Chuyện Tháng Ba: Phải, bao giờ?

Giao thông Việt Nam (Alamy)

Ngồi cùng những dòng chữ này, trong đầu tôi dần hiện ra những câu chuyện chẳng vui vẻ gì mà tôi hoặc chứng kiến, hoặc phải đến thắp hương cho những người đã khuất. Giá mà…

Hơn 36 năm trước, câu chuyện đầu vẫn còn ám ảnh tôi đến giờ. Khi đó tôi có việc phải đi Đồng Tháp với một phóng viên cùng tòa báo, là Tham Lang. Hai chúng tôi ngồi nơi hàng ghế chót của một cái xe đò 48 chỗ hiệu Dodge mà người ta vẫn tận dụng từ trước 1975 cho đến lúc ấy. Xe đang ngon đà trên quốc lộ, tôi bỗng nghe thấy mấy người ngồi nơi hàng ghế đầu rú lên. Chưa kịp hiểu gì cả thì xe đã lạc vô-lăng, lao vào lề, tông thẳng vào một gốc cây to. Cú va mạnh đến mức tôi ngồi ở đuôi xe vẫn cảm thấy chấn động, và kính chắn gió phía trước vỡ nát.

Một gia đình nào đó có nhiều con nhỏ, trong thoáng chốc vô ý, đã để cho một bé gái 5-6 tuổi buột chạy chơi từ cửa nhà mình ra đường cái. Đúng lúc, chiếc xe đò có mặt tôi đang lao tới. Người tài-xế đã kịp thời đánh vô-lăng, không tông thẳng vào đứa bé kia nhưng do nó hoảng loạn ngã ra đường, một bên bánh sau của xe đã đánh dập hai chân nó. Xe cứ thế mà lôi nó đi trên mặt đường trong tiếng gào thét của chính nó và của một số đứa trẻ khác, hẳn là anh chị nó. Tôi nghe thấy cả tiếng mẹ nó rú như điên.

Nhưng cái điều không thể tưởng tượng được là đứa bé ấy đã loạng choạng đứng lên. Nó khóc không còn thành tiếng nữa và khi xuống xe, tôi nhìn thấy hai chân nó dập nát, máu lầy nhầy trong những mảnh thịt da rách bươm cứ đong đưa trên hai đùi và hai ống quyển của nó như những mảnh vải bị tước dọc. Tôi nhìn thấy cả, thấp thoáng sau số thịt da khủng khiếp đó, cái ống xương chân mầu vàng nhạt khẳng khiu nhỏ bé của nó. Nó vẫn đứng đó, ngả nghiêng trong cơn đau vô bờ của mình.

Tối hôm đó, tôi không ăn cơm được, dù anh Ẩn chủ nhà luôn ân cần mời đi mời lại.

Mười sáu năm sau, tôi lại có việc phải chở nhà tôi đi qua đoạn đường cả trăm năm vẫn cứ kẹt xe nằm giữa 2 giao lộ, một đầu là ngã ba Tỉnh lộ 14 – Trường Chinh; đầu kia, ngã ba Tân Kỳ Tân Quý – Trường Chinh. Chỉ một cú va chạm nhỏ thôi giữa hai thanh niên xa lạ mà một bên, ra dáng người thợ hồ phải vội đi làm; một bên, cũng là con nhà lao động, mặc một cái áo bộ đội cũ. Người thợ hồ nhẩy cẫng lên, buông những lời chửi rất tục tằn, và càng lúc càng đỏ mặt tía tai. Người mặc áo bộ đội từ đầu đến cuối chỉ lầm lì, không nói tiếng nào; đột nhiên, cậu ta thò tay vào sau lưng áo, rút ra một con dao gọt hoa quả. Không hiểu sao khi đi đường, cậu ta lại mang theo nó.

Trong lúc cả hai người bước gần lại nhau hơn, đường đã tắc lại càng tắc vì hai cái xe ấy nẳm chổng gọng trên vạch vôi, người mặc sắc áo lục cũ thình lình xiên 2 phát vào bụng người đang hăng tiết chửi tục, cậu ta đổ gục xuống như thân cây Chuối ngả rạp trong truyện Chém Treo Ngành của ông Nguyễn Tuân. Ngay lập tức, người dùng dao bị bẻ ngoặt cánh khuỷu.

Tôi lẩm cẩm tự hỏi, không biết bây giờ, đứa bé trong câu chuyện đầu đã ra sao? Người thanh niên trong câu chuyện sau, đang làm gì, ở đâu?

… Hằng ngày, hằng giờ, chúng ta đọc thấy những dòng tin lạnh lùng về một vụ tai nạn giao thông vừa xẩy ra ở đâu đó, thảm khốc hay không thảm khốc. Những con chữ vô cảm vì chúng chỉ mang thông tin cô đọng để thuật lại một sự kiện, một sự việc. Ít khi thấy có thêm một bài báo nào sau đó sẽ làm người ta cảm động, hoặc có chút yên tâm vì một giải pháp nghe thủng tai. Xe khách rơi từ đèo xuống vực, xe khách va chạm với xe rơ-moóc trên đường núi, xe lửa cắt đôi xe hơi chạy ẩu ngang qua đường ray, xe du lịch tông nhau liên hoàn trên đường cao tốc hay trong đường hầm xẻ sông. Cả xe cứu thương cũng lĩnh đủ.

Tôi đâm nhớ một câu chuyện khác về một thanh niên tôi quen, cậu Trung ấy khi đó mới 24 tuổi. Một ngày xấu trời, Trung cùng một người bạn là sĩ quan Công an rủ nhau đi xe máy ra Vũng Tầu nghỉ mát 2 ngày. Họ không uống một giọt rượu nào, họ phóng mô-tô cũng vừa phải, chỉ 50-60km/ giờ.

Nhưng họ đã không trở về vì không tránh kịp một chiếc xe tải phóng như bay, ngược chiều. Nếu Trung không đi chuyến ấy, bây giờ cậu đã 40 tuổi.

Tôi nhớ sang một người bạn nữa, lớn hơn tôi vài tuổi. Anh ấy là giám đốc một công ty du lịch nổi danh cả nước, chuyên tour nước ngoài, một buổi sáng thanh bình đã dong xe 2 bánh ra khỏi nhà để tự kiếm một bữa điểm tâm. Một đôi thanh niên đi xe phân khối lớn lao vào anh, ngay đầu con ngõ anh ở. Trước đó đúng 4 ngày, tôi còn ngồi chạm ly với anh, cùng vài người bạn khác. Anh đã đi đúng nghĩa sét đánh.

Chuyện gần hơn cả, một người phụ nữ có hơi cồn, lái một chiếc Mercedes lao thẳng vào một đám đông mười mấy người đi xe gắn máy, đang đỗ đúng làn bên tay phải, nơi một ngã tư ở Thủ Đức. Không một ai thoát, trong đó có một phụ nữ trẻ, em làm việc thiện nguyện cho một tổ chức chuyên giúp đỡ người khuyết tật. Nghe đâu trong số đó có cả một đôi vợ chồng trẻ vừa làm đám cưới được 10 ngày, và cô vợ trẻ ấy đang mang con đầu lòng. Không biết người đàn bà thủ phạm kia – Tôi dùng chữ “thủ phạm” vì cô ta không thể trốn tránh được trách nhiệm của mình – bây giờ, lòng có thấy dằn vặt?

Trong hơi men ngùn ngụt, người ta đạp nhầm phải chân ga thay vì đạp thắng. Ngay trong lúc đầu óc người ta mụ mẫm nhất vì rượu, người ta lại phóng xe lao nhanh hơn lúc người ta đang tỉnh táo. Người ta không bao giờ quay nhìn sang phải hay sang trái mỗi khi chạy xe từ trong ngõ ra đường lớn. Người ta đột ngột bẻ lái bất chấp dòng xe sau lưng mình. Người ta thản nhiên rẽ trái khi đèn đỏ.

Người ta đi sai làn đường dành cho mình hằng ngày. Người ta không biết nhường nhịn nhau khi xe của mình đang từ đường phụ, sắp sửa xin hòa vào đường lớn. Người ta nóng ruột nhấn còi thúc giục người đi xe trước mặt phải tránh chỗ cho mình trong khi chính mình không có việc gì phải cần kíp cả.

Người ta sốt tiết lao xe luôn lên vỉa hè khi không tìm thấy một chỗ nào trống nơi ngã tư đèn đỏ. Người ta không bao giờ kiên nhẫn đợi cho đèn giao thông phía mình chuyển mầu xanh hẳn rồi mới từ từ vặn ga. Người ta cứ nhấp nhổm thấy đèn báo còn 3 giây nữa là đã lao lên rồi, bất kể dòng xe đang chạy vuông góc với mình vẫn rất đông. Người ta không bao giờ giảm tốc khi từ xa thấy đồng hồ đang đếm ngược chỉ còn vài giây mà cứ lao lên nhanh hơn, bất chấp. Người ta hồn nhiên chạy xe ngược chiều và nhỡ có va chạm với ai đang chạy đúng chiều, thì sửng cồ lên với họ. Người ta chở ba, chở bốn và biến cái xe gắn máy của mình thành cái xe tải tí hon. Người ta cự cãi với cảnh sát giao thông và người ta không ngừng phàn nàn về Nghị định 168, kể cả các nhà báo. Người ta chửi nhau, đấm nhau, tát nhau khi có va đập trong phố hoặc vì chuyện bé bằng cái móng tay. Người ta: “Biết bố mày là ai không?”.

(Facebook)

Sáng hôm qua tôi đọc báo Tuổi Trẻ, tôi tin những trăn trở của ông Chủ tịch thành phố là thật. Ông ấy nói về chuyện thần tốc phải thay đổi chân dung giao thông của cả địa bàn mà ông ấy quán xuyến.

Ông ấy tin rằng nếu chính quyền, và nhân dân, cùng góp sức vào chuyện đầu tư và cải tạo hạ tầng cơ sở cho giao thông hiện đại phát triển, chắc chắn nó sẽ thể hiện ra sức mạnh kinh tế và sự an toàn đi lại trong một thành phố văn minh, xứng với con số hơn 508 nghìn tỷ đồng mà nó đã làm ra trong năm ngoái. Ông say sưa nói về những dự án giao thông lớn mà thành phố sẽ quyết khởi công trong năm nay, nơi 4 cửa ngõ đi các tỉnh, nơi tuyến Metro số 2, nơi đường đi bộ vắt qua sông Sài Gòn, nơi cầu vượt Nguyễn Khoái. Chỉ dám rón rén lưu ý một điều nhỏ: Cầu vượt Nguyễn Khoái, trên giấy tờ, lẽ ra đã bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, trước Giáng Sinh rồi đấy ạ.

Năm 2013, tôi có việc phải sang Tây Phi, sống tại Cộng hòa Ghana trong 40 ngày. Tôi ngạc nhiên khi thấy đồng bạc Cedi của xứ đó, khi lên giá cao nhất, cứ 4 Cedi là mua được một đô-la Mỹ và khi nào nó tụt thấp nhất, là 7 Cedi (1). Nhưng tôi chú ý nhất là chuyện mình nhìn thấy, cả chục cái xe hơi bóng lộn trên đại lộ Independence huyết mạch của thủ đô Accra, đã kiên nhẫn dừng lại để đợi một “couple” ông bà già lọm khọm sang đường cho xong hết. Đại lộ ấy 6 làn xe, 2 chiều và luôn tấp nập. Bao giờ ở Việt Nam, chúng ta sẽ nhìn thấy cảnh ấy, xe nhường người thành chuỗi dài? Xứ ấy ở châu Phi, chiến tranh, tranh chấp chính trị, mâu thuẫn sắc tộc liên miên, vẫn bị xem toàn cảnh là lục địa chậm tiến mà?

Cho nên, xin ông Chủ tịch thành phố hãy lưu tâm, bao nhiêu nghìn tỷ này nghìn tỷ khác sẽ ném ra, cũng đều không thể bằng chuyện nắn lại ý thức nơi mỗi con người. Họ hiện thời đã thay đổi được bao nhiêu thói quen? Bao giờ họ sẽ tự biết chạy xe có lớp lang, kính trên nhường dưới? Phải, bao giờ?

(1) Bây giờ, một đô-la Mỹ bằng 14,5 Cedi

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo