Quận 4 và giang hồ Sài Gòn trước 1975 (3)

Bài 3: Ai giết Đại Cathay?
Đại Cathay (giữa) – file photo
Saigon Nhỏ - Podcast
Saigon Nhỏ – Podcast
Quận 4 và giang hồ Sài Gòn trước 1975 (3)
Loading
/

Hồi ấy, Đại làm ăn xung quanh khu vực ngã tư Công Lý và Nguyễn Công Trứ, Quận 1. Tại đó có một rạp chiếu bóng tên là Cathay, bây giờ là tòa nhà BIDV Bank. Trước cửa rạp hát hay xảy ra những vụ đánh lộn giành khách. Đại lì lợm, luôn sẵn sàng tấn công bất kỳ đối thủ nào. Đại luôn thắng nên trở thành thủ lĩnh của đám trẻ du thủ du thực. Năm 1954, Đại được biết đến với cái tên Đại Cathay.

Trở thành một tay anh chị từ nhỏ, Đại giao cho đàn em đi đánh giày, bán báo rồi mang tiền về nộp vào cuối ngày. Mỗi buổi sáng, hàng chục thiếu niên cả trai lẫn gái tụ tập quanh Đại Cathay nhận công việc và địa bàn. Theo nhiều giai thoại kể lại, Đại rất hào phóng, chia hết tiền cho đàn em, chỉ giữ lại cho mình một khoản nhỏ, đủ cà phê, thuốc lá cho ngày hôm sau. Tên tuổi của Đại Cathay nổi lên quá sớm khiến bót cảnh ѕát quận Nhì phải tống Đại Cathay vào Trại giáo hóa thiếu nhi phạm pháp ở Thủ Đức.

Thực chất, đây là chỗ giam giữ thiếu niên, chờ chúng đủ tuổi là đẩy vào quân đội. Sau nửa tháng bị giam, nếu có người nhà bảo lãnh, đóng phạt thì được cho ra. Nếu không, thì bị nhốt lại, chờ đủ tuổi thì tống vào “đội lao công” phục vụ chiến trường. Những lần đi trại, Đại đã làm quen với Của Gia Định, Lâm chín ngón, Hắc quảy quảy, là những chiến hữu đắc lực sau này của Đại trên chốn giang hồ. Mỗi lần vào trại rồi lại trốn ra, Đại Cathay càng liều lĩnh và có kinh nghiệm hơn. Đại lại hăng máu và lao đầu vào những trận thư hùng. Đánh nhau vốn là thứ năng khiếu nổi trội ở Đại.

Khi Đại Cathay còn là một cậu bé đánh giày thì toàn bộ khu vực Da Heo, gần cầu Ông Lãnh, đều do một tay giang hồ nổi tiếng là Tám Lâu cai quản. Nhiều lần chứng kiến thằng bé đánh giày dẫn quân đi giao chiến, Tám Lâu đâm ra thích Đại. Nhưng Tám Lâu vẫn phải e ngại trước uy thế của anh em Bé Bún, một trùm giang hồ Quận 4, đóng ở khu vực cạnh hãng phân nơi Đại Cathay trú ngụ. Một lần tình cờ nghe đàn anh than thở, Đại Cathay đề nghị: “Anh để em cho thằng này đi viện.” Tám Lâu e ngại nên gạt phắt đi. Lúc này đám đàn em của Đại cũng đã lớn, nghe lời Đại Cathay, đám này vác dao sang Bến Vân Đồn chém vài đàn em của Bé Bún để khiêu khích.

Điên tiết, Bé Bún đưa toàn bộ người của mình ồ ạt tấn công sang khu Da Heo, hỏi tội Tám Lâu. Quân Bé Bún quá đông, khiến Tám Lâu và đám đàn em hoảng hốt bỏ chạy. Nhưng vừa qua khỏi Cầu Ông Lãnh, băng Bé Bún đã phải “ôm đầu máu” chạy ngược lại. Đại Cathay chỉ huy đàn em bất ngờ đánh “bật” trở lại. Đám giang hồ lăn xả vào chém quân Bé Bún, đuổi thẳng qua bên kia cầu Ông Lãnh. Nói là làm, Đại Cathay đã cho Bé Bún mấy nhát dao phải nằm viện, khiến về sau không còn dám bén mảng sang khu Da Heo nữa.

Cầu Ông Lãnh (file photo)

Sau trận hỗn chiến này, Tám Lâu tuyên bố: Đại Cathay có toàn quyền xử lý các vụ việc trong khu Da Heo. Nhưng Đại không muốn thế, hắn chỉ nhận thu tiền bảo kê các sòng bài, ổ đề, ổ nghiện hút trong khu vực. Tiếp đó, Đại nhận bảo kê tất cả ngành nghề kinh doanh lậu như: xưởng nấu xà phòng, lò mổ, lò rượu.

Đầu những năm 1960, Đại Cathay, mới hơn 20 tuổi, đã trở thành một tay trùm khét tiếng. Đại nhận bảo kê và còn có thêm các khoản “bồi dưỡng” của rất nhiều các đại gia Sài Gòn lúc đó. Gần như hầu hết nhà hàng khách sạn, động mại dâm, tiệm hút chích, sàn nhảy ở khu vực Quận 1, Quận 2 đều chịu sự bảo kê của Đại. Đại Cathay và đàn em không phải trả bất kỳ một khoản tiền nào cho việc ăn chơi.

Tất cả những nơi hắn đến đều được tiếp đón, coi sự hiện diện của Đại là một vinh dự. Đại Cathay và đám đàn em bắt đầu quen biết với tầng lớp trí thức, con nhà gia thế. Trong đó, đáng kể nhất phải kể đến Hoàng Sayonara, người mà sau đó đã trở thành quân sư chiến lược của Đại. Nghe lời các quân sư, Đại Cathay đứng ra cùng với Bảy Si, là một giang hồ khét tiếng, là anh vợ và cũng từng là đàn anh của Năm Cam, mở nhiều sòng bài để thu tiền xâu.

Nhưng khi ấy, Sài Gòn còn có ba ông trùm khác – Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế – hoàn toàn không hài lòng với sự bành trướng thế lực của Đại. Huỳnh Tỳ và Ngô Văn Cái quyết định hạ bệ Đại. Một lần hẹn gặp Tỳ và Thế cùng ba tên đàn em, do không đề phòng, Đại Cathay đã bị phục kích. Năm tên giang hồ đồng loạt rút dao xông vào chém. Đại Cathay may mắn không chết. Không kịp lành vết thương, Đại một mình một dao, lần lượt tìm các tên đã chém mình để rửa hận. Tất cả đều bị chém trọng thương. Sau cuộc thanh toán đẫm máυ ấy, Đại Cathay trở thành nhân vật số một trong “Tứ đại thiên vương” của giang hồ Sài Gòn: Đại – Tỳ – Cái – Thế.

Cuộc đụng độ dữ dội nhất trong cuộc đời giang hồ của Đại là với Tín Mã Nàm, trùm giang hồ người Hoa nổi tiếng ở Chợ Lớn. Tín Mã Nàm vốn có thân hình hộ pháp, từng nhiều năm học Thiếu Lâm Hồng Gia và Thái Lý Phật. Đầu năm 1964, Đại dẫn theo Ba Thế và Lâm “chín ngón” đột ngột tấn công vào băng nhóm của Tín Mã Nàm tại một quán nước. Nhưng Đại Cathay thất bại.

Giai đoạn 1965-1966 là thời cực thịnh của băng nhóm Đại Cathay. Mỗi khi ra đường Đại Cathay ngồi trên chiếc xe mà Sài Gòn lúc ấy chỉ có ba chiếc. Bọn đàn em phóng mô tô ầm ầm theo sau. Chúng đi đến đâu, náo loạn đến đấy. Chính quyền lúc bấy giờ xem băng nhóm này như “cái gai đâm vô mắt” mà chẳng làm gì được. Đại Cathay có thù riêng với Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ (sau này là Thủ tướng và Phó Tổng thống VNCH). Trong một lần gặp nhau trên sàn nhảy, Đại Cathay bị Trung tá không quân Nguyễn Cao Kỳ “nhắc nhở”. Ngay lập tức, ông Kỳ bị ăn một quả đấm vào giữa bụng.

Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan thời ấy là Giám đốc Nha cảnh ѕát Đô Thành, quyết liệt trong việc bài trừ du đãng. Ông lập ra “Biệt đội hình cảnh” nhằm tiêu diệt giang hồ, và cử người thân cận của mình là Đại úy Trần Kim Chi làm đội trưởng. Nhưng vẫn không đạt được kết quả gì nhiều. Đại Cathay không hề sợ hãi trước công quyền, trên đời không có gì làm hắn phục. Trong một cuộc đọ ѕúng vào khoảng năm 1966 giữa băng nhóm Đại với thuộc cấp của tướng Loan, Đại Cathay bị bắn trọng thương.

Một loạt thành viên trong băng nhóm bị bắt, tống giam; và bản thân Đại Cathay cũng nằm trong vòng nguy hiểm. Cuộc điều đình với viên Đại úy hình cảnh Trần Kim Chi trong việc trả tự do cho các đàn em bất thành. Rồi sau đó lại xảy ra cái chết không minh bạch của Đại úy Chi. Ông thiệt mạng khi bị một xe tải chở gỗ tông thẳng vào chiếc xe mình. Giang hồ đồn đại về một vụ mưu ѕát do Đại Cathay cầm đầu khiến Tướng Nguyễn Ngọc Loan tức giận. Đại Cathay bị tống giam và cuối Tháng Mười Một 1966, Đại cùng loạt đệ tử được đưa lên một máy bay vận tải và ném thẳng vào nhà giam tại đảo Phú Quốc.

Là tay giang hồ vốn quen tự do, Đại không thể sống quá lâu trong tù túng. Đại vạch kế hoạch vượt ngục. Tiền và vàng từ ngoài đất liền được vợ và đàn em chu cấp. Đại quyết định trốn khỏi trại với lời hứa giúp đỡ của một vài viên sĩ quan bảo an trong trại. Rạng sáng ngày 7 Tháng Một 1967, Đại Cathay gọi Lâm “chín ngón” vào ngồi cạnh. Đại nhắn nhủ: “Anh đi phen này lành ít, dữ nhiều. Mày ở lại, phải bỏ ma túy đi. Mày còn nhỏ, tính còn nông nổi, cố gắng ở lại, rồi lúc về được anh sẽ lo cho mày ra khỏi trại”.

Đại và các đàn em khác chuẩn bị trốn trại. Tốp trốn trại được chia đôi thành hai đường. Đại đã không gặp may. Tốp thứ nhất chạy trốn để “đánh lạc hướng” mau chóng bị tóm lại. Đại Cathay và đàn em thân tín nhất là Hải Súng, biết không còn cách nào khác phải đổi đường, chạy ngược lên phía núi Tượng của đảo Phú Quốc, nơi quân Việt cộng đang chiếm đóng. Kể từ đó, không ai còn thấy Đại Cathay và Hải Súng đâu nữa.

Báo chí Sài Gòn thời điểm đó không nói gì thêm về cuộc mất tích bí ẩn này. Nhưng theo nhiều người kể lại: Ngay trong đêm 7 Tháng Một 1967, một tiểu đội biệt kích do Thiếu úy Trần Tử Thanh chỉ huy, được trực thăng chở từ Sài Gòn ra, giả danh Việt Cộng, dùng súng AK47 truy kích, được lệnh bắn hạ, tiêu diệt Đại Cathay và Hải Súng. Sau này Thiếu úy Trần Tử Thanh đã huênh hoang khoe với nhiều phóng viên của một số tờ báo ở Sài Gòn trước 1975 rằng chính tay ông ta đã nổ súng hạ gục Đại Cathay. Một cuộc đời giang hồ khép lại, khi Đại 26 tuổi. “Ngựa hoang chết gục…, ôi còn in những vết thù”.

Trong giới giang hồ Sài Gòn thập niên 1960-1970 cũng có xuất hiện một “bóng hồng sát thủ”, đó là Lệ Hải, từng là người tình của Đại “Cathay”. “Gái giang hồ” hội ngộ “trai tứ chiếng”, Lệ Hải bỏ nhà đi “sống bụi đời” cùng Đại “Cathay” như vợ chồng. Thế nhưng, cuộc tình “sét đánh” cũng nhanh chóng vỡ tan sau một năm.

Lệ Hải xuất thân con nhà giàu có, cựu nữ sinh trường Marie Curie, thi đỗ tú tài I. Năm 17 tuổi, Lệ Hải thi lấy bằng lái xe hơi, hằng đêm lướt đến các vũ trường trên chiếc Toyota Corolla màu đỏ cánh sen bóng lộn. Với gương mặt thanh tú, trắng trẻo, cao ráo, có học thức, Lệ Hải dễ dàng mồi chài những ông chủ salon lắm tiền nhiều của, các dân biểu “tai to mặt lớn” hay sĩ quan tướng lĩnh Sài Gòn “vui vẻ qua đêm”.

Chẳng bao lâu, Lệ Hải trở thành một nữ chúa trong giới giang hồ với hình xăm “bông hồng đỏ” dưới rốn và “con rắn phùng mang” nơi ngực trái. Đến năm 1975, Lệ Hải cùng với một ông chủ người Hoa giàu sụ, mua tàu vượt biển di tản qua Úc rồi sau đó định cư tại Anh.

Những năm đầu 1960, khi trào lưu “Làn sóng mới” – “La Nouvelle Vague” từ phương Tây du nhập vào Sài Gòn thì một số tay anh chị xuất hiện, manh mún ở Sài Gòn như đã nói trên. Nhưng càng về sau, đám “hippy choai choai”, gồm lớp người trẻ ăn mặc theo kiểu cao bồi Viễn Tây Texas cưỡi ngựa chăn bò với quần jeans, áo sơ mi carô sọc to xanh đỏ, giày ống cao gót, tóc dài phủ gáy, phóng xe máy Sachs như điên trên đường phố, miệng phì phèo thuốc lá Salem xuất hiện càng nhiều.

Ban ngày, các “cao bồi” “ngồi đồng” ở những quán cà phê nhạc ngoại quốc trên đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Tối đến, họ đóng đô ở các phòng trà, vũ trường như Anh Vũ, Bồng Lai, Melody, Lai Yun, Arc En Ciel ở khu Tổng Đốc Phương; ngã tư Bảy Hiền; hồ bơi Chi Lăng; Victoria, Phú Nhuận. Họ sẵn sàng gây sự đánh lộn, đập phá, đâm chém, để khẳng định mình là “cao bồi” chính hiệu”. Nhưng đó là chuyện du đãng mới, về sau, cũng như về chuyện xã hội đen, tội phạm sau 1975 với nhiều biến tướng, là những câu chuyện dài.

Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời

Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời

Ngựa phi như điên cuồng giữa cánh đồng dưới cơn giông

Vì trên lưng cong oằn những vết roi vẫn in hằn

Ngựa hoang về đến bến sông rồi

Cởi mở lòng ra với cõi đời

Nhưng đời làm ngựa hoang chết gục

Và trên lưng nó ôi còn in những vết thù

___________

Bài 1: Thế giới giang hồ Quận Tư

Bài 2: “108 anh hùng Lương Sơn Bạc”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: