Tại sao một số người rất sợ những chú hề?

Minh họa: andres-gomez-unsplash

Một nghiên cứu đầu tiên giúp giải thích nỗi sợ hãi của một số người đối với những chú hề, đặc biệt là chú hề cười Joker mặt trắng, mũi đỏ.

Minh họa: nong-unsplash

Sợ vì bộ mặt hề bí ẩn

The Washington Post thuật: Trong 15 năm, phó giáo sư Philip John Tyson chuyên giảng dạy môn tâm lý học về nỗi ám ảnh. Vào đầu mỗi học kỳ, ông đều hỏi sinh viên của mình tại Đại học South Wales một câu hỏi tương tự: Các em sợ điều gì? Câu trả lời thường là về nhện, rắn và những không gian chật hẹp, tù túng, nhưng một thiểu số cho biết họ rất sợ những chú hề. “Tôi muốn tìm hiểu tại sao lại có nỗi sợ kỳ lạ này” – Tyson nói. Ông và các đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu về chứng “Coulrophobia” (chứng sợ chú hề).

Dù mức độ phổ biến của nỗi ám ảnh chú hề không rõ ràng, nhưng một cuộc khảo sát gần đây ở Mỹ cho thấy khoảng 5% dân số thú nhận họ sợ, thậm chí rất sợ chú hề! Nhóm nghiên cứu của Tyson đã sử dụng các cuộc khảo sát riêng và tìm được hơn 500 người mắc chứng sợ chú hề. Sau đó, ông yêu cầu họ tự đánh giá cảm nhận của bản thân về chú hề.

Minh họa: lexscope-unsplash

Trong nghiên cứu đầu tiên tập trung vào nguồn gốc của nỗi sợ chú hề có tên “Fear of clowns: An investigation into the aetiology of coulrophobia” (Sợ chú hề: Cuộc điều tra về nguyên nhân của chứng coulrophobia) được xuất bản trên tạp san Frontiers in Psychology, nhóm nghiên cứu của Tyson tại Đại học South Wales đã phát hiện được một số mô hình sợ khác biệt.

Dù nghiên cứu không dựa trên mẫu đại diện nào của dân số mà tính chung, nhưng những phát hiện mới đã cung cấp cái nhìn sâu về lý do khiến một số người sợ chú hề. “Một trong những phát hiện đáng ngạc nhiên nhất của chúng tôi là, đối với nhiều người, trải nghiệm cá nhân đáng sợ với một chú hề không phải là nguyên nhân chính gây ra nỗi sợ hãi – Tyson nói – Thay vào đó, người ta sợ chú hề vì, không bao giờ bạn thực sự biết chú hề… đang nghĩ gì, và điều gì đang diễn ra trong đầu của một nhân vật có nụ cười toác miệng hoặc vẻ mặt cau có. Nói rõ hơn, nỗi sợ có liên quan đến việc không thể đọc được nét mặt, có điều gì đó ẩn giấu và nguy hiểm phía sau bộ mặt trang điểm màu sắc”.

“Không thể đoán được” là “đặc sản” của các khuôn mặt hề. Chú hề có thể khiến nhiều người bật cười, nhưng cũng có các động tác gây sửng sốt mà người bình thường không bao giờ làm. Tyson cho biết những người sợ nhện, rắn cũng có trải nghiệm tương tự. Họ sợ con vật khó đoán sẽ bất ngờ nhảy lên người họ.

Những đặc điểm khuếch đại trên mặt chú hề thật đáng lo ngại. Cái mũi to màu đỏ, cái đầu hình quả trứng, mái tóc bồng bềnh màu huỳnh quang. Mọi người dường như sợ hãi những sinh vật trông gần giống con người nhưng lại không giống, giống như một số người sợ búp bê trẻ em dị dạng, người ngoài hành tinh hoặc robot. Những chú hề trong phim càng đáng sợ hơn.

Minh họa: daniel-lincoln-unsplash

Nhiều người được khảo sát cho biết nỗi sợ hãi chú hề của họ có nguồn gốc từ các nhân vật hề đáng sợ trong phim. Ví dụ chú hề của Joaquin Phoenix trong bộ phim giết người “Joker” hoặc chú hề ma quỷ Pennywise trong bộ phim “It” của nhà văn truyện kinh dị Stephen King. Chú hề trong phim không hoàn toàn hư cấu. Kẻ sát nhân hàng loạt John Wayne Gacy có thực ngoài đời. Được biết đến là người hay tổ chức các bữa tiệc chiêu đãi trẻ em với cái tên “Pogo the Clown”, y đã giết ít nhất 33 thanh thiếu niên ở khu vực Chicago.

Trong đoạn giới thiệu phim tài liệu của Netflix về Gacy, người ta nghe thấy kẻ sát nhân cảnh báo trên băng ghi âm: “Những chú hề có thể hoá giải bất cứ điều gì”. Gần đây hơn, một loạt vụ nhìn thấy chú hề đáng sợ ở Vương quốc Anh và Hoa Kỳ vào năm 2016 đã khiến các trường học phải đóng cửa, khiến Stephen King phải tweet: “Này các bạn, đã đến lúc để cho cơn cuồng loạn về chú hề giảm xuống. Hầu hết các chú đều tốt, thân thiện với trẻ con và chọc cười mọi người”.

Minh họa: dawin-rizzo-unsplash

Xếp hạng đầu trong những nghề “rùng rợn”

Tyson và các đồng nghiệp đang tiếp tục nghiên cứu xem liệu màu trang điểm chú hề (thường là màu trắng và đỏ) có làm phát sinh nỗi sợ hãi hoặc ám ảnh không. James Greville, giảng viên tâm lý tại Đại học South Wales, nhận định: “Một giả thuyết cho rằng sơn mặt màu trắng là thể hiện sự xanh xao chết chóc, nhợt nhạt và thiếu sức sống như người chết. Còn các điểm đỏ khuôn mặt tạo cảm giác đe dọa vì chúng đánh vào sự cảnh giác của chúng ta về máu hoặc bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm”.

Frank McAndrew, giáo sư tại Đại học Knox ở Galesburg, Illinois, bổ sung: “Tôi tin tưởng chắc chắn những chú hề đều có ý định tuyệt vời là giải trí cho khán giả chứ không phải hù dọa họ. Nhưng ‘chân lý’ này vẫn không thể thay đổi được việc một số người cứ nhìn thấy chú hề là cảnh giác, phòng thủ. Không phải ai cũng thích trở thành một phần của màn diễn hề. Đối với một số người, chú hề là mối đe dọa”.

Năm 2016, McAndrew đồng thực hiện một nghiên cứu có tên “On the Nature of Creepiness” với cuộc khảo sát hơn 1,300 người để hiểu rõ hơn về những hành vi và đặc điểm nào có thể khiến họ sợ hãi. Những người được hỏi đã đánh giá 21 nghề nghiệp khác nhau, xếp hạng từ “không hề rùng rợn” đến “rất rùng rợn”.

Kết quả, nghề hề đạt điểm cao nhất với mức độ rùng rợn cao hơn cả nghề nhồi xác động vật( taxidermist), sex shop worker (lao động tình dục) và nghề nhà đòn đám tang (funeral director).

Jon Davison, một nghệ sĩ biểu diễn hề, giáo viên, giám đốc và nhà nghiên cứu tại Đại học London Metropolitan, nói:

“Các báo cáo về chứng sợ coulrophobia không khớp với những gì tôi nhìn thấy hoặc nghe được từ những nghệ sĩ hề khác. Họ không bao giờ cố làm khán giả mất bình tĩnh hoặc lo lắng lúc biểu diễn. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Trong 38 năm làm nghề hề, tôi chỉ có hai lần thấy có người sợ hề. Khi khắc họa những con người bất lực, dễ bị tổn thương những chú hề muốn khán giả bật cười và đồng cảm với nhân vật họ đóng, những người thường phụ thuộc vào thái độ của xã hội. Nhiều khán giả cảm nhận được tính nhân văn trong những chú hề và xem họ đáng yêu như một đứa bé vậy”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: