Chí Hòa, ngôi Thánh Đường xưa nhất đất Gia Định sẽ còn không?

Chí Hòa, ngôi Thánh Đường xưa nhất đất Gia Định sẽ còn không?

Nhà thờ Chí Hòa hiện nay, năm 2022. (ảnh: C.M.C.)

Gần đây, một số giáo dân xôn xao khi nhà thờ Chí Hòa, một trong bảy ngôi nhà thờ, tu viện xưa nhất đất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, công bố bản quy hoạch mới và quyên góp xây mới nhà mục vụ. Yêu quý một công trình ghi dấu nhiều kỷ niệm với mảnh đất phương Nam hơn trăm năm qua, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc lai lịch thú vị của ngôi nhà thờ này.

Ngôi nhà thờ “bí ẩn” khu Ông Tạ

Theo bản đồ địa hình Sài Gòn – Gia Định 1882, ở vị trí “khoảnh đất khá cao khô ráo” (nay là một phần khu chợ Phạm Văn Hai, khu trung tâm Ông Tạ) có một công trình ký hiệu hình thập giá, ghi rõ “église” (nhà thờ). Khi bà con Bắc di cư tới đây năm 1954, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, hầu như ít ai biết từng có một ngôi nhà thờ ở đó.

Khu vực có ngôi nhà thờ nay là chợ Phạm Văn Hai này trước 1983 – 1985 là khu vực có năm nghĩa địa. Lúc ấy, tôi cũng như nhiều bà con Công giáo Ông Tạ những ngày lễ Các Thánh 1-11 thường đến nghĩa trang Tân Định thắp hương và dự thánh lễ do một linh mục ở giáo xứ Tân Định chủ tế. Bàn lễ đặt ở một công trình xây dựng đơn giản tại cuối nghĩa trang; không phải là một nhà thờ, nhà nguyện hay đền Thánh gì.

Nhà thờ Chí Hòa năm 1920. (ảnh: Tư liệu)

Bản đồ vẽ tay tháng 3-1904 “Environs de la Place de Saigon 1904” (Vùng phụ cận địa phận Sài Gòn năm 1904), khi nhà thờ Chí hòa hiện nay đã xây dựng xong năm 1903. Ở bản đồ này, ngôi nhà thờ cũ trên đường mòn nay là đường Phạm Văn Hai vẫn còn dấu hiệu thánh giá bên trên nhưng không còn chữ église (nhà thờ). Khu vực trang trại (ferme) đã xuất hiện église (nhà thờ), tức nhà thờ Thạnh Hòa, nay là Chí Hòa.

Hiếm ai biết, khó ai nghĩ nơi đây từng có một nhà thờ vì lúc ấy đã không còn vết tích. Chuyện gì đã xảy ra với ngôi nhà thờ Công giáo đầu tiên ở làng Chí Hòa này?

Theo Lược sử giáo xứ Chí Hòa, nhà thờ Chí Hòa đã có từ năm 1890. Tuy nhiên, toàn bộ những bản đồ tôi có từ 1903 trở về trước, khu vực nhà thờ Chí Hòa hiện nay không hề ghi nhận ngôi nhà thờ nào.

Nhưng đến hai tấm bản đồ cùng ra năm 1904 là “Service Geographique de l’Indo-Chine” (Phục vụ địa lý Đông Dương) và “1904 – Environs de la place de Saigon 1904” (Phụ cận khu trung tâm Sài Gòn), có một công trình có hình thập giá ở ngôi nhà thờ tại vị trí nhà thờ Chí Hòa hiện nay.

Nói về một nhà thờ, có lẽ trước hết phải tìm đến nguồn tư liệu của chính các vị linh mục đã từng là cha sở, chánh xứ nơi đó. Chúng tôi may mắn có được ảnh chụp hai bản tài liệu đánh máy trên giấy pơluya lưu ở văn khố Tòa Tổng Giám mục về “Tiểu sử họ đạo Chí Hòa”.

Tìm ra tông tích

Theo bản ghi chép có lẽ thực hiện khoảng năm 1980 – 1985 (vì vẫn ghi tên đường Thoại Ngọc Hầu chứ chưa là Phạm Văn Hai) và sau 1985 này, nhà thờ Thạnh Hòa ra đời năm 1890 trên một khoảnh đất thuộc làng Tân Sơn Nhất, nơi đất thánh của Tân Định.

“Năm 1900, Đức Cha Lucien Mão (Mossard) đứng ra xây cất một nhà thờ mới khác, ở một địa điểm khác, bên làng Phú Thọ Hòa kế cận, số đất này lối 600ha, do lòng quảng đại của ông bà Lê Phát Đạt dâng cúng cho địa phận.(…) Năm 1903, xây cất xong nhà thờ và nhà cha sở, Đức Cha ra lệnh dời họ Thạnh Hòa về Chí Hòa”.

Ngôi thánh đường này do ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt, ông ngoại Nam Phương hoàng hậu xây dựng. Trong nhà thờ, giữa gian Thánh và hàng ghế giáo dân dự lễ hiện vẫn còn mộ và bia mộ của mẹ và con gái ông Huyện Sỹ. (ảnh: C.M.C.)

Chí Hòa bấy giờ thuộc làng Tân Sơn Hòa, một làng mới được tách ra khỏi làng Tân Sơn Nhứt và Phú Thọ Hòa… Ngôi nhà thờ đầu tiên 1890 ở làng Chí Hòa, đầu tiên ở khu Ông Tạ như vậy đã phần nào rõ “tông tích”. Và ngôi nhà thờ ấy đã không còn hơn thế kỷ nay, sau khi một ngôi thánh đường mới được xây dựng thay thế vào năm 1903.

Nhiều người ở Sài Gòn – Gia Định xưa đều biết nhà thờ Chí Hòa có “anh em, bà con ruột thịt” với ba ngôi thánh đường Sài Gòn xưa nổi tiếng là Chợ Quán, Tân Định và Chợ Đũi (tức Huyện Sỹ), thậm chí như “anh em song sinh” với nhà thờ Huyện Sỹ.

Lược sử giáo xứ Chí Hòa ghi: “Họ Chí Hòa khởi đầu là họ nhánh của họ Chợ Quán (1771 – 1890) được Đức Giám mục Phêrô Bá Đa Lộc quy tụ, sau đó là họ nhánh của họ Tân Định”. Nhà thờ lúc ấy mang tên Thạnh Hòa do nằm trên đất Thạnh Hòa – một thôn của làng Tân Sơn Nhứt với khuôn viên khá rộng.

Trước năm 2000, có một con đường ở giáo xứ Nghĩa Hòa (nay là phường 7, quận Tân Bình) mang tên Lê Phát Đạt (nay là đường Đặng Lộ), gần nhà thờ Chí Hòa. Không phải ngẫu nhiên. Một số tư liệu hiện nay trong xã hội, sách báo lẫn văn bản của các giáo xứ cho rằng: Đất đai, nhà thờ Thạnh Hòa nằm trong khu đất 600ha của ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt dâng cúng. Riêng báo Nam Kỳ Địa Phận số 515, ngày 26-12-1918 (trang 807) và số 516, ngày 01-01-1919 (trang 07) ghi là 480ha.

Lý do: họ nhánh Thạnh Hòa lúc ấy là một họ đạo nghèo với khoảng 100 giáo dân. Ông Huyện Sỹ dâng cúng đất để nhà thờ cho bà con nông dân thuê trồng trọt, giải quyết chi phí sinh hoạt trong họ đạo. Chi phí xây dựng ngôi nhà thờ này cũng do ông Huyện Sỹ dâng cúng.

Ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt là ông ngoại của Nam Phương hoàng hậu – vị hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn, vợ vua Bảo Đại. Ông là người giàu nhất Sài Gòn xưa, thuở Pháp mới vô. “Nhứt Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định”.

Sở đất và chi phí xây dựng nhà thờ Thạnh Hòa mới chắc chắn được dâng cúng trước khi ông Lê Phát Đạt qua đời năm 1900. Các tài liệu ghi nhận việc xây dựng này thống nhất: Khi chuẩn bị xây dựng nhà thờ Huyện Sỹ, nghe thông tin nhà thờ Thạnh Hòa xuống cấp mà họ nhánh Thạnh Hòa này nghèo quá, không làm gì được, ông Lê Phát Đạt quyết định giảm quy mô thiết kế ban đầu của nhà thờ Huyện Sỹ từ năm gian, cắt bớt một gian còn bốn gian và dùng số tiền dư ra để xây nhà thờ Chí Hòa.

Nhà thờ Huyện Sỹ khá phức tạp, cầu kỳ nên mãi tới năm 1905 mới khánh thành. Trong khi đó, tính cấp bách lẫn đơn giản của ngôi nhà thờ mới khiến trước đó hai năm, năm 1903, nhà thờ Thạnh Hòa (mới, tức nhà thờ Chí Hòa) đã xây dựng xong.

Mộ và bia mộ bà Phạm Thị Tin, mẹ ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt, bên trái gian Thánh nhìn từ dưới lên. (ảnh: C.M.C.)

Hai bản tài liệu đánh máy trong văn khố lưu ở Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn ghi rõ điều này (thực tế nhà thờ Huyện Sỹ khởi công năm 1902, vậy khó có thể hình dung nhà thờ Chí Hòa hiện nay xây xong trước đó 12 năm – 1890 – như hầu hết các thông tin hiện nay về năm xây dựng xong nhà thờ Chí Hòa).

Tư liệu trong văn khố của Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn ghi: “Nhà thờ mới này xây theo kiểu nhà thờ trong nhà thương Đồn Đất, bây giờ là Bệnh viện Nhi đồng 2, quận 1. Sở phí xây cất lên tới 30,000 đồng, lấy bớt ra trong số tiền xây cất nhà thờ Chợ Đũi, vì thế nhà thờ này mất đi một căn. Nhà thờ Chí Hòa có diện tích ngang 18m, dài 40m, cao 18m”.

Và vị trí ngôi nhà thờ mới này dù vẫn tên Thạnh Hòa nhưng lúc đó đã không ở thôn Thạnh Hòa thuộc làng Tân Sơn Nhứt mà thuộc làng Phú Thọ Hòa.

Về tổng thể nhà thờ Chí Hòa không hoành tráng, cầu kỳ như một số nhà thờ xưa của Sài Gòn cùng thế hệ; cũng mang phong cách kiến trúc Gothic Pháp như nhà thờ Huyện Sỹ, nhà thờ Tân Định… nhưng đã được giản lược nhiều. Cũng dễ hiểu, kinh phí xây dựng nhà thờ Chí Hòa chỉ bằng 1/10 kinh phí xây dựng nhà thờ Huyện Sỹ.

Với một lịch sử hình thành nhiều lý thú như vậy, sẽ thật tiếc nếu nhà thờ Chí Hòa đánh mất đi các vẻ đẹp đã lưu giữ trăm năm qua.

Mộ và bia mộ cô Lê Thị Hòa, con ông Huyện Sỹ Lê Phát Đạt, bên phải gian Thánh nhìn từ dưới lên. (ảnh: C.M.C.)

***

-Nhà thờ Chí Hòa hiện nay là một trong bảy ngôi nhà thờ, tu viện xưa nhất đất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn: Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (1863), nhà thờ Tân Định (1876), nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (1880), nhà thờ Chợ Quán (1882), nhà thờ Cha Tam (1902), nhà thờ Chí Hòa (1903) và nhà thờ Huyện Sỹ (1905).

-Ông bà Huyện Sỹ và cha mẹ, con cái được chôn cất, dựng tượng trong một số nhà thờ Sài Gòn – Gia Định xưa. Trong nhà thờ Chí Hòa cũng có mộ bà Mađalêna Phạm Thị Tin (thân mẫu ông Huyện Sỹ) – mất năm 1886, hưởng thọ 69 tuổi – và mộ cô Maria Lê Thị Hòa – con gái ông Huyện Sỹ, mất năm 1891, hưởng dương 10 tuổi.

-Nhà thờ Chí Hòa còn gọi là Chí Hòa Nam, như một khẳng định sinh hoạt, lề lối tôn giáo theo phong cách miền Nam, cho tới nay vẫn là cách hành lễ, đọc kinh, sinh hoạt tôn giáo… rất riêng, rất Nam Bộ, rất Sài Gòn – dù từ 1954, hàng loạt cộng đoàn giáo dân Bắc 54 tràn ngập khu vực. Thậm chí hàng ngàn giáo dân mới của giáo xứ Chí Hòa là dân Bắc 54. Và những giáo dân Bắc 54 này hoàn toàn hòa nhập một cách vui vẻ, thoải mái với cách hành lễ rất Nam Bộ, đến tận hôm nay.

Đọc thêm:

-Chí Hòa, ngôi Thánh đường trăm năm của Gia Định xưa

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: