Người ta hay khuyên nhau “dậy sớm để thành công”, thói quen đầu tiên của người thành công là dậy sớm… vậy mà Sài Gòn thức quài thức quỷ bao trăm năm qua, sao không chịu thành công?
Sài Gòn ngày càng đông đúc, không chỉ đông ban ngày mà đông cả ban đêm, có hôm tôi ra đường lúc 1 giờ sáng – khuya lơ khuya lắc mà đường vẫn đông xe, không biết thiên hạ ngủ lúc nào? Muốn nhìn thành phố rõ nét nhất, chỉ có nước ra đường lúc sáng sớm ngày cuối tuần, khi đa số không phải lật đật tới sở làm, tới trường học, khi các cuộc vui dần tàn vì sức người có hạn…
6 giờ sáng Chúa Nhật, thành phố còn buồn ngủ, tôi đi qua những gương mặt lờ đờ chưa tỉnh mộng hoặc chưa được ngủ. Tôi cũng không biết trong dòng người đang ngáp lên ngáp xuống kia, ai thức suốt đêm qua chưa ngủ, ai mới ngủ dậy. Thấy họ ngáp, tôi cũng ngáp theo…
Bản thân tôi thì luôn tranh thủ ngủ thẳng cẳng trước khi mình thành công (lúc đó tôi sẽ thức bù) nên ít khi ra đường lúc sáng sớm – khi thành phố còn buồn ngủ như bây chừ. Nhưng khi dạo một vòng mới nhận ra đây là một quyết định hay nhất tuần qua của tôi. Vì tôi có thể thấy được “quê” mình rõ ràng nhất khi bớt xe cộ, khói bụi, tiếng ồn che mờ phố xá. Tôi nhìn rõ những ổ đất trống trơ, nơi từng có hàng cây dài râm bóng mát, che chở từng bước… lội bộ đi học của tôi.
Tôi được nhìn kỹ những chung cư xây hàng chục năm qua chưa xong, giờ là phế tích cho những kẻ xấu ẩn nấp. Tôi được nhìn thấy ngôi trường cũ của mình, không còn to lớn uy nghiêm trong đôi mắt của đứa học trò cũ đã sống hơn nửa đời người, nhưng vẫn chứa đựng tất cả những kỷ niệm ngây thơ, láu cá, trong sáng nhất đời một con người. Bên cạnh những nhà hàng to lớn đang chuẩn bị đóng cửa sau đêm dài phục vụ các “nhậu sĩ”, những “tiệm” ăn vỉa hè lục đục được bày biện ra, phục vụ những người dậy sớm nhưng chưa thành công (người thành công họ ăn tiệm lớn hơn, có chỗ ngồi đàng hoàng, có chỗ để xe, có phục vụ…)
Bên cạnh những người ăn vội ổ bánh mì, uống nhanh ly cà phê để đi làm thêm ngày cuối tuần thì cũng có những bước chân thong dong đi bộ tập thể lực hoặc dắt chó đi dạo kèm vệ sinh bậy ven đường. Tôi từng hừng hừng khí thế mua giày thể thao, quần áo tập thật đẹp hòng chạy bộ ở bờ kè bên kênh Tàu Hủ – dọc Đại lộ Đông Tây (nơi được mệnh danh đại lộ đẹp nhất Sài Gòn) mỗi sáng, rồi ngậm ngùi từ bỏ vì hai bên đường đều khai ngấy mùi phóng uế, không biết của thú cưng hay người.
Hôm rồi, tôi đi bộ dọc đường Nguyễn Trãi (quận 5 cộng quận 1), buộc phải đi xuống lòng đường vì trong vỉa hè quá hôi, chịu không nổi. Đường sá đẹp, rộng hơn ký ức của tôi hồi nhỏ, nhưng không còn là nơi chào đón bước chân học trò (ba, mẹ thời nay cũng hiếm khi dám để con tự đi học một mình vì sự an toàn của con). Có lẽ vì vậy mà thị dân và con nít thành phố ngày càng dễ béo phì hoặc mắc các bệnh tâm lý.
Những cửa hàng sầm uất hôm nào nay đã tan hoang, bị dán bảng “cho thuê” đầy như mụn ghẻ của con chó xà mâu, tấm nào cũng ghi số điện thoại khác nhau nhưng đều cam đoan “chính chủ”. Các cao ốc cao lớn mọc lên ngày càng nhiều, làm Sài Gòn ngày càng lạnh lùng và bí ẩn, không biết bao nhiêu con người trong những cái “hộp” nhiều “ngăn” đó? Họ đã thức dậy chưa? Họ có vui hôm nay và có hài lòng về ngày hôm qua?
Sài Gòn buổi sáng còn hơi sương, tất cả đều buồn buồn như đôi mắt người chưa tỉnh ngủ. Đường càng trống trải, càng thấy Sài Gòn giờ xa lạ quá, cả người lẫn cảnh, mảnh đất này như tảng thịt của con vật còn sống bị đặt trên lò nướng, người ta dùng dao cắt từng chút một, từng chút một, chấm muối tiêu chanh đưa lên miệng. Kẻ ăn thì ngon, kẻ nhìn thì xót.
Sài Gòn là quê tôi, đôi khi tôi nghĩ mình thân thuộc với thành phố này tới mức nhắm mắt đi cũng tới chỗ mình muốn, nhưng giờ không phải nữa. Còn chuyện nhắm mắt để ra đường – tôi ra vẻ cho thơ vậy thôi chứ chưa thử lần nào, giờ mà nhắm mắt đứng ở vỉa hè nhà mình thôi cũng có khi bị xe đụng bay lên ban công sân thượng. Mỗi tuần, trên báo trong nước lại có vài vụ người ta đứng dừng xe chờ đèn đỏ đúng luật mà bị xe hơi/xe hàng từ phía sau tông lên, gây ra “tai nạn liên hoàn”, rồi người ta ngồi trong nhà cũng bị xe bay vào “hôn” cho bằng được (phải chi các chàng trai cũng nhiệt tình như vậy với tôi).
Có lẽ còn buồn ngủ, tôi cũng đang bị lạc trên chính con đường về ngôi nhà cũ của mình ở quận 3. Thiệt ra, nó không còn là chốn để về nữa, nhà không còn người thân, xóm còn rất ít người quen, bạn bè cùng lớn lên – học chung cũng đã đi nước ngoài hoặc dọn “ra riêng” khi có gia đình gần hết. Chỉ còn một hai người già cũ kỹ nhất xóm lờ đờ quét sân, nhìn thấy tôi, ông Ba nói: “Lâu không gặp, nay khác quá hen bây?”
Ừ, tôi cũng khác…