Quận 4 và giang hồ Sài Gòn trước 1975 (2)

Bài 2: “108 anh hùng Lương Sơn Bạc”
Một góc quận 4, Sài Gòn trước 1975 (file photo)
Văn Hóa - Văn Nghệ
Văn Hóa – Văn Nghệ
Quận 4 và giang hồ Sài Gòn trước 1975 (2)
Loading
/

Thời Pháp thuộc, giang hồ miền Nam phần lớn là những tá điền không biết chữ, một chữ bẻ đôi cũng không biết, vì chịu không nổi ách áp bức, bóc lột của cường hào ác bá bèn bỏ xứ đi làm trộm cướp.

Những người này trôi dạt lên Sài Gòn-Chợ Lớn sống lang thang ven kênh rạch, bến xe thổ mộ, nhà ga, ban ngày làm cu li, tối đến thì “bôi mặt lọ nồi”, lận mã tấu trong cạp quần làm “đạo tặc”. Lãnh địa giới giang hồ hùng cứ vào những năm 1920-1930 là Chợ Lớn, Lăng Ông – Bà Chiểu, xóm Thuốc – Gò Vấp, bến phà Thủ Thiêm, cầu Sắt, Đa Kao và bến xe Lục tỉnh.

Giang hồ xưa nghèo chữ nghĩa nhưng nghe nói giàu chữ “tín”, cư xử “nghĩa khí”. Thời kỳ này, giang hồ Sài Gòn ít nhiều chịu ảnh hưởng từ nhân vật trong truyện “Tàu”, kiểu “quân tử Tàu”. Nhìn chung, khắp Nam kỳ lục tỉnh thời kỳ này, giang hồ ít khi quậy phá làng xóm hoặc trộm chó, bắt gà. Giang hồ thời Tây “mã thượng”, “trọng nghĩa, khinh tài”, “kiến nghĩa bất vi”. Thực tế cho thấy, không ít tay du đãng sừng sỏ từng lấy biệt danh là Võ Tòng, Đơn Hùng Tín, Triệu Tử Long, Đông Phương Sóc… Khi phải nói chuyện với nhau bằng dao búa, họ không “đánh hội đồng” như bây giờ mà “bặc co” tay đôi “một chọi một”.

Nói vậy chứ nhưng có thể nguồn gốc giang hồ xưa ở Sài Gòn phần nào cũng có chút yếu tố lịch sử, chịu ảnh hưởng của kiểu bang hội Trung Hoa như “Hội Tam hoàng” du nhập vào miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, mà Tín Mã Nàm ở Chợ Lớn dính tới bang hội là một kiểu như thế.

Thiên Địa hội theo chân những người Hoa “phản Thanh phục Minh” đến Việt Nam, trong những năm Chiến tranh thế giới I (1914-1918). Người ta nói, lúc ấy ở Nam phần có tới 70, 80 hội kín. Mục đích chủ yếu của hội là chống Pháp, quan lại tham ô, khôi phục Việt Nam. Họ dùng tôn giáo và phương thuật với các hình thức như bùa chú, cắt máu ăn thề, dùng tiếng lóng, dấu hiệu riêng để liên lạc. Hoạt động rộng tại Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Bến Tre, Châu Đốc.

Cầu Khánh Hội nối quận 1 và quận 4 (file photo)

Năm 1913 – Quý Sửu, Phan Xích Long, tự nhận là “đông cung” con của vua Hàm Nghi và tự tôn làm hoàng đế. Họ chế tạo lựu đạn, trái phá, dán truyền đơn khắp chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, chợ Bình Tây kêu gọi dân chúng nổi dậy. Phan Xích Long bị bắt tại Phan Thiết, bị kết án tử hình, bị giam tại nhà lao Chí Hòa chờ ngày hành quyết. Rạng sáng ngày 3 Tháng Hai 1916, một số người trong “Thiên Địa hội” mặc áo đen, quần trắng, mặc áo giáp da, trang bị bùa chú, tấn công trụ sở mộ lính ở Mỏ Cày.

Rạng sáng ngày 15 Tháng Hai họ xông vào đánh phá Khám Lớn Sài Gòn để cứu Phan Xích Long. Nhưng họ không chống nổi súng đạn, nhiều người bị bắn chết, còn lại đều bị bắt, tất cả 56 người. Vài ngày sau, tất cả cùng Phan Xích Long đều bị xử tử và chôn chung trong một mộ ở “Đất thánh Chà” ở khu Tân Định. Vụ án Phan Xích Long làm chấn động giới anh chị giang hồ thời đó.

Ngoài ra vào năm 1888, còn có hội “Vạn xe” lộng hành từ Bình Đông, Phú Lâm, Minh Phụng đến An Bình-Chợ Lớn. “Vạn” với hình thức “nghiệp đoàn” theo kiểu vạn lưới, vạn chài, vạn cấy. “Vạn” thâu nạp những người đánh xe ngựa, loại xe thông dụng ở Sài Gòn-Chợ lớn bấy giờ. Người trong “vạn” thề sống chết có nhau, một người bị hà hiếp là cả bọn kéo tới binh vực vô điều kiện, khi thấy lính cảnh sát, họ chạy trốn rất nhanh.

Chủ xe phải dùng những người do “vạn” đưa vào, không được dùng người ngoài. Ngoài những người sống bằng nghề đánh xe ngựa, “vạn” còn kết nạp bồi bếp, người làm công ở hiệu buôn, cứ đóng tiền thì sẽ được che chở không bị ai hiếp đáp. Họ thu tiền giới bạn hàng, giới chủ tiệm Sài Gòn, hoặc ở chợ Cầu Ông Lãnh, vùng Khánh Hội, thu tiền của cả những người sống trên ghe thuyền và của những chủ chứa gái điếm.

Bạn hàng ở chợ nếu gây gổ nhau thì phải nhờ họ phán xử. Ai nhờ cảnh sát hoặc cò bót thì bị họ đánh đập. Trụ sở của “vạn” đóng ở một ngôi miếu thuộc vùng Tân Hưng, gọi là Tân Hưng hội quán. Thấy quá ngang ngược bất chấp luật pháp, nên về sau Thực dân Pháp đã ra tay, bắt tất cả. Như vậy giang hồ Sài Gòn từ rất xưa cũng đã kiểu băng nhóm bảo kê.

Nét đặc biệt của giang hồ đầu thế kỷ 20 so với du đãng bây giờ chính là bản lĩnh. Tay anh chị nào cũng khá giỏi quyền cước. Có thể kể đến cuộc đụng độ của Bảy Viễn với Mười Trí, quyền sư Mai Thái Hòa so tài với gã giang hồ Tư Ngang tại “hãng phân” Khánh Hội, Quận 4; hoặc vụ “thầy ngãi” Nguyễn Nhiều bẻ lọi Phillip, tay trùm du đãng khu lò heo Gia Định ở cầu Sơn, Thị Nghè…

Nhưng có hai câu chuyện thường được giới giang hồ đồn đại, thổi phồng. Câu chuyện thứ nhất xảy ra vào năm 1936, khi trùm du đãng Bảy Viễn bị đày ra đảo Côn Lôn vì can tội cướp tiệm vàng. Tại đây, hắn bị biệt giam tại Phòng 5 và đã đụng độ tên cọp rằn ác ôn người Miên tên Khăm Chay, một tướng cướp trên núi Tà Lơn. Tên này võ nghệ cao cường, có luyện “gồng Trà Kha”, được chúa đảo Bouvier nâng đỡ, để dùng tù Miên trị tù Việt.

Trong cuộc so tài, Bảy Viễn đã tung một cú đá xỉa bằng năm đầu ngón chân “Kim Tiêu cước” nhanh và hiểm trúng vào nhân trung, yếu huyệt, khiến Khăm Chay bể sóng mũi, dập môi, gãy răng, máu tuôn xối xả, đổ gục xuống nền buồng giam. Gã giang hồ này, sau đó cũng đã không hề dựa hơi người Pháp hay dùng số đông bọn tù đàn em trả thù Bảy Viễn.

Câu chuyện thứ hai là khi thủ lĩnh Bình Xuyên Ba Dương đề nghị Sáu Cường ủy lạo gạo, tiền nuôi binh đánh Tây. Tay anh chị này đã dõng dạc tuyên bố: “Nếu Ba Dương chịu nổi một cước của Sáu Cường này thì muốn bao nhiêu gạo cũng được”. Ba Dương chấp nhận. Trận thư hùng diễn ra tại bến xe An Đông. Khi Ba Dương đến, thấy thủ lĩnh của lực lượng quân đội Bình Xuyên, nhỏ con, quá “mỏng cơm” nên nhiều người bên “bến xe” coi thường. Nhưng khi Sáu Cường xuất chiêu mới biết là mình đã lầm.

Để khắc chế cú đá nặng ngàn cân của đối phương, Ba Dương luồn lách uyển chuyển như con rắn, dùng “xà tấn” lòn thấp, dùng “hạc quyền” khẽ chạm vào hạ bộ của Sáu Cường. Dù Sáu Cường liên tục tung ra ba cú đá mạnh và nhanh như điện, đối thủ đều né tránh tài tình, lại dùng tuyệt kỹ võ hạc chỉ “mổ” nhẹ với dụng ý cảnh cáo.

Biết mình đã lỡ đụng phải cao thủ, trùm giang hồ bến xe An Đông lập tức dừng đòn, nghiêng người cúi đầu đưa hai tay cung kính bái phục, chịu bại trận và tất nhiên giao kèo trước đó đã được thực thi ngay. Không hề có chuyện Sáu Cường giở trò chơi xấu ỷ nhiều đánh ít, mặc dù Ba Dương đến bến xe An Đông chỉ đơn thân độc mã, không vũ khí.

Sau năm 1963, sau khi hai ông Diệm-Nhu bị đảo chính, giang hồ theo kiểu “108 anh hùng Lương Sơn Bạc” coi như xóa sổ. Trong các tiểu thuyết viết về thế giới du đãng của nhà văn Duyên Anh – Vũ Mộng Long xuất bản trước 1975, hầu hết nhân vật giang hồ trong truyện đều là hư cấu, chỉ có bốn người là có thật ngoài đời: Lê Văn Đại, tức Đại “Cathay”, Trần Thị Diễm Châu, Chương “còm” và Dũng “Đa Kao”.

Được biết sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm đầu thập niên 1960, trật tự đô thị Sài Gòn trở nên hỗn độn, khó kiểm soát. Nhân cơ hội này, nhiều thành phần “cao bồi”, “vỗ ngực xưng tên” xuất hiện. Nổi trội trong giới giang hồ là những “đại ca” tên tuổi như Cà Na ở khu Tân Định, sau theo võ sư Huỳnh Tiền, đấu võ đài tám trận toàn thắng với biệt danh Huỳnh Sơn; rồi Bích “Pasteur”, Búp “Moderne”, Bình “thẹo”, Lộc “đen”, Hân “Faucauld”, Sáu “già”, Nhã “xóm chùa”.

Ở Quận 1 thì do “tứ đại thiên vương” Lê Đại, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái, Nguyễn Kế Thế chia nhau cai quản. Tay chân của họ đông đến hàng trăm như A “chó”, Hải “sún”, Lâm “khùng” tức Lâm “chín ngón” sau này, Lương “chột”, Hùng “đầu bò”, Việt “Parker”, Đực “đen”.

Quận 3 thì có Minh “nhảy dù”, Cẩm “Mambo”, Lâm “thợ điện”, Hùng “mặt mụn”. Quận 5 thì là lãnh địa của những trùm giang hồ người Hoa như Tín Mã Nàm, Sú Hùng, Hổi Phoòng Kiên, Trần Cửu Can, Ngô Tài.

Lại nói về tay giang hồ sừng sỏ Đại Cathay vào thập niên 1960 và đầu những năm 1970. Khi ấy người ta đã quá quen với hình ảnh Đại Cathay được mô tả trên báo, được tiểu thuyết hóa và dựng thành phim. Đại Cathay là nhân vật thật trong tiểu thuyết “Điệu ru nước mắt” của Duyên Anh. Sau được dựng thành phim do Lê Hoàng Hoa làm đạo diễn và do diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ là Trần Quang đóng. Đại Cathay với hình ảnh là “một thanh niên điển trai, đeo kính đen, với mái tóc bồng bềnh, quần jeans, giày cao cổ, trên môi không rời điếu thuốc, tay luôn “múa” hộp quẹt Zippo.

Đại Cathay (giữa) – file photo

Tuy nhiên thời đó, ngay cả đám “giang hồ” cộm cán, đám đàn em tin cẩn cũng không ai biết Đại Cathay là con ai, tên thật là gì. Hơn chục lần bị bắt về bót cảnh ѕát, Đại tự khai với hơn chục lai lịch khác nhau. Đại sinh năm 1940, tuổi con rồng. Cha lúc thì tên Lê Văn Cự, lúc lại là Trần Văn Trự. Cha Đại vốn cũng là một tay giang hồ ở khu vực chợ Cầu Muối. Khi Đại còn rất nhỏ, ông Cự bỏ vào chiến khu rừng Sác đầu quân vào bộ đội Bình Xuyên của ông Ba Dương. Bị bắt vào cuối năm 1946, bị đày ra Côn Đảo, ít lâu sau thì chết.

Đại sống với mẹ ở đường Đỗ Thành Nhân, phường Khánh Hội, Quận 4. Mẹ lấy chồng khác, cha dượng là một tay máu me cờ bạc, nghiện nặng. Nhà nghèo, gia đình chỉ làm nghề chẻ củi thuê cho một vựa củi nằm bên kia Cầu Mống. Lúc nhỏ Đại hiền lành, ít nói, dù khuôn mặt cực kỳ lạnh lùng nhưng tính tình thì vô cùng phóng khoáng. Đại đi đánh giày, bán báo nuôi thân và thường chơi với đám trẻ con bụi đời. Chưa tới 10 tuổi đầu, Đại đã có thể luồn lách vào các chợ, sạp hàng ở chợ Vân Đồn, chợ Tôn Thất Thuyết để ăn trộm dưa, chuối về chia cho những đứa trẻ đồng cảnh ngộ. Đại từ nhỏ đã nổi tiếng rất hào hiệp và lì đòn, được đám trẻ ở khu vực Đại sống ngưỡng mộ.

________________________

Bài 1: Thế giới giang hồ Quận Tư

Bài 3: Ai giết Đại Cathay?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: