Chợ Lớn thời phồn thịnh nay còn đâu!

Chùa Bà Thiên Hậu, Chợ Lớn (ảnh: Christian SAPPA/Gamma-Rapho via Getty Images)

Thỉnh thoảng có người Sài Gòn đứng tuổi hiếm hoi còn tìm tới một hẻm phố nhỏ ở đường Tuệ Tĩnh quận 11 để ăn sáng với món hủ tíu mì sườn heo Tàu Xì, mùi vị tuy lạ nhưng rất đặc trưng ẩm thực Chợ Lớn xưa.

Thực khách quen đến với các khu phố người Hoa ngày nay, không chỉ muốn thưởng thức vị gốc các món ăn Tàu – Chợ Lớn, mà người ý nhị còn có mong muốn được nghe lại cái khẩu âm tiếng Quảng Đông, Tiều Châu, Hẹ…

Ai cũng biết hầu hết các tiệm nước, nhà hàng, tạp hóa, chợ nhỏ… ở toàn khu Chợ Lớn suốt hàng trăm năm, cứ mỗi sáng tinh mơ, lúc nhịp sinh hoạt cả đô thị bừng thức thì các khẩu âm tiếng Hoa, tiếng Việt hòa trộn – hài hòa vào nhau thành một nhịp điệu âm thanh ngôn ngữ riêng của Chợ Lớn mà không thể tìm thấy ở bất cứ tỉnh thành nào khác trên toàn cõi Việt Nam.

Gần nửa thế kỷ sau biến cố 1975, những người phương xa về và cả những người xưa vẫn còn đang ngụ cư ở Chợ Lớn, rất khó tìm lại được cái không gian sinh ngữ đa dạng khẩu âm Hoa – Việt đặc trưng Chợ Lớn nữa.

Hôm chúng tôi tìm ăn món hủ tíu mì Tàu Xì, anh bạn gốc Hoa cùng tuổi kể: “Hồi năm 1976, tôi bị đi Thanh niên xung phong, mấy tháng sau về phép, ở nhà tôi nói hay hỏi gì bà già tôi cũng không trả lời, tôi thấy lạ quá, sau cùng hiểu ra do tôi nói tiếng Việt quen miệng, không nói tiếng Hoa nữa nên bà già tôi dù hiểu điều tôi nói nhưng không thèm trả lời.” Ngày nay, hầu hết người Việt gốc Hoa trẻ tuổi sinh sau 1975 đều không còn thói quen sử dụng tiếng Hoa để giao tiếp với nhau, còn chăng chỉ là thế hệ người Hoa ngoài sáu mươi.

Chợ Lớn thập niên 1990 (ảnh: Jean-Léo DUGAST/Gamma-Rapho via Getty Images)

Khác với nhiều phố Tàu ở nhiều quốc gia trên thế giới, trước cả năm 1975, ở Chợ Lớn, người ta không hề tìm thấy các bảng hiệu, cổng chào nào có dòng chữ China Town – Phố Tàu. Có người rà lại ký ức rồi mô tả sơ qua không gian địa lý của khu trung tâm Chợ Lớn – Sài Gòn, dù có thể không chính xác nhưng cũng dễ mường tượng được; phía Đông từ đường Đồng Khánh, phía Nam từ cầu Nhị Thiên Đường, phía Tây từ chợ Phú Lâm và phía Bắc bắt đầu từ đường Âu Cơ, khu trung tâm phố Tàu Chợ Lớn mở ra với đủ sắc màu đặc trưng y như một tiểu Hong Kong.

Trong khu trung tâm Chợ Lớn đó, có lẽ còn rất nhiều người Việt cố cựu vẫn ghi nhớ hình ảnh phố vịt quay, heo quay, xá xíu, phá lấu Tôn Thọ Tường (tên đường mới là Tạ Uyên). Vào thời khu phố này phát đạt thì ánh đèn vàng và màu đỏ da heo quay, vịt quay bóng lưỡng sáng rực cả ngày lẫn đêm. Ở con đường này không cần treo đèn lồng đỏ kiểu Tàu hay mở loa phát nhạc Tàu mà vẫn luôn vang tiếng Hoa, tiếng Việt rao mời mua bán, tiếng dao thớt, hương thơm thực phẩm đa dạng cũng đủ làm nên sự náo nhiệt quanh năm suốt tháng.

Sài Gòn 1965 (ảnh: Stuart Macgladrie/The Sydney Morning Herald/Fairfax Media via Getty Images via Getty Images)

Ngày nay, phố vịt quay này chỉ còn người mua người bán lưa thưa, không phải do món này bị kiểu vịt quay, heo quay với lá mắc mật từ các tỉnh miền núi Bắc Việt đem vào cạnh tranh, giựt mối; có lẽ do chính các thế hệ trẻ người Việt gốc Hoa kế thừa món vịt quay, heo quay chánh hiệu Chợ Lớn, đã không còn nhu cầu tập trung để hình thành bản sắc mua bán kiểu phố Tàu nữa. Họ tản ra, mở tiệm rải rác và tan loãng trong đô thị khổng lồ.

Hầu hết người Sài Gòn cố cựu có dịp vô Chợ Lớn coi múa lân từ lúc tuổi thơ còn nhớ, thời đó cho dẫu các rạp chiếu bóng như Hồng Liên, Cây Gõ… còn chiếu phim Ấn Độ đánh phép thuật và múa hát đầy sắc màu huyền bí, thì các hội múa lân ở Chợ Lớn đã có màn biểu diễn đánh võ Tàu kèm với múa lân trên đường phố. Nhiều người Việt sống ở Chợ Lớn cho là, chính cao thủ thi triển võ múa lân ở Chợ Lớn và truyện chưởng Kim Dung đã kích thích thị hiếu mê ghiền phim chưởng Tàu suốt hàng chục năm của người Việt.

Một ông người Việt sống ở chung cư Nguyễn Văn Thoại kể: “Hồi tui còn nhỏ, trước Tết Nguyên Đán năm nào cũng có các đoàn múa lân, với lân râu đen, râu trắng đủ hết, kéo đến đường Vĩnh Viễn làm lễ bái sư, vì nghe đâu ở lô G chung cư Nguyễn Văn Thoại dạo đó, những năm 1970, có ông Lai Quý là bậc võ sư thượng thừa, nhiều người còn thấy ổng phi thân từ dưới đất lên lầu một cái chung cư nơi ổng sống”.

Ngày nay, chuyện các bang hội vẫn còn nhiều đoàn lân, có đoàn danh tiếng đoạt giải thi múa lân ở nước ngoài nhưng cũng có đoàn không cần phải đến Tết hay lễ hội, bất kể ngày nào trong năm, tiệm, nhà hàng, công ty khai trương, tổng kết, ngay cả chính quyền cần tuyên truyền là mướn đoàn lân đến đánh trống ầm ĩ cho lân múa, lạy xôm tụ rồi lấy tiền công như là một thứ dịch vụ. Cái gọi là bản sắc nghệ thuật múa lân cứ vậy mà tầm thường nhàm chán theo thời gian.

Minh họa: Pexels

Dạo quanh Chợ Lớn ngày nay, những ai từng thân thiết với khu đô thị này đều dễ ngậm ngùi; đừng nói so với khu trung tâm quận 1, 3 Sài Gòn hay sánh với quận 2, 9 Thủ Đức về đường phố, cao ốc, thương mãi, vui chơi… mà ngay đến cái vẻ tất bật, lam lũ chạy việc, chạy ăn của đa số dân cư Việt, Hoa cũng không che giấu được vẻ bị bỏ rơi.

Điều trớ trêu là ngay chính cái khu cao ốc Thuận Kiều Plaza, chiếm ngự hơn 9.970 mét vuông trên đường Hồng Bàng, choán cả một không gian đắc địa trung tâm Chợ Lớn, cũng bị người dân cho là bị ếm bùa, vì trông ba tòa tháp cao 33 tầng có hình thù như ba cây nhang, suốt bao năm vẫn cựa quậy tìm cách nắm bắt lại cơ hội phất lên, nhưng rồi qua bao Tết đến, xuân về, nó vẫn như ngóng trông buồn buồn nhìn ra phố xá nhộn nhịp bên ngoài. Đến cái chợ hoa Tết thường họp trên đường Tổng Đốc Phương (tên mới là Châu Văn Liêm) ở phía đối diện có từ trước 1975 cũng bị chính quyền hiện nay giải tán; rồi các rạp hát như Thủ Đô, chiếu bóng Đại Quang cũng tắt đèn quanh năm.

Đến Chợ Lớn ngày này, người đa cảm cả Việt lẫn Hoa liên tưởng đến lời Việt của khúc hát nhạc Hoa nửa nhớ nửa quên: “Làm sao quên tháng năm/ Xưa đẹp biết bao / Và nơi đó bao người / Đời hăng hái /Bước chân trên vinh nhục thăng trầm…”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: