy nó nhỏ lại. Ngược lại, nếu muốn mọi người  thấy mình to, lớn tức là mình đang đứng dưới đất.

Bà Hạnh thường đem lời hay lẽ thiệt mà bà học hỏi từ sách vở, từ kinh nghiệm trong cuộc sống và lời Phật dạy để tâm tình và hướng dẫn các con trong bổn phận và trách nhiệm của một người mẹ, tuy nhiên, nghe hay không là quyền, là duyên và số phận của chúng. Vì rõ ràng bà cũng biết, ngay cả giáo lý cao siêu thâm thúy của nhà Phật, cửa chùa có luôn rộng mở vẫn không độ được người vô duyên. Không ai có thể gượng ép, bó buộc bất cứ ai, cuộc sống là vậy đó, như ba người con của bà, có như thế mới tạo nên “sắc màu cuộc sống.”

Tác giả Trần Thị Nhật Hưng (áo dài xanh) và Ni Sư Thích Nữ Giới Hương – Trụ trì chùa Hương Sen, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, tại buổi trao giải. (Hình: tác giả cung cấp)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: