Số phận du mục của… “Tình ca du mục”

GÓC NHẠC XƯA

Minh họa: alysa-bajenaru-unsplash
Share:

“Tình Ca Du Mục” với lời Việt “Thảo nguyên bát ngát mênh mông đến cuối trời/Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng” là một trong những ca khúc rất quen thuộc với nhiều thế hệ…

Bản gốc của “Tình Ca Du Mục” là Дорогой длинною (tạm dịch “Dọc Con Đường Dài”) – một bản nhạc Nga, sau đó được chuyển sang Anh ngữ với tựa Those Were The Days; và rồi hàng chục phiên bản nhiều thứ tiếng khác nhau…

Tháng Chín 1968, một bài hát nguồn gốc từ Nga đã giật được vị trí số một, soán ngôi “Hey Jude” của The Beatles (sáu tuần ở vị trí này) trong bảng xếp hạng UK Singles Chart. Đó là Those Were The Days. Nó cũng đứng thứ hai trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 ở Mỹ, rồi lần lượt “làm mưa làm gió” và đứng vị trí số một tại các bảng xếp hạng ở Canada, Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha… Bài hát mà nhiều người tưởng nhầm là bản dân ca này ra đời khi nào, ai là tác giả, và số phận nhục – vinh của nó như thế nào?

Minh họa: justin-clark-unsplash

Dorogoj Dlinnoyui(tức Дорогой длинною)

Có người nói Дорогой длинною (tạm dịch “Đường Dài Hun Hút”) ra đời vào thế kỷ 19, được xếp vào nhóm tác phẩm khuyết danh thuộc kho nhạc dân gian Nga. Có người nói nó được sáng tác vào năm 1917 hay 1918… Tuy nhiên, bài hát này được viết năm 1924, tại Liên Xô.

Đây là sáng tác của nhạc sĩ Nga Boris Fomin với lời do chính ông đặt, nội dung bày tỏ sự nuối tiếc những ngày tháng cũ, khi chẳng còn niềm vui và cũng chẳng có nỗi buồn. Boris Fomin viết ca khúc này khi chưa đầy 20 tuổi để tặng cô bạn học Mania Nebolsina, sau trở thành người bạn đời của ông. Tuy nhiên, ông không phổ biến ca khúc trên cho đến khi nhà thơ Konstantin Podrevskyi (1888-1930) đề nghị đặt lại lời mới, trau chuốt hơn. Sau đó, bài hát được đưa cho nữ ca sĩ người Georgia, Tamara Tsereteli, nhưng bà thể hiện không thành công.

Đến năm 1926, ca khúc trên mới thực sự được biết, qua giọng ca được xem là ngôi sao hàng đầu lúc đó, Alexander Vertinsky. Thời điểm đó, nước Nga chứng kiến nhiều cuộc di dân. Nhiều người mang theo trong hành lý bài hát ấy, từ đó nó lưu lạc qua nhiều quốc gia; được trình diễn tại các hội quán ở Paris hay London. Trong khi đó, tại Liên Xô, do nội dung ca khúc buồn thảm, năm 1929 nó cùng một loạt tình ca của Boris Fomin bị đưa vào danh sách cấm hát! Sự việc khiến tác giả phần lời, nhà thơ Konstantin Podrevskyi, bị sốc, rơi vào tình trạng trầm cảm và mất năm 1930. Konstantin Podrevskyi từng viết lời cho hơn 150 nhạc phẩm nổi tiếng, và năm 1923 trở thành người bạn sáng tác của Boris Fomin, để rồi hai người đã viết cùng nhau hơn 30 bài hát.

Boris Fomin (file photo)

Phần mình, nhạc sĩ Boris Fomin (1900-1948) đã viết khoảng 400 bài hát và vài bản kịch, có số phận… bầm dập, dù là tên tuổi lớn nhưng sự nghiệp của ông không được thăng hoa bởi nhà cầm quyền cho rằng nhạc lãng mạn của ông là… chống cách mạng. Khoảng 1939-1940, một số bài hát của ông được ghi âm trở lại. Năm 1952, bài hát này được vang lên trong bộ phim hài “Những Người Vô Tội Ở Paris” (Innocents) với sự tham gia của danh hài Louis de Funès, và người thể hiện bài hát trong phim là nữ danh ca Nga sinh sống ở hải ngoại Lyudmila Lopato.

Those Were The Days

Năm 1962, ở Mỹ, một kiến trúc sư người Mỹ gốc Nga có tên Eugene Raskin đã viết lời tiếng Anh cho Дорогой длинною, với tựa Those Were The Days, rồi đăng ký bản quyền và trình diễn khắp nơi. Eugene Raskin tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Đại học Columbia University rồi giảng dạy bán thời tại trường này trong suốt 40 năm. Ông còn là một thi sĩ, văn sĩ, kịch tác gia, và ca nhạc sĩ du ca.

Phiên bản tiếng Anh là tâm sự của một phụ nữ nhớ lại quán rượu thời trẻ từng ghi dấu kỷ niệm với người bạn thân. Lời ca không giống với bản gốc, nhưng âm hưởng vẫn là những vọng nhớ quá khứ. Ca khúc được thu âm đầu tiên vào năm 1963 bởi nhóm tam tấu The Limeliters nhưng cũng chỉ thành công tương đối. Sau đó Raskin đưa bài hát này chào mời các tài năng như Bob Dylan, Dolly Parton…, nhưng cuối cùng người mua bản quyền là một trong “tứ quái” Liverpool: Paul McCartney! Quá ấn tượng với bài hát nhưng McCartney chưa bao giờ tự trình diễn Those Were The Days mà quyết định để dành nó vào một dịp thích hợp, cho một giọng ca mới thật đặc biệt.

Paul McCartney và Mary Hopkin (ảnh: GAB Archive/Redferns)

Năm 1968, siêu mẫu Anh Twiggy, bạn thân của Paul McCartney, khi xem một cuộc thi tìm kiếm giọng hát trên truyền hình, đã có ấn tượng rất mạnh với giọng ca của nữ ca sĩ xứ Wales là Mary Hopkin. Cô giới thiệu giọng ca này với McCartney; và sau khi nghe thử giọng, ông đã ký hợp đồng với nữ ca sĩ vô danh mới 18 tuổi này. Đĩa đơn bài hát do hãng Apple Records ghi âm và được phát hành rộng rãi ngày 20 Tháng Tám 1968. Dưới sự dàn dựng của Paul McCartney, với danh tiếng của The Beatles và tất nhiên cả tài năng của cô gái trẻ măng có giọng hát đầy cảm xúc, bản ghi âm trở nên nổi tiếng toàn cầu.

Kỹ thuật hòa âm của Paul McCartney và nhạc trưởng Richard Hewson đã giúp mang lại thành công cho Those Were The Days. Tiếng đàn balalaika (“quốc hồn” của Nga) và banjo trong bản nhạc nguyên thủy đã được Paul thay bằng dàn nhạc quy mô với nhiều nhạc cụ như guitar thùng, kèn tuba, trumpet, clarinet, vĩ cầm, và đặc biệt cimbalom – một loại đàn dây nhưng không “gảy” mà “gõ”. Tiếng cimbalom độc đáo trong phần intro và trước mỗi điệp khúc của Those Were The Days được biểu diễn bởi chính Gilbert Webster, giáo sư âm nhạc trường Guildhall School of Music ở London.

Tại Pháp, phiên bản nổi tiếng nhất của ca khúc này là Le Temps des Fleurs, được thể hiện qua giọng ca của Dalida…

Tình Ca Du Mục

Tại Việt Nam, ca khúc này xuất hiện với bốn phiên bản. Đầu tiên là Phạm Duy với Nhớ Lúc Yêu Nhau; ca sĩ Thanh Lan thì hát phiên bản Tuổi Thanh Xuân; trong khi nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trí đặt lời là Như Lá Thu Vàng. Riêng phiên bản được biết đến nhiều nhất và trở nên quen thuộc với tất cả chúng ta – Tình Ca Du Mục – thì đến nay vẫn chưa biết ai là tác giả thật sự của phần lời Việt ngữ rất đẹp này!

Tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, Those Were The Days được giới trẻ yêu nhạc ngoại quốc biết tới qua làn sóng phát thanh và truyền hình của Quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam. Cũng vì thiếu sách vở và phương tiện thông tin khác, nhiều khán thính giả miền Nam ngày ấy không biết xuất xứ đích thực của Those Were The Days; có người còn quả quyết đây là một sáng tác của Paul McCartney viết riêng cho Mary Hopkin!

Được xem là biểu tượng quốc tế về sự bất tử của tình yêu đã mất, ca khúc này, với bất cứ dân tộc nào, ở bất cứ nơi nào trên Trái đất, cũng gợi tưởng một thời hoa mộng đã qua của đời người, không bao giờ có thể tìm lại nhưng cũng không bao giờ bị lãng quên.

____________

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: