Sầu nữ Út Bạch Lan

Nghệ sĩ Út Bạch Lan (file photo)

Một tuổi thơ buồn

“Dạ kính thưa ông bà cô bác, tụi con mồ côi cha, anh con bị mù, không biết làm gì để sống, xin mượn tiếng nhạc lời ca để giúp vui, mong bà con cô bác mở rộng lòng thương cho xin đồng tiền chén gạo để nuôi dưỡng mẹ già.

Từ là từ phu tướng

Bảo kiếm sắc phong lên đàng

Vào ra luống trông tin chàng

Năm canh mơ màng

Em luống trông tin chàng

Ôi gan vàng quặn đau í a.

Đường dù say ong bướm

Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang

Đêm luống trông tin bạn

Ngày mỏi mòn như đá vọng phu

Vọng phu vọng luống trông tin chàng…

Đó là sự khởi nghiệp của nghệ sĩ Út Bạch Lan và danh cầm Văn Vĩ. Có lẽ số trời đã cho họ gặp nhau rồi trở thành anh em kết nghĩa khi Út Bạch Lan 7 tuổi và Văn Vĩ mới lên 9 tuổi. Hai người mẹ bị bỏ rơi, dắt hai đứa trẻ đi lang thang giữa chợ đời, tình cờ gặp nhau rồi kết nghĩa chị em, sống trong một trạm gác cũ bên hông chợ Bình Tây.

Mỗi sáng, Út Lùn – tên cô thuở ấy – được các bà chủ sạp sai đi mua thức ăn và được trả công bằng những thứ hàng của sạp như trứng vịt, rau cải, thịt heo, tôm cá… đủ để nuôi sống hai bà mẹ và người anh trai mù lòa. Ban đêm, hai người mẹ ngủ trong lô-cốt, hai anh em ngủ trên sạp hàng.

Cô Út kể: Không biết Văn Vĩ biết đàn từ khi nào, nhưng năm lên 9 tuổi thì tiếng đàn của ông như thần sầu quỷ khốc. Đêm đêm trên sạp hàng trong chợ Bình Tây, Văn Vĩ dạy cô ca vọng cổ. Rồi bỗng một ngày, cô rủ Văn Vĩ ra đường hát rong để xin tiền nuôi mẹ. Không ngờ công việc ấy thành công. Khi bài Dạ cổ hoài lang cất lên cùng với tiếng đàn guitar trên hè phố, trời đất như chim sa cá lặn, những kẻ qua đường dừng lại lắng nghe, những đồng tiền xu rơi xuống chiếu.

Bỗng một ngày nọ, có một lão già tốt bụng ngồi lại hỏi thăm, xong ông bảo: “Nhà ông ở gần chợ Bàu Sen, phía sau có một chái lá bỏ trống, hai cháu đưa hai người mẹ về đó ở”. Về ở được mấy hôm, ông lại bảo: “Đi hát kiểu nầy nắng mưa cực lắm, để ông mở lớp cho hai cháu dạy đờn ca”. Thế rồi ông viết tấm bảng nhỏ “Tại đây có dạy đờn ca vọng cổ” đóng lên cây sao trên hè phố trước nhà.

Chẳng bao lâu, lớp dạy đờn ca vọng cổ của Văn Vĩ và Út Lùn thu nhận gần ba chục học trò cùng lứa tuổi. Một hôm, cô Năm Cần Thơ tìm tới mời hai người lên Đài phát thanh Pháp Á để thu bài Trọng Thủy-Mỵ Châu rồi được ký luôn một hợp đồng làm việc cho đài. Nghệ sĩ Thành Công nói rằng: “Đã thành ca sĩ của đài rồi thì phải chọn một nghệ danh chớ không thể gọi là Út Lùn được. Bên đài Quốc Gia có ca sĩ Bạch Huệ, hay là ta đặt tên em là Bạch Lan”.

Cô Út nói: “Tên Bạch Lan cũng hay, nhưng cho em xin lại chữ Út”. Thế là giọng ca Út Bạch Lan với tiếng đàn Văn Vĩ bắt đầu từ đó. Năm ấy cô mới tròn 11 tuổi. Hỏi vì sao gọi là “Sầu nữ Út Bạch Lan”, cô nói: “Một cuộc đời buồn, một giọng ca buồn, ca những bài buồn, chuyên đóng những vai buồn và khóc thật với nhân vật của mình. Những năm đầu của thập niên sáu mươi, ký giả kịch trường Trần Tấn Quốc đã bình luận về cô như vậy trong một bài viết có nhan đề “Sầu nữ Út Bạch Lan”, rồi thành danh cho đến bây giờ.

Một cuộc tình buồn

Có thể nói, sau thế hệ của nghệ sĩ Phùng Há, thế hệ Út Bạch Lan là những người tiếp tục xây dựng nền móng cho sân khấu cải lương Nam bộ. Những năm cuối của thập niên năm mươi, cặp diễn viên “thinh sắc lưỡng toàn” Út Bạch Lan – Thành Được đã làm rạng rỡ sân khấu Kim Chưởng qua những vở tuồng Chưa Tắt Lửa Lòng, Bên Đồi Trăng Cũ, Thuyền Ra Cửa Biển, Áo Trắng Nàng Mộng Trinh, Nửa Bản Tình Ca, Người Đẹp Thành Bát Đa…

Năm 1961, cũng chính Út Bạch Lan – Thành Được đã làm nên thương hiệu của đoàn Thanh Minh Thanh Nga với những tuồng Nửa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Tấm Lòng Của Biển, Rồi Ba Mươi Năm Sau, Tiếng Hạc Trong Trăng, Tình Xuân Muôn Tuổi… Thế nhưng, thành công trên kịch trường bao nhiêu thì Út Bạch Lan lại thất bại chốn tình trường bấy nhiêu, thất bại đến cay đắng, nghẹn ngào và khổ đau chất chồng theo năm tháng. Trên sân khấu, cô khóc cho nhân vật của mình đến đầm đìa nước mắt để rồi sau bức màn nhung, cô lại khóc cho thân phận chính mình.

Cô với Thành Được có một đám cưới rất huy hoàng trước sự chúc mừng của hàng trăm ký giả, hàng trăm đồng nghiệp do cô Bảy Phùng Há và bà bầu Kim Chưởng tác hôn. Sau đám cưới, hàng chục bài báo ca tụng cuộc tình của hai ngôi sao sân khấu. Nhưng dường như tất cả chỉ có thế rồi kết thúc, để lại cho cô một nỗi đau đời. Cô vừa nuôi mẹ ruột, vừa nuôi mẹ chồng trong một căn hộ chung cư, còn Thành Được thì tiếp tục vung gươm trên trận tuyến ái tình như một người chưa hề có vợ. Cô yêu Thành Được vì sự tài hoa, lãng mạn, đa tình và cô khổ cũng chính vì những điều cô yêu ông ấy.

Đám cưới chưa được bao lâu thì có một thiếu phụ dẫn đứa con gái lên ba tuổi đến giao cho cô, nói rằng đây là con của anh Thành Được, nhờ cô nuôi giùm một thời gian để tránh những mâu thuẫn gia đình. Cô vừa thương đứa trẻ vô tội, vừa sợ mất chồng nên đã nhận nuôi. Hai năm sau, khi người thiếu phụ ấy vừa đến xin đón đứa con về thì bất ngờ một cô gái trẻ xuất hiện cùng với cái bào thai, cô vừa khóc vừa kể: “Em là Thu Hà, nữ sinh ở Huế. Hôm ấy đoàn ra ngoài Huế hát, em tìm đến xin anh Thành Được tấm hình, ảnh hẹn em ở khách sạn… Rứa là em mang thai. Chừ cha mẹ em đuổi em ra khỏi nhà, em không biết phải làm răng…”.

Một lần nữa, vì sợ mất chồng, cô Út thuê nhà trọ cho Hà ở, hàng ngày thuê xích lô mang cơm tới cho Hà ăn. Thỉnh thoảng cô tới lui chăm sóc, an ủi Hà cho đến ngày sinh nở. Nhưng sau khi mẹ tròn con vuông, Hà lại van xin cô: “Em còn quá trẻ, không thể sống như thế nầy được, em lạy chị nuôi đứa bé giùm em để em về quê làm lại cuộc đời!”

Út Bạch Lan và Thành Được (file photo)

Không một chút đắn đo, cô Út mang đứa bé về nuôi, làm khai sinh theo họ chồng, đặt tên Châu Văn Dũng. Trước nghĩa cử của cô, nghệ sĩ Thành Được đã không cầm được sự xúc động, cô thì cảm thấy mình hạnh phúc vì đã làm đẹp lòng chồng. Cứ nghĩ, mình không thể sinh con, thôi thì nuôi con chồng bằng tấm lòng người mẹ. Ý nghĩ ấy đã đem đến cho cô một niềm hạnh phúc để xua bớt nỗi đắng cay, nhất là khi thời gian càng trôi qua, cô càng thương yêu Dũng như con ruột của mình.

Mấy năm sau, trong một chuyến lưu diễn ở miền Tây, tình cờ cô gặp một cô gái tên Trinh ở Gò Công sau khi vãn hát. Thấy một cô gái vừa đẹp vừa sang trọng xin theo mình, cô cứ nghĩ Trinh thích hát cải lương. Nhưng Trinh lại nói: “Em không biết hát, em mê chị và xin theo làm người giúp việc cho chị để được gần chị mà thôi”. Thế là cô nhận Trinh làm em kết nghĩa, đưa về nhà làm quản lý gia đình, chăm sóc hai người mẹ và trông coi Dũng.

Rồi bất chợt một ngày, cô phát hiện Trinh đã mang thai. Hỏi mang thai với ai, Trinh chỉ khóc mà không nói. Cô bảo nói ra thì cô tha thứ, còn không nói thì cô tự tử. Cuối cùng thì: “Em mang thai với anh Thành Được !” Một lần nữa, Út Bạch Lan đứng tên làm mẹ, đặt tên con là Châu Điền Sơn – Điền Sơn là tên nhân vật trong vở cải lương Khi Hoa Anh Đào Nở do Thành Được thủ vai đã làm nên tên tuổi của hai người. Nhưng cũng như lần trước, khi mẹ tròn con vuông thì Trinh lặng lẽ ra đi, để lại lá thư nhờ cô nuôi Điền Sơn, để về quê làm lại cuộc đời.

Khi hai người chia tay, nghệ sĩ Thành Được vẫn hào hoa phong nhã, vẫn tiếp tục vung gươm trên trận tuyến ái tình như một người chưa hề có vợ, còn cô thì trở thành góa phụ với gánh nặng hai con. Những năm sau đó, cô về đoàn Kim Chung diễn với Hùng Cường, nhưng ngặt nỗi Kim Chung mua lại những tuồng mà trước đây Thành Được diễn với cô. Cứ mỗi lần Hùng Cường xuất hiện thì trong mắt cô lại là Thành Được, cô không diễn nổi, quên tuồng, quên vai và khóc nức nở với thân phận của chính mình.

Út Bạch Lan – cả đời buồn tủi (file photo)

Qua một vòng đời nghiệt ngã, sau năm 1975, cô hội ngộ với Thành Được qua vai hai vợ chồng ông Bảy Đờn trong vở Người Ven Đô. Khi bước lên sân khấu, Thành Được xúc động nói một câu ngoài kịch bản: “Bà ngồi xuống đi rồi nghe tôi nói, bà sống với tôi bao nhiêu năm qua bà chưa được hưởng một ngày hạnh phúc, tôi đã làm khổ bà nhiều quá phải không?”

Lúc ấy bỗng dưng cô khóc, khóc thật nhiều dù cảnh ấy không có trong kịch bản. Cuộc đời cô cũng có những đoạn kết như sân khấu. Cô bé đầu tiên cô nuôi dưỡng hai năm, sau nầy vẫn gọi cô bằng mẹ và cư xử như một đứa con máu thịt, ruột rà. Những năm tám mươi, cô gặp lại Thu Hà giữa Sài Gòn, Hà trở thành goá phụ vì chiến tranh, đau khổ vì hai đứa con trai luôn vào tù ra khám; Dũng vừa hiếu thảo với cô, vừa hết lòng chia sẻ khổ đau với người mẹ ruột. Và, cũng vì bi kịch của người mẹ ruột mà Dũng chết vì một tai hoạ bất ngờ.

Điền Sơn lớn lên được cô cưới vợ và cất nhà cho ra riêng. Rồi trong một chuyến đi lưu diễn sang Mỹ, cô bất ngờ gặp lại bà Trinh, hai chị em ôm nhau vừa mừng vừa tủi. Bà Trinh nhã ý muốn bảo lãnh Sơn qua Mỹ, cô nói: “Ừ, thì về đi rồi chị lo”. Thế là, gần bốn mươi năm nhọc nhằn nuôi dưỡng, giờ lại nhọc nhằn chạy ngược chạy xuôi làm thủ tục để trả Sơn về với cội nguồn. Ngày tiễn Sơn ra sân bay, sau cái vẫy tay mừng cho mẹ con Sơn đoàn tựu, cô lại quay về với sự cô đơn, kết thúc sự ràng buộc mong manh cuối cùng với một cuộc tình buồn.

Từ ấy đến khi qua đời (ngày 4 Tháng Mười Một 2016), cô gởi những năm tháng còn lại của đời mình vào cửa Phật, không phải xuống tóc quy y mà đêm gõ mõ tụng kinh, ngày chọn sân chùa làm sân khấu, hát trích đoạn những vở tuồng về Phật để lấy tiền trùng tu, sửa chữa chùa chiền. Nếu bảo rằng tu là khổ hạnh thì xem ra, nghệ sĩ Út Bạch Lan đã là bậc chân tu từ thuở thiếu thời.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: