(Hình minh họa: Evan Tang/Unsplash)

Hôm nay, trong không gian vắng lặng của mùa đông, thả hồn theo những bản nhạc xưa cũ, âm thanh một thời đã từng ru mình trong mơ mộng. Bên ngoài khung cửa sổ tuyết lất phất rơi làm cho tôi muốn tìm đến cái khoái cảm viết lách, dùng văn chương, chữ nghĩa dẫn dắt ký ức mình tìm về những kỷ niệm của đời mình. Nhưng trong mớ bòng bong, hổ lốn của ký ức, tôi tự hỏi viết gì đây cho lòng mình có được cái khoái cảm tột cùng trong văn chương? Sau một lúc suy nghĩ, cuối cùng tôi đã tìm được một chủ đề, viết về vài cái khác biệt của những diễn tiến trong tình yêu ở Nhật Bản và Việt Nam.

Dĩ nhiên, khi bước vào chủ đề này, tôi biết rằng, đó chỉ là cái nhìn hay cảm xúc rất chủ quan của mình, có khi còn bị méo mó hay sai lầm vì những kinh nhiệm non nớt không đủ mức từng trải để có một nhận định chính xác trong tình yêu. Biết như vậy, nhưng tôi vẫn nói với mình là hãy cố gắng xử dụng văn chương gò nắn ngôn từ để làm cho chủ đề có những âm thanh của lãng mạn, của ướt át… Đem đến cho người đọc những cảm xúc thích thú, thả hồn lâng lâng trong văn chương cũng là một khoái cảm cho chính mình thì dù có sai lệch, chủ quan cũng chẳng còn quan trọng nữa.

Với bất cứ ai khi chấp nhận vào cái rắc rối (hay đa mê) của yêu đương thì ít hay nhiều đều phải bước vào những diễn tiến thú vị và cả xót đau của tình yêu. Nó có thể là những lần giận hờn hay hoài nhớ về một sự đưa đẩy nào đó mà hai người quen nhau. Nó cũng có thể là những cảnh chia ly, tạm biệt với nỗi buồn nhớ thương với ánh mắt ngơ ngác dõi theo người yêu khi chuyến xe chuyển bánh rời xa . Rồi những lần hò hẹn mà thời gian đợi chờ hình như được kéo dài lê thê mà tự hỏi, người đến hay không đến?  Và dĩ nhiên cũng có những nỗi buồn ướt mi vì tương lai của tình yêu không trôi chảy do những khó khăn, ngăn cách vì hoàn cảnh, vì giai cấp gia đình. Đó là những dạng thức diễn tiến của tình yêu.

Cuộc tình càng dài lâu càng có nhiều buồn vui và thách đố. Theo tôi, một mối tình được diễn biến trong hoan lạc, đúng như  như tình toán, không có một tí gì của buồn lo… hình như nó có cái gì đó của nhạt nhẽo, vô vị . Một tình yêu đúng nghĩa phải có mùi của ngọt bùi nhưng cũng không nên thiếu tí chút đắng cay của giận hờn ướt mi.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi cố gắng nhắm vào hai hiện tượng của tình yêu mà cá nhân tôi thích thú nhất, đã ấn sâu vào ký ức tôi rất nhiều đó là tạm biệt và hò hẹn trong tình yêu. Cũng trong chủ đề này tôi sẽ nêu ra, dưới cái nhìn và cảm xúc rất chủ quan của tôi tại Việt nam và Nhật Bản, nơi mà tôi đã sống trọn tuổi thanh niên. Cái tuổi mà bất cứ ai dù là trai hay gái đều có những ước mơ tìm thấy một người tình đúng nghĩa, hoà hợp với mong đợi của mình để làm kẻ đồng hành cho suốt cuộc đời mình.

Tạm biệt tình yêu tại Nhật Bản

Một quốc gia mà phương tiện di chuyển chiếm phần lớn là xe điện như Nhật Bản thì những cảnh trai gái yêu nhau tạm biệt, chia tay tại cầu tàu nơi xe điện khởi hành hay sân ga với những chuyến xe điện đổ khách đến, rồi chở khách ra đi, là hình ảnh xảy ra quá thông thường. Ở bất cứ thời gian nào, từ sáng tinh mơ đến đêm khuya heo hắt, chỉ cần chú ý một tí, người ta sẽ nhìn thấy những cảnh chia tay của những cặp trai gái yêu nhau. Họ có thể tiễn nhau về nhà sau một cuộc hò hẹn, vui chơi vừa chấm dứt. Họ cũng có thể chia tay để rồi xa nhau một thời gian ngắn ngủi với một vài tuần lễ hay dài lâu hơn kéo dài cả tháng, cả năm vì công việc hay vì một lý do nào đó.

Hình ảnh một cô gái nắm chặt tay người con trai lần cuối trước khi buông ra cho người yêu bước lên con tàu đang chuẩn bị lăn bánh. Với khuôn mặt buồn rời rợi, có chút ngẩn ngơ nhìn theo từng bước chân của người yêu khi bước lên toa tàu cho đến khi thấy anh ta đã yên vị chỗ ngồi. Đứng bên ngoài, với vẻ buồn bã cô gái đưa bàn tay vẫy nhẹ, chạy chậm chậm theo con tàu đang từ từ lăn bánh như muốn thu ngắn lại khoảng không gian càng lúc càng với người yêu của mình. Có lẽ vào một ngày mùa đông lạnh giá, tuyết đang rơi ở bất cứ nhà ga nào của Nhật, cảnh biệt ly như vậy cũng có đủ tố chất lãng mạn và đẹp đẽ đầy chất thơ như Cung Trầm Tưởng đã mô tả trong một lần đưa tiễn người yêu tại sân ga Lyon ở Paris:

Tuyết rơi mỏng manh buồn

Ga Lyon đèn vàng

Cầm tay em muốn khóc

Nói chi cũng muộn màng

Buồn bã nhưng đẹp đẽ lắm thay, khi tuyết vẫn rơi, phủ trắng con tàu, kẻ tiễn đưa tự hỏi người ra đi có lạnh không để cuối cùng anh ta buồn và quay ra đổ lỗi cho mùa đông Paris:

Lên xe tiễn em đi

Chưa bao giờ buồn thế

Trời mùa đông Paris

Suốt đời làm chia ly.


Nói như thế, không có nghĩa là tại Nhật không có những cuộc chia tay đẹp đẽ nặng tình, lãng mạn ở một không gian khác ngoài sân ga tàu điện. Tại phi trường, bến xe bus hay cả bến tàu thủy nối liền giữ các hải đảo với nhau… Người ta vẫn nhìn thấy những cuộc chia tay của những cặp yêu nhau, người con gái vẫn đờ đẫn ánh mắt nhìn theo người yêu và đưa bàn tay vẫy.

Tôi đã từng chờ những chuyến xe

Đã từng đưa đón kẻ đi về

Chân bước hững hờ theo bóng lẻ

Một mình làm cả cuộc chia ly

Những chiếc khăn mầu thổn thức bay

Những bàn tay vẫy những bàn tay

Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt

Buồn ở đâu hơn ở chốn này.

(Nguyễn Bính)

Với khoảng sáu năm sống, học và làm việc tại Nhật tôi đã bao lần ngẩn ngơ cảm động khi chứng kiến những cuộc chia tay của bạn bè, của người quen biết… trong buồn bã, tràn đầy nước mắt khi họ xa nhau. Nhưng đôi lần cũng làm tôi im lặng suy tư khi tìm thấy trong vẻ buồn đau đó vẫn có những âm thanh rất lãng mạn trong tình yêu ngọt ngào của họ.

Với chủ đề tiễn đưa trong tình yêu này, tôi muốn viết về một cuộc chia tay của một người bạn Việt nam với một cô bạn gái Nhật. Theo tôi đây là một mối tình đẹp, tràn đầy mơ mộng. Viết ra như để ghi dấu một kỷ niệm của tôi tại Nhật Bản và cũng để xác định một cái nhìn đẹp của tôi về người phụ nữ Nhật (chủ quan chăng?) Với tôi người con gái Nhật rất lãng mạn nhưng cũng rất thực tế, họ sẵn sàng thổ lộ tình yêu của mình với người họ yêu không một chút ngại ngần. Họ không vì bất cứ lý do gì, ngay cả lòng tự ái cũng được gạt sang một bên khi họ muốn tỏ bầy tình yêu với người họ yêu. Với họ vấn đề chính là họ được yêu và cuộc tình của họ không bị dang dở lúc chia tay.

Tôi có một anh bạn, chúng tôi quen nhau hoàn toàn tình cờ, ngồi gần nhau trong cùng chuyến máy bay Air Vietnam từ Sàigon sang Nhật Bản vào đầu năm 1974. Tôi và anh ta cũng là công chức còn độc thân của chính phủ Nam Việt nam sang Nhật tu nghiệp nhưng khác cơ quan. Tôi đi theo chương trình tu nghiệp dài hạn nhiều năm còn anh ta theo chương trình ngắn hạn, chỉ kéo dài trong một năm. Đến Nhật không bao lâu anh bạn của tôi quen và yêu thương một cô gái Nhật, có ý định sau khi hoàn tất chương trình tu nghiệp, anh và cô bạn gái sẽ kết hôn rồi cùng về Việt Nam sinh sống.

Nhưng Tháng 4 năm 1975 xẩy đến, mọi sự đã không như tính toán. Dù đã xong chương trình tu nghiệp nhưng việc trở về nước làm việc của anh ta đã không còn như dự tính nữa. Ở lại Nhật thì gặp những khó khăn về ngôn ngữ cũng như tình trạng giấy tờ cư trú nên anh ta đã quyết định tìm cách rời xa Nhật để tìm một quốc gia khác định cư, hy vọng thuận lợi hơn cho tương lai. Dĩ nhiên anh ta cũng biết, rời bỏ Nhật đến một nơi khác cũng có những thách đố, khó khăn nhất là thời gian khởi đầu, là điều làm cho anh ta suy nghĩ. Anh ta đã nói rất rõ với cô bạn Nhật về chuyến ra đi, mà tương lai hoàn toàn mù mờ, không chắc chắn, anh ta có ý định chấm dứt cuộc tình yêu của hai người để không tạo ra những khó khăn cho tương lai của cô bạn.

Cô bạn gái đã không một tí lưỡng lự cho anh ta biết rằng, cô ta sẵn sàng theo anh ta đến bất cứ nơi nào. Chấp nhận tất cả những khó khăn, khổ cực để được gần anh ta. Với cô ta có tình yêu và được đồng hành với anh ta trong cuộc sống là tất cả niềm hạnh phúc mà cô ta chờ đợi, ước mơ . Nhưng nếu vì một lý do nào đó, không thuận lợi cho việc ra đi cùng anh ta, cô ta chỉ cần anh ta hứa là vẫn yêu thương cô ta, cô ta nguyện sẽ chờ đợi cho đến khi anh ta ổn định được cuộc sống, cô ta sẽ vui mừng đến với anh ta bất cứ nơi đâu. Nhưng nếu vì một lý do nào đó mà cuộc ra đi lập nghiệp của anh ta không thuận lợi, cô ta cũng sẽ chờ đón anh trở lại Nhật Bản để cùng tạo dựng sự cuộc sống bình thường như tất cả người Nhật khác.

Nhưng cuối cùng anh bạn của tôi đã quyết định rời bỏ Nhật và ra đi một mình dù biết rằng cô bạn gái mong muốn được theo anh ta. Cảm động với tình yêu của cô bạn gái, anh ta nói với cô ta là sẽ cố gắng tìm được sự yên định của cuộc sống để có đủ điều kiện sẽ kéo cô ta theo nếu lúc đó cô ta còn yêu và bằng lòng theo anh ta. Anh ta cũng không quên nhắc cô bạn gái, không nên chờ đợi anh quá mức để rồi lỡ làng cuộc đời. Hãy nhìn vào thực tế để hiểu rõ rằng với hoàn cảnh không gia đình, không thân nhân như anh muốn tạo dựng một cuộc sống an định tại một nơi xa lạ không phải dễ dàng và mau chóng được.

Ngày anh bạn tôi khăn gói ra phi trường rời xa Nhật, trong cái không gian vắng lặng, đượm buồn tôi cùng với cô bạn gái của anh đưa tiễn. Một cuộc rời xa hoàn toàn buồn bã và vắng vẻ. Người ra đi thì tương lai mù mịt,  chẳng biết cuộc đời sẽ ra sao nên cũng chỉ biết nắm tay nhau nói lời chúc may mắn. Người ở lại, cô bạn gái với đôi mắt buồn, luôn luôn đi sát bên anh thỉnh thoảng nắm nhẹ bàn tay của anh như muốn truyền cho anh sự an ủi và gửi gấm lòng tin cuối cùng của cô ta trong tình yêu trước khi xa cách.

Tôi còn nhớ lúc tiễn anh tới quầy kiểm soát, ngăn cách kẻ đi và người tiễn, cô gái nước mắt dàn dụa, ôm nhẹ vai anh bạn, không một chút ngại ngần cô ta nói với anh ta:

-Anh đi mạnh khoẻ, may mắn. Em sẽ chờ đợi anh, dù hai năm, năm năm, 10 năm hay cả đời em, bất cứ khi nào anh trở lại Nhật hay muốn em ra đi theo anh bất cứ nơi nào, tất cả đều là ước muốn mà em đợi chờ. Em đã nói với anh rồi, em yêu anh, nơi nào có anh thì nơi đó em có niềm vui và hạnh phúc.

Nhìn cảnh cô gái với ánh mắt buồn thẫn thờ, chần chừ như không muốn buông vòng tay ra cho người yêu ra đi, tôi cũng im lặng, ái ngại vì cuộc chia tay của họ buồn quá. Nhưng rồi mọi chuyện cũng trở lại bình thường với những âm thanh có tí chút ồn ào của phi trường.

Khoảng hơn một tuần lễ sau đó, người bạn của tôi nhận được là thư đầu tiên của cô bạn gái, trong đó có một đoạn:

“Em đã không trả lại căn phòng trọ của anh như anh đã dặn, em muốn giữ nó lại vài ba tháng vì em không muốn mất đi tất cả những kỷ niệm của chúng mình trong căn phòng bé nhỏ nhưng ấm cúng đó. Dù chỉ là những mảnh giấy vụn, vài ba băng casette hư hỏng mà anh đã vứt bỏ trong thùng rác lúc thu dọn để ra đi… em đã thu nhặt tất cả những di vật của anh để lại, em bỏ vào một cái hộp bởi vì đó là những vật kỷ niệm của chúng mình lúc bên nhau, nó mang hình bóng của anh, người mà em mãi mãi yêu thương, nhung nhớ.”

Rồi cứ vậy, gần như tuần lễ nào anh bạn của tôi đều nhận được một hay hai lá thư của cô bạn gái gửi sang, toàn là những lá thư tràn đầy nỗi nhớ thương và kỷ niệm. Một đoạn trong lá thư khác như sau:

“Hôm qua khi tan sở về, em lại đến căn phòng của anh, ngồi vào chiếc bàn kotatsu nhớ đến anh, nhưng chỉ được một lúc, cảm thấy đói bụng, em đã đến quán ăn của chị Ryoko Nishimoto ở góc đường. Nơi mà anh và em đã quá quen thuộc với những bữa cơm tối tại đó. Em còn nhớ có lần anh đã nói với em, Ryoko có khuôn măt rất đẹp, dáng điệu quý phái nhất là nụ cười hiền thục của bà ta đã bao lần làm anh ngẩn ngơ ngắm nhìn. Vừa trông thấy em mở chiếc cửa, Ryoko đã vồn vã kéo ghế cho em ngồi và hỏi em liên tục về đủ mọi chuyện về chúng mình. Lúc này em mới thực sự ngắm kỹ chị ấy,  đúng như anh nhận xét Ryoko là một phụ nữ đẹp và rất có duyên dù đã khá trọng tuổi. Sau một lúc nói chuyện, hình như nhìn thấy ánh mắt buồn và những câu trả lời lí nhí, không rõ ràng của em mỗi khi chị ấy hỏi về anh. Ryoko đã có chút nghi ngờ, với tí ngần ngại chị ấy hỏi tại sao mấy hôm nay không có anh đến ăn cơm và hôm nay em chỉ đến một mình? Thấy em ngập ngừng, Ryoko vỗ nhẹ vào vai em như an ủi và cho biết nếu giữa em và anh có những phiền toái, chị ấy sẵn sàng giúp đỡ để cho em và anh vui trở lại.

Sau một lúc suy nghĩ, em đã buồn rầu kể cho Ryoko nghe tất cả chuyện của chúng mình. Em cũng chẳng ngại ngần cho chị ấy biết, việc anh ra đi và không biết có còn trở lại hay kéo em đi…. tất cả cũng chỉ là những điều mà em chỉ biết ước mong và chờ đợi. Ryoko im lặng nghe em kể lể , suy nghĩ một lúc rồi Ryoko vỗ nhẹ lên vai em mấy cái, với vẻ tin tưởng, chậm rãi chị ấy nói với em:

-Chị tin là anh ấy sẽ trở lại Nhật để kéo em đi khi đã an định được cuộc sống, bởi vì qua cái nhìn và kinh nhiệm của chị, anh ấy là người tốt, có thuỷ chung và nhất là anh ấy yêu em thật sự.

Im lặng một tí, đưa mắt nhìn em rồi chị ấy nói tiếp:

-Chị tin tưởng là thế. Em hãy vui mà chờ đợi, hạnh phúc sẽ đến với em. Chị không nhìn lầm anh ấy đâu.

Anh yêu, có thật như Ryoko nói không anh? Nếu đúng như vậy thì chẳng có gì hạnh phúc hơn cho em được nữa . Em sẽ an lòng chờ đợi cho đến ngày hạnh phúc đó.

Rồi thời gian vẫn chậm rãi trôi, cuộc sống của tôi tại Nhật cũng không dễ dàng, tôi cũng phải lo tìm một chốn để ra đi. Trong hoàn cảnh lo lắng đó, tôi không còn tâm trí liên hệ nhiều với bạn bè, quen biết như trước nữa. Tôi cũng không nhớ rõ là trong hoàn cảnh nào và thời gian nào tôi và anh bạn đã không thư từ với nhau nữa. Nhưng tôi còn nhớ vào khoảng đầu năm 1979, qua một lá thư anh ta cho tôi biết anh ta và cô bạn gái Nhật vẫn còn liên hệ với nhau. Hàng tuần anh ta vẫn nhận được những lá thư đầy mật ngọt  của cô bạn gái kể lể về những kỷ niệm và dấu tích của những tháng năm họ bên nhau tại Nhật, dĩ nhiên cả những tính toán cho tương lai của hai người. Cũng từ lá thư đó, tôi được biết cô bạn gái đã giữ lại căn phòng thuê của anh ta ba tháng sau khi họ chia tay. Cô ta vẫn đến đó như là một nơi chốn để được sống và tìm lại với những kỷ niệm của một thời yêu đương đẹp nhất trong đời cô ta.

Dù không còn liên hệ với anh bạn, nhưng tôi tin chắc là cuộc tình yêu của họ được diễn tiến có hậu. Anh bạn của tôi sẽ trở lại Nhật không phải vì thất bại, mà trở lại để làm thủ tục kéo cô bạn gái của anh ra đi đến một nơi nào đó. Nơi mà anh ta đã sắp xếp hoàn hảo cho một mái ấm gia đình, đúng với những gì mà người vợ tương lai của anh từng ước mơ: “Nơi nào có anh là em có tất cả.”

Tạm biệt tình yêu tại Việt Nam

Cảnh chia tay trong tình yêu tại Việt Nam có nhiều điểm khác biệt với Nhật Bản. Sự khác biệt này có lẽ do cá tính của hai dân tộc khác nhau trong vấn đề biểu lộ tình cảm lúc chia tay. Với người Nhật, nhất là với phụ nữ, họ biểu lộ tình cảm buồn bã, níu kéo rất rõ ràng khi từ giã người yêu. Nhìn một cô gái Nhật giã từ người yêu tại sân ga, bến cảng, phi trường hay bất cứ nơi đâu, với dáng vẻ ngẩn ngơ, ánh mắt buồn bã dõi theo bước chân người ra đi cùng với bàn tay vẫy nhẹ. Hình ảnh đó phô diễn một cách rất chân tình và đầy ắp lãng mạn.

Còn người Việt Nam dù trai hay gái lúc từ giã, chia tay nhau thái độ thiếu hẳn vẻ mặn nồng, níu kéo… nhiều khi họ còn cười vui hay nói những câu đùa giỡn lúc chia tay. Tình cảm không sâu nặng rất ít tố chất của lãng mạn như người phụ nữ Nhật Bản, nhất là trong các cuộc giã từ đơn sơ, bình thường, chẳng hạn hẹn nhau vui chơi rồi chia tay để về nhà.

Hiện tượng nhạt nhẽo đó cũng có thể người Việt Nam chúng ta quá thực tế mà không tìm hay không cảm được những cái đẹp, cái đa mê, tiếc rẻ khi phải xa nhau như người Nhật. Nhưng cũng có thể người Việt Nam chúng ta đã sinh ra và lớn lên không qua một môi trường giáo dục kỹ lưỡng, tế nhị như ở học đường cũng như trong gia đình của người Nhật. Nếu ai sống, làm việc, nhất là liên hệ thân thiết với gia đình Nhật Bản sẽ nhìn thấy người mẹ cũng như thầy cô giáo luôn luôn chỉ dậy đứa bé biểu lộ sự níu kéo khi giã từ bạn bè ngay từ khi chúng 3, 4 tuổi từ khi vào mẫu giáo. Đứa bé phải biết vẫy tay, ra tận cửa tiễn bạn bè, cúi đầu chào, nói những câu từ giã, níu kéo, tiếc rẻ khi người quen hay bạn của mình phải rời xa.

Nói như thế, không có nghĩa là sự giã biệt của Việt Nam chúng ta quá hời hợt, không có chiều sâu tình cảm trong những cuộc chia tay trong tình yêu trai gái. Theo nhận xét của tôi thì vẫn có những trường hợp ngoại lệ, khác biệt theo từng cá nhân để có những hành động diễn tả sự giã từ trong tình yêu rất lãng mạn, rất xúc tích tình cảm. Nhưng phải công nhận đó là những trường hợp khá tách biệt, mang tính riêng biệt cho từng cá nhân tuỳ theo cảm ứng về lãng mạn của họ chứ không phát sinh do nền giáo dục mang lại như tại Nhật Bản.

Cá nhân tôi quen biết một cặp tình nhân, người con trai phải đi làm xa, chỉ vào dịp lễ nghỉ hay cuối năm anh ta mới có dịp trở lại sống và gặp được người yêu. Mỗi lần tiễn đưa anh ta tại phi trường, cô gái đều mang cho người con trai những ngạc nhiên rất cảm động. Có khi cô ta nhét vào túi áo anh ta một lá thư và nói nhỏ bên tai anh ta:

-Khi lên máy bay, anh hãy đọc nó nhe!

Đúng như lời dặn, người con trai sau khi yên định trên máy bay anh ta mới lấy lá thư của người yêu ra đọc. Một lá thư kể lể những thiếu sót, những lỗi lầm và cả tiếc rẻ của cô gái đã làm cho anh ta buồn, không vui trong lần gặp vừa qua và dĩ nhiên cũng kể lể với anh ta nhưng ngọt bùi khó quên của những ngày bên nhau. Một lần khác, không phải là một lá thư mà là một cái CD nho nhỏ bằng nửa bàn tay, một bản nhạc “Tiễn đưa“ và một mảnh giấy nhỏ với vài câu hát:

Chiều nay mấy giờ người ra phi cảng? Mấy giờ người khuất trong ngàn cây? Đời buồn tênh sao không đi bằng xe ngựa?

Chiều nay mấy giờ người đi vào chân mây? Tôi đứng nơi này sao cho người ngó thấy ! Tình còn đọng trong một bàn tay vẫy, tội tình gì ta không vẫy tay chào!

Tôi là núi sao người đành bỏ núi, tôi là thuyền sao người không sang sông? Tôi là nhịp cầu sao người không bước tới?

Nhạc khúc tình yêu rung suốt cả đời tôi, người đi rồi tôi một mình ngồi lại ! Một mình tôi trong gác vắng mênh mông, xin hãy tắt giùm tôi ánh điện ! Tiễn đưa một lần, buồn ơi đến bao giờ ?

Hẹn hò tại Nhật Bản

Có lẽ với người phụ nữ Nhật Bản, một trong những điều hạnh phúc và tự hào nhất trong đời của họ đó là có một gia đình hạnh phúc, một người chồng qua một mối tình đem lại (rei-ai ), không phải qua dạng giới thiệu (mi-ai). Trong thời gian yêu nhau đó những cuộc hẹn hò (de-to) là một trong những thể cách mà người phụ nữ Nhật sung sướng và tự hào nhất.

Với bất cứ ai sống ở Nhật đều không lạ lùng khi nhìn thấy những cô gái Nhật trong những chiếc jupe thời trang và dĩ nhiên cặp má, đôi môi của cô ta cũng phải phớt tí mầu hồng, có thể cô ta đứng trước sân ga, một giao điểm trong đại sảnh của nhà ga hay một góc nào đó gần một cửa hàng danh tiếng… dĩ nhiên cũng có thể là một bến xe bus hay trong một quán cà phê.

Thỉnh thoảng cô gái dướn người lên đưa mắt nhìn xa xa về một góc đường đông người đang bận rộn di chuyển về hướng cô ta, mong nhìn thấy người mình hẹn hò, ngóng đợi. Nếu ngẫu nhiên mà có một người bạn gái nào đó nhìn thấy cô ta, cô ta và người bạn gái chào nhau và chỉ nói vài ba lời rồi từ giã. Nhưng nếu chú ý người ta sẽ thấy, trên khuôn mặt của cô ta kín đáo hiện ra một niềm vui, sự tự hào vì mình đang chờ đợi hẹn hò (de-to) một người yêu.

Rồi khi người con trai đến, cô gái không giấu giếm vui mừng với nụ cười trọn vẹn, bước vội đến trước mặt anh ta cúi mình chào rất lễ độ. Dù cô ta có đến nơi hẹn trước 15, 20 hay hơn 30 phút , nhưng khi người con trai (rất chính xác hay hơi muộn tí chút so với giờ hẹn )nói câu xin lỗi vì đến trễ hay làm cho cô ta phải đợi chờ… nhưng cô gái vẫn vui vẻ nói một câu:

-Em cũng vừa mới đến một vài phút mà thôi (lời nói giối lịch sự và rất dễ thương của người phụ nữ Nhật!)

Đúng như vậy, hẹn hò ở nơi đâu cũng vậy, gần như bao giờ người phụ nữ Nhật cũng đến trước và đợi chờ ( không phải BỊ mà là họ MUỐN như vậy!) . Ngay như hẹn hò trong quán nước, tiệm ăn cũng vậy người phụ nữ gần như luôn luôn đến trước và chuyện “giúp đỡ“ người con trai như rót rượu, quấy đường hay lau đôi đũa cho bạn trai hình như vẫn là việc mà người phụ nữ Nhật rất thích làm cho người yêu của họ thì phải.

Đó là người phụ nữ Nhật, còn người con trai Nhật thì khác hoàn toàn. Tánh thụ động, im lặng (đôi khi họ ra vẻ chờ đợi) người phụ nữ cung phụng cho mình, đó  là thói quen và gần như là chuyện phải có ( nhất là trong thời gian yêu nhau ). Còn hò hẹn thì chuyện đến chỗ hẹn trước và chờ đợi coi như là chuyện của các cô gái vì các cô thích và tự hào vì “de-to“!

Trong trường hợp người con trai đến trước, cuộc hò hẹn lại có một dạng thức mới. Người con trai không đứng chỗ hẹn mà lang thang ở nơi nào đó chờ đúng giờ hẹn mới đến, nhưng anh ta không đứng đợi nếu người con gái chưa đến! Rất có thể anh ta sẽ vào một tiệm bán sách báo, đồ tặng … giả vờ coi hàng nhưng thỉnh thoảng nhìn đến chỗ hẹn  khi thấy người bạn gái đã đến rồi anh ta mới thủng thẳng đi đến chỗ hẹn.

(Hình minh họa: Imam Fadly/Unsplash)

Hẹn hò tại Việt Nam

Đúng như vậy, hẹn hò trong tình yêu của xã hội Nhật có lẽ khác, rất khác so với Tây phương nhất là với các cô gái Việt. Đúng như vậy ở Việt Nam hẹn hò với người con trai là một cái khoái cảm trong đau thương (mà chúng tôi thường nói với nhau là “cái thú đau thương“). Hình như người phụ nữ Việt trong hẹn hò lúc còn là bạn tình yêu thường giữ khoảng cách với người con trai quá đáng (?!). Cũng có thể họ kín đáo (nếu không muốn nói là che dấu) tình cảm vui mừng, thích thú của họ quá mức khi gặp được người yêu. Đã thế rất nhiều người còn coi việc sai hẹn, không đến hay chậm trễ đến chỗ hẹn như là một cách thức làm tăng giá trị của mình với người yêu.

Với hoàn cảnh và cá tinh của người phụ nữ Việt như vậy, người con trai dĩ nhiên là chẳng ai vui lòng nhưng trong trạng huống gần như quá bình thường như vậy, họ cũng đành coi đó là một thử thách, một thái độ chiều chuộng người mình yêu (không chiều thì làm sao đây, đúng là cái thú đau thương!) Ngay như trong văn chương, cái cảnh thất hẹn của phụ nữ Việt xảy ra quá nhiều:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé

Để lòng buồn, tôi dạo khắp trong sân

Ngó trên tay, điều thuốc cháy lui dần…

Tôi nói khẽ gướm sao mà nhớ thế !

(Hồ Dzếnh)

Cũng vậy, Nguyên Sa cũng phải dài cổ ra chờ đợi nhưng vẫn chưa chắc người mình yêu, hẹn hò sẽ đến:

Tôi đợi em từ 8 giờ, bây giờ đã 9, có lẽ đã 9 giờ năm phút.

Tôi không đếm thời gian bằng đôi mắt say mê của một kẻ biển lận đếm bạc vàng rồi cất vào tủ sắt. Nhưng chắc em biết rằng thời gian đợi chờ, đợi chờ một người yêu, bao giờ cũng trôi qua rất chậm.

Tôi đứng hỏi thầm, em đến hay không đến?

Tôi mong rằng em sẽ đến, nhưng cũng chắc là không.

Rồi trong lúc đợi chờ, ngóng trông đó, kẻ tình si có quá đủ thời gian để vẽ ra một viễn tượng đẹp đẽ nếu người yêu đến chốn hẹn hò:

Tôi sẽ đưa em đi vào những con đường xa thẳm.

Tôi sẽ đưa em đi trên những bờ sông, không có thuyền, không có xe, chỉ có những ngón tay yêu đương lồng vào nhau tìm phương hướng.

Em có thể đến đây với đôi giầy cao gót để tôi tưởng mình em vóc hạc. Nhưng nếu em vội vã thì cứ đi chân không. Tôi sẽ không quên bọc mười đầu ngón chân em bằng tất cả tâm hồn say đắm yêu em.

Tôi mời em đi ngay, không cần lấy vé,

Không phải đợi chờ vì điều kiện du hành là những ngón tay lồng vào nhau và tâm hồn đừng đơn chiếc. Còn nếu cần thì tôi sẽ làm người bán vé, nhưng tôi sẽ không quên làm người đồng hành duy nhất để đưa em đi. Và tôi cũng làm người lái tàu để không ai được dự phần vào câu chuyện của đôi ta.

Vé tàu có thể là những lá thư xanh, tàu là gian nhà rất nhỏ, nhưng mỗi ga tàu chắc chắn là những chiếc hôn nồng cháy cuộc đời.

Nhưng đó cũng chỉ là chữ nếu, chữ nếu khi cô gái, người yêu của thi sĩ đến nơi hẹn hò (dù đến muộn), còn không thì nhà thơ cũng vẫn chẳng có lý do gì để buồn phiền mà còn lo lắng cho người yêu với những trận mưa hiu hắt:

Còn nếu như em không đến, em không đến tôi cũng chả dám giận hờn em.

Em hãy ở lại nhà, đóng chặt cửa sổ kẻo mưa hiu hắt, kéo chăn trùm kín cổ, kẻo gió lùa về làm lạnh những giấc mơ êm.

Em đến hay không đến?

Tôi sẽ đợi chờ trong mưa mà không dám giận hờn trách móc em đâu.

Em không đến thì tôi lại ra đi. Tôi sẽ cười vang và nghe núi vọng tiếng cười vang.

Phải, em không đến thì tôi lại ra đi. Nhưng dù chỉ còn một phút giây chờ đợi trong mưa, tôi vẫn hỏi thầm âu yếm: “Em có đến không? Em có đến với cuộc đời?”

Rồi trong một trang báo nào đó, tôi cũng gặp một anh chàng PDT, cũng là một kẻ điên mê vì hò hẹn, anh chàng đã đạt đến một “cường độ mới “ trong hò hẹn, đó là anh ta yêu cầu cô gái cứ hẹn giả vờ cho anh ta ngóng đợi, anh ta không giận dỗi dù phải đợi chờ cho đến lúc bạc đầu:

Đường tình yêu với muôn ngàn xa cách

Chẳng dễ gì ta đến được với nhau

Hẹn vờ thôi như xưa ấy lần đầu

Anh vẫn đợi mà không hề giận dỗi

Mãi chờ em dẫu cho có bạc đầu.

Viết đến đây, tôi tự hỏi tôi đã quá khắt khe với người phụ nữ Việt chăng? Thực tế trong kho văn chương chữ nghĩa của Việt Nam có biết bao nhiêu mối tình rất son sắt dù chứa đầy nước mắt đau buồn mà người phụ nữ Việt đã diễn tả lòng chung thuỷ đợi chờ, hứa hẹn trong tình yêu của họ đến mức tuyệt vời, như trong các tác phẩm: Thiếu Phụ Nam Sương, Hòn Vọng Phu, Chinh Phụ Ngâm…

Đó không phải là những bóng dáng tuyệt vời, đáng tôn vinh phụ nữ Việt sao? Trong văn thơ mới cũng có thiếu gì đâu những cảnh hẹn hò mà người phụ nữ hiện ra như một kẻ đa tình, đầy chất lãng mạn, thi ca:

 Chỉ tại anh, nên hôm nay dậy muộn

Sáng thứ hai bỏ mất một giờ đầu

Bốn “công si“ cô giáo già ác gớm

Còn bắt em chép phạt mấy trăm câu

Ngày thứ tám em vào ngồi chép phạt

Mấy trăm câu mà viết mãi chẳng xong

Bà giám thị cầm giấy lên chỉ thấy

Chúa nhật này trẫm có nhớ ái khanh không?

Nhất Tuấn

Công-si: Mộtt lối phạt tại các trường công lập, học trò bị phạt đến trường ngày Chúa Nhật để làm việc gì đó (chép phạt, làm bài tập…) mà nôm na gọi là “Đi học Chúa Nhật“ do một vị giám thị trong coi thường vào buổi sáng.

Dĩ nhiên bài viết này là những cảm nhận từ tí chút trải nhiệm của tôi, không có gì để nói là tuyệt đối chính xác, nhưng với những trải nhiệm trong những năm tháng sống, làm việc tại Việt Nam cũng như Nhật Bản… tôi vẫn có niềm tin là những cảm nhận của mình phải có những điều đáng để cho ai tò mò suy ngẫm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo