Sáng nay, vợ chồng tôi ra chợ đầu mối mua ít thịt về để chuẩn bị làm các món ăn ở nhà cho ngày tết sắp đến.
Vì gần tết nên dù là ngày thường, không phải thứ Bảy, Chủ nhật (ngày nghỉ) chợ vẫn đông người đi mua sắm. Mua thịt xong, vợ tôi muốn ăn cá lóc nên tôi chở vợ tới hàng bán cá ngay góc đường, tấp xe vô cho bà xã lựa con cá vừa ăn.
Đang đậu xe yên ổn thì bất chợt xe tôi bị va chạm mạnh từ phía sau, thiếu điều muốn hất tôi văng ra khỏi xe.
Giật mình, theo phản xạ như một gã người Sài Gòn chính hiệu, tôi bật lên: “Đ.M, cái gì vậy?”. Vừa nói, tôi vừa ngoái cổ lại nhìn xem chuyện gì vừa xảy ra. Thấy một “thằng nhóc” khoảng 50 tuổi, tóc bạc muối tiêu, chạy xe gắn máy vừa tông vào đuôi xe của tôi do y chen lấn với những xe khác để vượt lên. Làm vẹo luôn cái mui xe mà tôi đã kỳ công sáng chế, lắp đặt để che nắng cho vợ khi đi chợ.
Bị tôi nhìn, gã đàn ông đầu hai thứ tóc nhìn lại tôi đầy hằn học như muốn đánh nhau với tôi, không một tiếng xin lỗi.
Vì tôi đã già, vì tôi là một người có học, vì tôi không muốn gã đàn ông này phải vô tù ăn tết do gây hấn, đánh nhau với người lớn tuổi hơn mình… nên tôi quay đi.
Thấy tôi quay đi chỗ khác, gã còn chưa vừa lòng, quanh xe lại trước đầu xe tôi, mắt long sòng sọc nhìn tôi như muốn “ăn tươi nuốt sống”, miệng gầm gừ… Cho đến khi tôi hỏi: “Anh có sao không?!” thì gã mới chịu bỏ đi, trước khi đi còn liếc xéo tôi một phát đầy căm giận!
Thế đấy, không chỉ có người trẻ mới đối xử với nhau bằng tay chân hơn bằng cái đầu. Không phải chỉ người trẻ mới hành xử thiếu kềm chế để đến khi hậu quả xảy ra thì mới thốt lên lời hối hận muộn màng. Mà những người đã lớn tuổi, trung niên, đã là cha, có khi là ông của người khác vẫn ưu tiên dùng bạo lực, trấn áp để giải quyết một vấn đề, bất kể vấn đề đó nhỏ hay lớn.
Xã hội ta giờ nó vậy, mấy chục năm nay nó đã vậy và vẫn vậy! Quá nhiều người không được dạy nói câu xin lỗi và xin phép. Thay vào đó là học được thói đổ thừa và tìm mọi cách chen lấn, xô đẩy để giành giật dù chỉ là một lợi thế nhỏ trên một đoạn đường, kể cả hành vi đó gây tổn hại cho những người xung quanh.
Cái lũ trẻ thơ được dạy phải đi thưa về trình, gặp đám ma phải bỏ nón ra, nghe quốc ca phải đứng nghiêm chào cờ. Thấy rác trên đường phải nhặt, không được xả rác. Phải lễ phép, nhường nhịn trong mọi tình huống, tiên học lễ, hậu học văn… để trở thành người lương thiện, hữu dụng trong xã hội theo câu ca “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau. Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao” như mấy thằng nhóc chúng tôi hồi đó giờ đều đã tròm trèm 60 tuổi, cũng chẳng còn lại mấy thằng.
Thời trẻ, tôi từng nóng giận rất nhiều lần và cũng từng kềm chế bản thân từng ấy lần, vì tôi đã từng được giáo dục để trở thành người lương thiện, hữu dụng cho xã hội. Trước khi có hành vi nào đối với người khác, tôi đều nghĩ đến hậu quả của sự việc, kể cả khi phải đối đầu với những thế lực, con người xấu xa đến mức buộc phải triệt hạ lẫn nhau.