An lành chắc hẳn chiếm tỉ lệ cao nhất trong các lời chúc Tết, chúc năm mới, nó bao hàm cả sức khỏe lẫn hạnh phúc.
Hôm nay 14 Tháng Hai 2024, mùng 5 Tết Giáp Thìn. Không rõ nơi khác ra sao, nhưng với dân Sài Gòn và miền Tây, đây là một ngày kỵ húy khai trương, động thổ, mưu sự… này nọ. Vô tình mùng 5 năm nay lại trùng với Valentine’s day 14 Tháng Hai. Và cũng trùng với ngày thứ tư lễ Tro – ăn chay bên Công giáo 14 Tháng Hai 2024, khởi đầu mùa Chay 40 ngày.
Nghĩa là cả đạo – đời lẫn thông lệ ông bà, ngày này cần sự an lành, tịnh tâm. Cũng như Tết, chúng ta dễ nức nở, hào hứng nói về tưng bừng, náo nhiệt “người ta đông quá, giời ôi chen” mà quên rằng Tết là thời điểm dừng lại cần thiết sau một năm quay cuồng với cuộc mưu sinh.
Có người chê trách người Việt ăn Tết nhiều quá, từ trước Tết cả tuần đến sau Tết cả tuần, thiếu điều cả Tháng Giêng. Đó là lãng phí. Họ nói người phương Tây và ngay cả dân Nhật chỉ mừng năm mới một ngày, sau đó lại là công việc.
Có thể. Nhưng ngẫm thử mà coi: dân ta khổ cực bao đời rồi, từ tiên tổ, cha ông đến con cháu hôm nay, hầu hết suốt năm suốt tháng vật lộn với miếng cơm manh áo, cần có điểm dừng năm, bảy ngày, nửa tháng.
Dân xứ người vừa làm vừa nghỉ, có nơi một tuần chỉ làm bốn, năm ngày. Dân xứ ta có bao giờ được như vậy đâu, quanh năm làm mửa mật, hầu như không nghỉ ngày nào. Một, hai tuần cho Tết coi bộ cũng chưa bù được những khốn khó đời thường suốt năm.
Nhất là năm qua 2023 quá sức khó khăn. Những tấp nập, chen chúc, áo ngắn áo dài lễ mễ ở khu trung tâm thành phố thực chất chỉ là bề mặt. Ngay trong những ngày cận Tết, trong Tết và sau Tết, ra khỏi khu trung tâm trăm mét thôi là gặp ngay vô số hình ảnh buồn: đường phố lặng lẽ, chợ búa lẫn siêu thị ế ẩm, thiếu vắng hẳn nụ cười xuân.
Ngày 27, 28 Tết, chị em một siêu thị phải gọi điện thoại cho từng khách quen, trong đó có tôi, năn nỉ tới mua ủng hộ. Trưa 30 Tết, trên đường Trường Chinh nắng oi ả, tôi gặp bà cụ ngồi bán vài trái xoài mà giá trị tất cả có lẽ chưa tới trăm ngàn đồng. Tôi ghé mua hết cho bà dù cây xoài nhà tôi năm nay ra trái khá nhiều…
Ai đi trên đường những ngày qua và sẽ còn trong nhiều ngày tới, dễ dàng gặp vô số cảnh Tết, nẻo đời không vui này. Tôi có chụp vài trăm tấm ảnh như vậy ở nhiều nơi. Nhưng mấy bữa Tết, không dám post kẻo mất vui ngày Tết, có khi lại chạnh lòng bao số phận cần lao.
Tết năm nay có lẽ là cái Tết rất kỳ lạ. Hiện nay, kinh tế mỗi nhà đều bỏ xa thời bao cấp khốn khổ tận cùng sau 1975. Thế nhưng không hiểu sao những cái Tết thời nghèo tơi tả ấy coi bộ vẫn rộn rã, được chờ đợi hơn Tết này.
Với tôi, “cảnh buồn người có vui đâu bao giờ”. Những ngày giáp Tết và cả trong Tết, tôi xin kiếu khá nhiều lời mời; chỉ gặp, chia sẻ với những thâm tình. Là phần quà Tết gửi cúng thầy dạy võ của sân chúng tôi đã mất 12 năm đủ để gia đình thầy nấu nồi thịt kho hột vịt 10kg và mua vịt quay ở một tiệm vùng Chợ Lớn mà xưa thầy rất thích. Là bánh chưng, giò lụa… số 1 Ông Tạ lì xì anh em sân võ. Là hộp xôi Bà Lai “đệ nhất Ông Tạ”, kẹo lạc Quế Hương lừng lẫy Ông Tạ, chả bò, phong bao lì xì gởi một huấn luyện viên sân võ bạn giờ đã nghỉ tập bán cà phê vỉa hè. Người huấn luyện viên này vốn mồ côi cha mẹ từ nhỏ.
Trưa 30 Tết, chúng tôi ngồi với nhau bên xe cà phê vỉa hè đường Trương Vĩnh Ký (Tân Phú), thấm thía nỗi niềm mưu sinh…
Tôi tìm sự an lành Tết ở đó.
Ngày mai 15 Tháng Hai 2024, mùng 6 Tết. Đường sá Sài Gòn sẽ dần đông đúc trở lại. Sau Tết, bình thường mãi lực/sức mua vốn kém; riêng Tháng Giêng năm nay, có lẽ càng khó “kỳ vọng”, “khởi sắc”… này nọ như trên không ít phương tiện truyền thông, quen rộn ràng “lên dây cót”.
Chiều mùng 5, Tết qua dần, lặng lẽ trong nắng hanh Sài Gòn.
Nắng rụng, hoa rơi, mây vất vơ
Tết qua như chưa Tết bao giờ
Chiều nay gió nhạt ngoài khung cửa
Lặng một mùa xuân, trôi ước mơ…