Mưu sinh nhọc nhằn ở chợ Sài Gòn

Đầu đường Bà Lê Chân – Trần Quang Khải quận 1 sáng nào cũng nhộn nhịp người bán và người mua. (Hình: Minh Anh)

Đi chợ ở Sài Gòn – miền Nam Việt Nam giờ rất khác: ngày xưa, các bà các cô phải bước vào nhà lồng chợ mới mua được thực phẩm tươi ngon, nhưng ngày nay, họ có thể mua đủ loại hàng ở bất cứ đâu, trên lề đường, trong con hẻm, trước cửa nhà… Vì thế, nhà lồng nhiều ngôi chợ đang bị bỏ hoang, trước làn sóng chợ hẻm, chợ di động trên xe gắn máy… xuất hiện ở khắp các lề đường, con hẻm.

Hàng bông của một chị quê Bà Điểm (Hóc Môn) trên đường Bà Lê Chân vào ngày cận tết có thêm ít trái cây và bánh tét. (Hình: Minh Anh)

1.

Người đàn bà bán cá khoảng 70 tuổi, bày hai mâm cá và tôm trên lề đường một con hẻm thuộc quận Bình Thạnh. Với vẻ nhẫn nại, bà bóc vỏ từng con tôm sống và khi thấy tôi, bà nài tôi mua hết mớ tôm đã bóc nõn: Hơn nửa ký, nhưng tui tính cô 150 ngàn thôi. Giá 30 ngàn một 100 gam là mấy năm nay đã vậy rồi đó cô. – Dạ, chị gói hết cho em.

Sau khi gửi tiền, tôi hỏi bà: – Cháu ngoại của chị sao rồi? – Nó hơn hai tuổi rồi cô, cũng ngoan lắm, mà tui đi bán nên cậu nó mới học lớp 6 phải nghỉ để ở nhà trông cháu.

Bà phân bua: Gửi nhà trẻ tốn tiền triệu đó cô, tui không có tiền. Nhà nghèo quá, nên cậu nó học lớp 6 cũng phải nghỉ, sẵn trông cháu luôn.

Nhiều năm trước, con gái của bà ngồi bán cá chỗ này. Hơn hai năm nay, sau khi con gái bị xe tải đụng chết lúc đi chợ cất hàng, bà thay thế cô. Lúc mất, cô mới sanh con gái đầu lòng được vài tháng.

Trong cái chợ hẻm dài độ 300m, dọc hai bên lề đường có vài người bán cá, nhưng chỉ riêng cô gái này thu hút tôi mỗi lần cô cúi xuống làm cá. Đôi bàn tay to quá khổ, làn da trắng xanh trên cánh tay nổi đầy gân của cô gái khoảng trên 30 thường gợi sự thương cảm nơi tôi. Cứ nghĩ nó là con gái mình…

Cô bảo nhà con ở quận 12, sáng sớm con ra chợ đầu mối Thủ Đức mua hàng rồi về chợ hẻm này bán. Mỗi lần có cá rô, cá lóc, cô thường để dành cho tôi bằng cách lóc gọn phần xương để riêng với phần thịt. “Để cô dễ mần, kho hay chiên cũng không có xương mắc cổ”, cô thường bảo thế.

May mà cô còn có mẹ nhận nuôi con gái vì sau khi cô qua đời, ông chồng mau chóng lập gia đình mới. Thân cô đã nhẹ, chỉ thương người mẹ đã già vẫn phải đi xe gắn máy mỗi ngày từ quận 12 xuống quận Bình Thạnh để bán cá nuôi cháu. Vì không lóc xương cá rành như con gái, bà thường bóc vỏ mớ tôm. Mặt khác, vì ít vốn, mâm hàng của bà eo sèo,  chỉ có mớ tôm và vài ba con cá đồng đã làm sạch.

Một gian hàng bán trái cây trên đường Bà Lê Chân, bên hông chợ Tân Định quận Nhứt. (Hình: Minh Anh)

2.

Cũng trong cái chợ hẻm này, Thương, tên một phụ nữ trên 40 tuổi, bán cá hơn 15 năm. Thương quê Bến Tre, hai vợ chồng lên Sài Gòn khoảng năm 2008, ở trọ miễn phí tại nhà một ông thầu xây dựng – chủ của chồng Thương, tuốt quận 12. Chồng làm thợ hồ, còn vợ sáng sớm ra chợ đầu mối mua cá tôm về bán. Công việc thợ hồ lúc có lúc không, nên có những buổi chợ, vợ thu tiền, chồng làm cá.

Hai vợ chồng có một con trai năm nay học lớp 7, ở dưới quê cùng bà ngoại. Sanh con trai xong, hai vợ chồng Thương để con cho bà ngoại chăm sóc, tiếp tục nghề thợ hồ và bán cá ở Sài Gòn.

Lúc trước dịch COVID-19, Thương chỉ thuê góc sân của một căn nhà phố bán cá buổi sáng, giá 3 triệu đồng một tháng. Sau dịch Covid, vợ chồng Thương thuê luôn cái phòng đàng trước một nhà phố trong hẻm để vừa ở, vừa bán cá, giá 6 triệu đồng một tháng. Ở trọ và bán cá cùng một chỗ, vợ chồng Thương tiết kiệm được tiền xăng đi về quận 12, ngặt cái, người mua ngày càng vắng, dù Thương làm cá kỹ và sạch.

Mọi năm, cứ vào ngày mùng 1 và rằm, vợ chồng Thương lại đi xe gắn máy về Bến Tre thăm mẹ và con. Từ năm 2023 đến nay, hai vợ chồng vài tháng mới về một lần. Đến Tết nguyên đán vừa rồi thì cả hai đóng cửa sạp từ hôm 25 tết và đến mùng 9 mới mở hàng lại.

Do ế ẩm, hai năm nay gian hàng của Thương có thêm cá khô, lạp xưởng tươi, dừa tươi ở quê Bến Tre gửi lên. Có lần hỏi Thương con trai lớn rồi sao không mang con lên Sài Gòn học hành cho gần ba mẹ, Thương trả lời: Tiền học ở Sài Gòn cao lắm cô, con kham không nổi, với lại con trai con quen ở dưới quê rồi, kêu lên đây chơi nó còn không chịu đi.

Lận đận với nghề bán cá hơn 15 năm, Thương tâm sự tụi con trả đủ chi phí tiền nhà và có tiền gửi về cho ngoại chăm sóc con trai là mừng rồi cô, khi nào lớn tuổi tụi con về quê sống, chớ có tiền đâu mua nhà ở đây cô?

Một gian hàng trên lề đường thuộc quốc lộ 22 gần chợ đầu mối Tân Xuân bày bán thêm cải bắp vào ngày mùng một tết nguyên đán 2025. (Hình: Minh Anh)

3.

Sau Tết nguyên đán 2025, không thấy “gã đầu bạc” trở lại ngôi chợ hẻm này nữa. “Gã đầu bạc”là biệt danh của người đàn ông trên 50 tuổi, có thâm niên bán cá trên 10 năm. Trước khi gã đến chợ này, thì vợ gã đã ngồi ở đó. Đó là một phụ nữ có vẻ đẹp hiền hậu rất ưa nhìn. Lần đầu tiên tôi mua cá của cô ấy thì thấy cô có bầu đã lớn. Cô bảo mình đã có hai con gái, đây là đứa con thứ ba. Khi cô ấy nghỉ sanh thì chồng cô ấy thế vào và ngồi bán luôn từ đó đến tết 2025 thì nghỉ luôn, không rõ đi đâu.

Lúc đầu, hàng cá của gã đầu bạc rất đông khách, vì cả chợ chỉ có mỗi gã là đàn ông. Ban đầu, sạp cá của gã chỉ vài cái thau chứa cá đồng còn sống và các loại cá biển theo mùa. Sau đó, gã bán thêm cua, ghẹ, nghêu, mực và cả tép đồng, tôm sú nuôi… và thỉnh thoảng còn có cả con rạm, thứ giống con cua đồng nhưng thay vì giã nấu canh thì ram với chút muối, đường, làm món mặn rất ngon.

Khi tôi hỏi thăm vợ gã, gã bảo: Cho nó ở nhà nuôi con, đi bán tốn tiền thuê người trông con cũng vậy.

Hai vợ chồng cùng quê Hải Hậu, Nam Định, vào Sài Gòn bán cá hồi năm 2010. Họ thuê nhà trọ ở vùng ngoại ô Sài Gòn, sáng bán chợ hẻm quận Bình Thạnh, chiều lại bán tiếp ở một chợ hẻm khác ở quận Gò Vấp. Nhanh nhẹn, xốc vác, gã đầu bạc gồng gánh gia đình một mình, chỉ mong vợ đẻ cho một cậu con trai để khi chết còn có thằng cu chống gậy, thế nhưng cố đến đứa thứ tư vẫn chỉ là con gái, gã thường chép miệng: “Nhà toàn vịt trời, nhưng thôi không cố nữa vì chả nuôi nổi”.

Tép đồng tép bạc bây giờ cũng được bán rong trên xe gắn máy. (Hình: Minh Anh)

Từ năm 2020, gã đầu bạc thuê luôn hàng hiên trước một ngôi nhà xập xệ trong hẻm để bán cá, ban tối gã ngủ lại trong nhà bếp phía sau. Hỏi sao không về nhà trọ với vợ con, gã bảo: Cho về Bắc hết rồi chị ơi, ở trong này tốn đủ thứ tiền, về quê cho đỡ tốn. – Vậy bao lâu em về Bắc một lần? – Một năm tết mới về, chứ tiền đâu mà đi lắm!

Từ ngày ở trọ luôn tại chợ, gã mở hàng cá bán suốt ngày, ban đêm thỉnh thoảng còn góp cá-tôm-mực còn ế cho quán nhậu kế bên để có cớ cùng ngồi nhậu với mấy gã hàng xóm.

Dạo sau này, tôi hiếm khi ghé mua cá của gã đầu bạc, vì hình ảnh đôi bàn tay lở loét da vì ngâm nước nhiều của gã luôn ám ảnh, khiến tôi có cảm giác không an tâm. Hàng cá của gã cũng ngày càng vắng khách, vì sự ế ẩm chung của chợ. Có những buổi chiều đi ngang chợ, tôi thấy các thau đựng cá của gã còn ê hề.

4.

Chung quanh các ngôi chợ lớn ở Sài Gòn như chợ Tân Định (đường Hai Bà Trưng, quận Nhứt) giờ đây có hằng hà sa số người bán rong từ khắp các miền quê đổ đến. Họ ngồi tạm trên lề đường hoặc hàng hiên nhà phố của ai đó, có người phải trả tiền, có người được miễn phí, tùy tâm của chủ nhà.

Trên đường Bà Lê Chân giáp một mặt chợ Tân Định, buổi sáng có một phụ nữ quê Bà Điểm (Hóc Môn) bán hàng bông – hàng bông ở đây là rau củ các loại, kèm theo một loại bánh quê như bánh ít nhân dừa và nhân đậu. Hai vợ chồng bắt đầu ra khỏi nhà từ 3 giờ sáng đến chợ đầu mối rau củ Hóc Môn rồi đi thẳng lên đường Bà Lê Chân. Họ thuê một phần hàng hiên của căn nhà phố, phân loại mớ hàng bông gọn gàng vừa trong rổ, vừa trong thùng xốp, dễ lựa chọn.

Dân đi chợ ở Sài Gòn hiện nay thường “làm biếng”, họ thường tấp xe gắn máy hoặc xe đạp vào lề đường mua hàng, vẫn ngồi trên yên xe, miệng nói, tay chỉ, người bán cứ việc lấy đủ hàng, bỏ bọc rồi đem đến tận xe.

Vào dịp cận tết, người phụ nữ này còn bán cả bánh tét nhân chuối, nhân đậu mỡ, nhân đậu thịt ba chỉ, giá trên dưới 100 ngàn đồng/một đòn. Bánh ít nhà chị gói mỗi ngày bán 6 ngàn đồng/c, ăn cũng được nhưng không ngon bằng bánh tét bán vào dịp cận tết.

Muốn ăn bánh ít ngon, tôi thường đi chợ trước 8 giờ sáng, ghé đến chỗ một bà già (chừng hơn 70 tuổi, lưng còng) bày hàng trên lề đường Trần Quốc Toản, quận 3, gần chợ Tân Định. Bà già nói mình ở Tây Ninh lên bán từ sáng Thứ Hai đến sáng Thứ Sáu. Tôi không rõ bà đi xe gì từ Tây Ninh lên quận 3 để bán vì thấy bà đứng bán có một mình, dáng vẻ tất bật vì người hỏi mua hàng liên tục. Hàng hóa của bà là củ mì, củ khoai luộc đã vào bọc sẵn, giá 5 ngàn – 10 ngàn đồng/bọc; còn bánh ít giá 5 ngàn đồng/c – bánh ít gói bột nếp chứ không phải bột củ mì, vị rất ngon.

Các thúng rau của bà khá đặc biệt, không hôm nào giống hôm nào, lúc thì mớ đậu que, mớ đậu bắp, mớ khổ qua, rau thơm các loại – giống như hái ở vườn nhà; lúc lại có mớ hẹ nước, rau dại cuốn bánh tráng – mà chỉ ở Trảng Bàng, Tây Ninh mới có.

Vì lưng bà còng, đi lại khó khăn nên có ai mua hàng bà thảy mớ bọc nylon cho tự lấy đồ bỏ vào rồi đến chỗ bà trả tiền. Hầu như chưa bao giờ tôi thấy bà cười. Khuôn mặt nhiều nếp nhăn như thít chặt lấy miệng của bà.

Dân Sài Gòn đi chợ mua đồ của dân quê không phải ai cũng hào phóng. Có hôm đang lựa mớ rau và bánh ít cho vào bọc, tôi thấy một cô trẻ độ chừng hơn 40 tuổi, càm ràm với bà: “Hôm qua mua bịch khoai lang của bà về bị hà hết trơn không ăn được, hôm nay bù nghen bà”. Trong khi bà già chưa kịp nói gì thì cô trẻ này tự lấy bọc khoai lang đã luộc của bà bỏ vào giỏ mà không trả tiền, tôi trố mắt nhìn, bịch khoai có 10 ngàn đồng thôi đó!

Gần chỗ bà già ngồi có một ông khoảng 50 tuổi cũng quê Tây Ninh bán nhiều thứ hấp dẫn. Đó là gói xôi bắp nhão nấu với nước dừa ăn với dừa nạo, muối mè. Điều đặc biệt là gói xôi bắp nhão này gói hoàn toàn bằng lá chuối, có cái muỗng bằng lá dứa gai, giống hệt hồi nhỏ tôi thường ăn. Cái gói xôi bắp nhão hầu như tuyệt tích ở Sài Gòn được ông ta bán với giá chỉ có 5 ngàn đồng, vì thế nếu đến sau 7 giờ sáng là các gói xôi bắp nhão hết sạch, chỉ còn củ mì-khoai và bắp luộc.

Thỉnh thoảng, ông già Tây Ninh này còn bán mít, loại mít nghệ, mít dừa – giống của Việt Nam mà nay hiếm người bán. Một trái mít chín được ông xẻ ra nhiều miếng, ai mua miếng nào ông sẽ cân ký. Một ký mít chín (kể cả vỏ và xơ mít) giá 15 ngàn đồng, rẻ và ngon hơn mít lấy giống của Thái Lan.

Người đàn ông dáng thấp lùn nhưng ăn mặc tươm tất, da sạm nâu rắn rỏi, kể nhà ông ở dưới chân núi Bà Đen- Tây Ninh. Mỗi buổi sáng ông thồ hàng nhà làm lên cái xe gắn máy và khởi hành đến chợ quận 3 từ lúc 3 giờ sáng. Hỏi xe gắn máy ông để đâu? Ông chỉ sang bên kia đường, cái xe gắn máy có cái hai cái giỏ đan bằng dây thép cột chặt hai bên yên phía sau, đậu trước một cánh cổng luôn đóng kín của trường trung học Nguyễn Thị Diệu. Đều đặn năm ngày trong tuần, ông ta phải đi hơn 200km mỗi ngày để kiếm đồng lời sinh sống, quả là cực chẳng đã mới phải làm như vậy.

Mưu sinh kiếm sống bằng nghề buôn bán thực phẩm mỗi ngày ở chợ chưa bao giờ là dễ dàng nay càng khó khăn hơn vì người bán đông hơn người mua. Ngoài người bán có chỗ cố định, chợ hẻm nào cũng có những người bán rong trên xe gắn máy tụ vào. Họ là đàn ông đàn bà, không chỉ sồn sồn, trung niên mà còn cả thanh niên, thiếu nữ tuổi trên dưới 20 tham gia. Không chỉ bán rau củ, trái cây, hành tỏi gia vị, họ còn bán rong cả tép đồng, tép bạc, nghêu, sò, ốc, thậm chí gà thả vườn đã làm thịt treo lủng lẳng.

Bộ mặt chợ của Sài Gòn mỗi ngày mỗi biến thiên, luồn vào từng hẻm, từng con đường… với đội ngũ người bán ngày càng đông. Nhìn thấy thiên hạ ùa nhau ra đường buôn bán, từ thượng vàng đến hạ cám, mới thấy nền kinh tế của đô thị lớn nhất nước này “eo sèo mặt nước buổi đò đông”  (*)

*trích một câu thơ trong bài “Thương vợ” của tác giả Trần Tế Xương (Tú Xương)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo