Bây giờ, nhờ tài liệu trên mạng phổ biến hơn trước, nhiều người có thể xem lại được những tờ báo Phong Hóa, Ngày Nay và xem được tranh hí họa về những nhân vật “huyền thoại” của làng tranh biếm Việt trước 1945 ở miền Bắc như Lý Toét, Xã Xệ, Bang Bạnh…
Tuy nhiên, do tài liệu báo chí trong giai đoạn từ 1954 đến 1975 bị tiêu hủy nhiều sau năm 1975 và chưa được các thư viện đưa lên mạng, không có mấy người biết hoặc nhớ nhiều đến các họa sĩ và nhân vật truyện tranh thời thập niên 1960 ở Sài Gòn. Đó là thời kỳ nở rộ của báo chí miền Nam. Từ đó, các tờ báo đẻ ra những nhân vật biếm họa để mượn hình thức biếm họa chuyển tải những nội dung không thể nói thẳng, để có thể cười cợt chính quyền, châm biếm thói hư tật xấu trong xã hội hoặc tạo nên nhân vật gần gũi với các em thiếu nhi.
Có lần tôi đọc ý kiến trên mạng của một vị ở tuổi trên bảy mươi. Ông cho rằng ở thập niên 60, những nhân vật truyện tranh trên báo chí Sài Gòn như Thằng Bờm của tuần báo Thằng Bờm, Tám Sạc Ne của báo Dân Chúng, Bé Ngôn Bé Luận của báo Ngôn Luận là khá phổ biến và theo ông, hai nhân vật này sau có nhiều thuận lợi để trở thành nhân vật thân thương của trẻ em Việt, kể cả người lớn, vì họa sĩ Văn Hiếu có nét vẽ rất hoạt hình, và cốt chuyện rất hấp dẫn. Tuy nhiên, tất cả đều mai một mà ông cho là thật đáng tiếc.
Anh Tám Sạc Ne là ai? Đó là nhân vật biếm họa xuất hiện hàng ngày trên trang nhất nhật báo Sài Gòn Tân Văn. Trong cuốn “Hồi ký không tên”, nhà báo Chánh Trinh cho là “Anh Tám Sạc-Ne” là mục đáng nhớ nhất của tờ báo này. Anh ta được xây dựng là một phu đạp xích lô, mang râu cá chốt, nhậu ba xi đế và bàn chuyện thế sự một cách thâm thúy! Tác giả tranh liên hoàn này là nhà báo Cát Hữu.
Ông từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 1954 và là một trong những nhà báo thế hệ cũ có bằng tú tài Pháp, vào thời đó nhà báo có bằng tú tài rất hiếm, nghe đâu thời trẻ ông có đi kháng chiến chống Pháp. Nhà báo Chánh Trinh cho rằng kể từ sau hai nhân vật hí họa Lý Toét – Xã Xệ, nhân vật Tám Sạc Ne của Cát Hữu là thành công nhất. Dù tác giả là người Bắc nhưng nhân vật Tám Sạc Ne chính cống là dân Nam Bộ. Sạc Ne (Charner) là tên con đường chính ở trung tâm Sài Gòn (đường Nguyễn Huệ bây giờ), thời trước chưa cấm xe xích lô đạp.
Nhân vật Tám Sạc-Ne thu hút lớp người lớn tuổi, bây giờ khoảng bảy mươi tuổi trở lên. Còn lứa độc giả ở tuổi thiếu nhi thời đó nay đã trên sáu mươi nhớ nhiều nhất là hai nhân vật Bé Ngôn Bé Luận do họa sĩ Văn Hiếu vẽ trong chuỗi truyện tranh trên báo Ngôn Luận, chính xác hơn là trên phụ trang hàng tuần của tờ báo này, xuất bản khoảng đầu thập niên 1960. Phụ san này mỗi tuần ra một tờ chuyên về văn nghệ, thơ cho người lớn còn truỵện và tranh cho con nít. Đó là cách thức thu hút của nhật báo thời đó, vì đa số độc giả là đàn ông quan tâm đến tình hình chiến sự và xã hội.
Không có nhiều thông tin về họa sĩ Văn Hiếu còn để lại. Có người kể rằng ông là một thầy giáo dạy Văn trường Lê Quý Đôn. Cái tên Văn Hiếu rất nhiều người biết không chỉ riêng cho thiếu nhi vì ông có nét vẽ rất sinh động, duyên dáng. Các họa sĩ nổi danh sau này như ViVi, Nguyễn Trọng Khôi lúc còn trẻ cũng là độc giả thích tranh của Văn Hiếu.
Họa sĩ ViVi trong một bài phỏng vấn cho là Văn Hiếu xứng đáng là bậc thầy vẽ tranh truyện. Trên báo Ngôn Luận, Văn Hiếu vẽ hai loạt truyện tranh là “Chúa đảo Mai Sơn” là loại truyện Tarzan Việt Nam, chuyên chống kẻ xấu, nội dung rất ly kỳ. Truyện bé Ngôn – bé Luận có cả bé Sơn và anh Hiếu Kỳ bên trong theo chủ đề thám hiểm không gian. Người ta tìm mua phụ trang báo Ngôn Luận chỉ để xem một truyện tranh Mai Sơn Chúa Đảo do họa sĩ Văn Hiếu vẽ. Độc giả ngày xưa còn nhớ trong truyện Bé Ngôn bé Luận còn có thêm chị Huyền và chị Mai.
Chị Huyền trong truyện là một nữ sinh dịu dàng, dễ thương, tóc dài, mắt đen láy… được xác định là một nữ sinh có thật trong “Nhóm Huyền” cộng tác với báo Ngôn Luận. Chị Huyền có bạn trai là anh Hiếu Kỳ có nhiều sáng kiến độc đáo, dẫn đến các trò quậy của các Bé trong truyện. Sau này, nhân vật Bích Huyền là nguyên mẫu cho “chị Huyền” kể lại trong một bài viết là truyện Bé Ngôn bé Luận có mô phỏng truyện tranh Tintin của Bỉ để sáng tác. Đó là lời xác định của một người trong ban biên tập tờ báo. Còn nhân vật “chị Mai” được cho là vẽ theo nguyên mẫu ca sĩ Khánh Ly, tên thật là Lệ Mai.
Bộ tranh vui đăng trên báo Xuân Tiền Phong Nhâm Tý 1972 của họa sĩ Văn Hiếu