Sức sống kỳ lạ của “Chợ Ông Tạ”

Ngã ba Ông Tạ hiện nay – Tranh: Họa sĩ Ông Tạ Mạc Chánh Hòa

Cao điểm dịch Covid -19 hồi tháng 7, 8, 9 ở TP.HCM vừa qua, có một fanpage mới xuất hiện, phục vụ cấp tốc việc thiếu hụt hàng hóa, nhất là thực phẩm ngay trong thời điểm cả TP.HCM rào chắn tứ tung, rào đường cấm chợ: “Chợ Ông Tạ – phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7”. Ngay lập tức, hơn 6,400 người đăng ký thành viên.

Người bán kẻ mua hầu hết quen nhau. Admin tôi không quen, không biết là ai. Khả năng lớn là dân Ông Tạ vì dù có lẽ không nghiên cứu gì, admin này cũng cảm nhận khu vực tác động, lan tỏa của “chợ Ông Tạ” ở phạm vi hành chính hiện nay từ phường nào đến phường nào. Cơ bản là ship hàng, nhưng đa số người bán động viên người mua đến tận nơi mua cho khỏi tốn tiền ship. Khu trung tâm Ông Tạ có 1,5km2, lớn lao gì nên dân Ông Tạ cơ bản quen nhau hết; một người nói tên mình, người khác kể vanh vách cha mẹ, anh em…

Theo chủ quan cá nhân, tôi thấy có ba chuyện bật ra từ fanpage này:

MỘT. “Chợ Ông Tạ” xuất hiện từ 1954, 1955 và đã bị dẹp từ cuối thập niên 1980, chuyển về chợ Phạm Văn Hai cách đó vài trăm mét. Nhưng trong lòng nhiều người, rất nhiều người, không chỉ dân Ông Tạ, họ vẫn gọi “chợ Ông Tạ”, như gọi Sài Gòn dù gần nửa thế kỷ nay có tên TP.HCM.

Tôi xin đưa một clip, do một người không phải dân Ông Tạ quay ngày 13 Tháng Mười 2021, bắt đầu từ khu vực xưa là chợ Ông Tạ: Trường tiểu học Phạm Văn Hai. Sau đó tới ngã ba Ông Tạ…

Tại sao hiện nay đa số người vẫn gọi Sài Gòn? Đơn giản thôi, tên Sài Gòn có 300 – 400 năm nay rồi. Giấy tờ, sách báo và ăn nói xưa nay đều quen gọi Sài Gòn. Nó na ná như tên chính thức là Hà Nội (từ thời Minh Mạng, 1831 tới nay 2021, 190 năm) nhưng người ta vẫn có thể gọi Thăng Long, Đông Đô: “Ôi Đông Đô! Hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây – Ơi Thăng Long! Ngày nay chiến công rạng danh non sông…”. Tên Thăng Long tồn tại tổng cộng mấy trăm năm mà. Quen rồi.

HAI. “Chợ Ông Tạ” có lẽ cũng nằm trong thói quen ấy, dù chưa bao giờ ngôi chợ, khu chợ này có bảng tên ghi “Chợ Ông Tạ” như chợ Bến Thành, chợ Bà Chiểu…, thậm chí như chợ Nghĩa Hòa – một chợ trong khu Ông Tạ, cách chợ Ông Tạ vài trăm mét. Tên chính thức trong những văn bản chính quy mà nhà nghiên cứu Huỳnh Minh lấy làm tư liệu viết “Gia Định xưa và nay” xuất bản ở Sài Gòn năm 1973, nó mang một cái tên rất “lạ”: chợ Tân Sơn Hòa.

Chợ Ông Tạ xưa trong dịp giáp tết. Ảnh: dansaigon

Tuy nhiên, qua đó cho thấy: chợ Ông Tạ đã được chính quyền Sài Gòn coi như là chợ chính của xã Tân Sơn Hòa; nay là phạm vi phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 – quận Tân Bình. Và đó là một trong những lý do khiến tôi xác định “Ông Tạ và vùng phụ cận/ngoại ô” của mình (“Ong Ta et ses avirons”) như cách vẽ bản đồ lẫn quy hoạch cụ thể của Sài Gòn thời Pháp và trước 1975.

Có một quan điểm chính thức về cách nhìn, cách xử lý và quy hoạch trên toàn thế giới: một khu vực lớn thường có vùng lõi – trung tâm và vùng ngoại vi – ảnh hưởng (environs). Vùng ngoại vi/ngoại ô này lệ thuộc, phụ thuộc vào vùng lõi – trung tâm; đồng thời là tác nhân phát triển vùng lõi. Hai bên gắn bó, liên kết chặt chẽ với nhau; không thể thiếu nhau.

Ví dụ: vùng lõi – trung tâm của Sài Gòn (ban đầu, thời Pháp mới vô) chỉ là 3km2 quận Nhứt trước 1975 (sau 1975, nhập quận Nhì vô quận Nhứt để có quận 1 hiện nay 7km2). Nhưng vùng ảnh hưởng và vẫn có thể gọi Sài Gòn là quận 3, 4, 5, 6, 8… (dân các quận đó vừa có thể coi mình là Sài Gòn dù vẫn nói “ra Sài Gòn chơi”).

Thậm chí nhiều vùng ngoại ô thuộc tỉnh Gia Định trên bưu thiếp, hình ảnh, địa chỉ thời Pháp hoặc trước 1975 vẫn có thể ghi là Sài Gòn. Tòa soạn báo Thiếu Nhi trước 1975 ghi địa chỉ rành rành trên báo là “159 Thiệu Trị, Phú Nhuận, Sài Gòn” (dù Phú Nhuận là xã thuộc quận Tân Bình, Gia Định). Bức ảnh ngã tư Bảy Hiền vốn thuộc Gia Định, nhưng bưu ảnh ghi rành rành “Saigon – ngã tư Bảy Hiền”.

Chuyện này không lạ: Trên nhiều bưu thiếp, bưu ảnh thời Pháp chụp ở Phú Nhuận, Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng, quân Phú Nhuận), Hàng Xanh (trước 1975 thuộc Thạnh Mỹ Tây, Gia Định)… không khó thấy ghi Saigon.

Tất nhiên, không ai ghi Hóc Môn, Gò Vấp, Nhà Bè… là Sài Gòn. Đơn giản thôi, những nơi này còn cách Sài Gòn cả một vùng ngoại ô/“environs” sát cạnh Sài Gòn.

Quay trở lại “chợ Ông Tạ”. Ngôi chợ này dân Ông Tạ ai cũng biết nó vẫn còn, dù không sầm uất như xưa và chỉ họp chợ từ sáng đến trưa ở hẻm Gà trên đường Thoại Ngọc Hầu, nay là hẻm 264 đường Phạm Văn Hai; cách khu chợ Ông Tạ cũ vài chục mét. Dù không sầm uất như “thuở hoàng kim” thập niên 1960, 1970, nhưng nó vẫn là một ngôi chợ với hàng trăm cửa hàng, sạp vỉa hè. Mỗi buổi chợ, hàng ngàn người vẫn mua bán ở đây hàng ngày.

Và xung quanh chợ Ông Tạ cũ (nay là trường tiểu học Phạm Văn Hai), các bạn tin không, mấy chục tiệm giò chả, bún bánh, thuốc lào, bột sắn, quả gấc, tạp hóa… xưa vẫn còn đó, mở bán hàng ngày; chủ hôm nay là thế hệ con cháu. Ở đó, tôi thấy có tiệm bán cả bài tam cúc, bất, tổ tôm… như thuở nào.

Thời thế thay đổi, nhưng sức sống và sự bảo tồn mãnh liệt của dân Ông Tạ, nhìn từ “chợ Ông Tạ” tới giờ vẫn còn đó.

Màu xanh trong ảnh là ruộng rau muống (ruộng ông Nghi bên dưới, sát kinh Nhiêu Lộc chạy ngang ảnh). Màu xanh phía trên là cánh đồng Sơn Tây (Vườn rau Lộc Hưng). Khu nhà thờ An Lạc có khoanh tròn. Nhà thờ Tân Chí Linh nằm trong khoảng đất trống dưới bên dưới. Trước cổng nhà thờ là trường Chúa Cứu Thế. Hình này chụp khoảng năm 1971 – lúc nhà thờ Tân Chí Linh đang chuẩn bị xây lại nên đất quanh nhà thờ đang bị cào lên. Sau nhà thờ là nhà xứ (màu vàng – sát kinh Nhiêu Lộc) – Ảnh tư liệu

SỨC SỐNG CỦA MỘT KHU VỰC PHÁT TRIỂN LÀ LẤN RA, ẢNH HƯỞNG XUNG QUANH

Cần khẳng định: Từ 1954 – 1970, khu vực xung quanh Ông Tạ cơ bản chỉ là rừng cao su, cây cỏ, nương rẫy, nghĩa địa… rất vắng vẻ. Muốn đi chợ thì chợ Ông Tạ lớn nhất vùng Tân Sơn Hòa, quận Tân Bình; độ sầm uất, nhộn nhịp vượt qua cả những chợ xưa trăm năm của quận Tân Bình trước 1975 như chợ Bà Quẹo của xã Tân Sơn Nhì, chợ Phú Nhuận của xã Phú Nhuận…

Đến giờ, những khu vực thuộc xã Tân Sơn Hòa xung quanh khu trung tâm Ông Tạ xưa (phường 3, 5, 6, 7) là phường 1, 2, 4, mật độ dân cư vẫn thua xa khu trung tâm, dù diện tích gấp bội. Phường 2 hiện nay diện tích 2km2 nhiều hơn tổng diện tích bốn phường khu trung tâm 1.5km2, cụ thể phường 3 (0.26 km²), 5 (0.3km2), 6 (0.57km2), 7 (0.48km2).

Ảnh bìa cuốn “Sài Gòn một thuở-Dân Ông Tạ đó!” của tác giả CMC

Phường 4 rộng nhất 2.44km2 vì trước 1970 rất ít dân, nhiều nơi là khu Trung tâm Thực nhiệm Chăn nuôi, khu thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa cắm dùi chiếm đất… Phường 2 rộng vì nó “thâu tóm” đất khu vực giáp sân bay. Vốn xưa (1920) làng Chí Hòa cũng “thâu tóm” đất làng Tân Sơn Nhứt còn dư sau khi lập phi trường Tân Sơn Nhứt, thành làng Tân Sơn Hòa. Nên chùa Phổ Quang, nghĩa trang Bắc Việt, thậm chí cả khuôn viên Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Lăng Cha Cả… thuộc phạm vi làng Tân Sơn Hòa.

Vậy nên mới hiểu tại sao trường Ngô Sĩ Liên (góc Phạm Văn Hai – Nguyễn Trọng Tuyển, phường 2, Tân Bình) hiện nay trước 1957 là “trường làng Tân Sơn Hòa”. Rồi khu trung tâm hành chính của xã Tân Sơn Hòa sau khi lên xã (1957) nằm cạnh đó, giữa địa phận xã. Học trò Ông Tạ ngồi học đầy ở đây, trong đó có mấy anh chị tôi, sau này là tôi.

Khi một khu trung tâm trong xu thế phát triển, thu hút dày đặc người thì đương nhiên xu thế chung của nó là lấn ra, ảnh hưởng và thâu tóm xung quanh – nếu nó đủ lực. Như lịch sử cho thấy Sài Gòn đã lấn ra bốn phía, Ông Tạ cũng đã làm được như vậy, ít nhất đến trước 1975. Trường Nguyễn Gia Thiều của một giáo xứ Ông Tạ năm 1970 đã lấn ra tới mặt tiền đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt) là vậy. Vài chục nóc gia giáo dân xứ An Lạc lấn sang cả địa phận phường 11 quận 3 từ trước 1975 cho tới giờ.

Trở lại fanpage “Chợ Ông Tạ – phường 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7”. Sau một thời gian ngắn hoạt động, nó đổi thành “Chợ Ông Tạ – Tân Bình” vì thực tế nhiều bà con xung quanh ở phường 8, 9, 10, 11… (về lý thuyết không thuộc khu Ông Tạ) cũng nhảy vô buôn bán ì xèo.

Sức sống của Ông Tạ, của “Chợ Ông Tạ” thực tế nó hiển hiện sờ sờ ra đó, có phải tôi nói đâu. Tôi đâu tham lam, “vơ” hết vô Ông Tạ. “Dân Ông Tạ đó”.

Còn về cá nhân, khi tôi viết Ông Tạ, không hiếm bạn bè cạnh khu Ông Tạ như Tân Việt, Kiến Thiết… còn yêu cầu tôi viết luôn cả… khu vực đó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: